Saturday, January 25, 2014

Nên làm thiện với tâm như thế nào?

Hỏi:  Nên làm thiện với tâm như thế nào?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT.Giác Đẳng: Phật Giáo Nam Tông thường dùng chữ "Phát tâm trong sạch".  Ví dụ có một người phật tử đi chùa thấy một công việc Phật sự và vị đó phát tâm làm phước. Người thế gian thường gọi là mạnh thường quân tức là một vị hào sản. Người hào sản là người thấy việc nghĩa thì thích làm.  Đúng nghĩa của mạnh thường quân là tích truyện của một nhân vật đời chiến quốc, một người chiêu tiếp nồng hậu các bậc anh tài được gọi là mạnh thường quân. Một người làm phước trong đạo Phật thì không phải với tinh thần đó. Một người thấy một vị Tăng có tài nên phát tâm giúp đỡ như là một vị mạnh thường quân nhưng đó không phải là tinh thần của người Phật tử. Thông thường bên truyền thống Phật Giáo Nam Tông ảnh hưởng văn hoá kinh điển Pali nên người ta nói "phát tâm trong sạch". Chữ phát tâm trong sạch được hiểu là phát khởi thiện tâm. Đôi khi người ta bỏ luôn chữ phát tâm và chỉ nói  "trong sạch", thí dụ: "người đó trong sạch với vị nào đó", thì chữ trong sạch này được hiểu như là khởi thiện tâm với một vị nào. 

Tại sao tâm thiện gọi là tâm trong sạch? Trong A Tỳ Đàm thì tâm thiện là vô tham, vô sân, vô si. 
Vô tham là tâm không dính mắc,
 Vô sân thì được hiểu là tâm mát mẻ, 
Vô si thì được hiểu là tâm sáng suốt. 

Vô tham được ví như một trạng thái tâm làm và chỉ làm chứ không mong cầu, không đòi hỏi, 
Tâm vô sân là làm với tâm mát mẻ mong mang lại an lạc cho đời cho người, 
Và vô si là làm việc với tâm sáng suốt. 

Phẩm chất của sự trong sạch tương tựa như trong nhà của chúng ta vào một ngày cuối tuần hay một ngày nào đó được dọn dẹp sạch sẽ thì chúng ta cảm thấy rất thoải mái, hoặc giả chúng ta được tắm rửa sau một ngày làm việc, chúng ta thấy người khỏe khoắn, thật ra cảm giác đó là cảm giác sạch sẽ nên cảm thấy thoải mái. Thì chữ trong sạch mang lại cho đời sống dễ chịu như vậy. 

Trạng thái trong sạch của tâm thiện là trạng thái vô tham, vô sân và vô si nói lên một khía cạnh của thiện tâm hay là thiện pháp và khía cạnh này người nào thường sống với thiện tâm hay người nào có lắng nghe với chính mình thì lúc đó hiểu rằng tâm đó không giống như bất cứ tâm nào khác mà chúng ta có được trong đời sống bởi vì nó là chủ yếu của tâm trong sạch.

Chúng tôi muốn nói đến hiện tượng khác, một hiện tượng mang tính chất tâm lý, nhưng tâm lý hơi đặc biệt đó là hiện tượng của một người lúc sắp lâm chung. Trong kinh Phật một người sắp lâm chung họ có thể thấy một ở trong 3 điều mà chúng ta gọi là những giây phút cận tử. Họ có thể thấy kama tức là nghiệp của mình:

- Một người trước kia là một chiến sĩ xông pha ngoài trận mạc họ có thể thấy những trận đánh, hay một người chài lưới họ có thể nhớ lại hành động chài lưới của mình, hoặc giả một người tạo phước cúng dường họ nhớ lại những công việc của mình đã làm, những hình ảnh đó chúng ta gọi là nghiệp. 
- Có những người thấy nghiệp tướng như người đồ tể sắp chết thì lại nhớ đến con dao, một người nhậu nhẹt thì nhớ tới chai rượu hoặc giả người thầy giáo thì nhớ đến bảng đen phấn trắng v.v… nghiệp tướng là họ làm cái gì đó làm cho họ liên tưởng đến thứ đó thì gọi là nghiệp tướng. 
- Người ta còn thấy một thứ nữa gọi là sanh tướng hay thú tướng. Thú này không phải là loài vật mà là cảnh giới khi thọ sanh, chẳng hạn chúng ta nói thiện thú, ác thú - thú là cảnh giới tái sanh, thì cảnh giới tái sanh người ta có thể nhìn thấy chẳng hạn một người sắp mất nhìn thấy vú mẹ thì họ sanh làm người, hay họ thấy cảnh sông núi, nếu một người phải sanh vào địa ngục thì họ thấy lửa của địa ngục đang cháy phừng phừng, hoặc giả họ thấy được thiên cung thì họ sanh cõi trời.

