Thursday, January 30, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Chánh Niệm trong cuộc sống hàng ngày qua ví dụ cái cột buồm.

Hỏi: Chánh Niệm trong cuộc sống hàng ngày qua ví dụ cái cột buồm.

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 16-1-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Như chúng ta được nghe TT Tuệ Siêu giảng bài kinh "Ví dụ về đặc tính của cột buồm" thì hình ảnh của cột buồm đó là chịu đựng những dây thừng, dây đai để cho cánh buồm làm chỗ dựa, làm cho những sợi giây điều khiển bởi sức gió thổi thì nó không bị trùng giữ cho cột buồm chắc chắn vững chãi, có sức chịu.

 Riêng đối với hành giả tu tập Chánh Niệm thì đầu tiên nên hiểu chánh niệm nghĩa là gì?

 Chánh niệm có nhiều cách định nghĩa: Chánh niệm được hiểu là sự ghi nhận, được hiểu như là sự tỉnh táo, được hiểu như là ý thức cái gì đang xảy ra. 

Ý thức cái gì đang xảy ra có lẽ là dễ hiểu nhất trong từ ngữ mà chúng ta thường đề cập. Điểm đặc biệt của Chánh Niệm là bất cứ điều gì xảy ra cho dù là,đẹp, là xấu, là vui, là buồn, là hay,là dở, là xấu hay tốt thì đều là đối tượng của Chánh Niệm. 

Thí dụ hôm nay, qúi vị lên chùa trưng một bình hoa trên bàn Phật và cảm thấy rất hoan hỉ trong lòng. Thì cứ để tự nhiên cho sự hoan hỉ sanh khởi. Nhưng mình nên có một chút ý thức là tâm đang hoan hỉ. 

Mình biết hay không biết, nhưng khi nghe người nào đó nói là có người khác họ chỉ trích việc này việc kia về mình, mình cảm thấy rất bực bội phiền hà thì mình nên ý thức rằng tâm mình đang bực bội đang phiền não. 

Rồi, sau một ngày làm việc mệt mỏi ở chùa về nhà mình cảm thấy rằng tay chân rã rời,  khi ngồi xuống một chỗ thì mình mới ý thức được sự  rã rời đó. 

Ở đây, chúng ta cần lưu ý những điều rất quan trọng của Chánh Niệm là sự ghi nhận chứ không cần phải có phản ứng, mình không cần phải làm gì hết chỉ cần nhận ra thấy rõ cái đó đang xảy ra. 

Chúng ta thường phản ứng. Khi mình nghe chuyện buồn phiền thì mình hay phản ứng với chính cái buồn phiền đó. Khi mình mệt thì mình phản ứng về chuyện đó. 

Bây giờ Chánh Niệm, việc đầu tiên là đem việc đó vào trong tầm nhìn của Chánh Niệm. Đơn giản như vậy. Chánh Niệm thì không đòi hỏi nhiều. Chánh Niệm là chỉ có ý thức liên tục về cái gì đang xảy ra. Cái nhìn đó không phải dễ, tại vì thói quen của chúng ta khi mình thấy chuyện gì mình cũng phản ứng. 

Nhưng, bây giờ mình chỉ ghi nhận. Mình ghi nhận mình đang tinh tấn, mình đang lười biếng, đang vui, đang buồn. Những gì đang xảy ra thì mình chỉ ghi nhận. 

Và ban đầu thì chúng ta hay dễ bị những chi phối này dẫn chúng ta đi lạc hướng. Người Trung Hoa ngày xưa có câu: "điệu hỏa ly sơn" là làm sao để đánh lạc hướng khiến cho chúng ta hướng sự chú ý ra ngoài. Ví dụ, mình là một người không thích bị phê bình chỉ trích, khi người ta chỉ trích mình thì cảm giác đầu tiên là cảm thấy bị động, cảm thấy khó chịu. Thường thường khi mình nghe người ta chỉ trích mình thì mình hay chỉ trích lại, mình nghĩ người đó cũng xấu, người đó đâu có gì tốt, người đó không bằng mình. Thì cái tâm mà chỉ trích cái phản ứng đó thì mình cũng nên biết là phản ứng thôi, tâm đang phản ứng, tâm đang bực bội biết mình đang bực bội.  Cái hay của Chánh Niệm là mình không cần phải suy nghĩ nhiều, không cần phải tìm ra một phản ứng mà chỉ ghi nhận và lẳng lặng ghi nhận thấy rõ trạng thái xảy ra ở trong thân và tâm của mình 

