Tuesday, July 30, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Nên trì nghiệp như thế nào?

Hỏi: Nên trì nghiệp như thế nào?

(Thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamm, ngày 28-7-2013)

TT Giác Đẳng: Khi chúng ta đề cập đến trì nghiệp thì nên hiểu một nguyên tắc của nghiệp báo cũng giống như tất cả những quyền lực khác đó là cái sức mạnh nổi trội luôn luôn lấn át những điểm yếu. Bao giờ cũng vậy đây là điều tự nhiên, như mình trồng cây lành mạnh thì nó vươn lên, ở trong cuộc đời này có những thứ mà nó có thế mạnh nó sẽ lấn lướt. Nói một cách nói chung chung là cái này nó lấn cái kia. Thí dụ, ở vùng sông nước thì những loại cây thủy cảnh những loài cây dưới nước mọc nhiều, còn nơi vùng sơn cước thì có những loại cây ở vùng núi non. 
Điều này cho chúng ta biết một cuộc sống khác, trong cuộc đời của chúng ta cũng tương tự như vậ, mỗi một cuộc sống nó có cái thế mạnh riêng và nếu nghiệp quá khứ mạnh thì nó lấn lướt nghiệp hiện tại và nghiệp hiện tại mạnh thì nó lấn lướt nghiệp quá khứ, nó không có tính cố định riêng.
 Đối với người Phật tử chúng ta rất tin vào nỗ lực hiện tại của mình, nếu chúng ta có nghiệp quá khứ như thế nào không cần biết nhưng hiện tại thì hễ càng ra công càng nỗ lực thì công việc càng tốt hơn, đó là điều chắc chắn, chúng ta đừng bao giờ cảm thấy chán nản khi mà mình đem so sánh mình với người khác, nhưng mình nên nhận thức rằng mỗi một nỗ lực của ngày hôm nay nó làm cho chúng ta tốt hơn ngày hôm qua.
   Lấy ví dụ, một ngày mình nghe pháp tốt hơn là một ngày không nghe pháp. Một ngày có làm được việc thiện thì ngày đó tốt hơn là một ngày không làm việc thiện. 
    Trong kinh Thắng Hạnh Đức Phật Ngài dạy rằng một người có ý thức và có lớn mạnh ở trong giáo pháp thì luôn luôn thấy rằng ngày nào thân nghiệp hiền thiện khẩu nghiệp hiền thiện và ý nghiệp hiền thiện thì là ngày cát tường vận mệnh hanh thông.
    Do vậy, chúng ta không nói rằng: hễ cái gì mình làm đều thay đổi nghiệp hết nhưng chúng ta phải quan niệm là có được sự phấn đấu hơn là không có sự phấn đấu, có sự phấn đấu hơn là suôi tay, có sự phấn đấu hơn là phó mặc.
    Điểm thứ hai, sự tu tập nào cũng có lợi lạc, cho dù là hai giờ nghe pháp, cho dù là một giờ nghe pháp, hay nửa giờ nghe pháp thì cái nào cũng quí, chúng ta đừng nghĩ là phải chờ cho đến khi mình thay đổi hoàn toàn bình diện. 
    Những khi chúng tôi đi hành hương trên đường hành hương thì chúng tôi không nghĩ rằng đi hành hương sẽ có kết quả này hay kết quả khác nhưng chúng tôi biết rằng những giờ chúng tôi đến trước những ngôi tháp, những giờ đến trước những thánh tích, qùy xuống đảnh lễ, mỗi một giờ phút như vậy nó đều có giá trị và chúng ta sống bằng những giá trị đó thôi chứ đừng nghĩ chuyện xa gần. Thì cũng tương tự như vậy một ngày một buổi mình tận dụng như buổi sáng hôm nay chúng ta có thể để ra 2 giờ đồng hồ trôi qua một cách bình thường, buổi sáng thì tắm rửa ăn uống rồi lái xe đi nhưng nếu chúng ta có hai giờ nghe pháp, không nghe được nhiều thì cũng được ít, ít nhất thì chúng ta cũng nhớ rằng Đức Phật Ngài dạy về nghiệp báo dạy về nhân quả một chút thôi nó cũng tạo cho chúng ta sự an lạc.
    Nên chi trong kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài dạy: đừng xem việc thiện nhỏ mà không làm, cũng giống như cái bình từng giọt nước cũng làm tràn đầy. 
      Cũng vậy những tích tập thời gian những việc nhỏ nó sẽ trở thành lớn. 
      Nên chúng tôi tin rằng người hiểu đạo là không bao giờ phó mặc, người hiểu đạo không bao giờ sống với số mệnh của mình, mà luôn luôn sống phấn đấu, sống chắc chiu từng chút nghị lực của mình và hoan hỉ với từng nỗ lực nhỏ của mình, những nỗ lực nhỏ đó sẽ mang lại cho chúng ta nhiều an lạc./.   

No comments:

Post a Comment