Wednesday, January 22, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Một Giáo Pháp lớn mạnh thì cần sự hổ trợ của những gì làm căn bản?

Hỏi: Một Giáo Pháp lớn mạnh thì cần sự hổ trợ của những gì làm căn bản?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 13-1-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Cây càng cao càng lớn thì rễ của nó càng sâu càng rộng nó mới có thể chịu được. Điều này rất dễ hiểu là thiên nhiên có những luật bù trừ.

 Trên phương diện rễ cây các nhà thực vật học cho chúng ta biết rằng có ba loại rễ:
Một là rễ cọc tức là rễ cái đâm sâu xuống lòng đất.
Hai là rễ bàng, rễ bàng là loại rễ lan rộng ra chung quanh, như là chúng ta được biết là một loại cây rễ bàng thường mọc tương đương với tàng, tàng chu vi rộng bao nhiêu thì thường rễ cũng mọc ra bấy nhiêu để giữ cây đứng vững. Thành ra loại rễ bàng là loại rễ mọc ngang. Và có nhiều trong khi rễ cọc thì đâm thẳng xuống lòng đất chỉ có rễ cái và một vài cái rễ nhỏ. 
Ba là chúng ta cũng biết có một loại rễ khác là loại rễ chùm tức là nhiều rễ nhỏ không lớn nhưng  nó là một hệ thống rất chặc chẽ bám vào đất.

Thì dù là rễ chùm hay rễ cọc hay rễ bàng thì có một điều chắc chắn rằng hễ cây càng cao nó chịu sức gió càng nhiều, nó chịu sức nặng của cây càng nhiều thì phần rễ nó phải chắc chắn.

 Khi nãy TT Tuệ Siêu có một thắc mắc là TT đào những cây sala ở chùa thấy rễ không lớn thì chuyện đó rất là dễ hiểu là bởi vì những cây sala ở chùa thì không lâu năm và ngoài chuyện không lâu năm thì cây của chúng ta tương đối ít. Nhiều vùng đất chúng tôi đi qua gặp có những cây sala lớn có thể mười người ôm cũng không hết như ở miền Trung Ấn và đặc biệt là từ chung quanh lưu vực sông Hằng đổ dài lên rặng Hi Mã Lạp Sơn có những rừng sala và người ta dùng sala này để làm nhiều thứ kể cả làm nhang làm trầm và cây sala và một vài loại được sử dụng làm thực phẩm chúng tôi có dịp sẽ nói với qúi vị nhưng mà cây sala thật sự rất cao lớn.
Bây giờ, ý nghĩa chúng ta đề cập đến tại đây cũng là một điều mà tất cả người Phật tử nên biết đó là, ở một đạo quả hay tu tập thành tựu cao thì ngay trong chiều sâu mà chiều sâu ở đây được ví dụ như cái cây nó phải là một cây càng cao thì rễ phải càng sâu càng rộng càng chắc mới chịu được. 

Về điều này chúng ta có hai cách hiểu: một cách hiểu như trong bài kinh này đề cập đến đạo quả nhưng cũng có cách hiểu khác theo thường thức ở bên ngoài là ở cương vị nào thì chúng ta cần được đào tạo một cách đầy đủ. Sở dĩ ngày xưa Phật Giáo được phát triển một cách rất mạnh mẽ tại các quốc gia quốc giáo, lý do rất đơn giản là thời đó sự giáo dục ở trong chùa là sự giáo dục tốt nhất, chùa là trung tâm văn hóa và chùa là trung tâm giáo dục tại  vì những nhà Sư là những người uyên bác nhất về phương diện ngôn ngữ và nhiều môn học thuật khác. Tại Thái Lan cách đây 100 năm thì chùa chiền vẫn còn đóng một vai trò chủ chốt trên phương diện giáo dục, người ta muốn học thật cao người ta muốn đi xa hơn trong lãnh vực giáo dục thì họ vào chùa. Nói một cách khác thì sự giáo dục sự đào tạo phải tương xứng với nhu cầu của thời đại.

Có một vài thí dụ chúng tôi nói ở tại đây mà chúng ta không thể không suy nghĩ. 

