Tuesday, May 28, 2013

Phật học vấn đạo - Chớ có chế ngự ý

HỏiChớ có chế ngự ý, nếu tư giữ đặt được chỗ nào các pháp khởi chỗ ấy chế ngự ý

. (Kinh Pháp Cú kệ ngôn 101 giảng ngày 17 tháng 6 năm 2003 - Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Chúng tôi xin được nói vắn tắt về câu hỏi này. Cuộc sống của chúng ta là một giòng sông, tâm tư của chúng ta tuôn chảy và nếu một người nghĩ rằng có thể dùng đôi bàn tay nhỏ bé của mình để chận lại giòng cuồng lưu thì là một chuyện không thể làm được. Một người khi vào hành thiền thường ai cũng trải qua một giai đoạn rất khó khăn là phải làm cái gì đối với cái vui cái buồn, đối với tâm định và tâm không định của mình. Thái độ thông thường của chúng ta là hay vật lộn hay dằn co, và khi chúng ta vật lộn dằn co lâu ngày chúng ta rất mỏi mệt, chúng ta không hiểu được cái tự nhiên của sự việc như thế nào. Câu chuyện ngài sadi Sukha hay là sadi Tissa thấy một người đào đường mương để dẫn nước vào trong ruộng là một ví dụ là đối với tâm ý của mình. Và ngay cả đối với cuộc sống của mình chúng ta nên có thái độ hợp tình hợp lý, nếu chúng ta chỉ nghĩ rằng lúc nào chúng ta cũng phải vận dụng cũng phải điều khiển và cũng phải khiến cho những thứ đó như cách này hay cách khác thì có thể chúng ta làm một sai lầm lớn, là bởi vì chúng ta đã không nhận ra được rằng chúng ta không có khả năng làm việc đó.
Lấy một ví dụ là nếu chúng ta có thể ra lệnh cho chúng ta là đừng tham nữa, chúng ta ra lệnh cho chúng ta đừng sân nữa và chúng ta làm được như vậy thì chúng ta đã có thể đắc đạo chứng quả, và thay vì chỗ đó thì chúng ta nên có một phương cách để làm sao mà chúng ta giảm bớt cái tham cái sân. Thí dụ như chúng ta biết rằng mình ở gần một người nào hay là mình ở một trú xứ nào hoặc giả là mình tu pháp môn gì mà biết chỗ đó phiền não sanh khởi thì chúng ta cố gắng để giảm thiểu bớt đi.
Chúng tôi muốn nhắc lại hình ảnh của vị thiền sư là Ngài Ajahn Mun nhận vào trong chùa một vị sư, vị sư này rất có đức tin với Ngài và luôn luôn làm những công việc của một người thị giả rất tận tụy nhưng vị này tu tập lại không tiến bộ nhiều, đến một hôm vị này lên bạch với Ngài:
"Bạch Thầy, con đã theo Thầy tu tập cũng gần ba năm nhưng sao con không thấy một tiến bộ gì trong đời sống thiền định."
Thì Ngài Ajahn Mun mới nói rằng: "Nếu ông có mang theo cái gì thì nên bỏ cái đó đi."
Thì lúc bấy giờ vị này toát mồ hôi vì biết rằng Ngài Ajahn Mun đã biết được mình đã mang theo một vài thứ mà không nên mang theo. Nguyên vị sư này lúc còn là cư sĩ thì vị này là một người đánh boxer rất nổi tiếng. Chúng tôi nói một cách tóm tắt là tại Thái Lan họ có một ngành võ đánh boxer tương tựa như đánh boxer quyền Anh của người Anh, nhưng bên quyền Anh thì chỉ dùng tay không dùng chân, còn kiểu đánh boxer của người Thái thì họ dùng cả tay và chân, môn đánh boxer này rất phổ cập tại Thái Lan, người Thái Lan họ rất say mê, và những người gọi là Thái boxing giỏi thì họ có thể là một người rất nổi tiếng được trọng vọng. Vị