Monday, January 31, 2022

Chúc Mừng Năm Mới - Nhâm Dần - 2022


 

Lục súc tranh công (tiếp theo) - 3 Khuyển

Lục súc tranh công

Tác-giả không biết là ai


"Lục súc tranh công" nghĩa là sáu con vật nuôi trong nhà tranh nhau công trạng của mình. Sáu con ấy là: trâu, ngựa, chó, dê, gà, và lợn. Trâu thì rằng làm ăn vất vả, có công sinh ra thóc, gạo, ngô, đỗ; chó thì rằng có công coi nhà giữ trộm; ngựa thì rằng có công đem chủ đi quán về quê, đánh đông dẹp bắc; dê thì rằng có công trong việc tế lễ; gà thì rằng có công gáy sáng, xem giờ; lợn thì rằng có công trong việc quan, hôn, tang, tế. 

3- Khuyển


Muông nghe nói, giận đau phế-phổ,

Liền chạy ra sủa mắng vang tai :

"Trời đã sinh các hữu kỳ tài,

Lớn việc nặng, bé thì việc nhẹ.

Bởi vì đó lớn vai, lớn vế,

Thì chuyên lo nông bổn cày-bừa,

Vốn như đây ốm-yếu chân tay,

Cũng hết sức gia-trung xem-xét.

Trách sao khéo thổi lông tìm vết ?

Giận thày-lay vạch lá tìm sâu.

Ai ai đều phận thủ như nhau ;

Khắn-khắn cũng một lòng phò chủ.

Kẻ đầu kia, người việc nọ,

Đứa coi ngoài có đứa giữ trong.

Đêm năm canh con mắt như chong :

Đứa đạo tặc nép oai khủng-động.

Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống,

Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh.

Lại đến ngày kỵ-lạp tiên-sinh,

Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc.

Bao-quản chui gai, lước góc,

Chi này múa mỏ, lòn hang.

Anh trâu sao chẳng biết thương,

Nỡ lại tra lời sanh-nạnh.

Ăn thì cơm thừa, canh cặn,

Ăn thì môn sượng, khoai sùng

Tới bữa ăn chẳng luận ít nhiều,

Có cũng rằng, không cũng chớ.

Trâu rằng : trâu ăn rơm với cỏ

Mà còn có một thằng chăn,

Tốn áo-quần cùng tốn cơm ăn,

Nỗi lại tới gạo tiền đằng khác;

Tính chắt-lót một năm hai đạc,

Về thằng chăn đã hết một trâu.

Cũng mạnh cày, mạnh kéo nên giàu,

Hãy cho nhẹm mình trâu là quí.

Vốn như đây gia-tài ủy-ký,

Mà chủ không tốn kém đồng nào.

Nếu không muông coi trước giữ sau,

Thì của ấy về tay kẻ trộm.

Trâu biết nói, trâu không biết xét,

Suy mình muông công-nghiệp đã dày,

Khi sống thì giữ-gìn của đời,

Khi thác xuống giữ cầu âm-giái,

Người có phước, muông đưa ra khỏi,

Ai vô nhân, qua chẳng đặng đâu !

Chủ có lòng suy trước,xét sau,

Khi lâm-tử gạo tiền tống táng.

Chủ đã có công dày ngãi rộng,

Muông dễ không tiếp rước đãi-đưa,

Thấy anh trâu chưa biết căn-do,

Nó (Nói ?) vài chuyện, kẻo chê muông dại".

o

o o

Trâu với muông hai đàng đối-nại,

Chủ nghe qua khó nỗi xủ-phân :

"Thôi đừng nhĩ ngã thiệt hơn.

Phú lưỡng bạn dĩ hoà vi quí".

Lục súc tranh công

4-

Hai vật đã tương đồng hoan-hỉ,

Lại cùng nhau từ-tạ một lời :

"Như luận trong công-nghiệp hai tôi:

Ăn có bữa, lo không có bữa.

Dám thưa người, báu gì giống ngựa,

Mà trau-tria lều-trại nhọc-nhằn ?

Ăn cho ăn những cháo đậu xanh,

Ở thì ở những tàu lợp ngói.

Bữa bữa dạo chơi, tắm gội,

Ngày ngày chắn vó, hớt mao.

