Sunday, July 27, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Chữ suy tầm (vitakka) phải chăng là "sự miên man" của tâm ?

Hỏi: Chữ suy tầm (vitakka) phải chăng là "sự miên man" của tâm ?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 12-6-2014, Minh Hạnh chuyển biên)



TT Giác Đẳng: Thật ra trong đời sống của chúng ta ai cũng có ít nhiều sự chi phối trên phương diện này hoặc trên phương diện khác. Nhưng, nếu chúng ta thường nghĩ về điều gì, chúng ta thường miên man về điều gì và điều đó nó làm bận lòng, nó cứ lập đi lập lại, nó cứ là một cái gì đó da diết ở trong lòng. Thì về điểm đó chúng ta nên để ý không khéo thì nó trở thành một thứ suy tầm mà suy tầm này nó ăn sâu vào trong lòng thì nó chi phối sự tu tập. 

Một hành giả khi bước vào đời sống tu tập càng bớt đi những chi phối thì đỡ hơn. Nhưng  dù sao đi nữa bản thân của chúng ta vốn có thói quen bị chi phối bởi những điều đó. Chúng tôi nhớ có những người Phật tử họ rất nặng về xã giao, đi đâu cũng xã giao kể cả lúc vào trường thiền, họ rất quan trọng hóa là mua món quà để cúng dường cho vị thiền sư, để tặng cho nhà bếp, và hầu như họ muốn cả trường thiền dành thiện cảm cho họ. Thì nhìn ở bên ngoài có vẻ như điều đó rất tốt là một người đi đâu cũng có tính trước tính sau nhưng trên phương diện khác có nhiều khi một người họ đặt quá nặng là những người chung quanh nghĩ về mình, muốn cho những người chung quanh dành thiện cảm cho mình, riêng trong trường hợp một vị thiền sinh thì điều đó là một sự ngăn ngại.

 Một lúc nào đó tu tập mình chỉ tập trung vào sự tu mà thôi. Hay hoặc giả một điểm chúng ta thường gặp đó là trong đời sống khi mình làm việc gì đó mình hay bị cấn cái về chuyện những người chung quanh họ nghĩ sao về mình, mình làm việc đó không biết họ thương mình hay họ có cảm tình với mình hay không. Về việc này làm cho mình quá quan trọng, mình quá nặng về sự đánh giá của người khác đối với mình và mình quên đi việc chính của mình làm là tìm một chỗ thanh vắng ngồi xuống tập trung vào hơi thở. Thì rõ ràng trong cuộc sống của chúng ta ai cũng bị chi phối bởi thị dục huyển ngã, tức là một cái nhìn của người khác nghĩ sao về mình. 

Một chuyện khác chúng ta thấy cũng ảnh hưởng rất nặng ở trong các trường thiền về điểm này, chúng tôi gặp không ít là có nhiều Phật tử vô trường thiền họ hay có tâm thật là hoan hỉ vị sư này, hoan hỉ người Phật tử kia tu tập có vẻ tiến bộ. Chúng tôi không biết các vị có đánh giá đúng hay không tại vì mình vào trường thiền đâu biết ai làm sao nhưng thường thường khi gặp nhau mà thấy vị nào có vẻ như tập trung nhiều hay nhìn ở bên ngoài thì có vẻ như thu thúc nhiều thì qúi Phật tử hay hoan hỉ và đây cũng là cái trở ngại cho các vị tu tập. Trong những giờ phút đi hành thiền nó không phải là giờ phút để cho chúng ta đánh bóng hào quang của vị nào đó hay là cho vị nào đó cảm giác là mình tu hay, hoặc vị đó cảm giác được hâm mộ, không có chuyện gì để hâm mộ trong trường thiền  hết, mọi người vào đó tu tập thì cứ tu tập.

