Sunday, July 21, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Phải chăng có sự đối nghịch nhau trong 2 thuyết Vô Ngã và thuyết Nghiệp Báo?

HỏiTheo giáo lý nghiệp báo thì chúng con chịu trách nhiệm trên mọi hành động làm thiện, làm ác của mình. Còn giáo lý vô ngã thì nếu mình làm mà mình không nghĩ mình làm, chẳng hạn mình làm việc thiện mà mình không nghĩ mình làm, hoặc mình làm việc ác mình cũng không nghĩ là mình làm ác. Câu hỏi của con là theo lý vô ngã thì mình có nhận cái quả của việc mình làm hay không. Con nghĩ rằng đã có sự đối nghịch nhau trong 2 thuyết là thuyết vô ngã và thuyết nghiệp báo. Con xin cung thỉnh TT từ bi giảng cho chúng con về hai thuyết này. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

. (Bài giảng trong rơom Vạn Hạnh , ngày 16 tháng 06 năm 2004 nhân buổi giảng về lý nghiệp báo  Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Thưa quí vị, thật ra thì không có gì đối nghịch ở trong giáo lý nghiệp báo và giáo lý vô ngã. Chúng ta hãy để ít thời giờ để nhìn về chữ vô ngã và vô ngã được hiểu như thế nào trong kiếp sống của con người.
Thật tình trong giáo lý vô ngã dậy rằng cái gọi là sự hiện hữu của chúng sinh trong cuộc đời này nó là một tiến trình kết cấu và kết nối liên tục bởi những sát na tâm, và những sát na sắc pháp, những đơn vị cực vi của tâm lý và vật lý. Chúng ta lấy ví dụ sắc, thọ, tưởng, hành, thức, ở mỗi một giờ phút thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức, liên tục biến đổi, biến đổi nhanh đến đỗi mà chúng ta không thấy, nhưng nó có biến đổi.
Thưa quí vị, nếu ở trong phòng có một đóa hoa tươi trước mặt và nhìn đóa hoa tươi một cách chăm chú thì dường như không có gì thay đổi trong đóa hoa tươi đó, nhưng thật ra nếu có một giây phút nào đó mà cuộc đời này đứng lại hoàn toàn không có thay đỗi, thì thưa quí vị việc đó không bao giờ xảy ra hết.
Như viên kim cương rắn chắc như vậy, nhưng những nhà vật lý cho chúng ta biết rằng, từ cái phân tử nhỏ trong viên kim cương nó liên tục vận hành theo một cách nhất định của nó, chúng ta muốn nói đến những đơn vị cực vi.
Một câu nói cổ điển là chúng ta không thể tắm hai lần ở trên một giòng suối, điều đó có nghĩa là cái gọi ông Nguyễn văn A ngày hôm qua và ông Nguyễn văn A ngày hôm nay, tuy rằng một con người, nhưng thân và tâm của ông Nguyễn văn A ngày hôm qua nó không phải là thân và tâm của ông Nguyễn văn A ngày hôm nay.
Bởi vậy ngày xưa thường có câu chuyện kể rằng: có một người đi chợ buổi sáng mua một sô sữa tươi, và bởi vì có chút viêc bận rộn nên không thể đem sửa tươi về nhà, nên ghé ngang gửi cho người bạn sô sửa tươi đó, và hẹn sẽ trở lại để lấy. Khi buổi chiều trở lại thì sữa đó không còn như buổi sáng nữa mà bây giờ nó đã hóa chua rồi, thì người này mới làm một cuộc tranh cãi rằng:
- "Khi tôi đem đến để gửi cho bạn thì rõ ràng là sữa tươi, bây giờ sữa này không phải là sửa hồi sáng."
Thì người bạn này nói:
- "Đó là sữa hồi sáng bạn đem đến đó."
- "Nếu mà sửa hồi sáng thi` nó không chua như bây giờ"
- "Nó đúng như vậy, nhưng từ sáng tới giờ nó đã đổi sang vị chua rồi."
Sữa chua bây giờ và sữa tươi hồi sáng nó không phải là một được, bởi vì nó là một thì nó đã không chua như vậy, nhưng nói là hai cái khác nhau để bắt người kia đền thì nó không phải, tại vì từng đó sữa nhưng nó có sự biến dịch, thì lý vô ngã cho chúng ta biết rằng cho dù cuộc sống của mỗi người nó là một tiến trình.
