Thursday, November 28, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Có nên trách người khác có làm hay không làm?

Hỏi: Có nên trách người khác có làm hay không làm?

(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đừng nhìn vào người khác để thấy rằng cái gì họ làm hay là họ không làm, hãy tự vấn chính mình cái gì mình không làm và cái gì mình đã làm. 

Chúng tôi sống ở tại thành phố Houston này, chúng tôi lại nghe được rất nhiều câu chuyện là những ngôi nhà thờ, những cơ sở tôn giáo khác vì sự khéo tổ chức, vì khả năng huy động nhân sự người ta có thể tổ chức hội chợ rất lớn làm được rất nhiều tiền, và mở ra rất nhiều cơ sở từ thiện xã hội, trong lúc đó Phật Giáo với một con số đông đảo các Phật tử nhưng lại không làm được những chuyện như vậy, qúi Phật tử đôi khi rất bực dọc về điểm này, tại sao người ta có thể làm được điều này tại sao người ta làm được chuyện khác và thậm chí người ta có những cơ quan truyền thông để công kích để nói những lời bất thiện không tốt cho Phật giáo, và tại sao mình là một tôn giáo có số lượng đông mà mình lại không có khả năng làm khác hơn được. Thì thưa qúi vị khi chúng tôi nghe những người Phật tử than phiền vậy chúng tôi chợt nhớ đến câu kệ này mà Đức Phật đã dậy. Thật ra một điều rất quan trọng của người Phật tử hôm nay, thay vì hỏi rằng tại sao chính quyền, tại sao những đạo giáo khác, và tại sao người khác, đã làm điều này hay không làm điều kia, mà chúng ta phải tự hỏi rằng cái gì mình nên làm và cái gì mình đã không làm.

Chúng tôi nhớ có một quyển sách ở trong quyển sách đó nói một lời ca mà Phạm Duy đã viết trong bài hát của mình. Thế hệ Việt Nam hiện tại là một thế hệ mà những thanh niên thiếu nữ có rất nhiều lời trách móc cha anh của mình, những thế hệ đi trước đã không làm tròn được trọng trách của mình, như thế hệ đi trước đã để lại một gánh nặng lớn cho một đất nước đau thương nghèo đói, cho một xã hội nhiễu nhương và cho một nền cầm quyền không có dân chủ tự do thật sự. Chúng tôi đã gặp bao nhiêu thanh niên thiếu nữ lớn lên ở trong thập niên 70, 80, lớn lên với tâm trạng thất vọng chán nản cuộc đời, chuyện đó không phải là ít và có rất nhiều người Việt Nam chúng ta nuôi một tâm trạng chán đời hận đời, và thấy rằng tại sao xã hội đã không làm như vậy, tại sao giáo hội đã không làm điều này, tại sao cha mẹ mình đã không làm điều kia. Nhưng với tất cả tâm tư u uẩn đó, với tất cả những nỗi uẩn khúc trong lòng, thay vào đó nếu chúng ta nhớ được lời dậy của Đức Phật: 

"Đừng hỏi rằng người khác đã làm hay không làm điều gì, mà hãy tự vấn là mình đã làm hay không làm." 
Điều đó quan trọng, điều đó thay đổi cả cái nhân sinh quan của mình tại vì mình biết khéo hướng tâm và tại vì mình biết đặt lại vấn đề.

Có rất nhiều bi kịch xảy ra trong đời sống gia đình giữa vợ và chồng, xảy ra cho một cá nhân suốt một cuộc đời luôn luôn nuôi một nỗi hận không nguôi, mà trong nỗi hận đó chỉ oán trách cuộc sống, chua chát với cuộc sống. Có bao nhiêu người đã đến với cuộc đời này và ra đi mà không bao giờ tìm thấy được sự thoải mãn, mà sống với tâm tư đầy sự thất vọng. Thất vọng thì bao giờ chúng ta cũng có thể thất vọng được, chúng tôi không nghĩ rằng có ai đó mà khi đặt cái vui cái buồn của mình vào cuộc đời mà không phải thất vọng.

Chúng tôi nhớ bà Dorathi có nói câu chuyện của một người thẩm phán, vị thẩm phán đó làm việc ở tiểu bang Illinois và trong suốt cuộc đời của ông đã từng cứu 76 người khỏi phải lên ghế điện chịu tử hình, trong 76 người đó ra đi chỉ có một người là viết thơ cảm ơn ông, còn 75 người kia hoàn toàn không bao giờ nghe tăm hơi gì cả. Người ta cứu mạng mình mà cũng không có nghĩ đến ơn, không nhớ tới thì thưa qúi vị việc đó cũng là việc bình thường thôi, nếu chúng ta nuôi một tâm trạng là trách cuộc đời, nếu chúng ta nuôi một tâm trạng là đặt quá nhiều kỳ vọng ở cuộc sống chung quanh mình, thì thái độ đó không sớm thì muộn cũng sẽ dẫn chúng ta đến một tâm tư chán nản thất vọng, bởi vì cuộc đời không bao giờ giống như chúng ta muốn. Dĩ nhiên là không phải trần gian luôn luôn đầy nỗi khổ, không phải trên bất cứ một bước chân nào của cuộc đời mình đều gặp những điều thất vọng, nhưng mà có một điều chắc chắn rằng ở trong thế gian này cái vui thì ít cái khổ thì nhiều, cái gì mà tao nhã tốt đẹp thì không có nhiều bằng cái thô tháo tục tằn. Nếu chúng ta không có một nhìn đặt đúng chỗ thì chúng ta sẽ tiếp tục thất vọng, tiếp tục buồn chán và chúng ta tiếp tục đánh mất cơ hội tốt đẹp nhất trong cuộc đời của mình.