 Chúng tôi có nói chuyện với Ngài Gunaratana, Ngài là người lập ra trường thiền Bhàvanà Society, Ngài chia sẻ với chúng tôi một điểm là những thiền sinh người Mỹ xem ra đôi khi họ vô tư với sự tu tập, thí dụ như họ lên trường thiền ai tu sao cũng được nhưng thiền sinh Á Châu đặc biệt là thiền sinh Việt Nam thì mới vô trường thiền không có lo tu mà cứ để ý xem vị nào tu cao, vị nào tu chính chắn, thậm chí vị nào tu đắc thiền đắc đạo thì mình hâm mộ hơi nhiều. Hâm mộ hơi nhiều tức là mình có thái độ có sự phản ứng có sự đánh giá nặng về  việc đó và ở chỗ đó không phải là chỗ để chúng ta làm như vậy, cái tốt nhất trong trường thiền là mình vào trong đó thì mình hiểu rằng mình nên tận dụng thì giờ qúi báu cho mình và tận dụng thì giờ qúi báu cho người khác. 

Ngay cả qúi Phật tử đi làm việc thì nhiều khi chúng tôi thưa rằng mình làm việc ở trong một lớp sinh hoạt như vầy thì tất cả qúi vị nên hiểu rằng Chư Tăng mỗi vị giảng sư có cách giảng bài khác nhau và cũng có một số vị thích hợp với vị này thích hợp vị kia. Nói chung là nhờ có tất cả các vị giảng sư một chương trình sinh hoạt Phật Pháp như lớp Phật Pháp Buđdhadhamma mới duy trì được, nhưng có một số vị thì không nghĩ như vậy, thường nói người này hay người kia dở, mình thích nghe vị này không thích nghe vị kia và khen vị này chê vị kia. Cái đó là chúng ta không có nhìn đại sự không nhìn cái chung, mình phải nhìn cái chung điểm như vầy là nhờ có tất cả Chư Tăng, có vị này vầy vị kia khác nên chúng ta mới duy trì được. Phật tử đi chùa cũng vậy, Phật tử đi chùa thì mình nói như 10 ngón tay có ngón ngắn ngón dài, có vị rất giỏi về việc này, có vị có sở trường về việc kia, có vị có tánh hạnh này, có vị có tánh hạnh kia, rồi có nhiều người vô chùa cứ chê người này khen người kia. Cái cuộc sống chung không phải là như vậy mang lại cho chúng ta sự an lạc, mà điều mang lại cho chúng ta sự an lạc là chúng ta nói rằng làm sao chúng ta có thể bao dung, làm sao chúng ta có thể chấp nhận được với nhau, chấp nhận được cả cái ưu và cái khuyết và làm sao chúng ta có thể tiếp tục tồn tại, tiếp tục hổ trợ, tiếp tục nương tựa nhau, chứ không phải là mình vẽ lằn ranh mình đánh giá vị này cao vị kia thấp, vị này mình thích vị kia không thích, những việc đó nó ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta rất nhiều. Nhưng người khác đánh giá không có quan trọng cái quan trọng là với một người tu thì cái tâm mình đừng để cho chuyện đó làm lớn chuyện ở trong cuộc sống của mình.

Chúng tôi sống trong chùa có nhiều khi gặp một số qúi Phật tử qúi vị rất ưa chuộng vị này không ưa chuộng vị kia thì gặp chuyện đó mình cũng cười thôi. Bởi vì sao vậy? Bởi vì sự suy nghiệm của chúng tôi như vầy: Ở trong kinh Đức Phật Ngài dạy mình có ba sự quán chiếu về ba khía cạnh về sự việc trong đời sống đó là vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly. 

