Friday, July 18, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Đời sống nội tâm có nhiều mặc cảm có nhiều sự suy nghĩ mà mình không tự chủ được mình làm như thế nào?

Hỏi: Đời sống nội tâm có nhiều mặc cảm có nhiều sự suy nghĩ mà mình không tự chủ được mình làm như thế nào?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đối với người Phật tử trong sự tu tập chúng ta thường rơi vào cực đoan, chúng ta có quan niệm tu và không tu là hai thế giới hoàn toàn xa. Một cái giống như mặt trăng và một cái giống mặt trời. Một cái giống như cực nam một cái giống cực bắc. Và vì vậy chúng ta thường nói đến sự tu như là một lý tưởng như là một cái gì rất xa vời. Quả thật thì đạo quả cứu cánh giải thoát đôi lúc không gần như chúng ta tưởng nhưng ở trong đời sống hàng ngày chúng ta vẫn có thể tìm thấy được rất nhiều. Ví dụ như ngay cả chúng ta không thành tựu đạo quả được tuy nhiên một cách sống nào đó trong đời sống hàng ngày cũng làm cho tâm tư của chúng ta ổn định hơn nhiều. 

Chúng tôi lấy một ví dụ trong kinh Đức Phật Ngài thường dạy 4 loại vật thực: đoàn thực, xúc thực, thức thực và tư niệm thực. Chúng ta có thể hiểu như vầy:  
- Cơm bánh những thực phẩm để nuôi thân của chúng ta. 
- Cảnh thì nuôi tâm của mình. 
- Xúc thực ở đây là sự tiếp xúc giữa căn cảnh.
-  Thức thì cảnh nuôi tâm của mình. 
- Và chúng ta cũng hiểu là tâm nuôi dưỡng sự sống và tư niệm thiện ác nuôi dưỡng luân hồi. 

Thì như vậy, cuộc sống là một sự tương tác. Cuộc sống là một cái gì đó mà nó có được cả hai mặt là "nhận vào" và "cho ra". 

Vì vậy ở trong cuộc sống Đức Phật Ngài cho chúng ta rất nhiều lời dạy mà chúng tôi tạm dùng chữ gọi là "cận nhân tình" tức là cái gì đó gần với đời sống thường thức của chúng ta hàng ngày chứ nó không phải cái gì quá xa xôi. Ví dụ như Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng sách mà  chúng ta đọc, người mà chúng ta thân cận, rồi nơi chúng ta sống nó có thể ảnh hưởng rất nhiều đến nội tâm của mình, nó ảnh hưởng ở trong thời kỳ chúng ta đang trưởng thành. Như trường hợp Mạnh Tử hồi còn nhỏ nhà ở gần nghĩa địa thì thường thích làm ma chay, khi ở gần lò sát sanh thì thích làm đồ tể v.v... Ngay cả khi chúng ta lớn lên có một nhà văn Trung Hoa đã nói rằng: Muốn cách mạng xã hội thì trước nhất là phải cách mạng văn hóa, muốn cách mạng văn hóa phải cách mạng văn nghệ, muốn cách mạng văn nghệ thì phải cách mạng tiểu thuyết. Ở thời nào mà tiểu thuyết ủy mị quá, ở thời nào mà văn nghệ nói lên sự bi thảm của kiếp người nó chỉ đầy dãy nước mắt và tình yêu thì lúc đó con người chúng ta tâm không tránh được sự ủy mị.

Thì như vậy, ở đây cho chúng ta thấy rằng chúng ta không hoàn toàn bất lực với nội tâm. Chúng ta có thể có được ít nhiều ảnh hưởng với đời sống nội tại của mình. Và ảnh hưởng đó có thể không dẫn cho chúng ta đến bến bờ giải thoát hoàn toàn có nghĩa là có thể chúng ta không có đắc đạo chứng quả, có thể chứng được vô sanh pháp nhãn liền nhưng thái độ sống tích cực đó  sẽ mang lại rất nhiều điều tích cực cho đời sống của mỗi người.