Như một đứa bé tắt bím lên 5, lên 10 tuổi của mấy mươi năm về trước, không phải là ông A, bà B bây giờ đã 3, 4, 50 tuổi. Tuy rằng một con người , một giấy khai sinh, một cha, một mẹ, một chủng loại đó, nhưng từ một đứa bé trở thành người trung niên, một kẻ thành nhân thì chắc chắn rằng thân và tâm thay đổi rất nhiều.
Giáo lý vô ngã dạy rằng, như vậy chúng ta không thể nói là 2 và cũng không thể nói là một, thế nhưng có ai chấp khăn khăn rằng những điều đó nó là như vậy thì nó phải là như vậy, trước như vậy, sau cũng như vậy thì người đó hiểu sai đi.
Có một lần Ngài Sariputra, Ngài đi trong làng, và có một người hỏi Ngài:
- Vậy chứ cái khổ có phải là hễ mình tạo ra nghiệp ác thì mình gặt lấy quả khổ phải không?.
Thì Ngài Xá Lợi Phất trả lời:
- Không phải.
- Như vậy có phải mình tạo nghiệp người khác nhận quả phải không?,
- Ngài nói: không phải.
- Như vậy mình và người khác cùng tạo nghiệp và mình và người khác cùng nhận quả phải không?
- Ngài Xá Lợi Phật nói “không phải.”
Và hỏi rằng “Như vậy các nghiệp không phải do mình tạo, không phải do mình nhận”
Ngài cũng nói “ không phải.”
Tại vì bốn cách nói đó, hầu như chúng ta nghĩ rằng nó bao trùm hết tất cả, hoặc giả là mình làm mình chịu, hoặc giả là người khác làm mà mình chịu, hoặc giả mình làm người khác chịu, hoặc giả cả hai cùng làm cùng chịu, hoặc không ai làm không ai chịu hết. Nghe dường như bao trùm hết, nhưng nó không đạt lý, bởi vì trong giáo lý duyên khởi cho chúng ta biết rằng tất cả mọi việc đều có nhân có duyên.
Như hôm nay tại Hoa Kỳ có lễ quốc táng Tổng Thống Reagan tại Washington DC và tài tử Ro Reagan ngày xưa nói rằng là một người thì cũng không hẳn là một người, bởi vì ngày xưa ông có thân khác, tâm khác, bây giờ thân khác và tâm khác, nhưng là 2 người cũng không phải, cũng từ người đó mà ra và cũng từ cuộc sống tiếp nối như vậy đó là giáo lý vô ngã.
Và giáo lý vô ngã không nói rằng, bởi vì nó vô ngã nên không có quả, chúng tôi cũng nói thêm một điểm nữa, một người làm phước nói theo danh từ của nhân gian gọi là làm với tinh thần vô ngã, đúng ra thì dầu chúng ta làm hay không làm, nó cũng vô ngã thôi, không có cái làm phước nào là hữu ngã. Nhưng nói cho chính xác hơn là chúng ta làm phước với tinh thần vị kỷ và làm phước với tinh thần không có vị kỷ.
Vị kỷ là mình cũng bố thí, mình giúp đỡ người nghèo, nhưng cái giúp đỡ người nghèo đó, mình mong được danh, mong đời sau được phước lành, mong đời sau được thế này được thế khác. Có những người làm hoàn toàn chỉ vì lòng bi mẫn, có những người làm hoàn toàn vì lòng thương kính cha mẹ, thương kính những bậc giới đức mà làm, có những người làm bởi vì thấy cái hay cái đẹp của hành động đó mà làm. Thì tinh thần vị ngã hay vị kỷ ở đây được hiểu như một hậu ý hay một tinh thần nghĩ về sau này mong rằng mình được như vậy.
Do đó chúng ta có thể nói rằng một người làm việc tốt, tuy rằng không mong mỏi phước báu, như chúng ta làm vì lòng bi mẫn, chúng ta làm bởi vì phát tâm trong sạch mà làm, chúng ta làm bởi vì thấy nó lợi ích chung mà làm, thì việc đó không có nghĩa là nó không mang lại phước báu, mà thật sự quả nó lại thù thắng hơn một người có tinh thần vị kỷ.