Sắm-sửa cho, chẳng biết chừng nào,

Suy-tính lại, dư trăm, dư chục.

Sắm lá vả, sắm yên, sắm lạc,

Sắm chân-đưng hàm thiếc, dây cương.

Dời tiền, dời hậu bao vàng,

Thắng đái, dây cương thếp bạc.

Gẫm giống ấy :

Nết-na giớn-giác,

Tính-khí chàng-ràng,

Tuy đang khi mọi vẻ nghiêm-trang,

Trong gia-sự nhiều điều ngơ-ngáo.

Nghề cày-bừa, nghe coi lếu-láo,

Việc bắn săn coi cũng ươn tài,

Chủ nuôi không biết chủ là ai,

Nhà ở, chẳng biết nhà mà lại.

Dại không ra dại,

Khôn chẳng nên khôn ;

Ngất-ngơ như ốc mượn hồn.

Nuôi giống ấy làm chi cho rối".

 

Truyện ngắn - Ngài có cần gì không?

                                                                        Truyện ngắn

Ngài có cần gì không?

Khoảng sau Đức Phật vài thế kỷ, một vị triết gia tên là Diogenes xuất hiện. Ông sống gần Hy Lạp, ở vùng Trung Đông. Đời sống của ông vô cùng đơn giản, giáo lý của ông thể hiện ở cuộc sống tự tại, giải thoát. Có thể xem ông là một vị Bồ Tát nào đó của đạo Phật đầu thai qua, vì ông có cuộc sống rất giống với đạo Phật. Thời đó, đời sống vật chất của con người còn rất đơn giản, chưa có những tiện nghi trong sinh hoạt. Ông chỉ có một mảnh áo che thân và một cái bát để uống nước. Một lần, trên đường đi, ông nhìn thấy người ta cúi xuống múc nước bằng hai tay để uống. Ông cảm thấy cái bát mình đang dùng là thừa nên quăng đi. Nghĩa là ông hạn chế nhu cầu về vật dụng đến mức tối đa. Mọi người rất nể phục ông bởi đời sống tự tại, đơn giản như vậy. Khi khuyên một vài lời về đạo lý, ông vẫn làm cho người ta được hạnh phúc, được an lạc, được lợi ích. Do đó, tiếng đồn lan ra khắp nơi.

Lúc bấy giờ, Alexandre Đại đế đem quân chinh phục khắp nơi. Ông chiếm hết vùng Trung Đông, qua Ấn Độ. Khi đánh chiếm vùng Trung Đông, xứ của Diogenes, ông nghe đồn có một triết gia nổi tiếng, bèn tìm đến. Ở đây, nhiệt độ dao động rất mạnh, có mùa trời nóng như thiêu như đốt, có mùa lại lạnh thấu xương. Lúc này, vùng Trung Đông rất lạnh. Ông kiếm một thùng gỗ, ban đêm chui vào đó đóng cửa lại, nằm ngủ, ban ngày ra ngoài sưởi nắng. Đây là phương pháp tốt nhất để giải cái lạnh thấm vào cơ thể mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

Khi ông đang ngồi phơi nắng, vua Alexandre cùng đoàn tùy tùng cưỡi ngựa đi tới. Từ xa, trông thấy một ông lão ngồi ung dung, tự tại, râu tóc dài xõa xuống, trên người có một tấm áo quấn quanh, đẹp rực rỡ dưới ánh mặt trời, ông bèn xuống ngựa, chầm chậm đi tới. Đằng sau ông, đoàn tùy tùng cũng làm như vậy. Đến nơi, nhà vua hỏi:

- Ngài có phải là Diogenes?”

- Phải, Ngài cần gì?- Ông từ tốn đáp.

Hai bên chỉ trao đổi vài câu ngắn ngủi, nhưng phong thái ung dung tự tại, bình thản của Diogenes khiến vua Alexandre cảm phục. Vì ông là một Đại đế, bách chiến bách thắng, nghe danh ông, ai cũng sợ hãi, chỉ có ông già lọm khọm, râu ria lồm xồm này liếc nhìn ông với ánh mắt bình thản. Ông cảm phục vô cùng. Sau vài câu ngắn ngủi, ông hỏi:

- Thưa Ngài, Ngài có cần gì không?