Khi tâm tư của mỗi cá nhân sống ở trong thời đại này chúng ta phải hiểu rằng chúng ta thường có nỗi sợ hãi len lén ở trong lòng. Sự sợ hãi đó trước sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, thay đổi về kinh tế, thay đổi về kỹ thuật, thay đổi về chính trị, thay đổi về văn hóa. Có thể những cái gì chúng ta cho rằng đẹp ở mùa hè qua mùa đông nó không còn đẹp nữa. Ví dụ như một kiểu quần áo, một máy computer mà qúi vị đầu tư bỏ ra rất nhiều tiền mua về bây giờ vài bữa thì nó không còn giá trị như ngày xưa mà qúi vị thấy nữa. Đời sống thay đổi một cách chóng mặt như vậy khiến cho chúng ta thường sợ hãi. Lúc đó chúng ta mới hiểu rằng tại sao tâm tư của con người thường thích tìm về một cảnh giới êm đềm một cảnh giới bình yên tại vì chúng ta rất sợ xáo trộn. Nhưng mà rõ ràng rằng đời sống hôm nay là một đời sống rất xáo trộn. Hơn thế nữa, cuộc sống ngày xưa thì có những định đặt về quan hệ con người khi người ta lập gia đình thì người ta nói cái chuyện ăn ở với nhau tới răng long tóc bạc, khi người ta có một mối quan hệ tình bạn thì người ta nói đến một thứ tình bạn thấm thiết mà có thể sống trong nhiều năm nhiều tháng mà bạn bè vẫn là bạn bè. Nhưng bây giờ thì quan hệ của xã hội phức tạp hơn nhiều, phức tạp đến đỗi  đôi lúc chúng ta cảm nhận rằng không có một cái gì ổn định ở trong quan hệ giữa loài người.  Như vậy thì chúng ta phải thấy rằng sự tiến bộ của loài người ngày hôm nay bị trả một giá rất đắc chúng ta phải trả giá rất đắc về chuyện đó. 

Chúng tôi nhớ rằng có một lần sang thăm Trung quốc, chúng tôi nói chuyện với một anh hướng dẫn về du lịch, anh nói với chúng tôi rằng có một số rất lớn người bây giờ họ lại mơ ước thời bao cấp ngày xưa, là mình đi làm miễn là có đi làm thôi, làm dở cũng được làm tốt cũng được, nhưng nhà ở cơm ăn cái gì cũng có chính phủ lo, và có khi sản xuất không có ra gì không bán được mặt hàng nhưng chính phủ vẫn trả tiền cho các công xưởng để duy trì. Bây giờ thì qua kinh tế thị trường rồi người ta cảm thấy sợ hãi, người ta cảm thấy bấp bênh bởi vì có khi bán được có khi không bán được. Ví dụ như  có những khủng khoảng kinh tế tại Trung quốc và một số các nước Á Châu thì những người công nhân của các nước hãng xưởng rất hồi hộp lo lắng về tương lai của mình. Nói chung, tại các quốc gia kỹ nghệ và hầu hết trên mọi lục địa của trái đất ngày nay khi nói đến sự phát triển kinh tế thì nó cho người ta rất nhiều điều nhưng ngược lại thì chúng ta cũng sống vào sự bấp bênh khi lên xuống vô chừng của nền kinh tế đầy sự đe dọa của thế giới này. Chúng ta cũng chưa kể đến những gì mang tánh cách khách quan còn phải nói đến cái chuyện chủ quan nữa và rồi ngay cả người giàu có nhất một người rất giàu nhưng mà rồi họ cũng cảm thấy cuộc sống vô vị là bởi vì một lúc nào đó những thực phẩm ngon nó không còn là ngon miệng nữa, những chiếc áo đẹp nó thật sự không nói cho họ được cái gì hết mà đi ra đi vào trong một căn phòng được trang hoàng lộng lẫy nó chỉ có thể ảnh hưởng đến tâm tư một vài tháng đầu một vài năm đầu nhưng sau đó rồi thì căn phòng lộng lẫy nó có cưu mang một người hiểu đạo là một người biết đặt lẽ sống của mình ở trên một cái gì đó mà nó có thể có khả năng đối trị được tâm của mình hay không. 

Căn bản mà nói,  theo trong kinh Phật thì tâm tư của chúng sanh sống trong cõi dục giới này luôn luôn có 5 trạng thái, trạng thái đó vốn là 5 trạng thái tự nhiên của con người sống ở trong cõi dục, cõi dục tức là cõi sống với sắc, thinh, khí, vị, xúc. Chúng ta muốn nói đến thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, là bởi vì thấy nghe ngửi nếm đụng nó muôn màu muôn vẻ muôn thứ nó đa dạng nên chi cái tâm của chúng ta nó thường chuyền từ nơi này sang nơi khác, nó không có thể nào an lập trên một cảnh giới nào. Và bởi vì nó không có khả năng an lập ở trên một cảnh giới nào lâu nên tâm đó mỏng mảnh, tâm đó yếu đuối. Để vượt khỏi điều đó thì người ta cần đến một trạng thái khác, trạng thái đó là sự phát triển chi thiền, Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, Định.

