Sunday, June 16, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Sự cung kính có lợi gì cho sự tu học?

Hỏi: Sự cung kính có lợi gì cho sự tu học?

(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu trả lời: Khi chúng ta đề cập đến vấn đề pháp cung kính có lợi gì cho đời sống tu học, thi` trước hết chúng ta cũng nên biết qua về những đức cung kính.  Cung kính Phật, cung kính Pháp, cung kính Tăng, cung kính điều học, cung kính sự không dễ dui, cung kính pháp tiếp đãi. 

Nói chung tức là chúng ta có hai sự cung kính:

-  Một là cung kính đối tượng nhân vật.

-  Hai là sự kính cẩn đối với những sự kiện pháp tu.

Chúng ta có hai sự cung kính đó.  Thì bây giờ khi chúng ta nói đến sự cung kính có ích lợi gì cho đời sống tu học, thì điều này rất dễ dàng để chúng ta nhận biết.

Thứ nhất là chúng ta nói đến vấn đề cung kính đối với nhân vật.  Cung kính đối với nhân vật như, chúng ta cung kính bậc trưởng thượng, cung kính bậc đáng cung kính,  cung kính Ðức Phật, cung kính các bậc Thầy, hay cung kính cha mẹ v.v... Thì sự cung kính này vẫn có tác dụng đối với việc tu học của chúng ta.  Bây giờ chúng ta không nói đến vấn đề khác, chúng ta không nói đến vấn đề là người học trò cung kính ông Thầy  thuộc về pháp thế gian, chúng ta chỉ nói đến vấn đề tu học thôi. 

Ở đây, khi chúng ta bước chân vào trong giáo pháp, sự tu học của chúng ta là nhờ vào các bậc Thầy, khi chúng ta có sự cung kính các bậc Thầy, có nghĩa là lúc đó chúng ta sẵn sàng kính cẩn nghe theo lời Thầy giảng dạy và do đó giúp cho chúng ta được học nhiều thêm nữa, giúp cho chúng ta được mở mang tiến hóa thêm nữa.

Một lần nọ, khi Đức Thế Tôn cùng với Chư Tỳ kheo Tăng đi du hành khi ngang qua bờ sông, Ngài nhìn thấy khúc gỗ đang trôi suôi theo giòng,

       Ngài đã hỏi rằng: “ này Chư Tỳ kheo, các ngươi có thấy khúc gỗ đó đang trôi theo giòng sông hay không”.

- “Bạch Đức Thế Tôn con có thấy”, Chư vị Tỳ kheo trả lời.

- "Này Chư Tỳ kheo, nếu như khúc gỗ này không bị tám chướng ngại thì nó sẽ trôi thẳng ra giữa biển được".

Trong đó, Đức Phật Ngài có nêu lên những nguyên nhân là nếu khúc gỗ đó không bị mắc cạn, không bị vướng cạn, thì nó sẽ trôi suông sẻ ra biển cả . Cũng như thế nào, đối với một vị Tỳ kheo tu tập trong giáo pháp này, nếu như không có tám chướng ngại thì sẽ đạt đến Niết bàn. Một trong tám chướng ngại đó là vấn đề ngã mạn, khi một vị tu tập mà có ngã mạn, chưa chi cả mà mình cảm thấy hơn mọi người, ngay cả như đối với ông Thầy chưa chi mình đã xem rằng trình độ của mình bây giờ có lẽ là ngang hàng ông Thầy, hoặc là cao hơn ông Thầy. 

Khi tâm ngã mạn đó sanh khởi thì lúc bấy giờ tâm của vị ấy liền dễ dui, và trong sự dễ dui đó người đệ tử này sẽ không bao giờ học thêm được gì nữa, không bao giờ tiến bộ thêm được nữa,  những gì thuộc về kinh nghiệm của vị Thầy trong việc tu học thì mình với tâm bất kính ông Thầy, mình sẽ không bao giờ lãnh hội được, không bao giờ nghe lọt lỗ tai được, không bao giờ mình cảm nhận được những kinh nghiệm mà ông Thầy đã tiếp tục trao truyền cho mình, như vậy là một sự trở ngại rất lớn.

Khi nào chúng ta có thực hành qua về pháp thiền, hay chúng ta có nghiên cứu học hỏi qua về pháp học, thì chúng ta sẽ thấy, chúng ta sẽ kinh nghiệm được điểm đó, khi chúng ta có sự xem thường ông Thầy, thì không bao giờ chúng ta học được giáo pháp một cách thông suốt, nó sẽ có một sự chướng ngại.  Và khi nào mình có sự xem thường ông Thầy là bậc thiền sư thì mình sẽ không bao giờ ngồi thiền để định tâm được, bởi vì những lời dạy, những lời khuyên nhủ của ông Thầy không lọt vào lỗ tai của mình được, đó là sự trở ngại trong việc tu tiến của chúng ta, chúng ta kinh nghiệm ở chỗ đó. 

