Thursday, September 30, 2021

Suy Niệm Trong Ngày

 


Truyện ngắn - Thiện Tâm Xóa Tan Hận Thù

                                         Thiện Tâm Xóa Tan Hận Thù


Tại Iran và một số nước Hồi giáo, gia đình nạn nhân của một vụ giết người sẽ được phép tới gần kẻ sát nhân trong "những phút cuối cùng" trước khi hắn bị tử hình bằng thòng lọng. Họ có hai lựa chọn: khiến kẻ ác nhận lấy cái chết hoặc là được tha thứ…

"Thế giới của tôi sụp đổ vào cái ngày tôi nghe tin con trai mình bị chết. Nếu tôi tha thứ cho Bilal, làm sao tôi có thể sống được?" - Đó là điều mà bà Samereh Alinejad từng nói khi gia đình kẻ sát nhân Bilal Gheisari cầu xin bà tha thứ. Bilal đã giết chết đứa con trai 17 tuổi yêu quý của bà trong một trận ẩu đả trên đường phố. Bà cũng nói với chồng rằng: "Nếu Bilal được tha, tôi sẽ chết!"

Ngày 15 tháng 4 năm 2014, khi Bilal đứng trên một chiếc ghế tại giá treo cổ, với hai tay bị cùm, đầu quàng thòng lọng, thì hàng trăm người đã đứng bên ngoài cổng nhà tù ở một thị trấn miền Bắc Iran để chứng kiến bà Samereh thực hiện quyền của mình…

Bilal năn nỉ: "Xin tha cho cháu, cô Maryam". Đó là tên gọi thân thiện của bà Samereh trong cộng đồng. Người mẹ mất con tiến đến: "Vậy cháu có tha cho chúng ta không? Cháu có tha cho con trai ta không? Cháu đã lấy đi hạnh phúc của chúng ta. Tại sao chúng ta lại phải tha thứ?" Nói rồi, bà Samereh tát Bilal một cái.

Rồi khi mọi người còn đang đợi chờ cái chết của Bilal thì bà Samereh đột ngột lấy thòng lọng ra khỏi cổ Bilal. Sau bảy năm chỉ khao khát có một điều là trả thù thì trong giây phút cuối cùng đó, bà Samereh lại lựa chọn tha thứ. Nhiều người dân chứng kiến đã chết sững vì kinh ngạc trước hành động của bà.

Việc làm đó đã biến bà Samereh thành một người hùng ở vùng Royan trên bờ biển Caspian. Đường phố treo đầy băng rôn về lòng vị tha của gia đình bà và người dân hết lời ca ngợi sự rộng lượng của bà Samereh. Còn bà Samereh thì tâm sự rằng bà cảm thấy tất cả những khổ đau suốt bảy năm trời đã trôi theo cái tát mà bà dành cho Bilal. Điều quan trọng là bà cảm thấy bình an vì đã lựa chọn tha thứ.

Bài sưu tầm

Cổ Học Tinh Hoa - Ba điều khó học

 BA ĐIỀU KHÓ HỌC

Thầy Tăng Tử nói với Đức Khổng Tử:

Tôi biết thầy có ba điều, tôi học mãi mà chưa làm được. Thầy:

-Thấy người ta có một điều phải mà quên cả trăm điều trái của người ta, thế là thầy dễ tính.

-Thấy người có điều gì phải, thì vui vẻ như là mình có, thế là thầy không ghen tị. -Nghe thấy điều gì phải, nhất quyết làm rồi sau mới nói, thế là thầy chịu khó thực hành.

Thầy là người dễ tính, là người không ghen tị, là người chịu khó, tôi học mãi ba điều ấy của thầy mà chưa thể làm được.

Thuyết Uyển

GIẢI NGHĨA

Thuyết Uyển: Bộ sách 21 quyển của Lưu Hướng đời Hán soạn, ghi chép những việc đạo đức đáng dạy người ta.

Tăng Tử: tức là Tăng Sâm, người thành thực và rất có hiếu, học trò giỏi của Đức Khổng

Tử truyền được đạo đức Khổng Tử có thuật sách Hiếu Kinh và sách Đại Học. 

Khổng Tử: người nước Lỗ về thời Xuân Thu, tên là Khâu tự là Trọng Ni, ông tổ nho học.

LỜI BÀN

Lấy một điều phải mà quên trăm điều trái, thế là có bụng khoan dung người ta, lại có ý gây cho người làm nên điều phải. Thấy người làm phải cũng vui như chính mình làm điều phải, thế là có lòng vô ngã muốn giục cho người phải ưa làm điều phải. Thấy điều phải làm ngay rồi mới nói, thế là vụ cái thực làm chớ không chỉ có một cái nói giỏi mà thôi. Ba điều này mới nghe tưởng dễ, mà làm thực khó!. Thói thường, người đời chỉ hay bới xấu nhau, ghen tị nhau, nói giỏi mà làm càn, cho nên mới ghét bỏ nhau, lừa dối nhau, hãm hại nhau, đưa nhau đến tử vong mà không gỡ ra được.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

                       Vốn đã tròn thành Phật, sao quay lại làm chúng sanh mê muội?


(Chánh Pháp Sơn Lục Tổ Truyện)

Để thử sức người tu hành, Vô Tướng Đại Sư Hòa Thượng Quan Sơn ( Kanzan 1277 -1360 ), vị tổ khai sơn Diệu Tâm Tự ( Myoshin-ji), thường hay nêu ra công án rằng :

" Vốn đã tròn thành Phật, sao quay lại làm chúng sanh mê muội? "

Có vị tăng hỏi Hòa Thượng Triệu Châu rằng:

- Nơi con chó có Phật tánh hay không?

- Có, Hòa Thượng đáp.

- Nếu ngài bảo có thì cớ sao lại chung vào bao da nầy mà làm súc sanh chứ? Vị tăng kia hỏi ngược lại.

- Ấy chính vì nó biết mà cố phạm phải thôi.

Từ "biết mà cố phạm" vốn có nhiều trong tông môn lắm.

Truyện cười trong ngày

 Ai Có Lý Hơn ?


Trong giờ kiểm tra môn tiếng Việt, thày giáo đưa ra một câu: "Phụ nữ không có đàn ông không là gì cả" và yêu cầu các sinh viên phải đặt dấu câu cho đúng.

Khi chấm bài, thày giáo phát hiện ra tất cả các nam sinh đều viết:

- Phụ nữ không có đàn ông, không là gì cả.

Trong khi đó các nữ sinh lại viết:

- Phụ nữ không có! Đàn ông không là gì cả.

Wednesday, September 29, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Hãy buộc một dải ruy băng lên cây sồi già

  Hãy buộc một dải ruy băng lên cây sồi già


Vào năm 1971, trên một chuyến xe buýt một nhóm sinh viên làm quen với một cựu tù đang trên đường trở về nhà sau khi mãn hạn. Và câu chuyện bắt đầu bằng một lá thư được gửi về cho người vợ trước khi anh ta hết hạn, trong lá thư đó chỉ có mỗi một câu "Anh sắp hết hạn, anh sắp tự do, nếu em còn muốn gặp anh, hãy buộc một dải ruy băng màu vàng trên cây sồi trước nhà...", chuyến xe càng gần điểm đến, càng thấy anh ta bồn chồn lo lắng và anh ta không đủ ca đảm nhìn ra ngoài cửa sổ vì "nếu anh không thấy dải ruy băng vàng, mọi chuyện sẽ kết thúc"...

o O o


Nước Mỹ. Năm 1971. Tại một tỉnh vùng núi xa xôi, trong một thị trấn nhỏ vô danh có một chàng trai bị kết án tù. Cảnh sát đã chứng minh được rằng anh ta phạm tội và ba năm là khoảng thời gian vừa đủ để sửa chữa lại lỗi lầm. Nhưng Mary, người vợ chưa cưới của chàng trai lại không tin điều đó. Ngày mở phiên toà, mặc cho chàng trai không ngừng quay lại phía sau tìm kiếm thì cô vẫn vắng mặt. 

