Friday, December 31, 2021

HAPPY NEW YEAR 2022




 

Truyện Ngụ Ngôn La Fontaine - Lừa Và Chó Con

Lừa Và Chó Con 

(L' âne et Le Petit Chien)

Tác giả : Jean de la Fontaine

 Dịch giả: Nguyễn Văn Vĩnh 


Tài tự-nhiên, xin ai chớ ép,

 Gượng nên công có đẹp mẽ gì? 

Mấy đời những đứa ngu-si, 

Làm ra mặt thiệp nó thi nên duyên. 

Ai cũng mến là "thiên chi phó", 

Bẩm-sinh ra sẵn có mấy người, 

Ai tài thì cũng mặc ai

 Lừa ngu chuyện nọ là bài dạy khôn:

 Gã Lừa ấy đến hôn ông chủ;

Nghĩ thầy ta há phụ không yêu!

Chó kia phỏng lớn bao nhiêu, 

Ông, bà bữa sớm bữa chiều cho ăn, 

Lại có lúc quá thân hôn-hít; 

Lại có khi quấn-quýt xoa đầu; 

Trò-vè phỏng có chi đâu. 

Chỉ giơ chiếc vó, gâu-gâu một hồi, 

Đùa bỡn có thế thôi mà quý. 

Còn ta đây động tí thì đòn,

Rầy ta há lại không khôn;

 Cũng là như rứa phỏng còn khó chi,

Nhân thấy chủ đang khi đắc-ý, 

Lừa ta bèn rủ-rỉ đến bên: 

Móng chân cùn-cụt đưa lên, 

Vuốt cằm ông chủ mà rên một hồi. 

Chủ vội thét: Lừa toi! Quái lạ! 

Đem gậy đây, sửa gã một phen. 

Nói rồi cầm gậy đả liền, 

Để Lừa rối-rít như điên như cuồng.

 Thế là thôi hết tấn tuồng

Truyện ngắn - Ba lời nói dối

                                                              Ba lời nói dối

J.C.Watts

J.C.Watts hiện là chủ tịch GOPAC – một tổ chức đào tạo cho những người theo đuổi sự nghiệp chính trị tại Mỹ. 

Dưới đây là bài diễn thuyết của ông trước toàn thể sinh viên học sinh ở Altus, Oklahoma. 


Có ba lời nói dối ở đất Mỹ ngày nay mà tôi mong muốn tất cả các bạn đều nhận thức được.

Lời nói dối đầu tiên là "Tôi được quyền mắc lỗi". Các bạn trẻ, lời nói dối đó sẽ làm cho các bạn liên tục vấp ngã mỗi khi bạn nghĩ rằng mình có quyền được phạm sai lầm. Tất cả chúng ta, ai cũng từng phạm sai lầm, nhưng thực chất thì chúng ta không được quyền phạm sai lầm. Nếu bạn sống mà cứ tin tưởng vào lời nói dối đó, bạn sẽ vấp phải hết trở ngại này đến trở ngại khác, không bao giờ có được phương hướng hay tài sản gì trong cuộc sống. 

Các bạn là những người trẻ nên không biết được câu chuyện về chàng Len Bias. Cậu ấy là một tiền đạo bóng rổ của trường ĐH Maryland. Cậu chơi dự bị cho Boston Celtics, được dự đoán sẽ trở thành một ngôi sao, cùng với Larry Bird, Kevin McHale, và Robert Parrish, có thể đem chức vô địch về cho đội mình. Len Bias rất cao to, khỏe mạnh, nhảy và giữ bóng tốt, ném bóng hay, nhanh như sóc và có nhiều người ví cậu với Michael Jordan. Có một vài người bạn của Len Bias tới chơi. Họ chúc mừng cậu là người đầu tiên được chơi cho đội bóng rổ nhà nghề. Họ mang theo một ít cocaine. Len Bias thử một chút, và chỉ trong một vài phút, tim cậu ấy phản ứng lại với cocaine, và cuộc sống đã rời bỏ cậu. Đến bây giờ, tôi vẫn không xác minh được cậu ấy đã từng sử dụng ma túy hay không. Tận sâu thẳm trong tâm trí, tôi không nghĩ rằng Len Bias từng nghĩ "Có chuyện gì to tát đâu. Mình cũng chỉ là người. Cũng có quyền đựơc phạm sai lầm chứ. Nếu mình bị bắt thì sao? Nếu bị sốc thì sao? Mà thế thì có sao? Mình chỉ là người thôi, tất nhiên có khi phạm sai lầm chứ!". Các bạn trẻ, chỉ một sai lầm đó đã làm Len Bias mất cả mạng sống. Đó là lý do tại sao bạn đừng nên tin rằng "Tôi tất nhiên được phạm sai lầm". Chúng ta ai ai cũng có sai lầm, nhưng chúng ta không "tất nhiên" gì với những sai lầm cả. 

Lời nói dối thứ hai, rất phổ biến ở bậc phổ thông, đó là "Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra với mình đâu".

Các bạn trẻ, chúng ta ai cũng có niềm tin kiểu như thế. Chúng ta luôn tin rằng tất cả những điều xấu trong cuộc sống sẽ xảy ra với người khác, chứ không bao giờ xảy ra với chúng ta cả. Chúng ta tự bảo mình như thế – không bao giờ xảy ra với mình đâu! Có một câu chuyện xảy ra 6 năm về trước mà nếu tôi có sống thêm 150 nữa, tô cũng không thể nào quên. Tôi là một fan của môn bóng rổ và đội bóng tôi thích nhất là LA Lakers. Tôi đã từng thích thú xem Lakers thi đấu khi đội có Kareem Abdul-Jabbar, Magic Johnson, James Worthy, Maichael Cooper, toàn là ngôi sao. Tôi đã thích thú biết bao mỗi khi xem họ thi đấu!