1. Tại những thành phố của Hoa Kỳ phát triển về kỹ nghệ như là Sillicon Valley hay là Austin Texas v.v... thì không thể là nơi thiếu những trường đại học về kỹ thuật. Người Hoa Kỳ cũng như người Âu Châu nói chung các quốc gia trên thế giới ngày nay người ta cho thấy rằng bất cứ sự phát triển ở mức độ nào thì đều cần có những nhân sự được đào tạo trong môi trường đó, đặc biệt là các trường đại học  là  ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục. 

2. Dĩ nhiên, có nhiều người nói rằng "ngành giáo dục Việt Nam người ta học ra trường nhiều nhưng lại thất nghiệp" cơ hồ như điều chúng ta đang nói là một điều không thể áp dụng ở Việt Nam được. Kỳ thật, không phải nền giáo dục Việt Nam sản xuất quá nhiều nhân tài mà không có chỗ dùng chính, nếu chúng ta đọc vào những bản báo cáo thì Việt Nam rất thiếu những chuyên gia, chúng ta có nhiều người có bằng cấp nhưng chúng ta không có nhiều những chuyên gia, các bằng cấp ở đây tức là người ta cố gắng học để ra trường, chúng tôi gặp rất nhiều vị đỗ đạt có bằng cấp nhưng mà rồi cái bằng cấp của các vị đó cho có học vị thôi, các vị không phải là những người thật sự có chuyên môn về lãnh vực gì đó, và do không có chuyên môn  các vị không có cống hiến gì cho xuất sắc. Điều này chúng ta phải nhìn nhận ngày nay người ta có khuynh hướng là dùng bằng cấp như cách để điểm trang để tăng giá trị của mình. Nhưng kỳ thực, cái giá trị chính của một nền giáo dục là có đào tạo những chuyên gia những người thật sự giỏi và thông hiểu về lãnh vực gì đó.

3. Một thí dụ thứ ba chúng tôi muốn nói tại đây là. 
Thứ nhất, người Ky Tô giáo, chúng ta nói cả hai Tin Lành và Thiên chúa giáo mà ngày nay những đạo như Jésus Christ họ có một sách lượt để  truyền đạo bằng cách là họ đến những vùng đất lạ xây dựng những hoạt động mà khả dĩ có thể đem người ta đến gần với đạo họ, ba lãnh vực mà thật sự rất dễ tiếp cận với người địa phương; thứ nhất là bệnh viện, khi người ta bệnh thì người ta vào trong bệnh viện và bệnh viện nào có bác sĩ tốt thì họ đến chứ thật sự là họ không có quan trọng bệnh viện đó là bệnh viện đạo này hay đạo kia. Thành ra qúi vị thấy ở bên xã hội Tây Phương như tại Hoa Kỳ 80% những bệnh viện nằm trong tay những giáo hội, ở đây chúng ta có những bệnh viện của.Methodist, Paptist. và bệnh viện của Catholic, những bệnh viện đó rất là nhiều. 

Và phương pháp tiếp cận thứ hai đó là giáo dục hay trường học, những người Ky tô giáo họ đã truyền đạo qua các quốc gia nghèo mà khác đạo bằng cách mở những trường học và họ nâng phẩm chất giáo dục ở những trường học này bằng cách dạy sinh ngữ. Thí dụ ngày xưa người Việt Nam muốn học ngoại ngữ phải đến trường Pháp hay sau này có những trường của hội Việt Mỹ. Những chương trình giáo dục của họ  thì tương đối tốt cập nhật và có giá trị. Những trường đạo thường có giá trị trong khi trường phổ thông thì giá trị không bằng những trường đạo, đó là đầu tư thứ hai.

Và đầu tư thứ ba mà chúng ta thấy đó là, họ đầu tư vào những cơ quan từ thiện như là những trại cùi hay là những tổ chức cứu tế chẳng hạn. 