Trước khi lên chiếc xe dành cho tù nhân, chàng trai nhờ chuyển cho Mary một lá thư rồi đi ngay. Anh không kịp nhìn thấy cô đang đứng khuất sau, vừa khóc vừa nắm chặt tờ giấy với những dòng ngắn ngủi: 

"Anh biết anh không xứng đáng với tình yêu của em. Anh cũng không còn hi vọng em còn yêu anh sau những chuyện này. Nhưng nếu em tha thứ cho anh, hãy buộc một dải ruy băng màu vàng lên cây sồi già duy nhất ở quảng trường thị trấn vào ngày anh trở về. Và nếu không nhìn thấy dải ruy băng, anh sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ quấy rầy em nữa". 

Trong suốt ba năm ngồi tù, dù cho chàng trai mong mỏi Mary đến đâu thì cô vẫn bặt tin. Năm đầu tiên, anh tự nhủ có lẽ cô chưa quen được với ý nghĩ chồng sắp cưới của mình là một kẻ phạm tội. Năm thứ hai, chàng trai nhờ người hỏi han tin tức và chỉ nghe phong phanh là cô đã đi xa, xa lắm và chẳng biết bao giờ mới quay trở lại. Đến những ngày tháng cuối cùng trong tù, anh đã không còn nghĩ đến dải ruy băng màu vàng nữa, nhớ về người con gái anh yêu lại càng không. Đến ngày ra tù, anh quyết định sẽ lên xe bus đi thẳng ra thành phố chứ không qua quảng trường thị trấn như đã hẹn. 

Một chuyến... hai chuyến xe đã dừng lại rồi chạy tiếp mà chàng trai vẫn không bước lên. Mãi tới khi chuyến cuối cùng chạy qua, anh mới lầm lủi đi bộ tới quảng trường. Lý trí bảo anh đi theo hướng ngược lại nhưng tình yêu vẫn bắt anh bước về phía trước. 

Và, chiều hôm đó, hàng trăm người dân có mặt tại quảng trường đã ngạc nhiên khi thấy một chàng trai bật khóc nức nở dưới tán sồi vàng rực bởi hàng trăm dải ruy băng...

Bài Sưu tầm

Cổ Học Tinh Hoa - Đáng sợ gì hơn cả

 Đáng sợ gì hơn cả


Loài yếu sợ loài khoẻ, kẻ dại sợ kẻ khôn như chó sợ hùm, mường mọi sợ người văn minh vẫn có. Nhưng cái sợ ấy là cái sợ hoạ hoằn. Chớ cái sợ kẻ đồng loại, người đồng nghiệp mới là cái sợ thường có luôn, cái sợ thực đáng sợ luôn vậy.

Tại lầu sách nhà kia có con hồ tinh(1) không hiện hình ra bao giờ, nhưng thường vẫn hay trò chuyện. Chuyện nói rất lý thú, ai nghe cũng phải phục.

Một hôm, tân khách(2) họp đông, họ mời rượu ước với nhau rằng: “Ai sợ gì thì phải nói, mà nói vô lý thì phải phạt rượu”.

Bấy giờ, cử toạ(3) lần lượt nói, nào sợ người học rộng, nào sợ người nhà giàu, nào sợ người quan to, sợ người nịnh giỏi, nào sợ người khiêm tốn quá, sợ người lễ phép câu nệ quá, nào sợ người thận trọng ít nói, sợ người hay nói nửa chừng...

Sau cùng hỏi đến hồ tinh, thì hồ tinh đáp: ta chỉ sợ hồ tinh.

Ai nấy đều cười, bảo rằng: “Người ta sợ hồ tinh mới phải, anh là đồng loại can gì mà sợ? Phạt anh một chén rượu”.

Hồ tinh cười nói: “Thiên hạ duy có đồng loại là sợ nhau. Con cùng cha mới tranh gia sản; gái cùng chồng mới hay ghen tuông; kẻ tranh quyền nhau, tất là quan lại đồng triều, kẻ tranh lợi nhau tất là lái buôn một chỗ. Bức nhau thì trở ngại nhau, trở ngại nhau thì khuynh loát nhau. Nay lại còn người bắn con trĩ thì dùng con trĩ làm mồi, không dùng con gà, con ngỗng, người săn hươu thì dùng con hươu làm mồi, không dùng con dê, con lợn. Phàm những việc phản gián đều là phải dùng đồng loại cả. Cứ thế mà suy thì tài nào mà chẳng sợ hồ?”

Cử toạ đều cho câu nói của hồ tinh là xác đáng.

Lời bàn:

Loài yếu sợ loài khoẻ, kẻ dại sợ kẻ khôn như chó sợ hùm, mường mọi sợ người văn minh hoặc vẫn có. Nhưng cái sợ ấy là cái sợ hoạ hoằn. Chớ cái sợ kẻ đồng loại, người đồng nghiệp mới là cái sợ thường có luôn, cái sợ thực đáng sợ luôn vậy. Người phải sợ người hơn là sợ hùm beo, sư tử, người đồng loại, kẻ đồng nghiệp sợ lẫn nhau hơn là sợ người ngoài? Tại sao? Tại chỉ có cùng nhau một loài, cùng nhau một nghề mới phải cạnh tranh đá chọi lẫn nhau. Mà đã cạnh tranh nhau, tất hay dòm dỏ nhau, tìm cách hại lẫn nhau để cầu lợi cho mình, thậm chí tàn sát nhau đến chôn sống hàng vạn quân, giết chết hàng triệu người mà vẫn không chán. Thảm thương thay! Người lại hại người!

--------------------

(1) Hồ tinh: Tục truyền giống hồ sống nghìn năm thành hồ tinh hay quấy nhiễu người.

(2) Tân khách: chỉ gồm những người đến thăm nom vui chơi với chủ. Nói tách ra là quý khách và khách thường

(3) Cử toạ: tất cả bao nhiêu người cùng ngồi một chỗ

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

                                                                 Trà Thiền Một Vi


(Bản Triều Tham Thiền Lục)

Một hôm Hòa Thượng Giáp Sơn, sau khi uống một tách trà xong thì pha tách khác rồi đưa cho người thị giả của mình. Khi người thị giả định đưa tay đón lấy tách trà thì Hòa Thượng bèn thâu tay lại mà hỏi rằng:

- Đây là cái gì?

Thị giả không trả lời được. Thế thì như quý vị, nếu như quý vị là người thị giả kia sẽ trả lời ra sao?

Xưa nay, người ta thường bảo rằng trà vị và Thiền vị điều có cùng một vị như nhau. Cư Sĩ Lợi Hưu thì cho rằng: " Hình thức Cha-no-yu mà ngồi trên chiếc bồ đoàn nhỏ là lấy củi, đun nước sôi, khuấy trà, đem dân cúng Phật, xong ta uốn rồi cắm hoa và xông hương trầm, thảy đều học dấu tích các hạnh của chư Phật Tổ."

Có lần vị Hòa Thượng nọ gởi cho cháu của Lợi Hưu là Tông Đán (1578 - 1658) một cành hoa Trà Bạch Ngọc (Shiratama Tsubaki), nhờ người tiểu đồng mang đến. Không may chàng ta thú thật sự việc trên và nhận lỗi. Khi vị Hòa Thượng ấy đến thăm, được Tông Đán hướng dẫn đến phòng uống trà, ông ta thấy có trưng bày một cành cây chẳng có hoa treo trên cột trụ rũ xuống, bên dưới đó là những cánh hoa rụng rất tự nhiên. Quả thật là một cảnh sắc không thể diễn tả bằng ngôn từ được. Chính tâm của Tông Đán mà đã làm cho một cánh hoa rơi cũng sống lại như vậy, có thể đó là Thiền tâm.