Về điểm này, có một số điểm rất lợi ích nếu chúng ta thường để ý đến tư thế hoặc là đi, hoặc là đứng, hoặc là nằm, hoặc là ngồi, thì chúng ta sẽ thấy rằng ở mỗi một tư thế như vậy tâm thái của chúng ta có khác. Có nhiều lúc có những tư thế phiền não lúc mình nằm thì có mà lúc ngồi thì không có. Có những sự phóng tâm lúc mình đi có nhưng lúc mình nằm không có. Có những cảm giác mà lúc mình nằm ngồi thì có mà đi đứng thì không có.  Bởi vậy, có một số trường hợp hành giả giảm bớt phiền não của mình bằng cách thay đổi oai nghi thay đổi tư thế, nhưng đó không phải là điều chúng ta bàn tại đây, mà chúng ta nhìn vào cái tư thế của mình đang đứng, đang ngồi, đang nằm, và biết là mình thấy rằng cái tâm của mình cũng như cái tư thế đó nhiều người rất là khó tin điều đó, có nhiều người họ suy nghĩ nhiều thì họ phải đi nhiều nhưng khi đứng lại thì không suy nghĩ được. Có người phóng tâm lúc đi tới đi lui nhưng lúc nằm xuống họ không phóng tâm nữa (mình nên để ý đến chuyện đó). Giống như hơi thở, không phải hơi thở nào cũng giống nhau, lúc mình thanh thản thở nó khác và lúc mình đang bực bội thì thở khác, mình đang ham muốn chuyện gì đó mình thở khác. Qua hơi thở mình tập được tánh hiện thực của nội tâm của mình.

Một điểm nữa, trong đời sống của chúng ta có những sự việc xảy ra tương đối rất nổi bậc, sợ khổ chẳng hạn. Đa số chúng ta đều rất sợ khổ, tại vì khi cái khổ nó đến mình cảm thấy đau, cảm thấy xót dạ, cảm thấy chua xót. 

Bây giờ với Chánh Niệm là chúng ta tập nhìn mặt mũi sự khổ đó. Ví dụ như mình có tánh hay tủi thân hay có tánh bực bội hay là buồn phiền chuyện gì đó thì bây giờ thay vì mình cứ chạy theo nỗi buồn mình nhai đi nhai lại, bây giờ mình thử tập nhìn nó xem nó làm sao, nhìn cái buồn phiền nó đến với đời sống mình coi nó làm sao, chúng ta phải ngạc nhiên mà thấy rằng nỗi buồn phiền đó đến nó cũng bị chi phối bởi nhiều điều kiện. Qúi vị để ý, có những thứ mà khi mình bị bệnh mình lại cảm thấy bị chi phối nhiều mà những lúc mình khỏe thì mình không bị chi phối nhiều, lúc mình vui mình dễ tha thứ mà lúc mình buồn chuyện nhỏ mình cũng bực bội. 

Thì chuyện vui buồn hay hoan hi hay bực bội đến một phần từ bên ngoài nhưng một phần từ bên trong nội tâm của chúng ta do phản ứng nội tâm. Nên một hành giả, một đệ tử Phật tu tập thì mình nên biết được là phải nên duy trì Chánh Niệm đối với tất cả mọi trường hợp vui khổ không vui không khổ. 

Nói cách khác là, lúc đời sống bị  xáo trộn, lúc đời sống được hưng phấn, hoặc giả là lúc đời sống bình thường ở trong cả ba thời gian đó đều là cơ hội tốt để phát triển Chánh Niệm. 