Trong đó, vận động viên tôi thích nhất là Magic Johnson. Tôi thích nhìn cách anh ấy chơi bóng, rất khéo léo và nhanh nhẹn, lại có nụ cười rất dễ mến. Và có lần, khi từ sở làm về nhà để ngồi xem buổi họp báo của Lakers trên tivi, dĩ nhiên là có cả Magic Johnson nữa. Bạn có biết anh ấy nói gì với tất cả những thanh niên ở Mỹ không? Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó, thậm chí nó còn văng vẳng bên tai tôi mỗi khi nhớ lại. Anh ấy nói: "Có lẽ tôi đã quá khờ dại. Tôi đã không bao giờ nghĩ chuyện này có thể xảy ra với tôi". Bạn biết Magic nói về điều gì không? Chuyện gì ma anh ấy nghĩ không thể xảy ra với mình? Magic Johnson có kết quả thử HIV dương tính! Và anh ấy nói: "Tôi đã không bao giờ nghĩ chuyện này có thể xảy ra với tôi". Tôi nghe anh ấy lặp đi lặp lại câu đó nhìêu lần…

Các bạn trẻ, mỗi khi các bạn làm sai việc gì, các bạn thường tự nói gì với mình? "À, chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra với mình đâu mà!". Tôi vẫn nhớ 5 năm trước khi tôi bị mất cắp ôtô, ngay giữa ban ngày. Tôi nhớ khi viết bản tường trình cho cảnh sát, tôi đã viết rằng: "Không thể tin được là chuyện này lại xảy ra với tôi!". Chuyện này đáng lẽ phải xảy ra với những người khác. Tôi đọc thấy trên báo rồi, tôi xem trên tivi rồi, nhưng tôi không bao giờ nghĩ nó có thể xảy ra cho tôi… thế mà nó đã xảy ra. Bạn có biết Peter Rose không? Anh ấy lẽ ra vẫn chơi bóng chày ở giải chuyên nghiệp. Nhưng anh ấy bị đuổi vì đã cá độ trong các trận bóng chày, và như thế là phạm luật. Sâu thẳm trong tôi, tôi không nghĩ rằng Peter đã nghĩ: "Ah, chuyện đó không thể xảy ra với mình đâu, mình không thể bị bắt vì cá độ được!". Giá như có ai có thể nói với Peter Rose và Magic Johnson rằng: "Magic và Pete này, đây có phải là kỳ nghỉ đáng giá của các cậu chăng? Nó có đáng để để phải đánh đổi cả sự nổi tiếng, nghề nghiệp và tương lai của các cậu? Các cậu đã làm gì vậy?". Các bạn trẻ à, chuyện gì cũng có thể xảy ra, với bất kỳ ai.

Lời nói dối thứ ba, các bạn hãy suy nghĩ thật kỹ để thật sự hiểu nó, đó là: "Mình còn rất nhiều thời gian".

Các bạn trẻ, các bạn có biết mình thường tự nói gì với bản thân không? Chúng ta nghĩ: "Mình sẽ trở thành một cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp, mình sẽ trở thành một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng! Thế thì mình khỏi phải lo về môn Toán, môn Chính tả, hay Vi tính… Mình còn rất nhiều thời gian cho chúng!". Các bạn trẻ ơi, các bạn không hề còn nhiều thời gian đâu. Các bạn đang là những thanh niên, học sinh, sinh viên và các bạn phải tạ ơn thượng đế rằng vẫn còn có những con người lặng lẽ mà bạn gọi là giáo viên. Bạn phải cảm ơn thượng đế rằng bạn đang học với những giáo viên sẵn sàng phạt bạn, hoặc buộc bạn phải làm những gì bạn đã biết, vì họ tin rằng bạn có khả năng để hoàn tất công việc. Các bạn có hứng thú với rất nhiều thứ không liên quan tới khả năng của mình, không giúp gì cho công việc của mình sau này… Các bạn tự lừa dối mình vì các bạn không chịu dành thời gian cho những thứ mà bạn biết là cần thiết, như môn Toán, như Chính tả, như Vi tính… Các bạn nghĩ: "Mình còn rất nhiều thời gian cho chúng!". Không, bạn không hề còn nhiều thời gian, vì hôm nay là ngày bạn bắt đầu chuẩn bị cho cả cuộc sống sau này của bạn. Và tôi hy vọng bạn sẽ bắt đầu chuẩn bị ngay từ hôm nay.

Tổng kết lại, có ba lời nói dối, đó là: "Mình được phép phạm lỗi". Không, các bạn không được phép như thế. Chúng ta tạo ra lỗi sai, nhưng chúng ta không được phép làm điều đó. Lời nói dối thứ hai là "Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra với mình!". Đúng vậy, các bạn ạ, tất cả mọi việc đều có thể xảy ra với chúng ta. Và lời nói dối thứ ba chính là "Mình còn khối thời gian!". Các bạn không có nhiều thời gian như vậy đâu. Tôi không biết bao nhiêu người trong số các bạn xem việc vào Đại Học là quan trọng. Một số trong các bạn có thể theo học ở một trường dạy nghề, số thể có thể tìm một việc làm ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tôi không biết các bạn rồi sẽ làm gì, nhưng hy vọng rằng các bạn sẽ hiểu được điều này: Những điều tốt đẹp luôn đến với những người chăm chỉ, trung thực và có trách nhiệm.. Mong rằng các bạn sẽ có đủ lòng tin để dõng dạc nói rằng "Mình có thể làm được!".


Ngọc Anh dịch
(c)xitrum.net

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 THIỀN CỦA JOSHU


Joshu bắt đầu học thiền khi ông sáu mươi tuổi và học tiếp tục khi ông tám mươi tuổi, khi ông nhận thức rõ về thiền.

Đến tuổi tám mươi ông dạy thiền cho đến lúc ông một trăm hai mươi tuổi.

Một thiền sinh một lần hỏi ông: "Nếu con không có gì trong tâm con, con sẽ làm gì?"

Joshu trả lời: "Ném nó ra ngoài."

"Nhưng nếu con không có gì hết, làm sao con có thể ném nó ra ngoài?" vị thiền sinh tiếp tục hỏi.

"Tốt," Joshu nói, "thì đưa nó ra ngoài."

Cổ Học Tinh Hoa - Hai phải

 HAI PHẢI


Sông Vĩ nước lên to. Một nhà giàu không may có người chết đuối. Có kẻ vớt được xác.
Người nhà giàu xin chuộc, kẻ ấy đòi nhiều tiền. Người nhà giàu đem câu chuyện thưa với Ðặng Tích.
Ðặng Tích bảo: "Cứ để yên. Nó còn bán cái xác cho ai được mà sợ?"
Kẻ vớt được xác, thấy nhà kia không hỏi nữa, lấy làm lo, cũng đem câu chuyện thưa với Ðặng Tích. Ðặng Tích bảo: "Cứ để yên. Nó còn mua cái xác ấy của ai được mà sợ?"
Lã Thị Xuân Thu

GIẢI NGHĨA

Vĩ là tên sông, chảy ở địa phận Hà Nam, Trung Quốc.
Ðặng Tích: quan đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu, là một nhà luật pháp giỏi