- Có nhiều khi mình nghĩ nhiều của vị ngọt, thí dụ danh có vị ngọt của danh, lợi có vị ngọt của lợi, mình nghĩ thì mình hoan hỉ.
- Nhưng mà nghĩ đến sự nguy hiểm thì chúng ta mới thấy là dễ sợ, mình nghĩ sự nguy hiểm đó thì mình mới thấy điều đó nó chi phối tâm tư chúng ta thế nào. Thí dụ như là bây giờ mình được một sự tôn trọng, được một cái học vị, được một chức quyền gì đó. Không biết nó mang lại cho mình bao nhiêu hạnh phúc nhưng mà khi mất cái đó thì con người mình điên đảo. Chúng tôi đã từng tiếp xúc và từng nhìn thấy việc đó và mỗi lần nhìn thấy những sự đó bằng mắt của chính mình bằng sự tiếp xúc của chính mình thì mình mới thấy rằng lời của Đức Phật dạy rất là thâm thúy là tại chúng ta quên lời  Đức Phật dạy thôi. Có một lần Đức Phật Ngài nửa đêm Ngài nghe tiếng con dã can nó tru nó tréo thì Đức Phật hỏi Chư Tỳ Kheo: 
- "Này Chư Tỳ Kheo, các con có nghe tiếng của con dã can không?"

 Thì Chư Tỳ Kheo nói: 
- "Dạ Bạch Đức Thế Tôn, có".

 Đức Phật giải thích là nó là con dã can già, nó bị ghẻ, và trời đêm về làm cho da nó khó chịu, nó nhức nhối khó chịu. Thì Đức Phật dạy rằng:
- "Này Chư Tỳ Kheo, một người mà bị chi phối bởi danh, bởi lợi, thì khi họ gặp sự mất mát họ phiền muộn thì ăn không ngon, ngủ không yên bị chi phối giống con dã can đó vậy". 

Thì hình ảnh đó rất là tội nghiệp. Cuộc sống của chúng ta, mình không biết cuộc đời họ khen mình hay cái danh vọng nó đánh bóng mình, mình được cái gì nhưng khi mình không được thì mình khổ, rất là khổ, khổ đến đỗi mà dở sống dở chết, ăn không ngon, ngủ không yên. Thì đời sống chúng ta khổ quá. Khi mình nhìn thấy những sự nguy hiểm như vậy thì mình thấy rằng mình nên tập trung vào cái gì đó nó có lợi lạc hơn ví dụ như mình bỏ thì giờ đọc bài kinh bỏ thì giờ ngồi thiền bỏ thì giờ làm việc Phật sự. Khi mình làm thiện sự làm Phật sự nó không làm cho mình buồn. Đúng ra thiện pháp từ trong đời sống nếu mình làm là mình có phước. Chúng tôi lấy thí dụ như một ngày chúng ta có hai giờ chúng ta ráng tinh tấn vào đây để cùng nhau đọc lời Phật ngôn để nghe pháp để suy nghiệm lời Đức Phật dạy sau đó không có cái gì hết, sau đó không còn cái gì hết, nhưng chúng tôi bảo đảm với qúi vị như vầy là cái việc này không mang lại cho chúng ta sự phiền não hết rồi thôi, mình nghe pháp có những đạo lý mình nghe đi vào trong lòng mình an lạc rồi sau đó rồi thôi. Thì chúng tôi rất là tin một điểm là nếu mà tìm cái sự an lạc nào thì nên an lạc trong thiện sự và nhẹ nhàng nhưng nếu chúng ta thấy được cái nguy hiểm của những cái gọi là tranh danh đoạt lợi thì lúc bấy giờ mình mới thấy là cái đó nó đáng sợ.

