Monday, March 20, 2017

Điển Hay Tích Lạ

Ký nhân ly hạ

Nguyên ý của câu thành ngữ này là sống nhờ bờ giậu của người khác. Tức sống dưới mái hiên của người khác.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Nam Tề thư – Truyện Trương Dung".

Triều Nam Tề có một thư sinh tên là Trương Dung, tính tình quái dị. Ông vóc người nhỏ thó, mặt mũi xấu xí, nhưng tinh thần quắc thước, đi đâu cũng ưỡn ngực ngẩng cao đầu, trông bệ vệ đến nực cười.

Khi Tiêu Đạo Thành còn chưa lên ngôi cũng rất khâm phục tài năng của Trương Dung. Ông thường khen Trương Dung là một nhân tài hiếm có và hai người kết làm bạn thân. Sau khi Tiêu Đạo Thành lập nên chính quyền Nam Tề, hai người vẫn thường xuyên gặp mặt cùng đàm luận về văn học nghệ thuật.

Một hôm, khi hai người đang luận về thư pháp, Tiêu Đạo Thành nói: "Tuy thư pháp của ông rất có cốt cách, nhưng vẫn kém xa pháp độ của Nhị Vương ( chỉ hai cha con Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi, hai nhà thư pháp nổi tiếng triều nhà Tấn)". Sự so sánh này khiến Trương Dung phật ý liền bác lại rằng: "Bệ hạ nói tôi thiếu pháp độ của Nhị Vương, không bằng nói Nhị Vương thiếu pháp độ của tôi ". Trương Dung chủ chương viết văn thì phải có tính sáng tạo và phong cách riêng của mình. Trong một bài văn ông từng viết rằng: "Là đại trượng phu đã viết văn chương thì phải viết ra "Thi", "Thư", đặt ra "Lễ", "Nhạc" như Khổng Tử, phát huy tính sáng tạo của mình, không dập khuôn của người khác, không như con chim sẻ sống nhờ dưới mái hiên của người ta''.

Do đó, nguyên ý của "Ký nhân ly hạ" là chỉ sáng tác văn học dập khuôn của người khác, không có phong cách riêng của mình.

No comments:

Post a Comment