LỜI BÀN

Cứ như người giảng giải việc nói trong bài này cho phải đạo lý, thì một bên, nên khuyên người nhà giàu liệu trả kẻ vớt được xác thêm ít nhiều tiền, mà lấy ngay xác về; còn một bên, nên dụ kẻ vớt được xác chớ có coi sự chẳng may của người ta làm một món bổng, mà bắt bí người ta. Giữ cái xác, không cho chuộc, chẳng những không được tiền, mà lại còn mang tội nữa. Nhưng khốn thay! Lý sự là cái nguồn bắt phải, bắt trái đều được cả. Cho nên Ðặng Tích mới có chốn xúi bẩy được cả đôi bên kiện tụng lẫn nhau mà ngấm ngầm lấy lợi cho mình. Thế tức là cái chủ nghĩa "Hai phải" ngụy biện, rất hại cho dân gian ngu dại mà lại hay kiện tụng. Biện bác mà không đáng lý tức là giả dối, khôn ngoan mà không đáng lý tức là gian trá, những kẻ ấy phải trừng phạt thì mới yên dân, lợi nước được. Người trị dân tưởng phải thấu cái tình, để xét cái lý, mới là người trị dân sáng suốt vậy.

Truyện cười trong ngày

 Đi và về


Một ông lão từng là cua-rơ chạy đua khoe với các cua-rơ cháu chắt về thời vàng son oanh liệt của mình:

- Ta còn nhớ hồi còn trẻ, ta đã chạy bộ 50 cây số để cho cái thằng cướp người tình ta một cái bợp tai.

- Thế sau đó, ông cũng lại chạy bộ về à?

- Không! Ta về bằng... xe cứu thương

Thursday, December 30, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện Ngụ Ngôn La Fontaine - Lợn, Dê Cái Và Cừu

Lợn, Dê Cái Và Cừu 

(Le Cochon, La Chèvre et Le Mouton)

Tác giả : Jean de la Fontaine

 Dịch giả: Nguyễn Văn Vĩnh


Con Dê, con Cừu, con Lợn béo, 

Cùng một xe đương kéo qua đường.

 Chủ nào có phải vì thương, 

Đem ra chơi chợ coi phường leo-dây;

 Hay là giắt đi đây đi đó, 

Để cho coi phường-phố thị-thành, 

Chẳng qua đem bán cho nhanh, 

Nó tham lời lãi chớ tình-nghĩa chi. 

Lợn ý-éc một khi ỏm-tỏi. 

Ngỡ trăm dao nó đuổi theo sau. Dê,

 Cừu chẳng rõ vì đâu, 

Mà kêu nhức óc váng đầu người ta. 

Hỏi:

 ...... - Cớ chi mà la thế vậy? 

Thử im mồm nằm đấy xem sao?

 Chủ-nhân nổi giận ào-ào, 

Mắng Heo vô cớ kêu gào điếc tai; 

- Kìa bắt-chước như hai gã nọ. 

Cứ ở yên phỏng có mất gì? 

Con Cừu ngậm miệng lì-lì, 

Khôn-ngoan rất mực ai mà không yêu.

Heo bèn đáp:

 ..................... - Lựa theo thằng ngốc, 

Tôi đây nào phải học chú Cừu, 

Ví chăng Cừu biết phận Cừu, 

Thì Cừu chắc hẳn lo ưu mấy lần,

 Còn Dê nọ an thân nằm đó, 

Cũng chẳng qua là họ ngu-si, 

Hai thằng này ngỡ có khi. 

Gọt lông và sữa vắt đi là cùng, 

Có lẽ thế là xong phận họ.

Còn tôi đây thân nọ đã đành: 

Chỉ đem nướng chả, nấu canh, 

Sống mà cái chết vẫn dành một bên. 

Cho nên phải khóc rên rầm-rĩ. 

Ngẫm Heo ta thâm-thúy lạ dường, 

Nhưng mà dẫu thét cùng đường. 

Chết đành vẫn chết ai thương đâu mà 

Biết cam thân phận mới là



Truyện ngắn - Lòng người là giấy

 Lòng người là giấy


'Lòng người ta là giấy, chứ không phải vàng đá'.

Là giấy nhưng sao người ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?

Tôi muốn được kể một câu chuyện:.
Chuyện xưa kể rằng, có một đạo sĩ nổi tiếng thần thông, trong một lần ngao du sơn thuỷ, thấy một phụ nữ đang quỳ bên một ngôi mộ mới, vừa khóc vừa quạt. Lấy làm lạ, đạo sĩ đến hỏi sự tình. Mới hay rằng, người dưới mộ là người chồng vừa khuất của thiếu phụ. Ngán thay, trước khi chết có trăn trối lại rằng đến khi mộ khô thì người vợ trẻ hãy tái giá. Người thiếu phụ vì thế mới ở đây, quạt cho mộ nhanh khô.

Người đạo sĩ động lòng, mới hoá phép giúp cho thiếu phụ, ngôi mộ thoắt cái đã khô như những ngôi mộ cũ. Người thiếu phụ vui vẻ cảm ơn đạo sĩ để về nhà, nơi người tình mới của mình mong đợi.

Người đạo sĩ về nhà, đem chuyện kể với vợ của mình. Vợ của đạo sĩ chê cười người đàn bà kia thật bạc tình.

Được một thời gian, bỗng dưng người đạo sĩ mắc phải bạo bệnh, liệt giường và tạ thế. Trước khi nhắm mắt mới trăng trối lại rằng hãy giữ quan tài đủ bảy bảy bốn chín ngày rồi hãy an táng. Người vợ khóc vâng lời.

Một ngày kia, có một người xưng là học trò đến xin ở lại chịu tang người đạo sĩ. Dung mạo người học trò thật khôi ngô tuấn tú. Thế rồi, chỉ ba ngày sau, người vợ đạo sĩ đã ăn nằm với người học trò. Được bảy ngày sau, người học trò lăn ra ốm. Bệnh ngày một nặng. Mới nói với người vợ đạo sĩ rằng, ta mắc phải bạo bệnh, chỉ có ăn óc người mới khỏi được.

Người vợ liền lấy vồ, bật nắp quan tài định đập vỡ đầu xác chết để lấy óc cho nhân tình ăn. Nào ngờ, vừa bật nắp quan tài thì vị đạo sĩ tỉnh lại. Người thiếu phụ quay lại thì chàng trai trẻ đã biến mất tự khi nào. Mới hay, đó là do phép thuật phân thân của người đạo sĩ cao tay. Người vợ xấu hổ quá, mới tự tử mà chết.