Nói về ba lãnh vực này: y tế, giáo dục, từ thiện, thì để có thể làm những chuyện đó người ta cần có những cán sự có những cán bộ những chuyên gia. Ở trong cộng đồng Phật giáo không phải là thiếu chuyên gia nhưng chúng tôi sống ở tại Mỹ này phần lớn những người Phật tử giỏi về ngành nào đó thì không ở lại làm việc với Phật giáo họ đi làm việc cho người Mỹ cho những tôn  giáo khác, khi cần đến truyền thông cần đến giáo dục cần đến y tế thì hầu như rất khó để kiếm người. Một lý do thành công của công việc truyền đạo của Ky tô giáo trong những vùng đất xa lạ là phải nói rằng họ có đào tạo đủ những chuyên gia về lãnh vực này. Không nên mở một trường học mà thiếu những chuyên gia về giáo dục, không thể mở một bệnh viện mà thiếu chuyên gia về y tế về quản trị y tế. 

Thành ra, cây cao tàng lớn thì nó cần rễ nhiều. Ngày nay, sự đào tạo giáo dục ở trong Phật giáo ở trong các ngôi chùa quá yếu. Có rất nhiều người chỉ đến chùa năm ba ngày đắp y lên rồi trở thành vị tu sĩ mà vị đó hoàn toàn không được đào tạo không biết gì hết hay biết rất ít. Và ngày nay phải nhận rằng đa số trình độ của các vị tăng sĩ những vị tu sĩ Phật Giáo thì kém so với mức  độ ở ngoài đời. Điều đó, chúng ta đừng ngạc nhiên tại sao Phật giáo suy thoái, vì chúng ta thiếu sự đào tạo. Chúng tôi có được nghe một số qúi Thầy nói rằng ở ngoài Huế ngày xưa khi nói đến chữ nghĩa, ngày xưa chữ nghĩa là quan trọng, thí dụ như họ cần chữ Hán, Tứ Thư Ngũ kinh hay gì đó thì thật sự chữ nghĩa của ngoài đời đối với qúi Thầy thì thua xa lắm, họ cần họ phải lên chùa, họ phải áo dài khăn đống lên chùa để hỏi qúi Thầy, và ngày xưa người Huế mà cần về nghi lễ thì phải hỏi qúi Thầy, họ cần về sách vở họ cũng hỏi qúi Thầy, tại qúi Thầy ở trong chùa giỏi về những điều đó. 

Chúng tôi biết là các quốc gia Phật giáo ở thời nào đó trong quá khứ thì cơ sở giáo dục ở trong chùa có giá trị hơn ở bên ngoài. Tại Thái Lan ngày nay người ta vẫn còn cố gắng giữ những đại học như đại học Chulahomklao, đại học Mahidol, hay là đại học Thammasat còn gần gủi với Phật giáo. Những đại học có tánh cách nhân văn còn thì Phật Giáo còn, những đại học kỹ thuật thì đã dần dà vuột khỏi tầm tay của Phật Giáo để đi ra bên ngoài trở thành một ngành hoàn toàn về thế học.

 Thì nếu chúng ta là người Phật tử mà thật sự thương Phật Pháp thương đạo muốn Phật Pháp trường tồn thì chúng ta không có một cách nào khác là chúng ta phải theo con đường tự đào tạo và hướng đến sự xây dựng một nền giáo dục của Phật Giáo. Tự đào tạo ở tại đây là bản thân của chúng ta phải được trang bị tốt kiến thức của Phật Pháp, chúng ta không thể nào đi hoằng pháp mà chúng ta không biết gì về Phật Pháp, chúng ta không thể nào làm việc đạo mà chúng ta không hiểu về chuyện đạo.Vấn đề của chúng ta bây giờ là mỗi lần họp lại gặp qúi Phật tử mà nói chuyện về hoằng Pháp thì họ nói chuyện xây chùa nhưng thật ra sự đầu tư của chúng ta về giáo dục không có bao nhiêu, có bao nhiêu người Phật tử, có bao nhiêu Chư Tăng thật sự tha thiết bỏ thì giờ cho việc học hiểu Phật Pháp? Nói cho cùng thì sự giáo dục và sự đào tạo là mạng mạch của Phật giáo, Phật Giáo có trường tồn hay không là ở đó.

 Đức Phật Ngài dạy rằng Phật Pháp mà suy tàn là do sự thiếu hiểu biết về Phật Pháp của các vị tỳ kheo, một lúc nào đó người ta sẽ thấy rằng Phật Pháp quan trọng. Chúng ta đến một phương trời nào làm bất cứ việc gì thì Phật Pháp vẫn là cốt lõi của chúng ta. Nếu chúng ta không nắm vững chúng ta không có hiểu biết rõ về Phật Pháp thì thật sự cho dù chúng ta xây được những ngôi chùa rất nguy nga chúng ta có thể làm những đại lễ rất lớn thì Phật giáo cũng không phát triển được. 