Ở trong cõi dục của chúng ta con người có được mỹ quan tức là biết cảm nhận cái đẹp. Nhưng con người cũng có tham, con người biết xa lánh điều xấu xa, cái gì nó không khả ái khả ý. Thì chúng ta cũng bị một mặt khác là chúng ta dễ có tâm sân hận. Chúng ta biết lúc nào phải nghỉ ngơi, làm thế nào đó để cho bộ máy của chúng ta không làm việc quá đáng thì chúng ta bị hôm trầm thụy miên. Con người của chúng ta là con người ở cõi dục thường thích sáng tạo nhưng mà  sáng tạo rồi chúng ta cũng bị tâm tư phóng dật. Phóng dật là trạng thái phan viên theo nhiều cảnh nó là cái giá trả cho sự sáng tạo của người trong cõi dục. Chúng ta cũng có một trạng thái tâm khác đó là khi chúng ta đối diện với cái gì bấp bênh với cái gì không rõ ràng thì chúng ta biết đứng lại nhưng chúng ta cũng có một trạng thái tâm nữa là hoài nghi. Như vậy tham, sân, hôn thụy, phóng dật, hoài nghi chỉ là một mặt khác của một đồng tiền, có khía cạnh tiêu cực, có khía cạnh tích cực. Nhưng sống trong cõi dục không ai tránh khỏi điều đó.

Rồi 5 chi thiền là Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, Định đối trị  được 5 trạng thái này. Những vị hành giả cũng phải dựa trên một số cảnh giới một số đối tượng như các đề mục kasina hay các đề mục thiền tập và những đối tượng này tuy rằng nó giúp cho vị hành giả đạt được những chi thiền nhưng mà rồi nó cũng có giới hạn của nó. Rồi mục lúc nào đó chúng ta cũng phải thay đổi đối tượng từ sắc sang vô sắc. Và rồi cho dù những khái niệm rất trừu tượng của tâm hồn của nội tâm đi nữa thì những khái niệm trừu tượng đó cũng có hạn cuộc của nó và người ta phải lẩn quẩn ngay khi đạt đến phi tưởng phi phi tưởng thì nó cũng chỉ là những phạm trù mang tánh cách rất giới hạn. 

Do vậy, hiểu được đời sống nội tâm Đức Phật Ngài nói rằng căn bản của đời sống nội tâm là chúng ta hiểu rằng nó có sức sống rất mãnh liệt sức sống đó như một giòng sông cuộn chảy chúng ta không thể nào mà chận nó lại được. Sức sống đó ở trong Bốn Đế gọi là Tập Đế tức là mong muốn hiện hữu ở chỗ này hay hiện hữu ở chỗ khác, mong muốn như thế này mong muốn như thế khác. Cái muốn mà được đề cập trong Tập Đế là sức sống, là lực mãnh liệt đi tới, và lực mãnh liệt đi tới này chúng ta không thể chặn nó lại được, không ai có thể dùng đôi bàn tay nhỏ bé của mình để mà chặn lại giòng cuồng lưu cuộn chảy ở dưới giòng sông lớn được. 

Như vậy, mình hiểu rằng tâm của chúng ta phải đi tới. Và nếu chúng ta là người khéo thì chúng ta hướng tâm vào một cảnh giới tương đối an bình. Ví dụ như trường hợp chúng ta có thể dành một ngày Chủ Nhật để đi đến chùa, chúng ta có thể ngồi nói chuyện bàn đạo lý cùng một người thiện hữu tri thức, hoặc chúng ta có thể ngồi yên lặng để tụng một trang kinh ở trước bàn thờ Phật. Khi đi xa, bước lên xe bus rất đông người mình ngồi nhắm mắt vài phút và trong lòng nguyện tất cả mọi người chung quanh được an lạc, tức là an trú vào tâm từ hay hoặc giả  ngồi một cách rất thanh thản để theo dõi hơi thở ra vào. Tất cả những thứ đó nó nói lên chúng ta khéo hướng tâm. 

Đức Phật Ngài có những gợi ý, trong trường hợp một vị tỳ kheo trẻ được đưa đến gặp Đức Phật và vị tỳ kheo trẻ này rất hổ thẹn để trình bày với Đức Phật rằng mình đang quạt hầu vị Sư Bác và trong lúc đó khởi lên những ý nghĩ viễn vông những điều hoàn toàn tưởng tượng và sống với nhiều tưởng tượng đó. Thì cái nhìn của Đức Phật qua lời Ngài dạy: điều đó không có lạ lùng  tâm tư của chúng ta là như vậy, đời sống nội tại của chúng ta vốn dĩ nó hoan vu như vậy, vốn dĩ nó vô định như vậy, và một người có trí một người có ý thức là người có thể nhận ra nó là như vậy. Mặc dù lời dạy của Đức Phật rất ngắn và ở trong một bài kệ Đức Phật không có nhiều lời đề nghị bởi vì Ngài để phần còn lại trong ý thức của vị tỳ kheo. Ngay lúc đó vị tỳ kheo phát triển được tuệ giác của mình bởi vì ý thức được cái gì là đời sống nội tại. 