Người đạo sĩ đó là Trang Chu (còn gọi là Trang Tử), cũng là một hiền triết của phương Đông chúng ta. Câu chuyện đó, câu chuyện "vợ thầy Trang Chu" lưu truyền gần hai nghìn năm để chê cười cái gọi là "lòng dạ đàn bà".

Ngày nay, lại có chuyện anh đảng viên nọ sau khi "hoàn thành kế hoạch" (hai con), mới giấu vợ đi đình sản. Người vợ thì lại muốn sinh thêm con cho vui cửa vui nhà nên "tích cực cố gắng" mà mãi không thấy "kết quả". Người chồng vẫn giấu vợ, thậm chí bởi vì cái khoản đình sản kia không ảnh hưởng đến khả năng đàn ông của anh, nên anh lại còn làm ra vẻ hăng hái "phụ giúp" vợ mình.

Thế rồi, một hôm người vợ vui vẻ thông báo những "nỗ lực cố gắng" của hai vợ chồng đã có "kết quả tốt đẹp", cô đã có thai ba tháng. Choáng váng, nhưng người chồng giấu đi để đi "kiểm định lại". Kết quả biểu đồ của anh là 0%. Cuộc tiểu phẫu đình sản đã thành công tốt đẹp.

Ấy, cái câu chuyện thời nay cũng đang nói đến cái lòng dạ con người...

Lại có người lấy email giả, để chính mình chat và "thử lòng" người chồng mà mình hết mực thương yêu. Để đến khi anh ta trở nên lạnh nhạt tình cảm vì cho rằng người vợ thiếu tin tưởng tình yêu của mình. Rồi lấy bạn gái của mình để thử chồng, và rước đau khổ vào mình khi người chồng chẳng "trước sau như một". Còn bao nhiêu câu chuyện trớ trêu nữa mới đủ để chúng ta hiểu rằng, lòng người ta là giấy, chứ nào đâu phải vàng đá...

Vì là giấy, nên sao ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy nên đẹp xấu là do ta vẽ nên, tốt lành là do ta viết nên mà thù hận cũng là ta đặt bút. Sao ta không viết lời hay, vẽ lấy bức tranh yên bình để xây dựng, gìn giữ cái hạnh phúc mong manh của gia đình?

Tôi chẳng cho cách làm của thầy Trang Chu là hay, tôi chẳng cho người đảng viên kia là không có lỗi. Tôi cũng chẳng ủng hộ việc thử lòng của các chị thời nay với email và các phương tiện khác. Thời gian thì trôi đi, nhưng lòng người thì vẫn vậy thôi, vẫn là giấy. Mà đá cũng mòn, vàng cũng phai, huống hồ là giấy... Người ta, cùng là một người, sao có lúc nhân từ đáng yêu, lại có lúc cay nghiệt thế? Ấy bởi ai cũng có hai mặt tốt xấu trắng đen lẫn lộn. Là những người thề non hẹn biển với nhau, cam kết gắn bó với nhau để xây dựng tổ ấm của mình, tôi thiết nghĩ việc nên làm là mang cái mặt tốt ra để đối đãi với nhau. Lấy mặt trắng mà đối đãi với nhau (phu phụ tương kính như tân – vợ chồng kính nhau như khi còn mới). Đó mới là cái kế vạn toàn. Chứ nếu cứ mang cái mặt trái để đối đãi với nhau, mang cái xấu để dành cho nhau, như thế thì đồng sàng mà dị mộng, người hiền lành mà đối xử với nhau như trộm cướp. Cái đó gần với sự tan vỡ lắm.

Ai ơi, nếu còn thương nhau, chớ có thử lòng nhau. Và hãy hiểu, lòng con người là giấy. Ai không động lòng trước một cử chỉ ân cần? Ai vô cảm bởi một lời khen? Ai vắng nhau lâu ngày mà không hề ham muốn? Chẳng phải lòng mình cũng vậy ư? Vậy nên, nâng niu bao nhiêu vẫn chưa đủ. Một chút nghi kỵ đã là thừa.

Nguồn http://truyenhay.vn/long-nguoi-la-giay.html#ixzz4vhzj8Ap7 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Đường hầm


Zenkai, con trai của một người hiệp sĩ đạo, đến Edo và được nhận vào làm hầu cận cho một quan chức lớn. Zenkai yêu vợ viên quan này và bị khám phá. Để tự bảo vệ, Zenkai giết viên quan. Rồi bỏ trốn cùng với vợ ông ta.

Cả hai sau đó trở thành ăn trộm. Nhưng người đàn bà quá tham lam đến nỗi Zenkai dần dần ghê tởm bà ta. Cuối cùng, Zenkai rời bà ta và đi thật xa, đến thành phố Buzen, nơi Zenkai trở thành một vị sư khất thực.
Để chuộc lại tội lỗi quá khứ, Zenkai quyết định làm một việc thiện nào đó trong đời. Biết có một con đường nguy hiểm băng qua đỉnh núi làm nhiều người chết và mang thương tật, Zenkai quyết định đào một đường hầm xuyên núi tại đó.

Ban ngày khất thực, ban đêm Zenkai đào đường hầm. Sau 30 năm, đường hầm dài 2280 feet (695 m), cao 20 feet (6,1m), và rộng 30 feet (9,15m).

Hai năm trước ngày hoàn thành, người con trai của vị quan Zenkai đã giết, nay là một kiếm sĩ tài giỏi, tìm ra được Zenkai và đến để giết thiền sư trả thù cha.

“Tôi sẽ tình nguyện trao mạng cho cậu,” Zenkai nói. “Chỉ để tôi làm xong việc này đã. Ngày nào xong, cậu có thể giết tôi.”

Vậy cậu con đợi ngày đó đến. Vài tháng trôi qua và Zendai vẫn tiếp tục đào. Cậu con chán ngồi không chẳng làm gì và bắt đầu phụ Zenkai đào. Khi đã giúp Zenkai được một năm, cậu con bắt đầu ngưỡng mộ ý‎ chí và tính cách của Zendai.

Cuối cùng đường hầm hoàn thành và mọi người có thể dùng nó và đi lại an toàn.

“Bây giờ chặt đầu tôi đi,” Zendai nói. “Việc của tôi đã xong.”

“Làm sao tôi chặt đầu của thầy của tôi được?” cậu trai trẻ hỏi với đôi mắt đẫm lệ.