Truyện cười trong ngày

 Giúp cây mau lớn


Một người làm mấy mẫu ruộng,thấy các cây non trong ruộng mọc xanh tươi, lòng vui mừng lắm. 

Ngày nào ông ta cũng ra thăm ruộng và do đó mà cảm thấy cây lớn lên chậm quá.

Một hôm anh ta ra ruộng và cứ từng cây một,nhổ lên cho cao hơn một ít.Anh ta làm chăm chỉ từ sáng sớm đến chiều tối mịt mới chịu lôi tấm thân mệt mỏi về nhà về nhà, anh ta nói:

- Hôm nay tôi mệt quá,đã làm cho từng cây một lớn lên thêm một ít rồi !

Sáng hôm sau,con anh ta ra thăm ruộng, thì than ôi, cả ruộng cây đều chết héo

Tuesday, September 28, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Cổ Học Tinh Hoa - Can gì mà phá đi

 CAN GÌ MÀ PHÁ ĐI

Dân nước Trịnh thường hay đến trường học thôn quê để nghị luận những chính sách hay dở của quan liêu.

Nhiên Minh bảo Tử Sản rằng:

-Tôi định phá hết cả các trường thôn quê, ông tính sao?

Tử Sản nói: Để chứ. Phá đi làm gì? Dân sự người ta sớm tối đến chơi trường học để nghị luận điều phải, điều trái của quan liêu làm. Cái gì người ta cho là phải, ta cứ thế mà làm. Cái gì người ta cho là dở, ta liệu mà đổi đi. Những kẻ nghị luận ấy tức là những ông thầy của ta. Can gì mà phá trường học. Vả chăng, tôi nghe nói: “ Hết lòng làm điều phải, thì mới đỡ được người ta oán trách mình”. Tôi chưa từng nghe nói: “Chỉ nạt nộ ra oai, mà tuyệt được hết sự oán trách của người.” Cũng như phải đắp đê mà giữ nước, chớ bỏ đê đi, thì nước vỡ tứ tung, bao nhiêu người chết, không thể cứu lại được. Nay ta hẳn cứ để trường học, khiến thường được nghe những câu chê bai để làm thuốc chữa cho ta thì hơn.

Nhiên Minh nghe Tử Sản xong, nói rằng:

-Nay tôi mới biết ông là ông quan thầy đáng tôn vậy. Tôi thật là kẻ bất tài. Ông làm được như lời, thì chẳng những một đám chúng tôi được trông cậy mà cả nước cũng được nhờ vậy.

Tả Truyện

GIẢI NGHĨA

Tả Truyện: sách của Tả Khưu Minh nhà Chu làm, kể những sự về lịch sử thời Xuân Thu.

Tả Khưu Minh: quan Thái Sư nước Lỗ theo chí của Khổng Tử mà làm ra chuyện kinh

Xuân Thu gọi là Tả Thị Xuân Thu cho nên người ta thường xưng Khổng Tử là Tố

Vương, Khưu Minh là Tố Thần.

Trịnh: nước nhỏ thời Xuân Thu, ở vào huyện Tân Trịnh, một phần đất phủ Khai Phong

tỉnh Hà Nam ngày nay.

Tử Sản: tên tự là Công Tôn Kiều làm quan đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu

Nhiên Minh: người đời Xuân Thu, cùng quan ở nước Trịnh với Tử Sản.

LỜI BÀN

Người ta càng cao xa, càng tôn quý bao nhiêu, thì càng xa sự thực bấy nhiêu. Sự thực hay thì hay thực, song lại hay làm cho mất lòng, nên những người đã có địa vị cao, ít khi được nghe sự thực. Thiên hạ không ai muốn mất lòng mình, thì ai dám nói sự thực cho mình biết.

Nhiên Minh đây bảo phá nhà trường là vì nghe sự thực mà mất lòng. Tử Sản đây bảo giữ nhà trường là vì yêu sự thực, được nghe sự thực lấy làm vui sướng. Các nhà trường nước Trịnh bấy giờ có phải như các tờ báo ngày nay, là những cơ quan để cho dân chúng được tự do mà đàm luận về chính sách hay dở hay không? Nếu như vậy, thì ra xưa nay dân sự vẫn có cách là cho những điều nguyện vọng của mình đạt được tới chính phủ, mà chính phủ khôn khéo, tưởng cũng nên lợi dụng cái cách ấy, không nên tuyệt đi vậy. Những câu Tử Sản nói ví như giữ đê cho nước chảy để phòng sự lụt ngập tràn trụa rất nguy, hết lòng làm phải chớ không phải ra oai nạt nộ mới tuyệt được sự oán trách của dân, thực là những câu nói rất đúng với chân lý. Ôi! Một chính phủ mà vững bền hay hư hỏng có thể nghiệm ở lòng dân yêu hay ghét. Nếu dân chúng đã ghét những chính sách không ra gì, chúng dám nói ra miệng, mà lại chỉ thị oai như muốn bưng miệng chúng, chớ không muốn sửa đỗi lỗi mình, thì có khác gì thấy nồi nước sôi trào ra ngoài không biết rút củi ra, lại cứ cầm que mà khuấy vào nước cho đỡ sôi không.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 ĂN CẮP MẶT TRĂNG


Một Thiền Sư sống 1 cuộc sống đơn giản trong 1 cái liều nhỏ ở dưới chân núi. Một buổi tối nọ, trong khi ông ta đi ra ngoài, ăn trộm lẽn vào trong, nhưng tìm không thấy gì để ăn cắp.

Thiền sư trở về và thấy tên ăn trộm “anh đến thăm tôi đấy à” ông ta nói với tên ăn trộm “và anh đừng trở về tay không, hãy lấy quần áo của tôi mà làm qùa”

Tên trộm bối rối và lấy quần áo chạy đi ngay. Thiền sư ngồi lõa lồ nhìn mặt trăng

“1 gã nghèo” ông ta mơ màng “Tôi ước gì tôi có thể cho anh cái mặt trăng đẹp đẽ này

Truyện cười trong ngày

 VIRUS ĐẾN TỪ ĐÂU?


Máy vi tính hỏi virus: "Cậu từ đâu đến đây thế?".
- Thế cậu ở đâu ra?
- Tớ đến từ USA.
- Vậy tớ là hàng xóm của cậu rồi. Tớ đến từ… USB.
!!!

Monday, September 27, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Đôi mắt biết nói

 Đôi mắt biết nói


Những cơ hội lớn để ta giúp đỡ người khác hiếm khi xuất hiện, nhưng những cơ hội nhỏ để ta làm điều đó ở quanh ta mỗi ngày. (Sally Koch)

Hạnh phúc là nước hoa - bạn không thể vẩy lên người khác mà không làm vương vài giọt lên chính mình. (George Bernard Shaw)