Hỏi như vậy vì nhà vua nghĩ rằng, mình là một ông vua bách chiến, bách thắng, uy danh khắp thiên hạ, dưới tay có không biết bao nhiêu là tài sản. Nếu ông Diogenes cần gì, Ngài sẽ tặng ngay.

Nghe hỏi như vậy, vị triết gia trả lời :

- Có, cần Ngài xích qua một chút, đừng che ánh mặt trời mà tôi đang sưởi, tôi rất cám ơn. Thì ra, nhà vua và đoàn tùy tùng đến từ hướng đông, đứng một loạt che hết ánh nắng buổi sáng của ngài Diogenes. Nghe vậy, vua quay sang nói với đoàn tùy tùng: “Nếu ta không là Alexandre Đại đế, ta sẽ là Diogenes”.


Cổ Học Tinh Hoa - Không quên cái cũ

 Không quên cái cũ


Đức Khổng Tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Đức Khổng Tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc.

Người đàn bà nói: "Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc."

- Đức Khổng Tử hỏi: Đi cắt cỏ thi, mà mất cái trâm bằng cỏ, thì việc gì mà phải khóc?

- Người đàn bà nói: Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa.

Lời Bàn:

- Cái gì đã là của mình, mình có bụng yêu, mà lỡ khi mất, thì về sau dù có được cái khác giống như thế, hay hơn thế, mình cũng không thể sao yêu cho bằng. Thường, lại chỉ vì thấy cái mới mà hồi nhớ đến cái cũ, sinh ra chạnh lòng, nên câu ta thán, có khi ngậm ngùi thương khóc nỉ non. Tại sao vậy? Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá của mà thôi, lại hình như còn có một phần tâm hồn mình hay tâm hồn người để lại cho mình ngụ ở trong nữa. Sự cảm động đầu tiên bao giờ cũng là sự cảm động hay nhất, bền nhất. Ôi! Cáo chết ba năm quay đầu về núi, con người ta, dù cho lông bông xiêu bạt đến thế nào, còn có chút tâm tình cũng không sao quên được gốc tích xứ sở mình. "Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi". Con ngựa rợ Hồ (phía bắc nước Tàu) thấy gió bắc còn cất tiếng kêu, con chim đất Việt (phía nam nước Tàu) chọn cành nam mới chịu làm tổ, huống chi là người mà lại quên được nguồn gốc ư.

Chú thích:

Khổng Tử Tập Ngữ: sách chép những lời nói, những truyện về đức Khổng Tử. - Khổng Tử tên là Khưu, tên tự là Trọng Ni, người nước Lỗ, thời Xuân Thu nhà Chu, học về Lễ, Nhạc, Văn chương đời cỗ, đi nhiều nước chư hầu không được dụng bỏ về làm kinh Xuân Thu, san định các kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và dạy học trò được ba nghìn người, có bảy mươi hai người giỏi. Nước Tàu xưng làm Tổ đạo Nho.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Chuyển Hóa


Một đệ tử không ngừng than phiền mọi người chung quanh.

Thiền Sư bảo:

- Nếu con muốn được yên tĩnh, con phải thay đổi chính con chứ không phải người khác, vì rất dễ tự bảo vệ đôi chân bằng đôi giày ngủ hơn trùm tấm thảm lên toàn thể mặt đất.

Truyện cười trong ngày

 Tòng phạm

Một chú bé đang cố gắng kiễng chân với núm chuông trên một cánh cửa lớn. Người cảnh sát đi ngang qua bèn bế nó lên cho tới nút bấm. Sau mấy hồi chuông dài, viên đội âu yếm hỏi:

– Nào, chúng ta còn phải làm gì nữa không, bé con?

Chú quỷ nhỏ khoái chí cười nắc nẻ, giục “đồng bọn”:

– Bây giờ bọn mình phải chạy thôi!