 Đức Phật dậy cho chúng ta một bí quyết quan trọng của cuộc sống là hãy đặt cái ưu tiên lên đời sống đúng chỗ. 

Cái gì là cái thật sự ưu tiên? 

Ở đây, cái ưu tiên mà Đức Phật Ngài dậy rằng nên tu tập tự thân. Những gì mà mình đã làm, và những gì mình không nên làm, cái làm và cái không làm đó nó liên quan đến cái thiện và bất thiện của chính bản thân của mình, nó liên quan đến sự trì trệ và sự tiến bộ của bản thân mình, nó liên quan đến sự sáng suốt và sự quên lãng của bản thân của mình. Nếu chúng ta xét mình và xét rất rõ thì chúng ta sẽ không muốn phí thì giờ để bận lòng với cuộc đời, những lúc mà chúng ta trách móc cuộc đời nhiều là chúng ta quên rằng bản thân của mình có nhiều việc cần thiết phải làm lắm, bởi vì nó quá nhiều việc phải làm mà chúng ta quên nó đi nên chúng ta mới thật sự là người đáng trách, thân phận của chúng ta mới thật sự là tội nghiệp, thân phận của chúng ta là một kẻ đi trong cuộc đời này đang gánh trên vai một gánh nặng mà lại quên bẳng đi sự nhọc nhằn và lúc nào cũng nói chuyện thiên hạ mà quên đi bản thân của mình.

Và vì vậy có nhiều người nói đạo Phật là một tôn giáo theo chủ nghĩa thực dụng (Pragmatic), chúng tôi không nói như vậy, tại vì nói như vậy có đôi khi đó là một cách dán nhãn hiệu, nhưng có một điều rất rõ ràng là Đạo Phật luôn luôn hướng dẫn con người chịu khó phản tỉnh, chịu khó tự vấn, chịu khó tự tìm lấy cái ưu tiên của đời sống này. Bởi vì chỉ có một người nhìn bản thân của mình với cái nhìn sáng suốt thì người đó mới có thể cống hiến cho trần gian này cái gì tốt đẹp nhất. Một người không còn biết được cái gì mình làm nên hay không nên, thì người đó không có gì để ban tặng cho trần gian này hết.

Nếu chúng ta biết đặt lại cái nhìn của mình, nếu chúng ta biết hướng tâm đúng chỗ thì chúng ta có thể vượt qua những cái bận tâm, vượt qua những chuyện vô ích. Bởi vì đời sống có nhiều chuyện ưu tiên hơn phải làm, có nhiều chuyện quan trọng hơn phải để ý, chứ không nhất thiết chỉ tập trung hay là lúc nào cũng suy nghĩ đến lỗi lầm của người khác, suy nghĩ đến cái gì mà thiên hạ đã làm mà mình thấy rằng mình mất mặt hay không mất mặt.

Chúng ta là một người Phật tử sanh ở trong thời đại này, trong cái vận thế suy vi lòng người điên đảo, và phải nói rằng đạo cũng có thịnh có suy, là một người theo đạo Phật thì chúng ta cũng nhận ra rất nhiều điều là cộng đồng Phật tử có nhiều điều phải thay đổi, nhận rằng những tôn giáo khác với khả năng tài chánh dồi dào, với một khả năng về phương pháp làm việc khá hơn là cộng đồng Phật tử, vì chúng ta có nhiều sự thua kém. Nhưng mà việc chính không phải là việc so đo, không phải đặt vấn đề là mình phải công kích, phải bôi bác người khác, phải nói rằng người ta thế này thế khác, điều quan trọng chúng ta phải tự hỏi rằng mình là một người Phật tử mình đã làm được cái gì để thể hiện được cái tinh hoa của đạo, để phát huy được cái hay của lời dậy của Đức Phật, để làm sống được lời dậy của Đức Phật ở trong lòng của chính mình. Nếu mình có thể phát huy được cái hay của đạo thì chúng ta đã không phải bận lòng với chuyện của nhân thế.

Và thưa qúi vị, người quân tử sống ở trong đời nếu thấy được cái đạo mà nó sống mạnh ở trong lòng của mình thì đã đủ an tâm rồi, hà tất phải bận rộn với đảo điên của thiên hạ./.

No comments:

Post a Comment