***

Đó là một buổi tối lạnh lẽo, rét buốt ở miền bắc Virginia cách đây đã nhiều năm. Bộ râu của ông lão cứng ngắc trong cái lạnh của mùa đông khi ông đợi có ai đó giúp ông sang sông. Sự chờ đợi dường như vô tận. Cơ thể ông tê cóng và cứng đờ bởi những cơn gió bấc giá lạnh.
Bỗng ông nghe thấy tiếng ngựa phi nhịp nhàng đang đến gần men theo con đường đầy sương gió. Ông lo lắng nhìn khi một nhóm chàng trai phi ngựa rẽ qua khúc quanh, ông đã để cho người đầu tiên chạy qua mà chẳng hề gọi. Sau đấy, một người khác đi qua, rồi một người nữa. Lúc này, tuyết đã rơi, trông ông lão giống như một bức tượng bằng tuyết, ông đã thấy người kỵ sĩ cuối cùng. Khi người này đến gần, ông già ra dấu với người kỵ sĩ rồi nói:
- Chào cậu, cậu có phiền đưa già này sang bên kia sông được không? Chẳng có lối nào để đi bộ được cả.
Người kỵ sĩ ngồi trên ngựa đáp:
- Được chứ, thưa bác. Bác nhảy lên đây nào.
Thấy ông lão không thể nhấc nổi cơ thể đã gần như đông cứng khỏi mặt đất, chàng trai nhảy xuống và giúp ông leo lên ngựa. Chàng kỵ sĩ không chỉ đưa ông già sang sông mà còn mang ông đến nơi ông định đến cách đó vài dặm nữa.
Khi đến gần một mái nhà tranh nhỏ xíu ấm cúng, chàng kỵ sĩ tò mò hỏi:
- Thưa bác, cháu thấy bác đã để nhiều người cưỡi ngựa khác chạy qua mà không nhờ lấy một ai để giúp qua sông. Khi cháu đến thì bác nhờ cháu ngay lập tức. Cháu thắc mắc không hiểu tại sao, vào một buổi tối mùa đông lạnh giá như thế này, bác lại đợi và nhờ người cuối cùng. Nếu cháu từ chối không giúp bác thì sao?
Ông lão từ từ leo xuống ngựa, nhìn thẳng vào mắt chàng trai, đáp:
- Bác đã ngồi đấy một lúc rồi. Bác nghĩ mình biết cách nhìn người. Khi bác nhìn vào mắt những chàng trai kia bác nhận ra ngay là họ chẳng quan tâm gì đến tình cảnh của bác cả. Nhờ họ giúp cũng không ích gì. Nhưng khi nhìn vào mắt cháu, lòng tốt và sự thương người hiện lên rất rõ. Bác biết rằng thái độ dịu dàng của cháu sẽ mở ra cho bác cơ hội được giúp đỡ lúc bác cần.
Những lời ấm lòng đó của ông lão làm người kỵ sĩ hết sức cảm động.
- Cháu hết sức cám ơn những gì bác vừa nói. - Anh nói với ông lão - Có lẽ sẽ chẳng bao giờ cháu quá bận rộn với chuyện riêng của mình mà không đáp lại những gì người khác cần bằng lòng nhiệt thành cả.

Bài sưu tầm

Cổ Học Tinh Hoa - Phải biết phòng xa

 PHẢI BIẾT PHÒNG XA

Ông Biển Thước đến yết kiến Hoàn Hầu nước Tề, đứng ngắm một lát, tâu rằng: -Vua có bệnh ở trong bì phu, không chữa sợ sau nặng.

Hoàn Hầu bảo: Ta vô bệnh.

Biển thước đi ra.

Hoàn Hầu nói: Thầy thuốc này lý tài lắm! Muốn chữa người khỏe để lấy công.

Mười hôm sau, Biển Thước vào yết kiến Hoàn Hầu lại nói:

-Vua có bệnh ở gan ruột, không chữa mau sau khó lòng.

Hoàn Hầu không trả lời, còn lấy làm không bằng lòng.

Biển Thước đi ra.

Cách mười hôm nữa, Biển Thước lại vào yết kiến Hoàn Hầu, vừa trông thấy, lùi chạy ra ngay.

Hoàn Hầu cho người gọi lại hỏi, vì cớ gì mà ra ngay như vậy.

Biển Thước tâu:

-Bệnh ở bì phu còn châm trích được, bệnh ở gan ruột còn thuốc thang được, bệnh đã vào xương tủy, thì không tài nào chữa được nữa. Bây giờ bệnh nhà vua đã vào đến xương tủy

cho nên tôi không dám nói mà phải ra ngay.

Năm hôm sau, Hoàn Hầu phát bệnh, cho tìm Biển Thước, thì Biển Thước đã sang nước Tần rồi. Quả nhiên bệnh Hoàn Hầu không thầy nào chữa được nữa, Hoàn Hầu mất.

Thanh Lê Tử

GIẢI NGHĨA

Thanh Lê Tử: tức là Lưu Hướng, người nhà Hán làm quan Gián Nghị đại phu, giỏi về văn chương lại kiêm cả kinh thuật và thiên văn.

Biển Thước: thầy thuốc hay có tiếng đời Xuân Thu. 

Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.

Tần: tên nước mạnh nhất thời Xuân Thu-Chiến Quốc (ở vào tỉnh Thiểm Tây bây giờ) đến đời Thủy Hoàng, nước Tần chiếm được cả sáu nước mà nhất thống thiên hạ. 

Lý tài:lập cách kiếm tiền.

Châm trích: châm: kim lể, trích: lửa đốt.

LỜI BÀN

Theo y học phương đông thì đối với bệnh nhân: vọng, văn, vấn, thiết là bốn việc cần.

Biển Thước là bậc danh y vọng ( trông) mà biết bệnh nhẹ rồi nặng có chi là lạ.

Phàm bệnh gì cũng vậy, lúc mới phát ra, biết mà chữa ngay còn dễ, chớ để lâu ngày, thì rất khó hơn hoặc có khi nguy, không sao chữa được nữa.

Suy rộng ý bài này ra, ta lại có thể lấy việc bệnh tật mà so với việc thân, việc nhà, việc nước, đại khái đều như thế cả. Nghĩa là bất kỳ việc gì, nếu đã gọi là hư hỏng, thì phải sớm biết lo xa ngay đi, hoặc còn chữa chạy được, chớ để lâu ngày quá, đợi khi nước đến chân thì dù có muốn cũng không sao kịp được nữa, vì trễ quá rồi.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

                                                Huệ Huyền nơi đây không sanh tử.


(Chánh Pháp Sơn Lục Tổ Truyện)

Có vị trăng đến hỏi Hòa Thượng Quan Sơn rằng:

- Con đến đây cũng chỉ muốn được giải quyết vấn đề sanh tử việc lớn ( Sanh Tử Đại Sự).

Khi ấy Hòa Thượng thét lên tiếng thật to và nói rằng:

- Huệ Huyền ta nơi đây không có sanh tử.

Tương truyền Đại Đăng Quốc Sư, thầy của Quan Sơn, xưa kia đã từng nhập bọn với nhóm người đi khất thực nơi Cầu Ngũ Điều, và sống cuộc đời bôn phóng trong mấy năm trường sau khi đại ngộ. Một chân của ông bị tật, nên không thể ngồi theo thế kiết già được. Đến khi lâm chung, ông bảo với chân mình rằng:

- Từ lâu nay ta đã khổ công nghe lời ngươi rồi, nay ngươi hãy nghe theo lời ta.

Nói xong, ông đưa tay bẻ gãy chân mình, ngồi kiết già mà thoát hóa.

Một hôm nọ, nhân dịp chuẩn bị lên đường đi hành cước phương xa, Quan Sơn cho gọi Thọ Ông lên bảo rằng:

- Ta nay đi hành cước.

Cả hai người đi đến nơi có cái giếng tên Phong Thủy Tuyền, cùng nghỉ chân dưới một gốc cây đại thụ. Khi ấy Quan Sơn vội vã ban lời giáo huấn để lại cho Thọ Ông rằng:

- Nơi ta đây không có sanh tử.

Nói xong ông đứng sừng sững như vậy mà thị tịch. Đây cũng là hình thức lâm chung của hai đời cha truyền con nối mà Quan Sơn còn giữ lại.

Truyện cười trong ngày

 Hai Lọ Mực


Thầy:  "Trò Tí, sao em lại liệng hai lọ mực vào lưng bạn Tèo?"

Tí:  "Dạ... Tại con liệng cái lọ thứ nhất không trúng ạ."

