Tuesday, May 21, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Tri Bỉ, biết người bằng cách nào?


Hỏi: "Tri bỉ" là biết người. Có câu "dò sông dò biển dể dò, có ai lấy thước mà đo lòng người". Vậy có cách nào để biết được cá tánh, trình độ của người đối diện với mình hay trong một hội chúng? 

(Câu thảo luận lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 18-5-2013, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu giảng: Khi chúng ta nói đến Puggalaparoparaññutā tức là "Tri Bỉ", tức là biết người. Biết người ở đây không phải là chúng ta đoán được tâm lý họ hay chúng ta biết người đó là người tốt hay là xấu, người đó chân thật hay giả dối, chúng ta khó biết được, giống như câu: "dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người" hay câu người ta nói rằng "họa hổ hoạ bì nan họa cốt, tri nhân tri bỉ bất tri tâm" tức là vẽ cọp vẽ da thì được chứ không vẽ được xương cọp cũng như biết người biết mặt không biết lòng, những câu đó đúng. 

Nhưng ở đây chữ "Tri Bỉ", Đức Phật Ngài dạy  có cách để chúng ta hiểu được người đó một cách cơ bản. Chúng ta hiểu được tánh tình người đó là người đó nóng nảy hay  người đó có tâm mát mẻ hoặc người đó có tâm xả ly hay người đó có tâm san thamchúng ta biết để đối phó. Còn như đối với Đức Phật thì Ngài biết được sở hành của chúng sanh Ngài gặp chúng sanh đó Ngài biết chúng sanh đó có khuynh hướng tham sân hoặc si như thế nào rồi người này có thể lãnh hội được pháp nào. Chẳng hạn như có 500 vị tỳ kheo đến viếng thăm Đức Phật để được nghe Ngài giáo huấn, rồi Đức Phật Ngài xét thấy 500 vị tỳ kheo này ở trong quá khứ đã từng tu tập trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Ca Diếp và họ thường xuyên quán niệm về tánh vô thường cho nên tâm họ đã sẵn sàng thì lúc bấy giờ Đức Phật Ngài mới thuyết bài kệ Pháp Cú:

 Sabbe sa'nkhaaraa aniccaa-ti yadaa pa~n~naaya passati
Atha nibbindati dukkhe esa maggo visuddhiyaa

Khi với trí tuệ thấy rõ chư hành là vô thường,
 khi ấy sẽ yếm ly sự khổ đó là con đường đến thanh tịnh. 

Và 500 vị tỳ kheo này đắc A La Hán. Một thời gian sau có một nhóm 500 tỳ kheo khác đi đến yết kiến Đức Phật để nghe lời giáo huấn, Đức Phật Ngài xét thấy 500 vị tỳ kheo này trong thời quá khứ đã từng tu tập quán về khổ của pháp cho nên lúc bấy giờ Đức Phật Ngài qua một câu Phật ngôn khác

  Sabbe sa'nkhaaraa dukkhaa-ti yadaa pa~n~naaya passati 
 Atha nibbindati dukkhe esa maggo visuddhiyaa.

 Nhờ trí tuệ quán chiếu, Thấy các hành khổ đau;
Thế là chán khổ đau, Ðây chính đường thanh tịnh

 Thì các vị tỳ kheo nghe xong chứng A La Hán. 

 Thì ở đây chúng ta phải hiểu rằng, gọi bậc Chân Nhân hay bậc Hiền Triết, hay là Tri Bỉ thì Đức Phật mới đúng là người Tri Bỉ, Ngài biết được người khác một cách rõ rằng như vậy, còn như đối với phàm phu chúng ta thì khó, tuy nhiên, ở đây có bốn vấn đề, chúng tôi nói tóm tắt bốn vấn đề này để qúi vị nghi nhớ.

 Làm cách nào để chúng ta có được pháp Tri Bỉ là biết người khác?
 Ở đây, trong một đoạn kinh Tương Ưng Đức Phật Ngài có dạy: 

 1. Muốn biết sự chân thật của một người là phải đi buôn một chuyến với người đó.
 2. Muốn biết tánh thủy chung của một người thì phải cùng với họ trải qua khổ nạn thì mới biết được.
 3. Muốn biết trí tuệ của một người thì phải cùng với họ qua một buổi đàm luận.
4. Muốn biết giới hạnh của một người thì phải sống chung với họ trong một thời gian và có sự khéo tác ý

  Khi thân cận với người nào đó mà muốn biết họ thì Đức Phật Ngài nhắc rằng phải luôn luôn có sự quan sát và khéo tác ý, tức là mình sống ở gần người ta mà mình không để ý không quan tâm gì thì dầu sống ở gần họ cả chục năm cũng không hiểu tâm ý họ được, cho nên, khi chúng ta ở gần họ và chúng ta muốn biết họ là người như thế nào thì chúng ta phải có sự khéo tác ý nhận thức cách làm của họ. Thí dụ như bây giờ chúng ta sống thân cận với một người bạn, khi mình vô sự mình có tiền đãi đằng mời mọc họ ăn uống thì họ đến đầy nhà nhưng đến chừng chúng ta sa cơ thất thế bây giờ chỉ có một người động viên thì như vậy chúng ta phải khéo tác ý phải biết suy nghĩ rằng đây là người bạn tốt bởi vì họ cùng ta trải qua cơn hoạn nạn, khi ta suy sụp họ không xem thường và họ luôn luôn ở bên cạnh động viên khích lệ tinh thần chứ không phải là vì miếng ăn miếng uống hay là vì tiền bạc như những người kia v.v.. thế là chúng ta có sự khéo tác ý và chúng ta mới biết được người đó ./.   

No comments:

Post a Comment