Vì vậy chúng ta phải chịu khó rất là chịu khó để làm sao thắp sáng được ánh sáng của Phật Pháp, Tam Tạng phải là cơ sở của chúng ta và kinh điển Phật Pháp phải là một cảnh giới mà tất cả chúng ta cùng sống cùng chia sẻ. Chứ không phải là chuyện mình xây dựng được công trình này công trình khác, làm nên tổ chức này hay tổ chức khác, chúng ta đang rơi vào trong tình trạng suy thoái tại vì cái nền giáo dục đào tạo khiến cho chúng ta khó có thể bắt kịp được với nhu cầu ở bên ngoài.

Chúng tôi nhớ là có một sự việc mà ngày hôm nay khi nhìn lại thì chúng tôi nhìn lại với tất cả sự cảm kích đó là Sư Trưởng khi còn trẻ lúc đó Sư Trưởng có một hoài bảo là làm sao nuôi dưỡng những giới tử những vị sadi nhỏ mà không phải nuôi trong chùa để có mặc y để có hình bóng đi tới đi lui mà còn học Phật Pháp và kết quả thì thật sự nỗ lực đó có đơm hoa kết trái. Chúng ta phải nói một điều rằng nếu sự đào tạo Chư Tăng để cho có hình bóng nhà Sư đi tới đi lui thì Phật Pháp đã suy thoái. Điểm quan trọng làm sao mỗi một vị xuất gia mỗi một vị cư sĩ thấy được chuyện học Phật Pháp là chuyện quan trọng, chuyện hiểu biết Phật Pháp là một trong những yếu tố quan trọng nhất để chúng ta duy trì được Phật Pháp.

Và bây giờ, ở trong thời đại này, ở tất cả mọi lãnh vực từ thương mại đến kỹ thuật đến văn hóa lãnh vực nào cũng vậy, dù là nhân văn hay là kỹ thuật, thì những người được học được đào tạo trong lãnh vực đó vẫn đóng vai trò then chốt ở trong việc phát huy và đi tới. Còn nếu sự giáo dục mà chúng ta thiếu thì chúng ta có vấn đề. 

Nên chúng tôi rất kỳ vọng, kỳ vọng một điều rằng trong thời gian tới ở trong hàng ngũ Phật Giáo hàng năm như vậy chúng ta có những chương trình ít nhất là mươi ngày, ở trong mươi ngày đó Chư Tăng và Phật tử cùng hẹn với nhau về ở một nơi nào đó tập trung lại chúng ta có một chương trình có tu có học có thuyết giảng có hướng dẫn. Và làm thế nào mà những chương trình này có được một gía trị tương đương như sự tu nghiệp của bên ngoài. Nghĩa là nó cung ứng cho Chư Tăng và Phật tử xa gần những thông tin thật sự mới, thật sự cập nhật về những phương pháp làm việc, những phương pháp truyền thông, và đặc biệt là phương pháp học hỏi nghiên cứu Phật Giáo.

Và bây giờ, cũng trong thời gian quần tụ với nhau như vậy thì chúng ta có dịp thắp sáng và thấy rằng Phật Pháp vẫn cơ sở chính của tất cả chúng ta. Thật ra, nếu chúng ta không có đầu tư nhiều về phương diện này thì càng ngày phải nhận rằng chúng ta càng sa sút. Một người Phật tử Việt Nam bình thường mà hỏi về lịch sử của Đức Phật những nét chính thôi thì chúng ta đã lọng cọng chúng ta bối rối lắm đừng nói chi là những chi tiết. Nếu chúng ta không được đào tạo, nếu chúng ta không được hấp thụ, nếu chúng ta không có được một kế hoạch rõ ràng thì chúng ta khó có được những nhân sự tốt và những nhân sự này khả dĩ có thể gánh vác được công việc của Giáo Hội. 