Sunday, September 26, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Giữ lửa

 Giữ lửa 


Ngày xưa, gia đình tôi chỉ sống trên một con đò. Cha chèo chống, đổi hàng lên nguồn xuống biển. Suốt con sông nhỉ nhưng dài chỉ có một con đò duy nhất. Cuộc sống của gia đình thật lênh đênh ghềnh thác. 

Một ngày nọ, giữa sông vắn, cha đã đánh mất cái bật lửa. Phải giữ lửa trong bếp suốt chuyến đi. Tối đến, cơn mưa trong gió chướng làm tắt ngấm bếp lửa. Lúc tạnh mưa, mẹ bới tro lạnh, chỉ còn một cục than nhỏ xíu có lửa. Mẹ nhanh chóng gom một ít rác khô, kẹp cục than vào giữa. Mẹ thổi nhẹ, cục than từ từ sáng đều. Một lúc sau nùi rác từ từ bốc khói... Bếp lại đỏ lửa.Ngồi bên bếp lửa, mẹ đã dạy tôi cách giữ lửa than cho lâu tàn, phải ủ phải vùi ra sao. Nhen ngọn lửa mỏng thế nào để không tắt. Mẹ bảo, trong cuộc đời, có lúc con chỉ có một hòn than nhỏ và ngọn lửa mỏng cuối cùng.

Tôi không phải là nhà thám hiểm, nhà địa chất hay thợ săn để ứng dụng cách giữ hay nhen lửa của mẹ khi ở giữa rừng hoang lạnh. Nhưng tôi sẽ có cách giữ và thắp lửa cho riêng mình. Tôi sẽ giữ một hòn than nhỏ, ngọn lửa mỏng cho tình yêu thương, hi vọng và tất cả những gì tốt đẹp... trước khi nó nguội lạnh, tắt đi, biến mất. Để có dịp,  tôi lại nhen nhóm thắp lên ánh lửa...

Bài sưu tầm

Cổ Học Tinh Hoa - Đại Đồng

 ĐẠI ĐỒNG

Đường lối chính trị rất cao cả mà thực hành thì thiên hạ phải là của chung của cả thiên hạ, không một người nào hay một nước nào được nhận thiên hạ làm của riêng mình. Kén chọn người có đức vọng để làm lãnh đạo, tuyển cử người có tài năng để ra gánh vác.

Giao thiệp đi lại với nhau cho có chữ “tín” lỡ có hiểu lầm nhau phải phân trần ngay... Ăn ở đối đãi với nhau cần phải “hòa” lỡ có chênh lệch phải sửa đổi ngay. Có thế, tự khắc ai ai cũng đều tôn quý cha mẹ người như cha mẹ mình, ai ai cũng thân yêu con cái người như con cái mình...

Của ở trên mặt đất hay ở dưới mặt đất, đáng ghét nhất là ngu dại bỏ phí bỏ hoài, không biết tăng gia, không biết khai thác, không biết lợi dụng. Có biết mà làm được, cần phải cùng hưởng, cùng dùng, chớ có vơ cả làm của riêng.

Đã là người thời chẳng nhiều thì ít, ai cũng có sức lực và năng lực, đáng ghét nhất là lười biếng, chỉ thích ỷ lại hay thích đài đệ, không chịu dùng sức mình để cung cấp, không chịu đem năng lực để đảm nhiệm công việc chung. Như việc dùng sức lực hay năng lực, cần phải cống hiến cho quần chúng, chớ có làm hay riêng cho bản thân là cá nhân...

Có thế thời cơ mưu gian trá mới không nẩy ra và trộm cướp tự nhiên tiêu diệt Đại khái như thế mới gọi là “ đại đồng”.

Lễ ký

GIẢI NGHĨA

Lễ ký: hay còn gọi là Kinh Lễ là một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử, tương truyền do các môn đệ của Khổng Tử thời Chiến quốc viết, ghi chép các lễ nghi thời trước. Ngũ Kinh gồm có: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.

LỜI BÀN

Thuyết đại đồng nêu ra tự đời Xuân Thu mấy nghìn năm về trước nghe cũng đã lấy làm vui sướng, huống chi đến đời chúng ta ngày nay, cái đời tranh sống chết kịch liệt, ta được nghe thì lấy làm vui sướng và ao ước biết chừng nào! Lý tưởng đại đồng sống chung với nhau đấy tín nghĩa thân ái, người với ta như một, sung sướng hưởng chung, chỉ những hòa thuận và hòa bình bồng lai và nát bàn thật. Lý tưởng quý báu cao cả ấy có thực hiện được không? Ai ai cũng có chân tâm mà làm thực sự, sao lại không thực hiện được. Khốn nỗi, người sẵn chân tâm mà làm thực sự, có, nhưng rất hiếm; kẻ giả danh giả nghĩa, khéo lợi dụng thì lại quá nhiều. Vả lại, nhân loại truy nguyên ra thì trong đầu óc vẫn rớt lại những thú tính, thâm dâm hung tàn. Đa số chỉ có nghĩ lành, nói lành, ước ao lành, cầu người lành, bắt người làm lành, mà chính thân thì ác. Thậm chí người ta phải nói: “Người là giống rất tàn ác hơn các loài mãnh thú”. Người lúc nào cũng làm khổ người, thì đại đồng bao giờ mới thực hiện được. Than ôi!


Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Thiên Đường 


Hai người bị lạc trong sa mạc. Họ sắp chết vì đói và khát. Cuối cùng, họ tới một bức tường cao. Họ có thể nghe tiếng nước chảy của một thác nước và tiếng chim hót từ phía bên kia. Ở bên trên, họ có thể nhìn thấy nhiều nhánh cây tươi tốt vươn qua bờ tường. Những trái cây trên cành trông ngon lành.

Một người tìm cách leo qua bức tường và biến mất xuống phía bên kia. Người kia, trở lại sa mạc để giúp đỡ những người lữ khách khác bị lạc tìm đường đi tới ốc đảo

Truyện cười trong ngày

 Chịu đau giỏi


Đôi vợ chồng nọ đưa nhau đến gặp nha sĩ, người chồng tỏ ý rất vội:

- Càng đơn giản càng tốt, thưa bác sĩ. Không cần phải gây mê hay tiêm thuốc giảm đau gì hết. Ông cứ nhổ phắt cái răng sâu ra là được.

Nha sĩ thán phục:

- Giá mà bệnh nhân nào cũng chịu đau giỏi như anh. Nào, chỉ cho tôi chiếc răng sâu!

Lập tức, ông chồng quay sang vợ:

- Em yêu, cho bác sĩ xem cái răng sâu đi!

