Thursday, May 23, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Tại sao có những phiền não được chấm dứt nhưng vẫn có khã năng sanh khởi trong tương lai?


Hỏi: Tại sao có những phiền não được chấm dứt nhưng vẫn có khã năng sanh khởi trong tương lai?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 2-9-2012, Minh Hạnh chuyển biên )

TT Giác Đẳng trả l i- Một câu hỏi mà chúng ta có thể nêu ra tại đây là trong cuộc sống có một số phiền não có thể sanh khởi và phiền não đó có thể tái phát hoặc giả là phiền não đó có thể diệt hẳn đi.

 Chúng tôi lấy một ví dụ là, giả xử mình mất một món đồ và nghi ngờ ông A bà B lấy, rồi bất chợt chúng ta tìm thấy được là mình đã bỏ quên trong cái tủ và mình đã khóa tủ đó lại rồi mình quên bây giờ lấy ra thì tự nhiên sự ngờ vực của chúng ta đối với người ông A bà B kia hoàn toàn tiêu mất, tại vì bây giờ chúng ta có trạng thái là biết đích xác món đồ này mình đã bỏ quên trong tủ và mình đã khóa lại, không ai bỏ vào tủ ngoài chính mình, và mình biết mình đã quên đi, thì khi mình biết như vậy chắc chắn rằng sự nghi ngờ sự nghĩ ngợi về người khác tan mất, bởi vì chúng ta biết và biết chắc.

Như vậy, trong cuộc sống của chúng ta có nhiều điểm chúng ta biết không chắc, biết không rõ, biết không tới, do đó chúng ta vẫn tiếp tục. 

Chúng tôi lấy một ví dụ khác là, hồi còn nhỏ nếu một lần mà chúng ta đút tay vào lửa rồi bị phỏng, thì cái chuyện lửa phỏng tay là do chúng ta đút tay vào lửa thì chúng ta không nghi ngờ gì là để tay vào lửa là phỏng, thì từ đó về sau chúng ta không thích chuyện đưa tay vào lửa. Nhưng mà, với điều kiện là chúng ta phải biết chắc chắn là phỏng tay. 

Và hầu hết những cái đau cũ chúng ta có trong đời sống là do chúng ta bám víu vào đau khổ đó, chúng ta mơ hồ nghĩ rằng những điều đó không mang lại cho chúng ta hạnh phúc thật sự nhưng mà nói chỉ là cho có nói mà thôi. Lấy ví dụ là, chúng ta có thể nói với nhau là đời sống mà mình có nhiều thứ thì mình càng khổ nhiều nhưng mà rồi chúng ta vẫn lao đầu vào đó và chúng ta vẫn chất chứa nhiều thì như vậy câu nói của chúng ta mặc dầu nói trên phương diện lý lẽ nhưng nó không thật sự là có một cái sự rõ ràng trong sáng ở trong lòng của chúng ta.

 Một đặc điểm mà chúng ta thấy ở trong kinh điển của Đạo Phật, chúng ta có thể hình dung như vầy là khi Đức Phật dạy rằng sắc uẩn thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là vô thường. Nhiều lúc một người tu tập hành giả phải đặt vấn đề rằng chúng ta có thấy được năm uẩn là vô thường không? chúng ta thấy sự sanh sự diệt của nó hay không? 

 Ví dụ, trên phương diện sắc thân, phương diện sắc uẩn, hay trên phương diện cảm thọ uẩn, trên phương diện ý tính kinh nghiệm chúng ta gọi là tưởng uẩn, trên hành xử thiện ác chẳng hạn, hay là các giác quan thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, thức uẩn, thì những thứ đó chúng ta phải tu tập thường như một hành giả tu Tứ Niệm Xứ thì chúng ta mới thấy tất cả những thứ đó đều thay đổi và có sanh có diệt, cái sanh diệt của nó rất là vô chừng chúng ta không ngừng nó lại được. 

 Và khi thấy sanh diệt thì một mấu chốt khác mà chúng ta phải thấy rằng cái gì vô thường thì có khổ không? 