sư này trong lúc còn cư sĩ là một người đánh boxer rất nổi tiếng, đi xuất gia mặc dầu bỏ vợ bỏ con bỏ sự nghiệp tuy vậy vẫn còn mang theo một ít tấm hình lúc mình có những cú đánh rất đẹp và tấm hình lúc mình nhận được giải thưởng hạng nhất khi lên võ đài. Đi xuất gia mà vẫn còn đem theo như một chút hoài niệm về quá khứ vinh quang của mình. Đến khi Ngài Ajahn Mun nhắc chuyện đó thì vị này mới bật ngửa ra, mới thấy rằng mặc dầu có những lúc thỉnh thoảng mình đem ra xem tấm hình đó mình nghĩ nó là vô hại nhưng chính những thứ đó lại làm sống dạy một cái gì thuộc về quá khứ, cái đó thật sự không có lợi cho sự tu tập, và vị này đã đem đốt những tấm hình này. Chúng tôi đã gặp vị này khi chúng tôi sang Thái Lan thì vị đó kể cho chúng tôi nghe rằng lúc đó vị đó mới tìm thấy một sự lắng đọng hoàn toàn để phát triển thiền định.
Nguyên nhân để phiền não sanh khởi đến từ nhiều thứ, nó đến từ chỗ thân cận, từ chỗ ở, từ một sự vướng vấp gì đó trong quá khứ của mình, về điểm này thì chúng ta nên biết và giải quyết chữa trị nó hơn là có một thái độ dằn co mạnh mẽ với chính bản thân của mình.
Ở trong chữ thiện mà đạo Phật đề cập đến nó có ý nghĩa là khéo, nghĩa là làm sao cho đúng chỗ, đúng cách, và cái khéo này đặc biệt giúp cho chúng ta vượt khỏi ý niệm rất cứng ngắc của chúng ta trong việc tu tập, nghĩa là phải làm thế này không làm thế kia, và cách đối với mình như là một sự ra mệnh lệnh hoàn toàn không có lợi nhiều ở trong thiền định. Dĩ nhiên ở trong rất nhiều trường hợp chúng ta cần có một thái độ mạnh mẽ đối với chính mình, nhưng phần lớn những thì giờ còn lại của cuộc sống tu tập đòi hỏi chúng ta có cái khéo, đặt nỗ lực đúng chỗ, đặt định tâm đúng chỗ, đặt chánh niệm đúng chỗ thì từ chỗ đó mới có khả năng để tạo thành sức mạnh của mình. Một người có niềm tin nhiều cũng chưa chắc là người đó họ có thể có nhiều thành tựu lớn, một người tinh tấn nhiều chưa chắc là thành tựu lớn. Chúng ta được nghe câu chuyện tôn giả Ananda, Ngài nỗ lực tu tập mà quá nhiều sự tinh tấn, sự tinh tấn đó khiến Ngài không thể đi xa hơn được cho đến lúc Ngài quyết định đi nghỉ và Ngài nằm nghiêng mình xuống thì Ngài lấy lại được sự thăng bằng và trong sự lấy thăng bằng Ngài thành tựu được đạo qủa.
Thì tương tự như vậy sự hành trình đòi hỏi chúng ta có một sự quân bình hết sức là đáng kể, thái độ quân bình này như là trong giao tế hàng ngày mà chúng ta không thể quá nặng ai hay quá nhẹ ai, bên nào quá khinh bên nào quá trọng, và chúng ta phải có thái độ vừa phải với chính mình.
Nên chi câu Phật ngôn mà đạo hữu hỏi thì là một câu chúng tôi nghĩ rằng về phương diện pháp hành dễ nói hơn là phương diện thường thức ở bên ngoài, phương diện thường thức ở bên ngoài thì chúng ta có thể có nhiều cách suy tư, ở đây chúng tôi chỉ cố gắng để chia xẻ một quan niệm liên quan đến pháp hành, pháp hành thì đòi hỏi cái gì cụ thể và khi chúng ta ngồi xuống để làm việc cụ thể thì chúng ta thấy ý nghĩa của câu này hết sức rõ ràng 

No comments:

Post a Comment