Saturday, September 25, 2021

Suy Niêm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Muốn thành công phải tiết kiệm từng đồng bạc lẻ

 MUỐN THÀNH CÔNG PHẢI TIẾT KIỆM TỪNG ĐỒNG BẠC LẺ


"Chỉ có tiết kiệm mới mang lại sự giàu sang cho bản thân và cho chính đất nước mình. Đừng tiêu vào những thứ vô bổ, hãy đầu tư vào những thứ các con thực sự cần và có ích. Nếu các con muốn giàu, hãy cân nhắc và tính toán như một nhà kinh tế đích thực trong mọi việc"
- Warren Buffett -

***

Nổi tiếng là tỷ phú trong ngành đầu tư chứng khoán, Warren Buffett là một người có đầu óc kinh doanh hết sức nhạy bén và tận dụng thời cơ chớp nhoáng. Tuy nhiên, ông cũng được mệnh danh là tỷ phú bình dân từ cách sống không xa hoa, không ồn ào hay "khua chiêng múa trống".
- Du thuyền hay máy bay chỉ là "cục nợ"

Ông chủ của Berkshire Hathaway – một trong những công ty được ngưỡng mộ nhất ở Mỹ năm nay đã 83 tuổi nhưng ông vẫn nằm trong danh sách những tỷ phú hàng đầu thế giới. Câu nói "Mất 20 năm để gây dựng danh tiếng nhưng chỉ mất 5 phút để hủy hoại nó" đã trở thành một chân lý cho tất cả các tỷ phú nổi tiếng khác. Nhưng đối với Buffett, danh tiếng đó không đi liền với việc luôn tỏ ra mình là người giàu có như sắm nhà cao cửa rộng, ăn tiêu lãng phí, đầu tư vào các trang thiết bị hiện đại... Buffett chỉ muốn sống một cuộc đời giản dị mà hạnh phúc. Hiện tại, Buffett vẫn sống trong ngôi nhà 31.500 USD (tương đương khoảng 250.000 USD ngày nay), ông mua cách đây hơn 50 năm ở Omaha, Nebraska (Hoa Kỳ) và ông chỉ sở hữu căn nhà này chứ không có nhiều nhà hay biệt thự như các tỷ phú khác. Căn nhà có diện tích 610m2, một diện tích không phải là nhỏ nhưng so với các tỷ phú khác, nó chỉ là một căn nhà nghỉ dưỡng.
Khi được hỏi nguyên nhân vì sao ông không đầu tư vào một căn biệt thự lớn cho phù hợp với độ giàu có của mình, ông nói: "Ở đó, tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi sẽ chuyển đi nếu tôi cho là mình sẽ hạnh phúc hơn ở một nơi khác. Làm sao mà tôi có thể cải thiện được cuộc sống của mình bằng cách có 10 ngôi nhà khắp thế giới. Nếu muốn trở thành một người quản lý nhà cửa, tôi sẽ làm nghề đó, nhưng tôi không muốn quản lý 10 ngôi nhà và cũng không muốn ai đó phải làm giúp mình công việc như thế...". Buffett từng gọi căn nhà này là khoản đầu tư lớn thứ ba mà ông từng "rót vốn" vào, sau hai chiếc nhẫn cưới. Theo Buffett, ngôi nhà của ông thật tuyệt vời. "Tôi cảm thấy ấm áp trong mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Ngôi nhà thật tiện lợi đối với tôi. Tôi không nghĩ là mình sẽ có một ngôi nhà tốt hơn thế".

Dù là tỷ phú đứng thứ hai thế giới nhưng Buffett không hề sở hữu một chiếc du thuyền nào bởi đối với ông, chúng chỉ là những món đồ chơi, là những "cục nợ" không hơn không kém. Ngay đến đám cưới với người vợ thứ hai, ông cũng chỉ tổ chức lễ cưới hết sức đơn giản tại nhà con gái ở Omaha. Quả thật, hiếm hoi có vị tỷ phú nào tiết kiệm đến từng đồng bạc lẻ đến vậy. Quay lại thời gian cách đây hàng chục năm, khi đứa con đầu tiên của Buffett ra đời, chính ông đã tự tay đóng một chiếc nôi sơ sinh cho con từ chiếc ngăn kéo tủ quần áo cũ chứ không mua ngoài cửa hàng như các gia đình vẫn thường làm. Rồi đến đứa con thứ hai, ông lại đi xin chứ nhất quyết không bỏ một xu ra mua một chiếc mới cho con.

Ông quan niệm, cái gì đáng mua mới mua, không nên chi tiền vào những thứ chỉ dùng trong chốc lát rồi lại "bỏ xó", đó là sự lãng phí không cần thiết. Có lẽ, ông là tỷ phú duy nhất trên thế giới lái một chiếc xe Volkswagen cũ kỹ và chỉ nâng cấp lên chiếc Cadillac mới khi bị vợ "ép" thay đổi.

Buffett hiện đang nắm trong tay khối tài sản kếch xù lên tới 50 tỷ USD và đang điều hành một tập đoàn đa ngành trị giá hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, ông vua chứng khoán vẫn không bỏ thói quen tích cóp từng xu lẻ mà còn dạy những người khác nên học theo tính tiết kiệm này của mình. "Những đồng xu lẻ" ông tích cóp được cũng không mang ra tiêu xài phung phí, ông lại tiếp tục dùng chúng để tái đầu tư. Ở Buffett, cụm từ "tích tiểu thành đại và quay vòng" luôn là điều ông đặt lên hàng đầu, được ông áp dụng một cách triệt để. Thật không "ngoa" khi nói ông là một nhà buôn tiền lừng danh nhưng ông cũng là một nhà từ thiện hiếm có.

- Sống cuộc sống được là chính mình

Đến nay, khi đã ở tuổi bát tuần, Buffett vẫn cảm thấy tiếc vì ông bước chân vào giới chứng khoán, cổ phiếu quá muộn bởi khi đó ông đã... 11 tuổi. Buffett cho rằng: "Không bao giờ là quá sớm nếu người ta có ước mơ làm giàu. Bất kể bạn ở độ tuổi nào cũng có thể là một nhà đầu tư giỏi, chỉ cần biết cách tiết kiệm mà thôi. Những điều này được Buffett thực hiện suốt thời thơ ấu và đến năm 14 tuổi, ông đã mua được một nông trại nhỏ từ số tiền dành dụm việc rao báo. Ngay việc ông chỉ mua một căn nhà nhỏ, đủ cho một gia đình sống đã là minh chứng rõ nhất cho việc "tằn tiện" của ông.
Ông thường nói với các con: "Chỉ có tiết kiệm mới mang lại sự giàu sang cho bản thân và cho chính đất nước mình. Đừng tiêu vào những thứ vô bổ, hãy đầu tư vào những thứ các con thực sự cần và có ích. Nếu các con muốn giàu, hãy cân nhắc và tính toán như một nhà kinh tế đích thực trong mọi việc". Bởi vậy, mặc dù sở hữu một công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới nhưng bản thân tỷ phú Buffett không bao giờ đi du lịch bằng máy bay riêng. Nhiều người thắc mắc sao ông không tham gia các buổi tiệc tùng, đình đám với tầng lớp thượng lưu để gia tăng danh tiếng cho mình. Ông chỉ cười và trả lời: "Tôi không muốn cố gắng tỏa sáng hay đánh bóng tên tuổi. Tôi chỉ muốn được là chính mình và làm những điều mình thích mà thôi". Sau giờ làm việc, ông thường lái xe về nhà, nằm xem ti vi và thưởng thức bắp rang bơ như một công chức bình thường.

Điều đặc biệt ở Buffett là ông không dùng điện thoại di động dù là một chiếc điện thoại bình thường nhất. Thậm chí, ông cũng không có lấy một chiếc máy tính trên bàn làm việc bởi ông thấy không cần thiết, mọi dữ liệu đều nằm trong đầu ông và sẽ được "lấy ra" một cách nhanh chóng khi cần mà không cần các thao tác phức tạp trên máy tính. Có người nhận xét cuộc sống của vị tỷ phú này như một người dân sống trong cảnh bần hàn, cơ cực, dù có trong tay cả một gia tài khổng lồ cũng không dám động đến. Tháng 2 vừa qua, Buffett tiếp tục bày tỏ quan điểm phi vật chất của mình với báo chí: "Tôi đã được làm mọi công việc tôi muốn. Tôi có những người bạn thậm chí còn làm nhiều nghề hơn. Nhưng tôi cảm thấy một số người đang bị chính nghề của họ chi phối thay vì làm chủ công việc. Thật đáng tiếc!".