Cổ Học Tinh Hoa - Cách cư xử ở đời

 CÁCH CƯ XỬ Ở ĐỜI


Thầy Nhan Uyên, hỏi Đức Khổng Tử: "Hồi này muốn nghèo mà cũng được như giàu, hèn mà cũng được như sang, không phải khỏe mà có oai, chơi bời với người ta suốt đời không lo sợ gì, muốn như vậy, có nên không?"
Đức Khổng Tử nói: "Người hỏi thể phải lắm. Nghèo, mà muốn cũng như giàu, thế là biết bằng lòng số phận không ham mê gì. Hèn, mà cũng muốn như sang, thế là biết nhún nhường và có lễ độ. Không khỏe, mà muốn có oai, thế là biết thận trọng, cung kính không lầm lỗi gì. Chơi bời với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ, thế là biết chọn lời rồi mới nói.
Khổng Tử Tập Ngữ

GIẢI NGHĨA

Khổng Tử Tập Ngữ: sách chép những lời nói, những truyện về đức Khổng Tử. - Khổng Tử tên là Khưa, tên tự là Trọng Ni, người nước Lỗ, thời Xuân Thu nhà Chu, học về Lễ, Nhạc, Văn chương đời cỗ, đi nhiều nước chư hầu không được dụng bỏ về làm kinh Xuân Thu, san định các kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và dạy học trò được ba nghìn người, có bảy mươi hai người giỏi. Nước Tàu xưng làm Tổ đạo Nho.
Nhan Uyên: tên là Hồi, người nước Lỗ, thời Xuân Thu, học trò giỏi nhất của Đức Khổng Tử.
Hồi: theo lễ xưa, hầu chuyện những bậc trên, như vua, cha, thầy học, thường hay xưng tên.
Lễ độ: phép tắc mực thước.
Thận trọng: cẩn thận, trọng hậu.

LỜI BÀN

Không cần công danh phú quí thế là biết giữ thiên tước hơn là nhân tước, không để ai khinh lờn được, thế là biết trọng phẩm giá mình, không muốn đeo cái lo vào mình, thế là biết giữ thân không phiền lụy đến ai. Ở đời mà giữ trọn vẹn được mấy điều như thế, tưởng thật là một cách vui thú rất cao thượng vậy.

Truyện cười trong ngày

 Giàn hoa lý sắp đổ


Một thầy đề sợ vợ, một lần bị vợ cào cấu cho sứt cả mặt, khi đến công đường, quan huyện thấy mới hỏi:
- Sao mặt thầy lại xây xát cả ra thế?
Thấy đề thưa:
- Bẩm, chiều hôm qua con ngồi chơi hóng mát, cái giàn hoa lý nó đổ xuống, suýt nữa thì khốn.
Quan không tin hỏi lại:
- Thầy dối tôi. Chắc hôm qua vợ thầy lại cào cho thầy đấy chứ gì? Thầy cứ nói thật đi, rồi tôi sai mấy tên lệ ra lôi cổ nó vào đây. cái giống đàn bà phải trị thẳng thay, không thì được đằng chân lên đằng đầu cho mà xem.
Không ngờ quan bà đứng trong tư thế nghe thấy quan nói vậy giận lắm hầm hầm bước ra.
Quan ông thấy bóng quan bà líu cả lưỡi lại, bảo thầy đề:
- Thôi ... thầy... tạm lui... Giàn hoa lý nhà tôi cũng sắp đổ rồi!

Wednesday, December 29, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện Ngụ Ngôn La Fontaine - Sáo Mượn Lông Công

  Sáo Mượn Lông Công 

(Le Geai Paré des Plumes du Paon)

Tác giả : Jean de la Fontaine

 Dịch giả: Nguyễn Văn Vĩnh


Công đổi lông, Sáo liền nhặt lấy,

Đem lên mà cắm bậy vào mình:

 Cùng Công đi diện vung-vinh;

 Coi trong bộ-tịch có tình khoe-khoang. 

Đàn Công thật, biết chàng giả-mạo, 

Xúm nhau vào báng-nhạo một phen; 

Đánh cho một trận huyên-thiên; 

Mổ cho trụi đến lông đen của mình. 

Sáo bấy giờ nghĩ tình đồng-loại, 

Về bọn nhà, chúng lại đuổi đi. 

Ngẫm xem trong bọn văn-thi,

 Biết bao tài mượn, thiếu chi tá-gà, 

Dầu thế vậy, đây ta mặc sức, 

Nói làm chi cho cực lòng người.

Truyện ngắn - Câu chuyện bông hồng

 CÂU CHUYỆN BÔNG HỒNG


Ai cũng có nhiều mối quan tâm, nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống và sự nghiệp. Nhưng nếu không biết cách bỏ bớt để tập trung cho điều mình mong muốn thì mãi mãi vẫn sẽ là người vô danh.

***

Ở một vùng quê nọ, có 2 cha con một nhà trồng hoa đang sinh sống trong một khu vườn rộng lớn. Người cha chăm chỉ, yêu lao động và được cả xã hội công nhận về thành công trong lĩnh vực trồng hoa. Còn người con có rất nhiều tài. Anh lớn lên trong vòng tay yêu thương và đầy đủ vật chất mà người cha ban cho. Anh đã học được nhiều nghề, làm được nhiều điều hay. Nhưng ở tuổi 35, anh vẫn là một người vô danh trong xã hội.

Anh luôn suy nghĩ về điều này, vẫn không thể hiểu tại sao mình làm nhiều điều hay mà đến giờ vẫn là người vô danh.
Người cha hiểu ý, liền đưa anh đến vườn hoa mà ông chuẩn bị thu hoạch. Ông chỉ vào cây bông hồng to nhất, đẹp nhất và rực rỡ nhất nằm giữa vườn cho cậu con trai và hỏi:

- Con có biết tại sao cây bông hồng kia lại to và đẹp rực rỡ hơn các cây khác không?

- Có phải vì cha mua giống mới không?

- Không phải, người cha đáp, tất cả đều chung một giống hoa con ạ.

- Thế có phải cha tưới cho nó nhiều nước và bón cho nó nhiều chất dinh dưỡng hơn không?

- Cũng không phải. Điều kiện chăm sóc và môi trường sinh trưởng của chúng đều như nhau.

- Vậy thì chắc là đất ở chỗ đó tốt hơn?

- Con lại sai nữa rồi. Đất cũng giống nhau.

Người con không biết trả lời sao nữa. Anh nghĩ mãi nhưng vẫn không thể giải thích nổi.

Lúc này, người cha mới ôn tồn bảo:

- Con có nhận thấy cây bông hồng này ít lá và ít nụ không?

- À đúng rồi. Nhưng có nghĩa là gì hả cha?

