Saturday, January 18, 2014

Cái Dũng của Thánh Nhân - Cách phán đoán về sự đời

Cái Dũng của Thánh Nhân
Chương 12
Cách Phán Đoán Về Sự Đời
Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Cách phán đoán về sự đời hết sức quan hệ đến sự điềm tĩnh của ta. 
Người ta thường tưởng rằng: họa phúc, đều do ở ngoài mà đến. Cái đó lầm, là vì thế, người ta mới lo sợ. 
Nếu quả nghèo là khổ mà giàu là sướng, thì những người nghèo như Nhan Hồi, Socrate, đều là khổ hết hay sao, mà những bậc phú hữu tứ hải như Tần Thuỷ Hoàng, Napoléon đều là sướng nhất ở đời sao? 
Nếu bảo con là nợ, vợ là oan gia, thời sao đối với Socrate, có người vợ hung dữ như thế, ông lại cho là một cái phúc đối với ông, vì nhờ đó, ông điêu luyện được cái tính điềm đạm, thản nhiên đối với sự vật ở đời. 
Nếu những cái mà thiên hạ đồng cho là họa, như bần, tiện, bệnh, tử... đi lạc vào nhà bậc đại hiền như Trang Tử hay Epictète... thì cũng không làm gì cho mấy ông ấy nao lòng... 
"Người ta thường ví những sự nhỏ mọn không đâu, mà gây ra phiền não cho mình. Nếu ai cũng biết thản nhiên đối với sự vật, bình tâm mà xét thì sẽ thấy trăm việc đến cho mình, chín mươi việc không đáng bận lòng chút nào cả".
"Làm cho người phiền muộn, không phải là tự ở sự vật, chính là ở cái cách mà người ta phán đoán về sự vật. Như cái chết có gì gọi là đáng sợ đâu, nếu đáng sợ thì ông Socrate đã sợ; nhưng đáng sợ, là sự phán đoán rằng cái chết là đáng sợ. Như vậy thời mỗi khi ta buồn bực, bối rối, phiền não, ta đừng trách ai, chỉ trách ta, nghĩa là trách sự phán đoán của ta mà thôi". 
"Phải nhớ rằng: làm nhục cho mình, không phải là kẻ nó chửi mình, nó đánh mình, nhưng là tự mình phán đoán cho rằng nó làm nhục mình. Có kẻ nào làm cho mình giận dữ thì phải biết rằng chính sự phán đoán của mình nó làm cho mình giận dữ đấy". 
Sự vật như mảnh gương trong, nếu mình cười, thì nó trả cái cười lại cho mình; nếu mình khóc, nó trả cái khóc lại cho mình. 
Tôi thường tự hỏi: "Người đánh ta, giận ta, là tại người hay tại ta làm cho ta giận". Nhưng nếu ta biết người đánh ta là người điên, ta có còn giận người ấy nữa không? Chắc hẳn là không nếu ta là người biết xét. Trái lại, nếu ta biết người đánh ta là người tỉnh, thì ắt ta không khỏi phải nổi cơn giận dữ. 
Cũng một việc xảy đến cho ta, mà khi thì ta điềm tĩnh như thường, khi ta lại bực tức nóng giận. Tại nơi đâu? Có phải là tại nơi sự phán đoán của ta chăng? Tôi không thấy tại nơi ngoại vật chỗ nào cả. 
Mạnh Tử nói: "Người ta ở đời, đối với người mà gặp phải kẻ dữ với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại gỡ dần ra thôi. Gai góc kia có biết gì mà đáng giận? Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan... 
... Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không, lỡ đâu phải ta, như cơn gió dữ tự lỡ tạt nhầm ta. Ta nghĩ cho cùng có gì đáng giận". 
Cách Socrate xử với người vợ rất hung dữ của ông cũng như thế. Một khi kia, có bạn rủ đi sớm. Bà la lối gầm hét om sòm. Ông vẫn thản nhiên. Khi ông bước ra đi, bà lại đứng trên lầu đổ trút thau nước dơ lên đầu ông... Các bạn ông tỏ dấu bất bình phản đối... Ông cười và bảo: "Thì có gì lạ, hễ trời hết gầm, thì tới mưa". Ông thản nhiên trở vô thay áo. 
Một lần khác, ông mời các bạn dùng cơm tại nhà. Không biết có việc gì, bà vợ bưng cả đồ ăn (ông ăn ròng rau trái) quăng ra ngoài cửa sổ. 
Ông cũng như thường, tươi cười bảo: "Thì bà muốn chúng mình ra sân mát mẻ hơn". 
Quá sức tức tối, bà bèn vác chổi ra sân quơ luôn các đồ ông lượm sắp vô mâm, dĩa... Các bạn ông giận đỏ mặt, muốn gây sự. Ông biết trước đã nắm tay áo các ông bạn lại và ôn tồn bảo: "Ví dụ các anh em ta đang ngồi ăn, rủi bị một con gà mái nhảy xổ vào, làm văng cả bát đĩa. Các anh có đi gây sự với nó không?". 
Nếu một người khác gặp phải những trường hợp này, chắc chắn là đã mất cả sự điềm tĩnh rồi vậy.
Không phải tại nơi sự vật xảy đến cho ta, nó làm cho ta vui mừng hay giận dỗi, mà quả quyết là tại sự phán đoán của ta nó làm cho vui mừng hay giận dỗi mà thôi. 
Người trí là kẻ biết phân biệt trong đời những cái gì là định mạng, những cái gì là tự do, nghĩa là những cái gì không tùng ta, và những cái gì tùng ta. 
Không tùng ta như: sanh, tử, tai nạn, giàu, nghèo, sang, hèn,... Những điều ấy nó đến cho ta hoặc nó bỏ ta mà đi, ta không quyền cản trở nó được. Những điều người khác ban cho ta đặng, họ cũng có thể lấy lại đặng. Cái đó ta không cần phải quan tâm đến. Quan tâm đến nó, là làm nô lệ cho nó. Đã mất cả sự tự chủ của mình rồi. 
Tùng ta, là ý nghĩ và sự phán đoán của ta. Người ta chửi mình, đó là điều mình không thể cản đặng. Nhưng, vì thế mà cho là nhục, giận dỗi, bực tức; hoặc xem đó như không có, bình tĩnh thản nhiên, cái đó mới tùng mình thôi. 

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment