TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM
QUYỂN THƯỢNG : NGƯỜI TA
CÔ LÔ GỐC MÍT
Tác giả : ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC
Xưa có hai cô cháu, cô thì nhà có nhiều mít, nhưng phải cái tính keo bẩn. Còn cháu thì có tính hay ăn mít, nhưng lại phải cái không tiền mà mua.
Một hôm, cháu sang nhà cô chơi. Cô đã biết cháu, sợ cháu ăn mất nhiều mít, nói gióng lên bảo người nhà rằng : « Đi thổi cơm cho cháu nó ăn đi ».
Cháu đã để ý đến tự trước, nhanh miệng đỡ rằng : Thôi cô ạ, đừng cơm cơm mít mít chi nữa cho nó phiền ».
Cháu không nói cơm cơm nước nước, lại nói cơm cơm mít mít, tức là như nói rõ cho cô biết cháu muốn ăn mít, thì thế nào, cô cũng phải cho ăn. Quả nhiên, bất đắc dĩ cô phải ra vườn để lấy mít. Nhưng cô đi hết cây này sang cây nọ, xem hết quả này sang quả khác mãi, sau thấy một quả vừa nhỏ vừa sâu, mới bảo chặt xuống, đem về bổ cho cháu ăn. Cháu ăn, khó nuốt trôi miệng, mới cảu nhảu phàn nàn nói : « Cô gì mà cô ! cô lô gốc mít ».
Câu này hiện thành một câu tục ngữ, cháu vẫn thường nói để giễu bà cô hư.
No comments:
Post a Comment