- Trong khu vườn này, chỉ duy nhất có cây bông này là ta thường xuyên nhìn tới. Khi thấy nhiều lá mọc quanh nó, ta tỉa bớt. Khi thấy nó có nhiều chồi, nhiều nụ đâm ra, ta cũng tỉa bớt.

Người con có vẻ hiểu ra điều gì đó, gật đầu liên tục. Người cha tiếp lời:

- Tất cả các cây hồng đều có điều kiện sống như nhau, nhưng cây này lại được đặc ân của ta là tỉa bớt cành, nụ và lá nên chất dinh dưỡng sẽ tập trung vào bông hoa, không bị phân tán đi nơi khác. Chính vì thế nó to hơn, đẹp hơn và rực rỡ hơn.

Trầm ngâm một lúc, ông lại tiếp:

- Cũng như con, tuy con rất giỏi, rất nhiều tài, làm được rất nhiều việc nhưng vẫn giống như những người khác vì con thiếu tập trung, bị phân tán năng lượng và thời gian vào quá nhiều thứ. Con cần phải xác định mình sẽ trở thành người như thế nào trong 5 năm tới. Con đam mê gì nhất, điều gì khiến cho con trăn trở nhất, điều gì khiến con có thể sống chết với nó, không quản khó khăn? Lúc đó con sẽ là người thành công, con trai ạ.

Lúc này, người con đã hiểu ra vấn đề. Anh khóc rồi quỳ xuống hôn vào tay người cha và cảm ơn ông về câu chuyện đã giúp anh nhìn nhận cuộc đời tốt hơn.

Cổ Học Tinh Hoa - Ôm cây đợi thỏ

 ÔM CÂY ĐỢI THỎ


Một người nước Tống đang cày ruộng. Giữa ruộng có một cây to. Có con thỏ đồng ở đâu chạy lại, đâm vào gốc cây, đập đầu chết. Người cày ruộng thấy thế, bỏ cày, vội chạy đi bắt thỏ. Đoạn, cứ ngồi khư khư ôm gốc cây, mong lại được thỏ nữa. Nhưng đợi mãi chẳng thấy thỏ đâu, lại mất một buổi cày. Thiên hạ thấy vậy, ai cũng chê cười.

Hàn Phi Tử
GIẢI NGHĨA

Hàn Phi Tử: Công tử nước Hàn, học trò Tuân Tử chuyên về bình danh pháp luật, nước Hàn không dùng, sang ở nước Tần, được đại dụng, nhưng sau bị kẻ gièm pha, rồi tự tử. Sách của Hàn Phi Tử có 50 thiên, đặt tên Hàn Tử. Nhà Tống sau thêm chữ Phi để khỏi lầm lẫn với Hàn Dũ.
Đoạn: nghĩa đen là đứt, việc nầy đứt đến việc khác.

LỜI BÀN
Thấy mùi, quen mui làm mãi. Ở đời những kẻ ngẫu nhiên gặp may, mà ước ao được gặp may luôn như thế nữa, không biết sự may là tình cờ mới có, thì có khác gì người nước Tống ôm cây đợi thỏ nầy. Anh ôm cây đợi thỏ này lại còn là người cố chấp bất thông, không hiểu thời thế, không thấu tình cảnh, khư khư đười ươi giữ ống, cũng một phường với những hạng chơi đàn gắn chặt phím, khắc mạn thuyền để nhớ chỗ gươm rơi.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 TỈNH NGỘ


Thiền sư Setsugen nói với đệ tử là Jijo, “Nếu ông chuyên tâm tọa thiền bảy ngày bảy đêm không gián đoạn mà không ngộ, thì cứ cắt đầu tôi lấy sọ làm đồ chứa phân.”

Sau đó không bao lâu, Jijo bị bệnh kiết lỵ, liền lấy một cái thùng nhỏ mang đến một chỗ biệt lập chẳng ai đến. Jijo ngồi trên thùng chú tâm thiền định.


Jijo ngồi trên thùng bảy ngày liền, đến một đêm bỗng nhiên cảm thấy cả trời đất giống như cảnh tuyết dưới ánh trăng sáng ngời và toàn thể vũ trụ trở nên quá nhỏ hẹp, không thể chứa được mình.


Jijo nhập vào trạng thái này trong thời gian khá lâu cho đến khi nghe một âm thanh làm giật mình thức tỉnh. Toàn thân Jijo toát mồ hôi, cơn bệnh cũng biến mất. Jijo làm một bài kệ kỷ niệm:


Cái gì đây mà lung linh, sáng tỏ?

Mất tiêu liền trong nháy mắt lầm qua.


Cạnh cầu tiêu, chiếc mái dầm ngời sáng;


Rốt cuộc rồi, nó vốn là ta.

Truyện cười trong ngày

 Có lý


Mác Xlê-pho, một hoạ sĩ nổi tiếng tâm sự với bạn bè về lý do mình chọn ngành hội hoạ:


-Tôi chọn ngành này từ năm 11 tuổi. Thoạt đầu tôi muốn trở thành ca sĩ, nhưng suy đi nghĩ lại, tôi thấy nếu ca sĩ mà bị mất giọng thì xem như tan đời. Còn hoạ sĩ nếu có mất ... bút vẽ thì chỉ có việc chạy ra ngoài phố, nhoáng cái là mua được cây khác rồi. Và thế là tôi quyết định

Tuesday, December 28, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện Ngụ Ngôn La Fontaine - Gà Trống Và Hồ Ly

 Gà Trống Và Hồ Ly 

(Le Coq et Le Renard)

Tác giả : Jean de la Fontaine

 Dịch giả: Nguyễn Văn Vĩnh


Trên cành cây con gà trống đậu, 

Đã khôn-ngoan lại láu việc đời. 

Hồ-ly đến ngọt mấy lời: 

- Đôi ta hết giận, tới thời hòa-an. 

Nay trong khắp thế-gian thân-ái T

ình anh em tôi lại thưa anh 

Xuống đây hôn cái tỏ tình; 

Trăm nơi còn phải chạy nhanh mới cùng,

 Rầy mặc sức vẫy-vùng đi lại, 

Tôi với anh hết hại lẫn nhau. 

Từ đây anh chớ lo-âu, 

Khi nào có việc muốn cầu đến em, 

Gọi một tiếng ngày đêm cũng lại, 

Xuống đây hôn gọi ngãi đồng-bào.

 Gà rằng:

 .............. - Mầng rỡ xiết bao! 

Tin này biết lấy cách nào tỏ vui? 

Lời anh nói thì tôi thêm trọng.

