Wednesday, November 27, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Tại sao tâm chúng ta dễ bị chao động?

Hỏi: Tại sao tâm chúng ta dễ bị chao động?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đức Phật Ngài đề cập đến sự tu tập nội tâm,  Ngài nhắc cho chúng ta biết rằng nội tâm của mỗi chúng ta vốn dĩ là một trạng thái không phải đơn giản, ngay cả ở một người đơn giản nhất, đó là một nội tâm dễ hoảng hốt và dễ dao động.

Dễ hoảng hốt là bởi vì con người trong đời sống ai cũng thích tìm về một thế giới bình yên, không phải chỉ có thế giới bình yên làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy vững lòng, mà chúng ta luôn luôn tìm cách để nhốt mình vào trong tháp ngà, và tìm thấy sự che chở trong sự che chở này dường như chúng ta thấy rằng ít nhất cũng có 5, 7 phần được bảo đảm sự an bình của mình, do vậy chúng ta luôn luôn mong mỏi rằng mình không gặp tai ương nào. 

Như vậy nói rằng cuộc sống là một cái gì bấp bênh vô định, không phải chỉ có những tai ương, không phải chỉ những tai bay hoạ gửi đến bất ngờ, mà ngay cả cái vui cái buồn ở trong đời sống như Đức Phật Ngài đề cập đến 8 ngọn gió đời khen chê vui khổ, đặng danh mất danh, đặng lợi mất lợi. Cái đặng cái thất cũng làm cho chúng ta hồi hộp, cũng làm cho chúng ta phân tán, làm cho chúng ta lo sợ. Chúng ta càng ưa thích nhiều thì chúng ta lại càng lo sợ nhiều, tham muốn sanh ra lo sợ, và sự lo sợ đó là một bản năng tìm ẩn trong mỗi chúng ta, và rất dễ dàng để nỗi lo sợ, nỗi hoảng hốt trổi dậy. Và bởi vì hoảng hốt là một bản chất cố hữu của nội tâm chúng ta, do vậy dẫn đến tình trạng gọi là khó trì, khó giết .

Chúng ta cứ tưởng tượng ngày xưa nếu qúi vị nào sống ở miền quê, qúi vị biết rằng nếu chúng ta đi chăn vịt ở ngoài đồng và trong lúc chúng ta đi chăn vịt thì sẽ rất dễ dàng nếu không có chuyện gì xảy ra làm cho bầy vịt sợ hãi, nhưng chỉ có một con chó săn chạy ngang hay một tiếng động lớn bày vịt sợ hãi, nó sẽ chạy tán loạn hết. Tâm tư của chúng ta cũng vậy nếu chúng ta có một nội tâm tương đối ổn định, không biết sợ trước sự chết, không biết hồi hộp trước những điều bất trắc, và những gì bất ngờ xảy ra mà không làm cho chúng ta lao chao loạn động, thì , có lẽ tâm đó dễ điều phục, dễ phòng hộ hơn nhiều.

Đức Phật Ngài cho chúng ta biết bản chất dể hoảng hốt, dễ dao động, chính hai bản chất rất tự nhiên của đời sống nội tại, và một người tu tập là người phải rất thành thật nhận ra điều đó. Chúng ta dao động bởi vì tâm tư của chúng ta giống như mặt hồ mênh mông, mặt hồ đó trước những cơn gió rất khó có thể giữ bằng phẳng, cho dù chúng ta nhìn thấy mặt hồ thật phẳng, nhưng lúc nào cũng có những gợn sóng lăn tăn, bởi vì bản chất của nước là không thể nằm yên được.

Đời sống nội tâm vốn dĩ là một đời sống hết sức phức tạp, chúng ta thường có những đinh ninh về cuộc sống của mình, mình lớn lên ở trong một gia đình tương đối có tiền bạc xung túc, sống trong một xã hội nền pháp trị vững mạnh, ở một quốc gia tương đối về tiền hưu bổng, về vật chất mọi thứ đều có thể được xem như đã được an bày, đã được xắp đặt một cách rất trật tự, một cách rất ngăn nắp.

