Tuesday, January 21, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Khi làm các thiện sự chúng ta có nên suy xét việc đó mang lại lợi ích cho mình và cho người không?

Hỏi: Khi làm các thiện sự chúng ta có nên suy xét việc đó mang lại lợi ích cho mình và cho người không?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiácĐẳng: Nói về nghiệp báo thì chúng ta  biết đó là một nguồn máy hết sức li chi phức tạp, nguồn máy đó có thể chúng ta không biết hết. Thí dụ, quí vị có thể lái xe mà không cần phải là thợ máy chuyên nghiệp, quí vị không thể biết li chi từng chút một. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết được một số nguyên tắc về bộ máy hoạt động, thì có thể là một tài xế được, có thể lái xe được, chớ không cần phải biết nhiều. Thì nghiệp cũng vậy, không cần chúng ta phải có Phật nhãn hay chúng ta phải có thiên nhãn thông, để chúng ta thấy được đầu mối của nhân này và quả kia, kiếp này và kiếp khác, nhân quá khứ, quả hiện tại, nhân hiện tại quả vị lai, chúng ta không cần biết nhiều như vậy. Nếu lúc làm việc gì chúng ta ghi nhận đâu là vui, đâu là buồn, đâu là trạng thái làm cho mình được an lạc và trạng thái làm cho mình đau khổ, thì lúc bấy giờ chúng ta có thể hiểu được việc mình làm có thích đáng hay không, và việc đó có nên làm hay không.

Người Trung Hoa và Ấn Độ có một số gởi gấm trong nền học thuật của họ liên quan đến kiếp người. Người Trung Hoa nói rằng nếu một người ở tuổi lão niên, tức là chúng ta nói trên 60 trở về sau này mà không học được chữ Nhàn, chữ Nhàn giống như trong Đạo Gia nói đến, thì người đó có thể xem như là người sống thiếu sự suy tư về cuộc sống của mình. Nghĩa là một con người đã uống cạn chung rượu đời, một con người đã đi gần đến nấm mộ để chôn mình mà người đó vẫn chưa ý thức được là mình vui hay khổ, thì điều đó là điều đáng tiếc lắm, rất là đáng tiếc.

Với người Phật tử trong hiện tại này chúng ta có thể nói một cách khẳng định rằng cho dù chúng ta có làm điều thiện đó có cực nhọc đến đâu, dù sự dấn thân của mình phải bắt buộc trả giá thế nào, thì chúng ta cũng đừng quên rằng, một việc làm mà có ý nghĩa thiện thật sự thì nó phải có những phần thưởng tinh thần, và trái lại nếu việc chúng ta làm chỉ mang lại cho chúng ta những phiền não thì chúng ta phải coi chừng, phải xét lại, đặc biệt là chúng ta phải xét lại những gì mình làm có mang lại hạnh phúc cho những người ở chung quanh chúng ta hay không.

Chúng ta nghe rất nhiều về Tứ Đế và trong đó Đức Phật dạy sự đau khổ là một tiền đề của chân lý. Chúng ta có thể gặp đau khổ để từ đó hiểu được cái gì nên làm, cái gì mang tánh cách cấp thiết phải giải quyết trong đời sống này. Thì ở đây, một lần nữa khổ đau do hạnh nghiệp bất thiện mang lại cũng là cả một đề tài. Chúng tôi nhớ cách đây khoảng chừng mươi năm, ở trong một tập sách mỏng như là một tập san, trong đó là có một bài viết của Hoà Thượng Minh Châu, Hoà Thượng có nói về Đạo Phật bắt đầu bằng một cảm thọ và chấm dứt bằng cảm thọ, chữ cảm thọ ở đây, tức là chúng ta nói nên những cảm giác của Khổ Lạc Ưu Hỷ Xả, và cái cảm thọ đó nếu chúng ta biết lắng nghe, biết ghi nhận thì chúng ta có thể thành tựu được những thiện pháp ở trong đời sống, những thăng tiến về mặt tâm linh và đây là đặc điểm rất quan trọng ở trong Phật Giáo.

Người Ky Tô Giáo thuờng nói đến một trạng thái là con người biết lắng nghe thượng đế, lắng nghe thượng đế ở đây tức là người đó có thể hiểu được thói hư tật xấu của mình qua sự quan sát lắng nghe ở niềm vui nỗi khổ, ở trạng thái thăng hoa hoặc là đọa lạc ở trong cuộc sống này. Thì, người Phật tử nói rất đơn giản, nếu chúng ta có một tâm tư nhạy bén với nỗi khổ đau của đời sống, nỗi khổ đau cố hữu như là nỗi khổ đau được diễn tả trong Tứ Đế, hoặc những khổ đau sầu muộn vốn do hạnh nghiệp mang lại. Chỉ chừng đó đủ là một ánh đuốt để soi đường cho mình đi. Nên nếu chúng ta không có, trong trường hợp chúng ta sống hoàn toàn chỉ phản ứng thôi, có nghĩa là chúng ta chỉ dành lộn thôi, tức là khi chúng ta vui, chúng ta buồn, chúng ta chỉ biết phản ứng thì đó là một điều hết sức đáng tiếc.

Đôi lúc phải ngồi để nhìn lại tại sao mình buồn, có thể buồn bởi vì mình đã tạo một việc bất thiện trong đời sống, hoặc phiền não nó nung nấu mình, sự hối hận đã tràn ngập v.v...Thì lúc đó chúng ta thấy thiếu vắng thiện pháp. Hãy xem thiện và bất thiện như là những chất liệu của đời sống, có những chất liệu làm cho đời sống này được hoan hỷ, được an lạc và có những chất liệu như những độc tố, nó làm cho đời sống bị tăm tối mù loà, bị nung nấu. Nói những điều này thì chúng ta phải nói rằng nó là cả một câu chuyện nhàm tai, và chúng ta nghe rất nhiều ở các tôn giáo, ở trong cuộc sống hàng ngày. Tuy vậy, nó cũng là một đề tài bị quên lãng nhiều nhất, bởi vì chúng ta không muốn suy nghĩ đến điều đó, mình chỉ muốn thoả mãn với cái vui, cái buồn của mình, chúng ta chỉ muốn chống trả mãnh liệt lại với những gì mà mình gọi là đau khổ, cái gì mà bất bình ở trong đó, chúng ta không chịu tìm ra cái nguyên nhân thật sự.

Nên chi giáo lý nhân quả cho chúng ta một nhân sinh quan khác, một nhân sinh quan sâu sắc khác khả dĩ cho chúng ta một ý thức, từ ý thức này mình mới có thể đi tới trên con đường giải thoát giác ngộ.

No comments:

Post a Comment