Nếu không có chuyện gì làm, mình tập sống với hơi thở, tập nhìn vào hơi thở. Mình ngồi đợi xe chẳng hạn, thì  mình ngồi lẳng lặng nhìn vào hơi thở. Mình đi máy bay đường dài thì thay vì mình ngồi đó bực bội thì mình ngồi nhìn vào hơi thở. Nhìn vào hơi thở thường chúng ta có những thói quen cảm thấy thú vị. Tại vì nó làm cho chúng ta cảm thấy vững lòng. Hoàn cảnh nào mình cũng tu tập chánh niệm được. Hoàn cảnh nào cũng là cơ sở tạo nên Chánh Niệm. 

Khi mình có Chánh Niệm thì mình không sợ những điều khổ. Tâm của mình hay né, né cái này né cái kia. Các Ngài Thiền Sư các Ngài thường nói rằng đời sống mình là luôn né tránh sự khổ. Mình ngồi chán rồi mình đứng dạy, đứng dạy chán rồi mình đi, đi chán rồi mình ngồi, ngồi chán rồi nằm, mình thay đổi liên tục như vậy để tránh né cái khổ. 

Bây giờ, mình ngồi thiền sự đau nhức khởi lên, mới ngồi không quen thì cảm thấy chân đau nhức thì thay vì đổi chân liền mình tập nhìn vào cái đau nhức đó. Ban đầu thì mình thấy cái đau nhức mình sợ mình muốn đứng dạy hay là mình muốn cho mau hết giờ. Bây giờ mình tập nhìn vào cái đau nhức đó, nhìn trong vòng mươi phút, không được thì thôi, nhưng cứ tập nhìn vào cái đau nhức khi sự đau nhức hiện lên. 

Thì qúi vị biết, ban đầu chúng ta sợ đau nhức nhưng nhìn một lúc thì chúng ta thấy cái đau nhức có cơn của nó, nó đến nếu mình chịu đựng được thì nó đi, và mình trở lại bình thường, nếu mình không ráng thì mình không ngồi được.

Sống với Chánh Niệm hay ở chỗ là nó không nằm ở vị thế phê phán mà chỉ là lẳng lặng nhìn vào sự việc, nhìn một cách chậm rãi, nhìn một cách rất rõ ràng, ý thức được cái gì sanh cái gì diệt cái gì đến và đi. 

Người tu tập  có Chánh Niệm một thời gian thì thấy rằng cuộc sống là một gìòng chảy, nó luôn luôn là kết nối của Sanh và Diệt, từ cái vui buồn, cái khỏe hay không khỏe, từ cái cảm giác hạnh phúc hay khổ đau, từ những biến cố ngày và đêm, tất cả chỉ là sự luân lưu tuần hoàn giữa cái vui cái khổ cái đến và đi như là một giòng chảy. Cái quan trọng là mình nhìn có kỹ hay không. 

Chúng tôi nhớ hồi nhỏ có nghe được một mệnh đề là "Bóng nguyệt giòng sông" tức là bóng trăng ở trên giòng nước chảy, giòng nước thì thật sự không đứng yên một chỗ luôn luôn nó chảy, bóng trăng cũng vậy, ở một giây phút nào đó mình thấy bóng trăng hiện ở giòng sông mình nghĩ rằng nó nằm yên một chỗ nhưng kỳ thật thì không, nó có một giây phút nào đó nhưng mặt nước luôn luôn vẫn chảy và cái đó chỉ bóng trăng thôi. Nhưng, "bóng nguyệt giòng sông" thì cũng giống như cái vui cái buồn của cuộc sống này đây. Nếu chúng ta nghĩ cho kỹ thì chúng ta như một giòng sông và bao nhiêu hiện tượng về vui buồn, thương ghét, đúng sai, phải quấy nó giống như bóng nguyệt giống như bóng trăng, mà thấy bóng trăng hiện ở giòng sông không có nghĩa là trăng nằm trong sông là mọi thứ đứng yên một chỗ, ngay trên mặt hồ phẳng lặng cũng vậy, mọi thứ luôn luôn là tuôn chảy, nhưng chúng ta dở sống dở chết với chuyện đó, chúng ta làm lớn chuyện đó, và luôn luôn chúng ta nghĩ mình phải thế này phải thế kia. 

Thật ra đối với mười chuyện vui buồn xảy trong đời sống thì chỉ có một hay hai chuyện đáng để cho chúng ta phản ứng, còn lại chỉ là chuyện phù du. 