Nhìn lại từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế cho đến ngày hôm nay thì con đường hoằng pháp của Đạo Phật là con đường giáo dục, khi nói đến giáo dục đó là sự chuyển hóa bằng sự hướng dẫn bằng sự hấp thụ bằng sự trưởng thành ở trong sự hiểu biết chứ không phải là con đường khác là nói đến sự giáo dục không phải tới ngày lễ rồi chúng ta thỉnh ba hồi chuông rồi mọi người lên tụng một thời kinh nói một bài pháp như vậy là giáo dục.

Có Phật tử đi chùa có nhiều khi cả mươi năm mà chưa biết nên thờ Phật như thế nào đúng nghĩa người Phật tử. Có Phật tử đi chùa cả cuộc đời mà khi nói đến chuyện nhờ trời Phật nên con tôi mới ra trường mới học được bằng này bằng kia. Có Phật tử có nhiều khi đi chùa cả đời mà khi cha mẹ mất cũng không biết là nên làm cái gì thật sự cho cha mẹ mà chỉ biết bỏ ra rất nhiều tiền lo những hình thức có tánh cách là tín ngưỡng nhân gian ở bên ngoài thôi. 

Chúng ta nên thấy được những điều đó, chúng ta nên đặt lại vấn đề đó và để chúng ta có thể làm được việc này thì hơn bao giờ hết tất cả chúng ta phải một cách nghiêm túc đặt trọng tâm lại. Cũng giống như thí dụ ngày hôm nay "cây càng lớn thì rễ phải sâu phải rộng, rễ phải đủ bám chặt vào lòng đất" không có một loại cây nào to lớn mà rễ lại nhỏ. Ví dụ như chúng ta nói ở Bắc California có rừng Redwơod chẳng hạn hay là có những loại cây giant swquoia  có thể cao ba bốn chục thước. Thì luôn luôn những cây đó cần rễ rất chắc bám chặc vào lòng đất và rễ đó chính là sự giáo dục, chính là tri kiến tức là kiến thức. Và kiến thức ở đây là kiến thức chân thật.

 Thì chúng tôi mạo muội dành ít thì giờ của lớp học này để nói lên một sự việc là không phải chỉ trên phương diện tôn kính cá nhân mà trên phương diện phát triển cộng đồng Phật giáo thì chúng ta phải nhận và chúng ta phải thấy được rằng mình phải đầu tư nhiều hơn nữa vào phương diện giáo dục.

 Tại thành phố Houston mà chúng tôi đang ở, một điều chúng tôi thấy mỗi lần đi hành hương hay đi đâu người Phật tử Việt Nam thường rất hào sản để làm việc từ thiện xã hội, nghe nói có thiên tai bão lụt ở đâu thì cho rất nhiều tiền đó là một lãnh vực. Một lãnh vực thứ hai chúng ta rất năn nổ đó là xây chùa, đúc tượng. Nhưng trên phương diện đầu tư vào giáo dục trên đường dài của Phật giáo thì thật sự con số rất mảy may con số rất khiêm tốn. 

Chúng tôi lấy một ví dụ trong chương trình sinh hoạt của chúng ta ở tại đây, đây là một chương trình nhằm vào mục đích để làm thế nào mà Chư Tăng và Phật tử có thể gặp nhau mỗi ngày và chúng ta trao đổi, thì thật ra chúng tôi không có chủ trương hô hào nhiều kêu gọi nhiều nhưng sự quan tâm của qúi Phật tử đối với sinh hoạt của qúi giảng sư ở Việt Nam nó rất chừng mực chứ không nhiều như những chương trình khác. Bây giờ nếu chúng tôi gặp qúi Phật tử chúng tôi nói rằng qúi Phật tử làm sao để giúp chúng tôi đi cứu trợ ở Philippines thì qúi Phật tử phát tâm rất nhanh và rất nhiều và khi nói rằng làm sao để giúp Chư Tăng có tiền vào Net để sinh hoạt hàng ngày thì thật ra qúi vị cũng không biết Chư Tăng làm cái gì nữa. Thì việc mình sinh hoạt mang tánh cách giáo dục nó mang tánh cách tiện tiến nó chậm và không nổi trội không làm cho người ta thích thú. Tương tự như nói phát tâm để cúng dường một bình hoa trưng nơi bàn thờ Phật có thể ba bốn trăm Mỹ kim thì họ sẵn sàng phát tâm nhanh nhưng kêu gọi trồng cây vài ba chục đồng trồng cây để năm mười năm sau thì thật sự mình thấy không có hoan hỉ, trồng cây xuống thì nhìn thấy nó khiêm tốn quá, nhìn thấy nó dài lê thê quá, chúng ta nhìn thấy nó không có gì hấp dẫn bằng bỏ tiền ra làm bình hoa để trên bàn thờ Phật. Nhưng, chúng ta nên nhớ rằng mình không thể làm việc bằng cảm tính, mình không thể làm việc gì bằng sự vui buồn thích hay không thích mà mình nghĩ đến giá trị lâu dài. Cuộc sống của chúng ta thường bỏ rất nhiều tiền cho những hào nhoáng nhất thời nhưng đầu tư về dài về lâu thì chúng ta lại thiếu. Chính bản thân của mình đừng nói chi đến đạo  đừng nói đến những chuyện khác. 