 Kìa ngó xa thấy bóng chó săn, 

Hai anh đang chạy tới gần

 Ý chừng cũng một tin thân-ái này

Đợi tôi đó xuống ngay lập tức, 

Để bốn ta cùng được hôn nhau... 

Hồ-ly nghe chửa rứt câu, 

Vội vàng một mạch cắm đầu chạy nhanh. 

- Thôi anh nghỉ để dành khi khác,

 Kẻo em còn chạy các nơi xa. 

Nói rằng cẳng bốn chân ba, 

Nghĩ mưu không đắt,

 Hồ ta giận mình. 

Gà thấy hắn thất-kinh đắc-ý: 

Lừa thằng gian thích-chí dường bao!

Truyện ngắn - Cõi bụi trần

 CÕI BỤI TRẦN...!

Một buổi trưa Trời nắng gắt.. có người phụ nữ bị mù bước chậm chạp trên con đường mòn ở một vùng ngoại ô thưa thớt dân cư...

Tay không cầm gậy có lẽ lối đi này rất quen thuộc với bà.. gần bên vệ đường có 1 cây to.. bà hướng vào đó để trốn cơn nắng nóng...!

Bóng mát của tàn cây phủ trùm lên một khoảng đất rộng.. nơi đây là chỗ nghỉ chân của bà như mọi ngày bà sau những giờ đi xin.. bà chầm chậm tiến gần đến bóng cây.. rồi sẽ tựa vào đó để tìm một giấc ngủ.. và bà tự nghĩ mình cũng không thua gì một mệnh phụ phu nhân đang ngã lưng trên chiếc giường nhung êm ái...!

Đang mơ màng với ý tưởng nhỏ nhoi sẽ có được.. bất ngờ.. bà vấp phải một vật to làm bà chao đảo.. chưa kịp lấy lại thăng bằng thì bà đã nghe một tràng âm thanh giọng phụ nữ :

- Ai đó..? mù hay sao mà không thấy tui đang ngồi đây vậy..?

- Xin lỗi.. xin lỗi.. tôi mù cô ạ.. tôi mù thật mà.. cho tôi xin lỗi.. xin lỗi cô..! - Bà hốt hoảng trả lời khi vừa gượng đứng lên với đôi tay quờ quạng...

Giọng nói vừa vang lên trong trẻo quá.. chắc tuổi hãy còn nhỏ cở con mình là cùng.. bà nghĩ vậy và hối hận vì sự bất cẩn của mình..!

Im lặng.. không có tiếng trả lời.. mà rất đúng như bà suy đoán.. tiếng nói phàn nàn vừa rồi là của một cô bé chỉ trạc tuổi 14 - 15.. có điều bà không hề biết cô bé ấy cũng bị mù giống như bà.. cô cũng đi xin và đang ngồi nghỉ dưới tàn cây nơi bà hay ngồi..!

Riêng cô bé mù rất hối hận vì lời nói vừa rồi.. cô vẫn im lặng nghe ngóng.. còn bà vẫn không nhận lại một lời đáp lại nên nói lớn lên một lần nữa:

- Cho tôi xin lỗi.. tôi bị mù.. tôi mù thật đó..!

Dứt lời.. bà quay lưng bước vội đi chợt có tiếng cô bé cất tiếng gọi:

- Nè bà ơi.. tôi cho bà một ngàn nè..!

Một ngàn đồng.. số tiền nhỏ nhoi duy nhất mà cô đang có.. nghe thế bà rất mừng.. mừng vì nghĩ cô bé đã tha thứ cho mình hơn là mừng vì nhận được một ngàn đồng.. bà dừng lại quay ngược chiếc nón lá cũ kỹ đưa về phía tiếng nói.. chợt một chiếc lá vàng đang rơi rớt vào chiếc nón của bà..!

Với lời cám ơn như khẩn cầu:

- Cám ơn cô.. cám ơn cô nhiều..!

Khi bà đưa tay vào nón để lấy tiền.. bà mới nhận ra đó chỉ là một chiếc lá khô.. bà lẩm bẩm "con bé gạt mình.. chắc nó còn giận mình" rồi bà buồn bã chậm chạp lần bước đi..!

Trong khi đó.. trên tay cô bé vẫn cứ cầm tờ giấy bạc một ngàn đồng đưa về phía trước chờ đợi bà lấy.. nhưng cô lại nghe tiếng bước chân đã đi xa dần.. bà ấy không lấy tiền.. chắc bà vẫn còn giận mình.. cô nghĩ như vậy.. và cùng buồn bã giống hệt như bà..!

Chiếc lá vàng quá vô tình.. sao không rơi vào mặt hồ yên lặng mà lại rơi vào cái nón của một tâm hồn hiền hòa đơn sơ làm tan vỡ sự yên bình.. khiến hai tâm hồn cùng đau khổ khi cả 2 người họ một già một trẻ đều bị mù giống hệt nhau nhưng tâm họ sáng quá..!


Thế mà.. lại có những người có được đôi mắt sáng mà tại vì sao tâm trí của họ lại hoàn toàn bị mù..!

Nguồn: truyện thiền

http://www.oldcottage.net/

Cổ Học Tinh Hoa - Ai mới là người điên

 Ai mới là người điên?


Phong Thị thời nhà Tần có một cậu con trai nhỏ, đó là 1 đứa bé đáng yêu và lanh lợi. Khi lớn lên, hiển nhiên cậu là người khác biệt: Khi người khác hát, cậu ta nói là họ khóc; khi người khác nhìn thấy màu trắng, cậu ta thấy màu đen; khi người khác ngửi thấy một mùi thơm dễ chịu, thì cậu ngửi thấy một mùi kinh tởm; khi người khác thấy thức ăn đắng, thì anh lại thấy nó ngọt. Cậu ta cảm nhận về thế giới con người hoàn toàn trái ngược với những gì người khác cảm nhận.
Chẳng mấy chốc, mọi người bắt đầu lan truyền tin đồn rằng con trai Phong Thị là người điên. Phong Thị tiều tụy vì quá lo lắng về bệnh tâm thần của con trai mình, bà nghe nói rằng nước Lỗ là vùng đất của sự công bằng và lễ nghi. Đó là nơi ở của nhiều người quý phái hơn nước Tần, và ngay cả đức Khổng Tử cũng sống ở đó.

Bà hy vọng rằng ai đó ở nước Lỗ có thể chữa khỏi bệnh cho con trai mình, Phong Thị quyết định khăn gói hành lý và lên đường với con trai.