Sưu tầm

Cổ Học Tinh Hoa - Bệnh mê

 BỆNH MÊ

Nước Tần có con nhà học Bàng, lúc nhỏ thông minh khôn ngoan sớm, đến lúc lớn tự nhiên mắc phải bệnh mê; nghe hát cho là khóc, trông trắng hóa ra đen, ngửi thơm cho là thối, ăn ngọt cho là đắng. Tính hạnh anh dở mà cứ cho là phải, bao nhiêu những cái anh ta nghĩ đến, trời, đất, bốn phương, nước, lửa, nực, rét, không cái gì là không đảo ngược sai lầm cả.

Có người bảo cha anh rằng:

Bậc quân tử nước Lỗ có lắm thuật, nhiều nghề họa may chữa được chăng, sao không đưa đi mà hỏi.

Người cha sang nước Lỗ. Khi qua nước Tần gặp ông Lão Đam, nhân nói chuyện chứng bệnh của con.

Lão Đam nói:

Nhà ngươi há biết được cái bệnh mê của con nhà ngươi đâu. Nay thiên hạ ai ai cũng ù ờ phải trái, mờ mịt, về lợi hại, kẻ mắc phải bệnh mê như con nhà ngươi rất nhiều, chẳng có ai tỉnh cả. Vả lại, một mình mê không đủ làm lụy một nhà, một nhà mê không đủ làm lụy một nước, một nước mê không đủ làm lụy cả thiên hạ. Thiên hạ ai ai cũng mê cả, thì còn ai làm lụy ai được nữa.

Giả sử thiên hạ ai cũng mê như con nhà ngươi mà chỉ nhà ngươi muốn chữa bệnh mê, thế thì chính nhà ngươi lại hóa ra mê mất.

Ở đời những sự thương, vui, lẽ phải trái, những cái mắt trông, tai nghe, mồm nếm, mũi ngửi, ai nấy là người chắc cứ cho như thế mới là phải. Này ngay như lời nói ta đây, vị tất đã khỏi mê, huống chí người quân tử nước Lỗ lại là người quá ư mê, thì chữa sao được bệnh mê của người. Nhà ngươi đem bao nhiêu tiền đi tìm thầy chữa chạy, chẳng bằng nghe ta trở về ngay còn hơn.

Liệt Tử

GIẢI NGHĨA

Liệt Tử: sách của Liệt Ngữ Khấu hay người truyền học thuyết của Liệt Ngữ Khấu soạn ra, có tám quyển, sau nhà Đường, nhà Tống đặt tên là Sung Hư Chân Kinh, hay Sung Hu chí đức chân kinh.

Tần: tên nước mạnh nhất thời Xuân Thu-Chiến Quốc (ở vào tỉnh Thiểm Tây bây giờ) đến đời Thủy Hoàng, nước Tần chiếm được cả sáu nước mà nhất thống thiên hạ. Quân tử

nước Lỗ: tức là ám chỉ Đức Khổng Tử.

Lỗ: tên một nước nhỏ, có tự đời nhà Chu sau phải nước Sở diệt mất, ở vào phủ Duyên

Châu và Bĩ tức tỉnh Sơn Đông ngày nay.

Lắm thuật nhiều nghề: lắm cách nhiều lối Lão Đam: tức Lão Tử, họ Lý tên Nhi, người Xuân Thu có làm sách Đạo đức kinh, tổ đạo

Lão.

LỜI BÀN

Bài ngày cũng như bài trên có ý chê Đức Khổng Tử, bác hẳn cái nếp đã thành ở đời, xưa nay ai nấy, tự lúc biết đời cũng cứ cho như thế mới là phải. Nhưng xét đến nơi, cái nếp ấy chẳng qua cũng chỉ là ước định mà thôi. Ấy là không nói ở đời lắm kẻ lợi dụng cái nếp ấy làm điều giả dối để ngu hoặc người ta, lắm khi đến nỗi chỉ còn có danh mà không có thực. Giả sử bây giờ ta thử đổi cái trắng là đen, cái đen là trắng, cái ngọt là đắng, cái đắng là ngọt, nếu lâu ngày quen nếp đi, thì tất thiên hạ lại cho thế mới là thuận mà chính như bây giờ là nghịch vậy. Ôi! Cái thanh, sắc, khứu, vị rõ rệt như thế, người đời cho ngược hẳn lại được, thì cái nhân tâm, thế đạo là cái vô hình, vô trạng người đời há lại không dám ngược lại hay sao! Này những đời loạn, càn dỡ thì cho là tòng quyền, hà hiếp thì gọi là bênh vực, cái phận trên dưới không phân minh, đến cả cha con cũng bình đẳng, cái mối luân thường đã rối loạn, đến cả vợ chồng cũng tự do, mà cứ càng ngày càng đắm đuối mãi vào, thì có gọi đời là tỉnh được hay không! Hay chính là mê, mê quá không biết nữa vậy. Bệnh mê thực làm hại người ta, hầu hết cả một nước, cả loại người như điên, như cuồng, ai chữa cho khỏi, mà ai là kẻ có cách chữa được khỏi. Than ôi biết làm thế nào?


Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Kẻ Cướp Trở Thành Môn Ðồ


Vào một đêm trong khi Shichiri Kojun đang tụng kinh thì một tên cướp xông vào với lưởi dao bén đòi tiền hoặc giết ngài.

Shichiri bảo: "Xin đừng náo động. Ông có thể lấy tiền trong ngăn kéo kia." và tiếp tục tụng kinh.

Giây lát sau, ngài kêu lên: "Xin đừng lấy hết tất cả. Ta cần một ít để đóng thuế ngày mai."

Kẽ đạo chích gom góp gần hết và sắp sửa chuồn. "Hãy biết cám ơn thí chủ chứ," Shichiri nói thêm. Tên cướp nói lời cám ơn và biến mất.

Vài ngày sau tên cướp bị bắt và thú tất cả mọi tội, trong đó có chuyện liên quan đến Shichiri. Khi Shichiri được vời đến để đối chứng, ngài bảo: "Ông này không phải là kẽ cướp, ít ra là phần có liên quan đến bần tăng. Bần tăng biếu ông ấy một ít tiền và ông ta có tỏ lời cám ơn."

Sau thời gian ngồi tù, người đàn ông kia tìm đến Shichiri và trở thành để tử của ngài.

Truyện cười trong ngày

 Ngày trăng lưỡi liềm..


Trong quán rượu, một anh kể chuyện:
- Này, người ta nói rằng diện tích trên mặt trăng đủ cho hàng triệu người sống đấy!
- Đúng là lũ ngu, đến ngày trăng khuyết thì lộn cổ chết cả nút!
- Ừ nhỉ!

Friday, September 24, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Cát và đá

                                                                          Cát và đá

Bài sưu tầm

Có hai người bạn đang dạo bước trên sa mạc. Trong chuyến đi dài, hai người nói chuyện với nhau và đã có một cuộc tranh cãi gay gắt.

Không giữ được bình tĩnh, một người đã tát người bạn của mình. Người kia rất đau nhưng không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã tát vào mặt tôi.”
Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát.

Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống một bãi lầy và ngày càng lún sâu xuống. Nhưng người bạn kia đã kịp thời cứu anh.

Ngay sau khi hồi phục, người bạn suýt chết đuối khắc lên tảng đá dòng chữ: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi.”

Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi: “Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu lại viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?”

Và câu trả lời anh nhận được là: “Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn. Nhưng khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi.”

Hãy học cách viết những nỗi đau lên cát và khắc tạc những niềm vui và hạnh phúc bạn tận hưởng trong cuộc đời lên tảng đá để mãi không phai.

Cổ Học Tinh Hoa - Thực học

 THỰC HỌC

Hết thảy mọi việc, việc gì cũng có tình hình thực sự. Làm thì làm thực sự, chớ vụ hư danh.

Hết thảy câu nói, câu gì cũng có điểm mầu nhiệm. Nói thì nói cho ra nói, chớ có vọng ngôn.