 Khi nãy TT Pháp Đăng cũng có đề cập đến một việc là một vị tu sĩ gắng bó với một Phật tử nhiều. Chúng tôi cũng thấy ngày nay có nhiều vị tu sĩ  có khuynh hướng thường đến nhà Phật tử ăn dầm nằm dề rồi muốn có quan hệ mật thiết với một Phật tử nào đó rồi muốn có chia sẻ. Thì thật ra Đức Phật nói điều đó bất xứng, nó không có xứng đáng với đời sống xuất gia. Tại vì sao vậy? Vì mình đi xuất gia tức là mình muốn có một cõi rộng thênh, mình muốn có một thế giới thông thoáng với một phương trời cao rộng, bây giờ mình trở về một nơi hạn hẹp một gia đình nào đó vui với họ buồn với họ theo từng nhịp thở. Thật ra điều đó chúng ta bỏ một đại dương mênh mông chúng ta trở về cuộc sống ao tù thì chúng tôi nghĩ rằng quan hệ tương đối thì được nhưng mà quá gắng bó quá liên hệ đến đỗi mà phải lo cái lo của họ, phải buồn cái buồn của họ, phải thăng phải trầm lên xuống theo cuộc sống của họ, thì thật ra khi chúng ta không ý thức được điều đó thì chúng ta đánh hỏng đi mục đích chân thực của cuộc sống tu tập. 

Ở đây không có nghĩa là Đức Phật Ngài dạy chúng ta sống vô tâm, sống thì chúng ta nên có quan tâm nhưng mình hiểu một chuyện là nó có một chừng mực cần thiết để làm thế nào đó mà người xuất gia có thể tiếp tục đi tới với đời sống tu tập của mình. Chuyện đó không phải dễ. Rất là khó. Chẳng những khó mà đôi khi chúng ta phải đặt lại hoàn toàn  quan niệm của chúng ta về việc này. 

Và rồi chúng tôi cũng nhận thấy một điểm liên hệ đến sự miên man hay sự tư duy của chúng ta là trong những khuynh hướng cố hữu chúng ta muốn cái này muốn cái kia, mình cứ nghĩ đi nghĩ lại hoài việc gì đó thì đôi lúc mình cần có những sinh hoạt chung, gọi là tập thể với anh em với hội chúng, sống ở trong chùa vị nào mà cứ giam mình hoài ở trong phòng, vị nào mà cứ lo việc cá nhân mình hoài sống ích kỷ hoài thì không nên. Mình đi tu thiền cũng vậy, nhiều khi con người mình có những lúc mình nên quên chính mình là ai, "xin cho mình  là một cái cây nhỏ bé trong một khu rừng", "là một hạt cát ở trong một bãi cát mênh mông" như vậy sống cũng được quan trọng là chúng ta làm sao mà chúng ta sống hoà mình, cái sự hoà mình với mọi người là người ta làm được thì mình làm được người ta sống sao thì mình sống vậy, để làm gì, để những giây phút nào đó mình quên đi chính bản thân của mình thì nó nhẹ nhàng cho mình. Người Tây Phương họ nói "cái tôi thật đáng ghét". Thật ra thì chúng ta không lên án "cái tôi" đáng ghét nặng nề, kiểu mặc cảm, nhưng phải nói rằng một người cả ngày từ sáng đến chiều nghĩ về "cái tôi" làm sao cho tôi thế này làm sao cho tôi thế kia, nghĩ riết rồi làm cho mình quẫn trí, mình thấy con người ai sống nghĩ "cái tôi" hoài thì khổ. Một lúc nào đó mình nên làm cái gì đó mà không nghĩ đến "cái tôi", thí dụ như mọi người cùng làm thì mình làm, mọi người cùng gánh vác thì mình ra phụ một tay rồi mình cùng nhau để chia sẻ cái này chia sẻ cái kia, cái hoà mình đó nó giúp cho chúng ta vượt khỏi cái tháp ngà vượt khỏi cái thị dục huyễn ngã của chúng ta cho dù nhất thời nó cũng rất là lợi lạc.

Đó là vài lời của chúng tôi trong câu thảo luận số 4 là chúng tôi nghĩ sự suy tầm chúng ta có thể bắt nhịp như là cái sự chúng ta có thể nghĩ nó như là sự miên man, quá nghĩ, quá dính mắc, quá hướng về cái gì đó thì điều đó đôi khi chúng ta phải đặt lại vấn đề ./. 



No comments:

Post a Comment