Chúng tôi lấy ví dụ, theo trong kinh Phật nếu qúi vị đọc trong kinh Tương Ưng bộ, mỗi ngày chúng ta làm phước bố thí trì giới, chúng ta mong được cái này, được cái kia, thì do cái nghiệp đó, nếu nó trổ quả đời sau thì chúng ta sanh lên cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. Cõi Tứ Đại Thiên Vương của những vị Tiên, những vị tiên đó có phận sự phải làm, họ có job để làm, ví dụ như 4 vị Thiên Vương thì mỗi vị Thiên Vương cai quản một chúng, như chúng Dạ Xoa hay chúng Càng Thát Bà chẳng hạn. Những vị này được hưởng thiên lạc, thiên xúc. Nhưng nếu được hưởng những thứ đó không thì không nói chi, vì vị đó cũng phải đi làm. Tương tựa như cuộc sống của chúng ta ở cõi người này, nhiều người có những tài sản lớn, có được hưởng thụ, như qúi vị sống tại Hoa Kỳ đi làm có tiền, có thể mua xe hay mua nhà, nhưng không có nghĩa là tiền ở trên trời rớt xuống, chúng ta phải đi làm rất cực. Thì ai làm phước mà mong mỏi mình được phước, mong mỏi phước đức về sau thì sanh về cõi Tứ Đại Thiên Vương, thì cõi đó được, nhưng cái được đó không có trọn vẹn.
Có những chúng sanh làm phước chỉ mong vì lợi ích cho người khác, ví dụ làm đường, đào giếng, xây cầu, trồng cây cho có bóng mát cho người ta chẳng hạn, thì chúng sanh đó sanh về cõi Đao Lợi là cõi cao hơn cõi Tứ Thiên Vương.
Có những chúng sanh làm phước, bởi vì thấy cái đẹp của hạnh mình làm, thì chúng sanh đó tái sanh về cõi Đâu Xuất, cõi Đâu Xuất Chư Thiên sống bằng pháp hỷ và pháp lạc, mình làm điều đó không phải vì ai hết, mình làm điều đó tại mình thấy nó nên làm, nó hay, nó đẹp phải làm. Ví dụ mình sống trong xã hội, đã sống trong xã hội thì nên có những đóng góp và mình xem đóng góp đó đẹp. Có những chúng sanh trong cuộc đời này sống nhờ những cái đẹp của chánh pháp mà làm, chớ không phải vì ông A,vì bà B hay vì mình hay vì bất cứ ai hết.
Có những chúng sanh trong cuộc đời này làm phước, mong xoá đi cái đau khổ của người khác, thì chúng sanh đó sẽ sanh về cõi Gia Ma, là những người mà không bao giời có sầu muộn trong lòng v.v....
Chúng tôi kể câu chuyện đó không phải là một câu chuyện dài dòng, nhưng để qúi vị thấy rằng không hẳn là mình làm phước mà mình không cầu phước thì mình không có phước, phước báu thì vẫn có, vì chuyện phước đó là chuyện thiên nhiên, định luật thiên nhiên thôi. Không hẳn ai đi làm cũng ngồi đó nghĩ tới tiền hết, nhưng nếu chúng ta làm thật sự chí thú, làm việc có phương pháp, làm việc đàng hoàng thì có kết quả, và kết quả đó không phủ nhận được.
Chúng tôi xin trở lại một lần nữa, là giáo lý nghiệp báo cũng nhấn mạnh yếu tố duyên khởi, về yếu tố chuyển hóa thay đổi của đời sống. Và giáo lý nghiệp báo hoàn toàn không nói đến cái ngã thường tại trong đời sống này. Và giáo lý vô ngã nói lên cái kết cấu của chúng sanh ở trong cuộc đời này, nó không có thực thể thường tại, thì điều đó cũng không có nghĩa là giáo lý vô ngã phủ nhận giáo lý nghiệp báo.
Chữ làm phước mong được hưởng phước, thì cái đó có thể được hiểu là tinh thần vị ngã, nhưng làm phước không cầu phuớc , đó là được hiểu tinh thần không có vị ngã, nhưng không hẳn là tạo cho chúng ta thấy rằng giáo lý nghiệp báo và giáo lý vô ngã nó mâu thuẫn với nhau.

No comments:

Post a Comment