Cụ Nguyễn Du khi nói về cảm xúc nàng Kiều khi thăm mộ Đạm Tiên. Cụ Nguyễn Du đã gói ghém rất nhiều khi viết về Đoạn Trường Tân Thanh, nhưng phải nói một điều rằng trong câu mình thường nghe rất có thiền vị đó là "Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa!”.

 Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa. Con người chúng ta có những cái rất phù phiếm. Chuyện vui buồn ở đâu đó mà nó trở thành chuyện vui buồn của mình. Chuyện thị phi ở đâu đó mà nó trở thành phản ứng sống chết của mình. Và cái chuyện mà mình phản ứng một cách quá nông nỗi, một cách quá nồng nhiệt, một cách quá nồng nàn, hay là quá ơ hờ với chuyện gì đó nó vốn là tình trạng cách biệt, tại vì chúng ta không có thấy được chuyện gì đang xảy ra trong cuộc sống. 

Và khả năng để nhìn vào mặt mũi của vui của buồn, của không vui không buồn, của đi, của đứng, của nằm, của ngồi, của thở vào thở ra thì là cả một nghệ thuật sống. Cái sống với Chánh Niệm cho phép chúng ta nhìn sự việc một cách càng ngày càng khách quan hơn, mình đứng ở ngoài mình nhìn hơn là mình phản ứng

 Thì khi mình tu tập Chánh Niệm thuần thục lâu ngày thì mình tin vào Chánh Niệm của mình hơn là tin vào những chi phối từ bên ngoài. Tin vào Chánh Niệm là trong hoàn cảnh nào cũng đem tất cả những gì xảy ra ở trong tầm nhìn của Chánh Niệm để ghi nhận, để thấy, để biết. Đơn giản như vậy.

Chúng tôi rất thích Chánh Niệm ở một điểm là ở trong cái nhìn của Chánh Niệm không cần là tốt, là xấu, là hay, là dở, là thế này, là thế khác, mình vui thì cái vui đó cũng là đối tượng của Chánh Niệm, và buồn thì cái buồn cũng là đối tượng của Chánh Niệm, mình khổ thì khổ cũng là đối tượng của Chánh Niệm, mình sung sướng thì nỗi sung sướng đó cũng là đối tượng của Chánh Niệm, như vậy thôi. Công việc của chúng ta là nhìn, nhìn một cách lẳng lặng, nhìn một cách rõ ràng. Nhìn để làm gì? Nhìn để chúng ta ý thức được việc gì xảy ra về thân và tâm của mình.

Đối với chúng tôi, ở trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp  mà chúng tôi cảm thấy mình phí rất nhiều năng lực để hoang phí, không biết bao nhiêu cái chi phối và từ chỗ đó mình hiểu rằng cuộc sống có Chánh Niệm giúp cho chúng ta giảm sự hoang phí. Giả sử như trong một ngày từ lúc chúng ta thức dạy đến lúc chúng ta đi ngủ mà chúng ta phải suy nghĩ quá nhiều đối với những cái vui buồn thương ghét như Đức Phật Ngài dạy tám ngọn gió đời là; khen chê vui khổ đặng mất vinh nhục, chúng ta bị chi phối bởi nó nhiều thì tâm của chúng ta bị mất đi cái nội lực tại vì mình có phản ứng với những chuyện đó. 

Vị thế của Chánh Niệm là chỉ nhìn, nhìn một cách rõ ràng, nhìn một cách rộng rãi và nhìn tiếp tục nhìn, vui cũng được buồn cũng được, đẹp cũng được xấu cũng được, hay cũng được dở cũng được. Tại vì mình bực bội để làm gì? bực bội chỉ để bực bội thôi.