 Nhưng chúng ta không thấy được bởi vì nó vô thường nên nó khổ, hai cái này khác với nhau. 

 Chúng ta khổ vì nó vô thường. Thí dụ như mình đang có cái đó rồi mất đi cái đó gọi là chúng ta bị khổ vì vô thường.

 Nhưng tuệ giác thì nhìn ngược lại thấy rằng cái gì vô thường thì nó khổ là bởi vì sao? 

Rõ ràng là tâm tư của chúng ta nó vốn là thường bám víu nó muốn có cái gì đứng lại dừng lại bây giờ một cái ly bị bể thì chúng ta cảm thấy buồn, một người thân mất đi chúng ta buồn, tuổi già đến tuổi trẻ đi qua chúng ta cảm thấy buồn, cái bối cảnh nào chúng ta quen thuộc bây giờ đến chỗ không quen thuộc nữa thì chúng ta buồn, thì một hành giả tu tập đến mức độ nào đó để tự cho mình xác nhận cái gì vô thường thì cái đó khổ. Nhưng mà chưa hết, chúng ta thấy cái đó là vô thường là khổ thì chúng ta còn thấy nó bởi vì nó vô thường bởi vì nó khổ cho nên không nên nói rằng đó là "Ta" đó là "Của Ta" đó là "Tự Ngã Của Ta".

 Bài học này không đơn giản, chúng ta không thấy được chuyện đó, do chúng ta không thấy được là không phải là "Ta" không phải "Của Ta" không phải là "Tự Ngã Của Ta" do vậy chúng ta rất mơ hồ về cuộc sống. 

 Ví dụ như mình có một người bạn rất thân mình tạm gọi là "Người Bạn Của Ta" , nhưng mà rồi, người bạn của mình bây giờ người đó lại thân thiết với người khác không thân với mình nữa mình khổ thì trong cái khổ đó mình hiểu là mình đã hiểu sai, bạn là bạn, chứ không thể nói là "Bạn Của Tôi" là "Tôi" là "Tự Ngã Của Tôi", thì những điều đó khiến cho chúng ta không chắc chắn và không chắc chắn như vậy làm cho phiền não tiếp tục sinh khởi.

 Thì ở đây, khi chúng ta hỏi rằng tại sao phiền não có nhiều khi nó được chấm dứt rồi nó không sinh khởi nữa, có những phiền não chấm dứt mà nó lập đi lập lại thì Đức Phật Ngài có cho chúng ta biết rằng những phiền não mà chúng ta gọi là bảy phiền não triền thùy hay là bảy phiền não tùy miên chúng ta thường gọi là phiền não ngủ ngầm , ngủ ngầm là nó không có mà nó tiềm ẩn mà nó có khả năng sanh khởi trong tương lai bởi vì tuệ giác của chúng ta chưa được thắp sáng rõ ràng, nó giống như cục đất mà chúng ta nhìn thấy không có cỏ nhưng chúng ta để một thời gian thì cỏ có thể mọc lên được. Thì vì vậy khi nào mà phiền não cứ lập đi lập lại mà chúng ta không tránh được thì chúng ta thử đem công án Đức Phật Ngài dạy trong kinh Vô Ngã Tướng:

 - Sắc uẩn, thọ uẩn,tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là thường hay là vô thường?

 Mình phải tự xác nhận với chính mình, có thấy rõ nó là vô thường hay không, rồi mình hiểu được là tại sao Đức Phật dạy cái gì vô thường là khổ, rồi mình phải hiểu thêm một chuyện nữa cái gì vô thường là khổ thì có nên nói rằng nó là "Của Ta" là "Ta" là "Tự ngã của ta" chăng? chúng ta phải nghiền ngẫm chuyện đó rất nhiều thì chúng ta mới thấy rằng quả thật cái biết cái hiểu của chúng ta về cuộc sống rất mơ hồ, mơ hồ đến nỗi có những sự việc rất là hiển nhiên nhưng chúng ta lại không thấy rõ được./.  

  

No comments:

Post a Comment