Trên đường đi, họ đi qua thành phố Tương Nghi, và gặp phải một cụ già tóc trắng bí ẩn. Ông chính là Lão Tử. Phong Thị kể cho nhà hiền triết vĩ đại về căn bệnh của con mình và công cuộc tìm kiếm người điều trị ở nước Lỗ. Đáp lại, Lão Tử cười to.

Lão Tử hỏi: “Làm thế nào bà biết rằng con trai của mình là người điên? Ngày nay, không ai có thể phân biệt đúng sai. Mọi người nhầm lẫn giữa đúng với sai và sai với đúng”.
Lão Tử tiếp tục: “Sự tư lợi và nỗi sợ tổn thất cá nhân khiến mọi người nhận thức thế giới đảo lộn. Đó mới là sự điên rồ thực sự. Vì mọi người đều điên rồ, họ không nhận ra sự điên rồ của mình. Nếu mọi người thay vì đều nói chuyện giống như con trai của bà, thì bà sẽ bị coi là người điên.

Những người được gọi là quý tộc của nước Lỗ là những người lẫn lộn nhất. Họ cai trị đất nước bằng cách kêu gọi những ý tưởng bất chợt phổ biến hơn là lý lẽ thông thường! Con trai của bà là người minh bạch, nhưng bà lại muốn những người bị bệnh tâm thần điều trị cho cậu ta. Thật đáng buồn cười phải không? Hãy đưa đứa con tốt này của bà quay trở lại nước Tần đi!”

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 CÁI ĐẬP CUỐI CÙNG.


Tangen đã học với Sengai từ thời thơ ấu. Khi anh ta 20 tuổi anh muốn rời thầy của mình và đến tham quan những vị thầy khác để so sánh sự học hỏi, nhưng Sengai đã không cho phép anh làm chuyện này. Mỗi lần Tangen gợi ý, Sengai đã gõ vào đầu anh.

Cuối cùng Tangen nhờ vị sư huynh tới năn nỉ sự cho phép của Sengai. Vị sư huynh này đã năn nỉ và rồi báo cáo cho Tangen: "Đã được dàn xếp. Tôi đã bố trí cho sư đệ để bắt đầu cuộc du hành ngay bây giờ."

Tangen đến gặp Sengai để cám ơn ông đã cho phép anh. Vị thiền sư trả lời bằng cách gõ lên đầu anh nữa.

Khi Tangen cho sư huynh biết điều này vị sư huynh nói: "Nguyên nhân gì? Sengai không có lý do gì mà đã cho phép và rồi lại thay đổi ý của ông. Để ta nói với ông ấy." Và anh ta đi đến gặp sư phụ.

"Ta đã không hủy bỏ lời hứa," Sengai nói. "Ta chỉ muốn cho anh ta một cái đập cuối cùng vào đầu, để khi anh ta trở lại sẽ giác ngộ và ta không thể khiển trách anh ta một lần nữa."

Truyện cười trong ngày

 ANH CHỒNG THAM ĂN..


 Có một anh chồng đã gần già rồi mà còn tham ăn. Thường ngày, vợ đi vắng, đến bữa nấu cơm, hay bỏ thêm gạo để ăn cho no. Thật ra thì cơm bữa cũng thừa. Chị vợ lấy làm lạ, sao gạo thì ít cơm lại nhiều.

Một hôm, chị đi cuốc cỏ. Gần trưa, chị về nấp ở sau nhà. Lúc anh chồng nấu cơm gần sôi liền vào buồng, hai tay bốc hai nắm gạo, rồi đem ra bếp để bỏ thêm vào nồi. Vì hai tay mắc gạo nên không biết làm thế nào để mở vung, loanh quanh một hồi, anh chàng há miệng ngậm vung. Lửa trong bếp đang đỏ rực. Lửa liếm rát
mặt và liếm luôn cả bộ râu.

Ngẫm lại thấy thẹn, anh chàng lên giường, đắp chiếu, nằm rên hừ hừ. Chị vợ hỏi, anh ta bảo bị mệt. Chị giả đem trầu cau đi bói. Một lát trở về, chị thuật lại lời thầy bói: “Thượng tấn hạ tấu, hai tay bốc gấu, miệng ngậm lấy vung, lửa cháy tứ tung, cháy râu quai hết”.

Anh chồng biết ý, mặt đỏ rừ. Từ đó mỗi khi nấu cơm, anh ta không bốc thêm gạo bỏ vào nồi nữa.

Monday, December 27, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện Ngụ Ngôn La Fontaine - Con Thỏ Và Con Rùa

 Con Thỏ Và Con Rùa 

(Le Lièvre et La Tortue)

Tác giả : Jean de la Fontaine

 Dịch giả: Nguyễn Văn Vĩnh


Đi cho sớm, việc gì tất-tả 

Chuyện Thỏ Rùa nghĩ đã hay thay! 

Rùa kia gọi Thỏ bảo:

 .................................- Này, 

Thi cùng ta chạy từ đây qua đường. 

Thỏ bảo Rùa: 

......................- Chị thường hóa dại 

Hãy uống xong thuốc tẩy vài liều 

Họa chăng ta có nhận keo 

Rùa càng thách tợn, 

giải treo thật nhiều 

Thỏ tức khí bao nhiêu cũng đắt; 

Đem giải kia mà đặt bên đường. 

Những gì lọ kể dài dang; 

Ai ngồi chủ cuộc, phân tường nói chi, 

Thỏ ra sức chỉ đi ba bước, 

Là đến nơi lấy được như không, 

Vội chi mà chẳng thong-dong 

Vừa đi vừa bỡn cũng không chậm gì. 

Đứng gặm cỏ, có khi cũng sớm, 

Mặc kệ Rùa, Thỏ hợm ta đây,

Chàng-dàng chân dép chân giầy 

Trong khi Rùa nọ ai hay vội-vàng, 

Biết thân nặng lại càng cố gắng: 

Cứ từ-từ rảo cẳng bước lên.

 Sá chi thân phận Rùa hèn, 

Thỏ càng đủng-đỉnh ở bên vệ đường.

 Nhường chạy trước thêm càng danh-giá 

Muốn lúc nào mà chả đến chơi 

Vừa đi, vừa nghỉ, vừa chơi; 

Nghe hơi gió thổi, xem trời kéo mây,

Rùa thấm thoát đến ngay trước đích

 Thỏ vội-vàng một mạch chồn chân,

 Nhưng mà chửa được đến gần, 

Thì Rùa đã tới nơi ăn giải rồi. 

Lại còn nhiếc một hồi: 

- Chú Thỏ, Đã bảo mà, nhanh có làm chi! 

Ví chăng nhà cũng đội đi.

 Như ta đây nữa, chú thì bước sao?