Hết thảy mọi vật, mỗi vật có một lý rất phải. Nếu không hiểu rõ lý ấy, thì nhận xét dễ sai lầm mà thành mê muội.

Hết thảy mọi người, mỗi người, ta có một cách để cư xử đối phó, nếu không biết xử thì dễ sinh ra bất hòa, rồi chán ghét nhau.

Người ta đi học cần cái gì, chỉ cần học làm cho có sự thật, học nói cho khỏi vọng ngôn, học biết mọi vật cho tinh, học xử với mọi người cho phải...Học chỉ học thế thôi. Không chỗ nào không phải là chỗ học, không lúc nào không phải là lúc học, không tâm niệm nào không phải là tâm niệm để học. Cố học cho được hiểu trọn vẹn, chớ hiểu dở dang, cố học cho kỳ được, học cho đến nơi đến chốn, chớ có tự mãn tự túc. Thế mới đáng gọi là người học giả.

Khuyết Danh

LỜI BÀN

Thực học là lối học thực tế, học cho mở mang trí thức, học cho dầy dặn năng lực, để thành tài để ra người, để làm người hữu dụng: Nhỏ thì hữu dụng cho xã hội, to thì hữu dụng cho quốc gia, cho thiên hạ.

Thực học trái người với lối học hư văn là lối tục học, phù hoa khinh bạc, lòe đời, nịnh đời, chỉ tổ tự hại và hại tha, tuyệt không có gì là hữu dụng cả. Thế cho nên người đi học thì nhiều, người hữu dụng thì ít; đời mới than phiền: “hiếm nhân tài!”.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Giác Ngộ 


Một ngày nọ vị Thiền Sư tuyên bố rằng một vị sư trẻ tuổi đã đạt tới cấp cao của sự giác ngộ. Tin này là lý do kích động một vài người. Một vài vị sư đã đi đến gặp nhà sư trẻ. "Chúng tôi nghe rằng sư đã giác ngộ. Có đúng không?" họ hỏi.

"Đúng vậy," nhà sư trẻ trả lời.

"Vậy cảm giác của sư như thế nào?"

"Nghèo nàn hơn bao giờ," vị sư nói.

Truyện cười trong ngày

 Tại giống bố


Một gia đình nọ có khá đông anh em nhưng không ai giống ai cả, thậm chí cũng chẳng giống bố. Vì mọi người rất hay trêu chọc họ về chuyện này nên một hôm đứa lớn nhất tìm mẹ để hỏi cho ra nhẽ.
- Mẹ ơi, mọi người bảo bọn con không giống bố. Thế mẹ bảo bọn con có giống bố không
Người mẹ đáp ngay:
- Tất nhiên là các con phải giống bố rồi.
Đứa con lại hỏi tiếp:
- Thế thì vì sao bọn con lại trông chẳng giống nhau gì cả?
Bà mẹ lưỡng lự hồi lâu rồi nói:

- Ừ, chắc tại các con giống bố...

Thursday, September 23, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Một tội ác

                                                                MỘT TỘI ÁC


* Phán quyết mà thẩm phán đưa ra cho kẻ trộm. Một bé trai 15 tuổi bị bắt vì trộm từ một cửa hàng ở Mỹ , Khi cố gắng để trốn thoát, cậu bé cũng đã làm hư một cái kệ.

Sau khi thẩm phán nghe được vụ án, ông ấy hỏi cậu bé:

- " Cháu có thật sự ăn cắp gì không ?

Cháu ăn cắp bánh mì, phô mai và làm hư cái kệ."

Cậu bé xấu hổ, cúi đầu xuống, trả lời:

- "Dạ đúng vậy."

Thẩm phán hỏi:

- "Tại sao cháu lại ăn cắp?"

Đứa bé trả lời:

- "Vì nó cần thiết."

Thẩm phán lại hỏi:

- "Sao Cháu không mua mà ăn cắp nó."

Cậu bé nói:

- "Cháu không có tiền."

Thẩm phán nói:

- "Cháu có thể xin tiền Cha mẹ."

Cậu bé nói:

- "Cháu chỉ có Mẹ, bà ấy bị bệnh không có việc làm và Cháu ăn cắp bánh phô mai để cho Mẹ ăn."

Thẩm phán hỏi:

- "Cháu không làm gì à? Cháu không có việc làm sao?"

Cậu bé trả lời:

- "Cháu làm việc ở tiệm rửa xe. Cháu nghỉ để phụ Mẹ bệnh nên bị đuổi việc."

Thẩm phán nói:

- "Cháu không tìm kiếm thứ gì khác để làm việc nơi khác sao?

Sau cuộc trò chuyện với cậu bé kết thúc. Thẩm phán tuyên bố phán quyết :

Ăn cắp đặc biệt là ăn cắp bánh mì là MỘT TỘI ÁC đáng xấu hổ. Và đây tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cho tội ác này. Tất cả mọi người trong phòng xử án hôm nay, trong đó có Tôi, đều phải chịu trách nhiệm cho tội ác này. Do đó ai đang hiện diện cũng bị phạt 10 Dollars, không ai đi ra khỏi đây mà không bị phạt 10 Dollars.

Thẩm phán lấy tờ tiền 10 Dollars từ túi áo ông ấy, lấy cây bút và bắt đầu viết.

Ngoài ra, Tôi còn phạt 1000 Dollars Chủ cửa hàng vì giao một đứa trẻ đói bụng cho Cảnh sát. Nếu không đóng phạt trong vòng một giờ, cửa hàng sẽ bị đóng cửa."

Mọi người ở đây đều xin lỗi cậu bé và nộp phạt 10 Dollars . Thẩm phán đã rời khỏi phòng xử án cùng với những giọt nước mắt của cậu bé.

Sau khi nghe phán quyết, tất cả mọi người trong phòng án đã rơi nước mắt . Tôi tự hỏi liệu xã hội, hệ thống Tòa án của chúng ta có thể đưa ra một phán quyết như vậy không ?

Thẩm phán nói thêm:

- "Nếu một người bị bắt quả tang ăn cắp bánh mì, tất cả thành viên của Cộng đồng, Xã hội và Đất nước này phải xấu hổ.!"

(Cang Huỳnh lược dịch từ tuần báo Paris Match)

Bài sưu tầm

Cổ Học Tinh Hoa - Ba điều vui

 Ba điều vui


Người quân tử có ba điều vui, tuy cho làm vua cả thiên hạ là sướng mà cũng không kể vào trong ba điều vui ấy được.

Cha mẹ còn sống, anh em bình yên là một điều vui.

Ngửa lên không tủi thẹn với trời, cúi xuống không xấu hổ với người là hai điều vui.

Được những bậc anh tài trong thiên hạ mà dạy dỗ, gây dựng cho ra người là ba điều vui.

Mạnh Tử

Lời bàn:

Xử trong gia đình, trên thì cha mẹ còn mạnh khoẻ để ta được hết lòng phụng dưỡng, dưới thì anh em hoà thuận để ta được hết đạo hữu ái, thật là cái cảnh khó được mà ta được, thì còn gì vui hơn nữa?

- Xử với thân mình, mà tu dưỡng đến việc gì cũng có thể, trên tỏ cho giời biết được, dưới đối với người nói được, thân thể nhẹ nhàng, tâm thần khoan khoái, thì còn gì vui hơn nữa?

- Xử với xã hội mà được luyện tập những bậc anh tài để có nhiều người truyền đạo cho thiên hạ, hậu thế được nhờ thì cũng còn gì vui hơn nữa?

Ba cái vui này: hai cái về gia đình và bản thân, một cái về thiên hạ hậu thế là ba cái vui về "tính phận" vui bên trong, nghĩa là cái vui thực. Còn cái vui về "thể phận", vui bên ngoài thì dù cho làm vua đến cả một nước, so với cái vui kia cũng không sao bằng được.