Chúng tôi nhớ một câu chuyện. Hồi xưa, chúng tôi có đến dự khóa tu ở West Virgina tại thiền viện Bhavana Society, có một giai thoại chuyện nhỏ nhưng lâu lâu nghĩ cũng  buồn cười là, có một vị Sư người Canada xuất gia tại chùa của Ngài Gunaratana. Thì tư cách của Ngài Gunaratana  Ngài tổ chức giống đa số các tự viện thiền là Chư Tăng đến giờ dùng cơm thì lấy bình bát bưng đến bàn thức ăn, ở trên bàn người ta sắp xếp tất cả mọi thứ, thức ăn và đồ ngọt và mình ăn gì thì để vào bình bát sau đó về chỗ ngồi, tụng kinh xong thì thọ thực, thọ thực xong rồi thì mỗi người tự đi rửa bình bát của mình ở trong nhà bếp, tại nơi đó có một hàng dài để những bồn để rửa bình bát, một lần như vậy thì có chừng mười vị có thể đứng rửa bát được. Và câu chuyện chúng tôi muốn kể đó là lúc đó chúng tôi phải nói rằng không có cẩn thận lắm thành ra khi mở nước thì nước văng lên mạnh và do vậy khi chúng tôi rửa bình bát xong thì ở phía trước ngực y áo  chúng tôi bị ướt vì nước trong bồn văng ra. Thì vị Sư người Canada có lẽ Sư thấy chúng tôi như vậy một vài lần, rồi một lần vào buổi trưa chúng tôi ra bên ngoài để dọn dẹp thì Sư nói với chúng tôi là: "Sư Jotika, tôi thật sự có cảm giác rất khó chịu khi mà Sư rửa bình bát để nước văng vào y như vậy, mỗi lần Sư rửa xong thấy y của Sư dính nước sao tôi khó chịu, tôi chịu không nổi, tôi muốn rửa bình bát giùm cho Sư" Thì chúng tôi hiểu được tâm trạng của Sư đó. 

Có nhiều khi mình bực bội khó chịu mặc dù đó không phải là việc của mình mà mình bực quá thì mình cũng không biết làm sao. Thì đó chỉ là một thí dụ thôi, có rất nhiều thí dụ như vậy ở trong đời sống này, chúng ta vui hay buồn, thích hay không thích với những chuyện mà gọi là "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa" cái chuyện đó là chuyện của thiên hạ nhưng mà mình vẫn lôi kéo cái vui cái buồn vào mình.

Cũng như qúi vị nghe câu chuyện của Triệu Khuông Dẫn, người sáng lập ra nhà Tống ở bên Trung Quốc. Đó là thời còn thanh niên trai trẻ, Triệu Khuông Dẫn vào xem cải lương xem hát tuồng thì thấy cảnh một người cầm dao cầm mác rượt đuổi một người phụ nữ mang thai và trong lúc đang xem như vậy thì nổi cơn bực tức lên và vị này từ ở dưới chỗ ghế ngồi của khán giả giương cung bắn chết người diễn viên. Thì thật ra cái cảnh mà một người rượt đuổi một phụ nữ mang thai vừa chạy vừa cầu cứu thì chuyện đó nếu ở ngoài đời thì bất nhẫn thật, nhưng dùng cung tên bắn một diễn viên thì mình quên rằng người kia chỉ là diễn viên. Như khi chúng ta xem phim thường hay thích nhân vật này không thích nhân vật kia, nói cho cùng những người đóng vai ác hay vai đáng ghét mà họ đóng mà mình ghét được tức là họ đóng vai đó thành công rất là xuất sắc rất nhập vai. 

Thì chúng tôi thấy rằng cái vui buồn của chúng ta đối với cuộc đời nó cũng vui buồn như cuốn phim, như là bây giờ chúng tôi được nghe có bộ phim có đến 800 tập trong một bộ thì chúng ta xem phim thì chúng ta vui chúng ta buồn với nhân vật này nhân vật kia kỳ thật thì tất cả những  gì được diễn trong cuốn phim nó chỉ là do người đạo diễn tạo nên thôi. 



Thì cuộc đời có nhiều khi như một cuốn phim, chúng ta tập trôi một cách lẳng lặng không phản ứng không bực bội giống như là mình ở bên ngoài phim thì phim là phim và người diễn là người diễn như vậy Chánh Niệm cho chúng ta được sự dẻo dai được sức bền bỉ đối với sự việc tại vì Chánh Niệm càng thuần thục thì  càng ít bị chi phối bởi những thứ phiền não ở bên ngoài mà chỉ nhìn và không phản ứng gì./.

No comments:

Post a Comment