Ngày xưa có nhiều học trò giỏi là tại sao?, là bởi vì những người học trò thời xưa lúc nào cũng có một thái độ nghiêm túc cung kính đối với bậc Thầy, tri ơn bậc Thầy, do đó những người học trò này thấy họ hạ mình như vậy, nhưng thật sự tâm của họ rất cao. Còn bây giờ thời nay, những người học trò lại có tâm xem thường ông Thầy, không nể trọng ông Thầy, do đó cho nên học trò thời nay họ cũng không giỏi được hơn ông Thầy, là bởi vì thái độ bất kỉnh của họ, đã khiến cho họ bị lui sụt, và họ dậm chân tạ chỗ, đó là điểm thứ nhất. 

Điểm thứ hai là nói về pháp cung kính pháp, hay là chúng ta cung kính điều học, cung kính trong nghĩa này, ta cần phải hiểu rằng không phải chúng ta cung kính đối với một vị Thầy, chúng ta phải nghiên mình, chúng ta phải nói chuyện lễ phép, hay là chúng ta có tâm không kiêu mạn, không phải như vậy, mà chúng ta phải nói chuyện lễ phép, và khi mà chúng ta biết tôn trọng pháp như vậy, thì tự nhiên lúc đó chúng ta có tâm hoan hỷ đối với pháp.

Vị Tỳ kheo mến pháp, cứu pháp, tâm tư hằng niệm pháp sẽ không rời chánh pháp, mà làm như thế nào chúng ta mến pháp, cứu pháp được, làm như thế nào tâm tư hằng niệm pháp được, đó là sự cận trọng đối với chánh pháp, kính trọng đối với chánh pháp, khi mà mình có sự kính trọng đối với chánh pháp, thì mình mới có thể thực hành theo được.

Chẳng hạn như bây giờ, khi chúng ta bị bịnh và muốn uống thuốc để trị bịnh, chúng ta đến một vị bác sĩ, vị bác sĩ đó cho một toa thuốc, nếu như toa thuốc đó, chúng ta xem thường không đặc niềm tin và không có sự kính trọng, không có sự quan trọng đối với thuốc này, thì chúng ta không bao giờ mạnh miệng để uống được, và không bao giờ để chúng ta nhớ uống đúng thời gian, như vậy bịnh sẽ không bao giờ hết.

Khi một người thiếu sự tôn trọng đối với pháp, thì người đó đừng nói rằng họ sẽ nghiêm túc thực hành theo pháp, và nếu như người đó không có sự nghiêm túc thực hành theo pháp, thì làm gì họ có sự tiến bộ trong sự tu học. Cho nên những vấn đề đó chúng ta cũng cần phải hiểu.

Thí dụ như bây giờ một người biết kính trọng về học giới mà Đức Thế Tôn đã chế định, nhờ sự kính trọng đó mà người này mới giữ giới được một cách thanh tịnh, người này qúi trọng đề mục thiền định đã thọ trì, thì người này mới có thể an trú đề mục thiền định đó để có thể tiến hóa, còn nếu như tâm có sự khinh xuất, xem thường thì lúc bấy giờ sẽ không bao giờ tiến bộ. 

Cho nên nói tóm lại, chúng ta có sự cung kính đối với bậc Thầy đã dạy cho mình và việc mà chúng ta cung kính đối với những điều thọ trì, những điều mà chúng ta đang thực hành., thì như vậy chúng ta sẽ có sự tiến bộ. Còn ngược lại nếu chúng ta thiếu sự cung kính thì chúng ta sẽ không có sự tiến bộ, cũng giống như khúc gỗ mà bị mắc cạn, nó sẽ không trôi suông sẻ ra biển cả được, tâm của chúng ta khi có sự kiêu mạn, không có thái độ cung kính chúng ta sẽ không bao giờ tiến hoá được. 

Ở đây, những điều này chắc chắn rằng đối với bậc trí tuệ như có thể hiểu được một cách dễ dàng.  Bởi vậy,  điều chúng tôi muốn gợi ý để nhắc nhở thêm,  khi chúng ta vào trong lớp để  nghe pháp, nếu như những ai có sự cung kính đối với chư Tăng và chúng ta có sự cung kính tôn trọng pháp, những người đó họ sẽ lãnh hội được chánh pháp, lãnh hội được lời dạy, họ sẽ hiểu được những tinh hoa, họ sẽ có được những lợi ích trong đêm đó, trong thời gian học đó.  Còn nếu như chúng ta vào đây mà thiếu sự cung kính đối với pháp, thì chỉ có bấy nhiêu đó thôi đủ làm cho chúng ta phí thời gian trong suốt cả buổi lên mạng internet, mà chúng ta sẽ không gặt hái được gì cả. Đó chỉ là chuyện chúng ta nghe pháp thôi, còn nói chuyện tu học lâu dài càng đòi hỏi chúng ta phải có thái độ hết sức cung kính, tận tụy, và chúng ta phải có sự cung kính đối với các bậc Thầy và đối với pháp mà chúng ta đã thọ trì. Đó là một điều hết sức là quan trọng mà chúng ta cần phải chú ý. 

No comments:

Post a Comment