Riêng về điều này chúng tôi phải nói rằng có rất nhiều đoạn ở trong kinh Phật khi đề cập đến sự tu tập Đức Phật Ngài không làm hết những công việc tu cho chúng ta, Ngài không bày vẽ hết mà Ngài chỉ gợi ý và làm cho chúng ta ý thức và phần còn lại là chúng ta biết là mình đã làm cái gì và Đức Phật không làm hết. Ông Christophe, một trong những nhà tư tưởng, một trong những người mà sự suy tư ảnh hưởng rất nhiều về những người sống nội tâm của thế kỷ vừa qua, ông nói rằng: "điều quan trọng của một nhà giáo dục không phải là học hết cho người học trò, mà điều quan trọng nhất của một nhà giáo dục là làm thế nào chỉ cho người học trò phải đứng trên vị trí nào để có thể nhìn thấy sự vật". Đứng trên vị trí nào để nhìn thấy sự vật rất là quan trọng. Ở đây Đức Phật Ngài cho chúng ta một chỗ đứng ở đó chúng ta từ góc cạnh này mình có thể hiểu được thế giới của nội tâm mình. 

Có lần chúng tôi sang Thượng Hải, đến Nam Kinh Đông lộ là một đường phố rất nào nhiệt đầy người qua lại để chờ đợi phái đoàn thì lúc đó có hai đạo hữu đứng gần bên chúng tôi hai vị đạo hữu đó mới vừa xem một đoạn tin tức trên tivi trong một siêu thị và vị này nói với chúng tôi là "mấy hôm nay ở bên ngoài có rất nhiều biến động có những lúc mình cầu một chút bình yên mà lại không có tìm được sự bình yên". Thì nghe nói như vậy chúng tôi cũng có khuyên hai vị đó rằng: đúng ra biến động thì lúc nào cũng có và với cái nhìn của người Phật tử thì không phải chỉ có những biến động ở bên ngoài mà ở trong đời sống nội tâm của mình cũng có rất nhiều biến động chứ không phải chỉ ở bên ngoài không. Và khi hướng về thế giới nội tâm đó là sự mời mọc của Đức Phật, Đức Phật đã mời gọi tất cả chúng ta Ngài khuyên tất cả chúng ta thay vì quá bận tâm với đời sống ngoại giới với những cái gì của thế sự bên ngoài thì chúng ta cũng ý thức được rằng ở trong nội tại của mình nó là cả một thế giới biến động nhiều lắm. 

Chúng tôi nhớ có một vị học giả, ngày xưa được xem như là một thế ngoại cao nhân vị này có nói một vài câu rất ý nhị, vị này nói rằng rất là làm biếng đánh cờ, làm biếng đánh cờ bởi vì tự trong cuộc sống hàng ngày đã có quá nhiều sự đấu trí. Rất làm biếng nghĩ đến những chuyện can qua là bởi vì ở trong lòng đã có những cái giằng co. Rất làm biếng để đi ngắm những cảnh xa xôi là bởi vì ở trong lòng nó đã có muôn ngàn cảnh rồi.
Tuy nhiên để kết luận câu trả lời của chúng tôi là. Cuộc sống hôm nay, xã hội ngày hôm nay nó cũng là bài học lớn để cho chúng ta thấy rằng cho dù thế giới ở bên có bao nhiêu phức tạp, cho dù thế giới ở bên ngoài có bao nhiêu biến động thì những điều đó còn rất nhỏ và rất kém quan trọng so với những gì gọi là biến động ở trong lòng của mình và cuộc hành trình tâm linh đôi lúc nó là cái gì làm cho chúng ta cảm thấy sợ hãi bởi vì chúng ta thấy không có cơ may thành công. Tuy nhiên đừng bao giờ lấy điều đó làm quan trọng bởi vì mỗi cố gắng nhỏ của chúng ta đều có những phần thưởng rất khích lệ nếu chúng ta biết hướng tâm của mình đến những đối tượng tốt đẹp, nếu chúng ta gần bạn lành, và nếu chúng ta đặt cuộc sống ở mình, ở trong môi trường, ở trong bối cảnh tương đối an tịnh thì chúng ta sẽ gặt hái được rất nhiều lợi lạc. Và chúng tôi mong rằng tất cả chúng ta sẽ một lần nữa luôn luôn nhắc nhở với mọi người rằng văn hóa của Đạo Phật là nền văn hóa tâm linh và đời sống mà Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta hơn hết và trên hết là một đời sống phản tỉnh nội tại và lắng nghe nội tâm của chính mình./. 

No comments:

Post a Comment