Thursday, November 20, 2014

Chuyện xưa tích cũ - Ông Cống Quỳnh tiếp vua và sứ Tàu

ÔNG CỐNG QUỲNH TIẾP VUA VÀ SỨ TÀU
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Cái tài ứng đáp của ông Cống Quỳnh như thế nào, tưởng phần đông những người có đọc chuyện xưa tích cũ đều biết. Chẳng những Cống Quỳnh làm cho vua quan ta thời đó phải kính phục, mà cho đến sứ Tàu cũng phải lắc đầu bái phục. 

Một lần nọ, phái đoàn sứ giả nước Tàu sang nước Nam để nhắc lễ cống, họ có mang theo mọt khúc cây sơn phết rất đẹp, dâng lên vua nước Nam xem, rồi đố vua và các quan ta biết là cây gì.

Lúc bấy giờ, vua và quan ta đều cầm khúc cây lên xem một lượt, họ lấy làm khó đoán vì chẳng ai biết cây gì mà nói trúng tên. 

Thói thường, cách đố chơi như vậy của sứ Tàu là điều điếm nhục cho triều đình ta, nếu không có tài đoán ra. Vua ta và triều thần đều lấy làm bối rối, sứ Tàu chỉ hạn kỳ có ba ngày, mà mất hai ngày rồi, chẳng có ai tìm biết được cây gì. Họ đinh ninh thế nào cũng bị sứ Tàu cười đùa chế nhạo. Đang lúc bối rối, có người nhớ đến ông Cống Quỳnh, liền tâu với vua xin vời ông đến. 

Ông Cống Quỳnh đã nghe biết chuyện, nhưng vẫn làm như chẳng hay biết gì. Để cho bá quan thuật chuyện xong, Cống Quỳnh bảo đem khúc cây ra. Ông cầm thử thì thấy nhẹ hỏng khác hẳn những thứ cây thường. Dùng dao chẻ ra thì thấy nhiều sớ ít thịt, đem thả xuống nước thì trôi băng băng. Cống Quỳnh liền cười ha hả, bảo gọi sứ Tàu đến, rồi ông ứng khẩu nói lên mấy lời: -Còn nước con no con mập, hết nước con ốm con gầy. Tức là cây gòn 1. 

Sứ Tàu đều lắc đầu le lưỡi bái phục tài xét đoán của Cống Quỳnh. 

Một lúc nọ nghe vua than, chẳng biết ăn món gì cho ngon miệng. Trong hoàng thành thì sơn hào hải vị, khô lân chả phụng chẳng thiếu một món gì. Đã vậy, bá quan ngày càng đều tìm của lạ dâng lên vua, vậy mà vua xứ kêu là ăn không được. 

Bấy giờ, Cống Quỳnh nghĩ ra một mẹo. Liền viết thơ mời vua đến nhà mình ăn trứng đá, mà Cống Quỳnh cam kết rất ngon miệng. 

Vua lấy làm lạ quá, thuở giờ đá làm gì có trứng, tại sao Cống Quỳnh có trứng đá để làm món ăn? Tuy hoài nghi, nhà vua cũng chịu khó vi hành đến nhà Cống Quỳnh để xem món lạ.

Cống Quỳnh liền cho bắc một cái chảo thật to, đem một hòn đá tảng đặt vào chảo và đổ nước thật đầy, đậy nắp lại đoạn bảo quân hầu vua nổi lửa lên đun. 

Lò lửa đặt ở giữa sân, hai bên có hai chiếc ghế dùng để cho vua và ông Cống Quỳnh ngồi. 

Trong lò lửa cháy phừng phừng, nước sôi ồn ào. Thỉnh thoảng vua hỏi Cống Quỳnh: -Trứng đá ở đâu? 

Cống Quỳnh đáp: -Ở trong hòn đá đang nấu. 

Vua hỏi: -Chừng nào trứng đá mới nở? 

Cống Quỳnh đáp: -Còn lâu. 

Từ giờ thìn đến giờ ngọ, nhà vua ngồi đợi sốt cả ruột, thỉnh thoảng lại hỏi: -Chừng nào trứng đã mới nở? 

Cống Quỳnh thản nhiên đáp: -Còn lâu. 

Cứ như vậy từ giờ ngọ đến giờ mùi rồi sang đầu giờ thân. Nhà vua đói rã ruột, mặt mày bí xị mà không thấy món trứng đá dọn ra để ăn. 

Ở giữa sân, cái chảo nấu hòn đá cứ sôi sùng sục. Cống Quỳnh thì thản nhiên ngồi đọc sách, mặc cho nhà vua nhăn nhó kêu đói bụng. 

Đợi lúc nhà vua đói lả rồi, Cống Quỳnh mới bảo gia nhân dọn ra một mâm cơm chỉ có nước tương và rau luộc, đoạn tâu với vua: -Trong lúc chờ đợi trứng đá nở ra, xin bệ hạ ăn tạm vài bát cơm đỡ đói. 

Nhà vua đang đói nên thuận ăn ngay. Dầu cho bữa cơm chỉ có rau luộc với nước tương, nhà vua ăn cũng ngon lành, hết bát này đến bát khác, chẳng bao lâu nồi cơm hết sạch. 

Đợi nhà vua ăn xong, Cống Quỳnh hỏi: -Bệ hạ ăn có ngon miệng không? 

Nhà vua thật tình đáp: -Ngon lắm. Từ trước tới giờ, trẫm mới được ăn một bữa ngon miệng nhất. 

Cống quỳnh cười ha hả, bảo dẹp cái chảo nấu đá, rồi nói với nhà vua: -Bệ hạ đã được hài lòng rồi đó, còn đợi món trứng đá làm gì. 

Nhà vua vẫn hỏi, món trứng đá chừng nào mới có, Cống Quỳnh cười ngất rồi bảo còn lâu. Bấy giờ nhà vua mới biết Cống Quỳnh bỡn cợt mình. Tuy vậy, được một bữa ăn ngon miệng, nhà vua không phiền mà còn khen Cống Quỳnh là tay cao mưu, nhiều bản lãnh.

--------------------------------
1 Có sách chép là: “Còn lúa con ăn con mập con béo. Hết lúa con ăn con ốm con gầy.” Tích chuyện “Trứng Đá”, cũng có sách chép với tựa là “Đại Phong”, dịch nghĩa gió lớn rồi nói láy là “lọ tương.”

No comments:

Post a Comment