Nhưng mà rồi, những thứ đó chỉ là một sự bình an giả tạo, bởi vì rõ ràng nỗi nguy hiểm vẫn là cái gì chờ đợi chung quanh chúng ta, cho dù chúng ta không nhận ra điều đó, nhưng chúng ta tận trong đáy lòng, từ trong bản năng của mình vẫn cảm nhận được như vậy.

Chúng tôi có nghe nhiều người đi về Việt Nam nói rằng, đất nước Việt Nam ngày hôm nay khi đi ra ngoài đường rất dễ bị sợ hãi trước cách lái xe của những người lái xe mô tô, tức là giao thông ở Việt Nam tương đối dễ gây nhiều tai nạn. Chúng tôi nghĩ rằng không riêng về Việt Nam mà có nhiều quốc gia, ngay cả những nơi đường xá rộng rãi tương đối việc lái xe lưu thông có trật tự đi nữa, thì khi chúng ta cầm tay lái để lái xe, có thể vì một cơn buồn ngủ, hay vì một người nào đó uống rượu họ có thể đâm vào xe của chúng ta, và chính bản thân của mình không lái xe mà mình ngồi, mình cũng giao mạng của mình cho người tài xế lái xe.
Như vậy chỉ riêng một khía cạnh nhỏ cũng cho thấy đời sống của chúng ta luôn luôn bấp bênh vô định, và trong cái bấp bênh vô định đó chúng ta hiểu nhiều, chúng ta cảm thấy bị đe doạ rất nhiều.

Cho dù ở thời buổi nào, dù ở cuộc sống ra sao, mỗi chúng ta ở trong lòng đều cảm thấy một sự bất an len lén thầm kín mà chính chúng ta cũng không nhận ra được. Mình nghĩ rằng mình rất vững lòng, nghĩ rằng mình có đầy đủ sự điềm tỉnh, nghĩ rằng có thể đối diện với bất cứ cái gì ở cuộc đời này kể cả cái chết, nhưng thật sự đó chỉ là một cái đinh ninh, một sự tưởng tượng , hay một sự ngây thơ của chúng ta, mỗi chúng ta đều bị run sợ khi chúng ta đối diện với sự chết, mỗi chúng ta đều cảm thấy lo lắng khi nhìn thấy những con số của thị trường cổ phiếu lên hoặc xuống, chúng ta nghe nói chiến tranh xảy ra thì cũng hoang mang, không biết tương lai của mình như thế nào.

Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy rằng bản tâm của chúng ta vốn dĩ có hai trạng thái được Phật nói ở đây là tâm dễ bị hoảng hốt, và tâm luôn lao chao giao động. Chính hai bản chất này dẫn đến một hệ quả đó là một tâm rất khó để hộ trì, hộ trì tức là chúng ta gìn giữ mà chúng ta có thể bảo đảm được nó và nhiếp phục, có nghĩa là chúng ta sẽ hướng tâm ở trong một cảnh giới, một trạng thái chúng ta mong muốn, hai điều này là hai điều hết sức khó khăn. Đúng ra chỉ có những người nào đã dành thời gian sống với nội tâm của mình, ví dụ như bỏ 5 ngày, 10 ngày đi tập thiền, hay làm một cố gắng nào đó để sống với đời sống nội giới, mới hiểu được là tại sao điều phục tâm trí lại khó như vậy.

Thì tất cả chúng ta đều nhận rằng đời sống nội tại của chúng ta là một đời sống có nhiều giông bão, đời sống nội tại của chúng ta là đời sống có nhiều xáo trộn và hiểu được nội tâm đó thì chúng ta nên làm một việc là hãy cho tâm tư của mình sống theo một số nguyên tắc nhất định.

Chúng ta phải đối diện với tâm của mình, đó là một trạng thái tâm không có hướng đi rõ ràng nó dễ bị xao động, dễ bị hoảng hốt và vì vậy chúng ta nên tìm chỗ cho nó tựa, tìm chỗ cho nó nương nhờ, tìm hướng đi chúng ta cắm những cọc quy định rõ ràng, những cột móc này chỉ ra rằng là tâm chúng ta nên sống như thế nào, nên làm gì tại vì nguyên tắc đó và những thái độ rõ ràng, thái độ thiện xảo đó sẽ giúp cho chúng ta chống lại được với trạng thái hoảng hốt giao động là một trạng thái cố hữu ở trong lòng của mỗi chúng ta.

No comments:

Post a Comment