Wednesday, January 15, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Câu chuyện về ngụ ngôn hạt giống

Hỏi: Câu chuyện về ngụ ngôn hạt giống

(Thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 12-1-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TTGiác Đẳng: Người Ấn Độ thường dùng câu chuyện ngụ ngôn mà chúng ta phải nghiền ngẫm rất nhiều trong cuộc đời sẽ tìm thấy những ý nghĩa rất thuần túy. Câu chuyện ngụ ngôn về hạt giống nhân hôm nay chúng ta nói về hạt giống chúng ta kể câu chuyện ngụ ngôn này.

Chuyện kể rằng: Một người cha khi sắp mất gọi ba người con đến bên, nói với ba người con rằng, "cuộc sống của cha đã đến ngày chấm dứt, đây là những gì cha có thể để lại cho các con sau bao nhiêu năm dành dụm. Ở đây, cha đã phân chia ra ba bồn lúa đồng đều và ba đứa con mỗi người được gia tài là một bồn lúa."  Hồi xưa mà được bồn lúa là một sản nghiệp lớn chứ không nhỏ. 

Sau khi người cha mất, người con trưởng nghĩ rằng: "Nhà mình cũng khá giả, mình muốn ăn sài cái gì lúc cha còn sống mình luôn luôn phải tiện tặn dè sẻn, và nếu không để ý một chút thì bị rày, bây giờ mình hãy vui chơi cho thoải mái". Chỉ một thời gian ngắn người con trưởng đã khánh tận vì không làm ra mà lại ăn chơi nhiều do đó bồn lúa thừa hưởng không còn nữa, người này trở thành người đi ăn xin.

Người con thứ hai, sau khi nhận được bồn lúa suy nghĩ rằng: "Ngày xưa cha còn sống mỗi năm có thu nhập có đồng vô đồng ra bây giờ với bồn lúa này mình chỉ có thể làm hao mòn từ từ chứ không thể làm thêm được do đó mình phải tiết kiệm". Và người con rất dè sẻn trong việc ăn sài. Người con thứ hai đã sống được nhiều năm với một cách sống rất tiện tặn nhưng người ta nói ngồi ăn không núi còn phải lệch, do đó thời gian sau nhiều năm người con thứ hai trở nên nghèo.

Người con thứ ba, sau khi nhận được bồn lúa của người cha để lại thì nghĩ rằng: "Bồn lúa này có lớn bao nhiêu đi nữa nhưng nếu mình muốn sống cho thật sự tốt thì phải đi theo con đường của cha mình là có chi thì có thu, có ăn thì phải có làm, có cho ra thì phải cho vào, thì như vậy mới tồn tại được nên người con đã bán đi một số lúa để tạo mãi một thửa ruộng và tinh cần siêng năng dùng thửa ruộng đó để canh tác, như vậy thì có đồng vô đồng ra và ngày càng khá hơn và có khả năng để nuôi cả hai người anh của mình.

Người Ấn Độ hay kể câu chuyện ngụ ngôn đó để nói rằng người sống ở trong cuộc đời phải có khả năng tái tạo, phải có khả năng vun công bồi đức, phải có khả năng để mình lấy  vốn làm lời, lấy lời làm vốn, và mở rộng khuyết trương công việc của mình. Đời sống của chúng ta nếu chúng ta nghe pháp chúng ta đọc kinh và chỉ dừng lại tại đó thì thật sự mình chỉ hưởng chứ không làm thêm.

 Tất cả chúng ta hãy đem những hạt giống lành trưởng dưỡng cho hạt giống được lớn mạnh và như vậy sẽ làm được lợi lạc cho đạo cho đời và cho bản thân của mình ./.

No comments:

Post a Comment