Tuesday, July 29, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Sự độc cư có giá trị gì với người tu tập?

Hỏi. Sự độc cư có giá trị gì với người tu tập? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 15-7-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

ĐĐ Pháp Tín: Đời sống độc cư có lợi ích cho chúng ta rất nhiều trên nhiều phương diện. Thật ra, có những người nói nếu mình tu tập tốt thì nơi nào mình tu cũng được, ở độc cư, hay ở nơi phồn hoa đô thị, ở nơi thanh vắng gì nếu chúng ta biết tu thì nơi nào chúng ta cũng tu được,

 Thật sự đồng ý như vậy nhưng đối với đời sống độc cư có nhiều thuận tiện hơn. Khi mình sống độc cư, không ở gần với nhiều người thì đây là một điều làm cho chúng ta giảm bớt phiền não. Thí dụ như khi mình ở trong một hội chúng nếu hội chúng có tu học thì không sao nhưng nếu chúng ta ở với một hội chúng phàm phu thì mình biết rồi, tâm của người này lúc này thì khác, tâm người kia lúc kia nó khác, mỗi người mỗi tâm ý khác nhau mỗi người mỗi tâm tánh khác nhau thành ra khi mà chúng ta có sự chung đụng nhiều quá thì chúng ta cũng có phiền não. Rồi khi chúng ta chung đụng như vậy nhiều thời gian tu tập mình không có sẽ làm cản trở mình. Sự ồn ào sẽ cản trở mình.

Thành ra một người sống độc cư tu tập hay hành trì thiền định hoặc sống đời sống phạm hạnh thì nên trọn một nơi cư trú thanh tịnh yên vắng hoặc có cơ hội được sống một đời sống độc cư thì sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho người đó, tránh được những phiền não, tránh được những hội chúng đông người, tránh được những sự cãi vả. Nói chung là được rất là nhiều phương diện hoặc là nhiều lợi lạc rồi từ đó đạt đến những giá trị rất nhiều. 

Cũng như mình thấy trường hợp không phải là độc cư, thí dụ như có trường hợp người ta nói rằng là tại sao mình ngồi một mình, thì "độc hành không buồn chán, ẩn sĩ tự điều phục, sống thoải mái rừng sâu". Đây là câu kệ tâm đắc của Sư Trưởng. Cũng như có những người nói rằng "Thời nay mình sống có lúa thóc gạo đầy đủ tại sao những vị tu sĩ không ăn một ngày 3 lần" người ta mới biện minh ngày xưa do thời đó lúa cao gạo khó thành ra phải ăn một ngày một buổi hoặc ăn một ngày hai lần. Thì khi chúng tôi nghe nói điều đó chúng tôi nói rằng ngày xưa trong thời Đức Phật thì không thể nào gọi là lúa cao gạo khó được mà thời Đức phật có nhiều trưởng giả như ông Cấp Cô Độc,  bà Visakha, rồi đến vua Pasanadhi, vua Bình Sa Vương, vua A Xà Thế, rất nhiều vị vua hộ độ, rất nhiều trưởng giả khắp nơi, ngay cả Chư Thiên cũng hộ độ thì không bao giờ thiếu gạo.

Ở đây thì chúng tôi nói điều này nó liên quan đến đời sống không bận rộn về ăn uống từ buổi trưa cho đến sớm ngày hôm sau mình không cần suy nghĩ đến phải nấu món gì rồi phải ăn như thế nào phải rửa phải dọn dẹp v.v... thì có rất nhiều điều làm cho chúng ta bị phiền toái. Chúng tôi muốn nói khi mình chỉ cần nhịn ăn một buổi chiều như vậy mà chúng ta đã có thời gian tu tập rất nhiều. Từ 12 giờ trưa đến sáng ngày hôm sau chúng ta không có bận rộn về vấn đề ăn thì chúng ta có một thời gian tu tập, có thời gian để mình hành đạo tu tập. 

Một  người sống ở trong rừng núi hoặc ở một nơi thanh vắng nào đó. Thật sự ra cái điều này nếu chúng ta có được một trú xứ an tịnh chúng ta chỉ cần lo tu tập, nếu chúng ta lo tu tập nhiều thì những sự bận rộn của chúng ta sẽ ít. Thí dụ như  mình đi khất thực chỉ có một buổi rồi về thọ thực rồi sau thời gian đó chúng ta không lo đến việc ăn uống nữa những thời gian còn lại để tu tập từ đó đem lại nhiều lợi lạc cho chúng ta. 

Vậy thì ở trong câu thảo luận này chúng tôi muốn trình bày đó là sự độc cư có rất nhiều giá trị chúng ta có được thời gian tu tập rất nhiều và chúng ta tránh được những phiền não, từ đó sự tu tập của chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả nhiều giá trị do đời sống độc cư đem lại ./.

No comments:

Post a Comment