Sunday, January 30, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Lục súc tranh công

 Lục súc tranh công

Tác-giả không biết là ai


"Lục súc tranh công" nghĩa là sáu con vật nuôi trong nhà tranh nhau công trạng của mình. Sáu con ấy là: trâu, ngựa, chó, dê, gà, và lợn. Trâu thì rằng làm ăn vất vả, có công sinh ra thóc, gạo, ngô, đỗ; chó thì rằng có công coi nhà giữ trộm; ngựa thì rằng có công đem chủ đi quán về quê, đánh đông dẹp bắc; dê thì rằng có công trong việc tế lễ; gà thì rằng có công gáy sáng, xem giờ; lợn thì rằng có công trong việc quan, hôn, tang, tế. 


1-Tựa

Trời hóa sinh muôn vật

Đất dong-dưỡng mọi loài,

Giống nào là giống chẳng có tài;

Người đâu dễ không nhờ vật.

Long chức quản bổ thiên, dục nhật.

Lân quyền tư giúp thánh, phò thần.

Quy thông hay thành-bại, kiết-hung .

Phụng lảu biết thạnh suy, bĩ thái.

Trong trời đất ba ngàn thế-giái

Đều xưng rằng tứ vật chí linh.

Nhẫn đến loài lục súc hi-sinh,

Trời cho xuống hộ người dương thế.


2-Ngưu (trâu)


Trâu mỏi nhọc, trâu liền năn-nỉ :

"Một mình trâu ghe nỗi gian-nan,

Lóng canh gà vừa mới gáy tan,

Chủ đã gọi thằng chăn vội vã.

Dạy rằng: đuổi trâu ra thảo-dã,

Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng.

Chưa bao lâu thoắt đã rạng-đông;

Vừa đến buổi cày-bừa bua việc.

Trước cổ đã mang hai cái niệt

Sau đuôi thêm kéo một cái cày;

Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây,

Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn.

Trâu mệt đà thở dài, thở vắn,

Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi.

Liệu vừa đứng bóng mới thôi,

Đói hòa mệt, bước khôn dời bước.

Ai thong-thả, trâu nào ben đặng ?

Trâu nhọc-nhằn, ai dễ thế cho?

Cày ruộng sâu, ruộng cạn cho no,

Lại vườn đậu, vườn mè khiến chở

Làm không kịp thở,

Ăn không kịp nhai.

Tắm mưa, trải gió chi nài !

Đạp tuyết, giày sương bao sá !

Có trâu, sẵn tằm-tơ, lúa-má,

Không trâu, không hoa-quả, đậu mè,

Lúa gặt cất lên đà có trâu xe,

Lúa chất trữ, lại để dành trâu đạp.

Từ tháng giêng cho đến tháng chạp,

Kể xuân, hè, nhẫn đến thu, đông,

Việc cày-bừa, nông-vụ vừa xong,

Lại xe gỗ, dầm công liên khói ,

Bất luận xe rào, xe củi.

Nhẫn đến loài phân bổi , tranh che

Hễ bao nhiêu nhất-thiết của chi,

Thì đã phú mặc trâu chuyên-chở.

Bao quản núi non hiểm-trở ?

Chi nài khe suối dầm-dề ?

Cong lưng chịu việc nặng-nề,

Cay-đắng những lời dức-lác !

Ăn thì những rơm khô, cỏ rác,

Ở quản chi ràn lấm, tráp nè.

Trâu dựng nên nông nọ, nỗi kia;

Trâu làm đặng căn trên, bồ dưới.

Nghĩ-suy lại công trâu cho phải,

Lẽ cho trâu thao-lụa mặc dày.

Không chi thì quần vải, dải gai,

Không chi thì khố lưỡi-cày cũng khá>

Ăn cho phải những cơm với cá,

Không nữa thì rau cháo cũng nên

Đến mai sau già-cả sức hèn,

Cũng bảo-dưỡng bổ công lao-lý.

Khi mạng một chẳng đơm, chẳng tế;

Lẽ "sinh cử, tử táng", mới ưng.

Thủa sống đà không dạ yêu-đương,

Khi thác lại đoạn tình siêu-độ.

Bảo nhau sắm con dao, cái rổ,

Khiến nhau vơ mớ củi, nắm nè.

Rằng : Trâu này cốt Phật xưa kia,

Phát đình-liệu cho hồn thăng thiên-giái.

Còn hình-tích giống chi để lại,

Người người đều bàn-bạc với nhau:

Kẻ thì rằng : Tôi lãnh cái đầu,

Người lại nói : