Friday, May 15, 2015

Những mẩu chuyện góp nhặt trên Net

Triết lý sống từ quả cà chua và dưa hấu

Triết lý sống từ quả cà chua và dưa hấu
Nguồn: Sưu tầm

Từ lâu tôi vẫn băn khoăn giữa hai lối sống đó là lối sống thẳng thắn, có sao nói vậy, giống như quả cà chua “ruột đỏ, vỏ đỏ” và lối sống khéo léo, tinh tế như quả dưa hấu “ruột đỏ, vỏ xanh”

Cà chua & Dưa hấu

Có nên cho rằng Cà Chua mới là… chính nghĩa, còn Dưa Hấu chỉ là bọn lươn lẹo. Nhưng trong thực tế cuộc sống, Dưa Hấu là cách sống vẫn tôn trọng sự thật nhưng chỉ khéo léo và tinh tế hơn. Chắc ai trong chúng ta cũng không có ít lần “Dưa Hấu”, dù luôn miệng nhận mình là… Cà Chua nguyên chất, cho oai.

Tomato viết ngược lại vẫn là Tomato. Có đảo ngược thế nào thì cà chua cũng vẫn là cà chua”. Cà chua xanh thì bên trong xanh, ngoài đỏ thì bên trong sẽ đỏ. Không giống như quả dưa hấu, ngoài xanh mà trong lại đỏ…

Cà chua. Giống quả tròn mọng, đỏ. Cà chua biểu hiện cho lớp người thẳng thắn, bộc trực, dám nói lên những suy nghĩ của bản thân mình. Cà chua không thích lươn lẹo. Cà chua thích sự thẳng thắn và muốn được đối xử như mình đối xử với mọi người.

Dưa hấu là cách sống khôn khéo. Là cách sống vừa lòng mọi người. Dưa hấu không dối trá. Dưa hấu thích và muốn khoác lên sự thật một tấm áo ngọt ngào. Để cho chúng ta đối diện với đắng cay bằng vẻ đẹp trước. Rồi tiếp nhận cái vẻ đẹp bên trong bất ngờ, đôi lúc phũ phàng, gây sốc.

Cà chua luôn luôn giữ cho mình quan điểm: thuốc đắng giã tật. Cà chua – đến với mỗi người bằng sự chân thành. Dưa hấu – luôn chắp thêm đôi cánh ngọt ngào cho sự thật

Con người ta không phải lúc nào cũng sống được như quả cà chua, sống thật đúng với cái “tôi” bên trong của mình. Có khi muốn sống như thế nhưng lại không thể được. Và cái câu “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” lại được áp dụng triệt để như một lời biện minh hữu ích.

Người ta bảo đấy là sự kết hợp cà chua với dưa hấu để cho ra thế hệ F1 hoàn hảo, biết biến hoá linh hoạt trong từng hoàn cảnh…

Nhưng, như một người nào đó đã nói: “Nếu như trong cuộc đời, cái gì cũng là chính nó, người tốt kẻ xấu đều có thể phân định ngay từ lần gặp đầu tiên, cuộc sống còn thú vị nữa hay không? Cũng như trong cuộc sống, những “người xấu” thật ra cũng không đáng ghét lắm. Sự có mặt của họ tạo nên sự phong phú cho cuộc đời và ở một chừng mực nào đó, họ tạo nên thế đối lập khiến những người tốt được nhận diện và ngợi khen.

Có một “người bạn cà chua” cũng tốt, nhưng đối diện với một cây dưa hấu vẫn thú vị hơn nhiều. Không phải giả dối, mà là biết giấu mình một chút, người đối diện sẽ cảm thấy được khám phá và phát hiện ra sự thú vị ẩn chứa bên trong cái vẻ ngoài lạnh lùng ấy.

Có người nói rằng sống trong đời là tìm cách chiếm lĩnh một lập trường sống, một lập trường nhân cách giữa cuộc đời. Ngoại trừ số ít người có can đảm không quan tâm đến xung quanh, thì đa số những người còn lại đều có đôi lúc hoang mang về cách sống của mình.

Tôi trước đây là người:

Thích thì bảo là thích. Không thích thì bảo là không thích. Yêu thì bảo là yêu mà không yêu thì nói không yêu.

Đừng có miệng nói yêu mà trong bụng thì ghét, sau lưng lại nói xấu hết lời. “Dù ai cách núi ngăn sông ta cũng không nói ghét là yêu. Dù ai ngăn sông cấm chợ ta cũng không nói yêu là ghét”.

Xấu thì hãy sống đúng như xấu, đừng cố tỏ ra mình tốt đẹp. Mà tốt đẹp rồi thì hãy giữ và làm cho mình tốt đẹp hơn.

Nghèo thì không thể sống cuộc sống của giàu, mà giàu cũng chẳng thể cố vờ như mình nghèo khó.
Sống đúng với bản thân mình, như một quả cà chua.

Nhưng sau này, tôi được giáo huấn thế này: “Em không thể giữ mãi một lối sống, một nếp suy nghĩ được. Em làm ở công ty A, tất cả mọi người đều cùng đi ăn cơm trưa với nhau. Nhưng khi em chuyển sang công ty B, mọi người chỉ thích gọi cơm hộp về văn phòng ăn thì em cũng không thể bắt tất cả bỏ thói quen ấy để đi ra ngoài ăn cùng nhau. Hoặc em cũng sẽ phải làm như họ hoặc em sẽ phải ra ngoài ăn một mình. Vậy thì khi đó, em có còn là em với thói quen cũ không? Em có còn là… cà chua nữa không?”

Tôi đã cười rất nhiều mỗi khi nhớ lại câu nói đó. Người nói rất thật lòng, đưa ra ví dụ rất cụ thể nhưng lại nhầm lẫn giữa việc thay đổi thói quen cho phù hợp với hoàn cảnh sống và việc sống đúng với con người mình. Tôi có thể chuyển sang ăn cơm hộp nhưng đó chỉ đơn thuần là chuyển thói quen chứ không có nghĩa là tôi sẽ biến thành một người xấu, cũng không có nghĩa là tính cách, phẩm chất của tôi thay đổi theo. Tôi vẫn cứ là tôi, đơn giản vậy thôi…


No comments:

Post a Comment