Nhưng cái gì lâu dài thì rất cần sự quan tâm của chúng ta dù là trên phương diện sức khỏe mình ăn thế nào cho sức khỏe mình tốt, trên phương diện tinh thần mình làm sao để mình càng lớn tuổi đời sống tinh thần càng thanh thản hơn, mình đầu tư trên phương diện giáo dục làm sao bản thân mình và người khác biết nhiều về Phật Pháp hơn, được trang bị kiến thức Phật Pháp nhiều hơn. Những việc đó có tánh cách lâu dài và đôi khi thì chúng ta rất là hời hợt về những chuyện đó.

Nên điều Ngài Nāgasena giảng tại đây là cây cao lớn như cây Sala thì rễ phải vững chãi, rễ phải sâu, phải rậm, nó ăn sâu bám chặc vào lòng đất để chịu được thân cây to lớn. Thì tương tự như vậy, chúng ta đừng ngồi đó để cầu may, chúng ta đừng ngồi đó chờ đợi cái gì đó, mà chúng ta phải nhìn vấn đề một cách cụ thể là nếu không có được môi trường tốt thì bản thân của chúng ta phải tự đào tạo, nếu không có được điều kiện nào tốt, ít nhất trong chúng ta năm người ba người có thể gặp nhau và có thể cùng nhau chia sẻ những  giá trị tri kiến Phật Pháp. Chúng tôi nói điều này cho qúi Phật tử nghe mà thật sự trong lòng của chúng tôi rất hổ thẹn là đa số Chư Tăng ngày nay gặp nhau bàn về Phật Pháp rất ít, đa số là nặng về công việc hay nặng về những chuyện đâu đâu, chúng ta đầu tư vào chuyện tu học rất ít. Và ngay cả chuyện chúng tôi làm việc trong paltalk ở đây có nhiều khi các vị không ủng hộ mà các vị còn nói ra nói vào, các vị xem như chuyện mà mình làm tại đây là chuyện đùa chuyện chơi chuyện cho vui. 

Thì chúng tôi nói với quí vị ở đây để qúi vị hiểu: Hiện tình của chúng ta thật ra đáng quan ngại chứ không đơn giản như qúi vị nghĩ mình là người Phật tử mà nghĩ đến chuyện Phật Pháp thì chỉ nghĩ đến chuyện xây chùa nghĩ đến chuyện làm sao cho nó rình rang chỗ này chỗ kia, nhưng để ngồi xuống cùng nhau ôn, cùng nhau học, cùng nhau chiêm nghiệm về lời dạy của Đức Phật thì chúng ta không có bao nhiêu. Hình như chúng ta đang làm cái việc gọi là thả mồi bắt bóng. Hình như chúng ta đang chạy theo những điều hư ảo hơn là những giá trị chơn thật. 

Vì vậy chúng tôi rất là mong với bài học này tất cả chúng ta sẽ cùng nhau một lần nữa nhấn mạnh đến một giá trị là "bề nổi ở bên ngoài thì nó cần bề sâu ở bên trong, cái cây cao lớn thì cần rễ cho chắc". Tất cả chúng ta hãy đặt lại những giá trị nào thật  sự cần thiết thật sự là quan trọng đối với Phật Pháp ./.

No comments:

Post a Comment