Đức Phật Ngài thường giảng trong kinh là một người làm thiện thì thường để tâm vào việc làm, để tâm ở đây đạo Phật thường gọi là có đầy đủ tác ý suy tư trước khi làm, trong khi làm và sau khi làm, trong chữ Hán gọi đó là tư tiền, tư hiện, và tư hậu. 

Tư tiền hiện là với một người sắp làm lễ trai tăng mà người đó không chuẩn bị gì hết, chờ cho gần tới giờ chạy ra ngoài mua ít thực phẩm đem về dọn ra ăn hay nhờ người khác làm giùm cho nhanh chóng, thì người đó không chú  tâm vào trước khi làm thiện sự. Một người có chú tâm để chuẩn bị làm thì gọi là có tư tiền hiện. 

Tư hiện tức là khi mình đang làm cái gì đó mình có để tâm vào việc mình đang làm, 

Sau khi làm xong rồi mình còn nhớ nghĩ lại và hoan hỷ gọi đó là tư hậu.

 Người ta rất dễ quên những điều này, thật ra thiện pháp cũng là một đề mục tốt để chúng ta trầm tư nhớ nghĩ lại, đặc biệt là trong cuộc sống nên nhớ nghĩ những việc thiện đáng kể trong đời sống của mình, việc thiện mà có một ấn tượng rất mạnh.

Có những người làm thiện nhưng việc làm thiện đó nhỏ bé quá khiến khi họ nhớ lại họ thấy không là gì hết, chúng tôi lấy ví dụ là đối với chúng ta 1, 2 đồng không có nghĩa gì hết, chúng ta đi trên đường gặp người ăn xin đứng cầm bảng xin tiền, chúng ta quay cửa kiếng xuống và cho họ 1, 2 đồng và nếu sau này chúng ta nhớ lại thì nó không mạnh mẽ. Nhưng nếu chúng ta làm một việc gì đó mà mình bỏ tâm tư sức lực tài sản rất lớn, hoặc giả chúng ta làm trong trường hợp đặc biệt nào và sau này chúng ta nhớ lại và hết sức hoan hỷ.

Phải nói rằng, việc chuẩn bị tư lương là một việc ít khi người ta làm, do đó người ta thường cầu mong để tâm tư gắn bó cái gì đó hơn là phước nghiệp của mình đã làm. Tuy nhiên, phải có làm thiện, phải thấy được giá trị của thiện và phải hoan hỷ trong điều thiện thì hồi ức của chúng ta hay sự tưởng nhớ của chúng ta mới có giá trị, mình phải làm điều thiện là điều đó phải làm cho tâm tư mình trong sạch, con người sống 100 năm ở đời thì cũng phải có một vài giây phút mình biết quên mình, quên mình tức là hàng ngày chúng ta đi làm rất khổ công thì chúng ta nghĩ rằng mình làm cho mình, mình xây dựng tài sản của mình, mình làm vì những người thân của mình.

Có những lúc chúng ta làm thiện mà hoàn toàn không nghĩ đến "của tôi", đến tự ngã "của tôi" nữa mà chỉ làm để làm thôi. Có đôi lúc mình có mặt ở một nơi nào đó do nhân duyên nào đó để làm thôi, có đôi lúc mình có mặt ở một nơi nào đó do nhân duyên nào đó để làm và với tâm trong sạch hoàn toàn, và không những vậy chúng ta còn cảm nhận được điều thiện tức là có sự hiểu biết rằng đó là việc thiện làm với tâm trong sạch. Có người làm điều tốt nhưng họ không ý thức được đó là điều tốt, ý thức được điều tốt là việc hết sức quan trọng, phải hiểu được Phật pháp, phải hiểu được lẽ trung thực của đời sống, thì bấy giờ chúng ta mới thấy đuợc tại sao điều đó là điều thiện hay điều bất thiện.

 Đức Phật Ngài dậy rằng việc thiện phải có đặc tính là vô tham, vô sân, và vô si. Vô tham đặc tính là không dính mắc, vô sân là đặc tính mát mẻ, vô si là đặc tính sáng suốt, 3 đặc tính thiện pháp này được xem là đặc tính của trong sạch, một người làm thiện thì ngay trong giờ phút đó do sự trong sạch của tâm, tâm tư họ được an lạc và sau này họ cũng được an lạc, đặc biệt là nhớ nghĩ về thiện pháp của mình thì trong lòng còn hân hoan an lạc bội phần, niềm an lạc thì lớn hơn rất nhiều, nhưng muốn được như vậy thì người đó phải làm thiện và chẵng những làm thiện mà còn thấy được giá trị của điều thiện và chẳng những thấy được giá trị của điều thiện mà còn biết vui với điều thiện. Những điều này đặc biệt có khả năng cứu giúp chúng ta trong lúc đối diện với cái chết, trong lúc chúng ta sắp sửa rời bỏ thế giới này. Giờ phút đối diện với cái chết chúng ta không thể trông cậy vào một ai khác mà mình phải tự cứu lấy chính mình./.

No comments:

Post a Comment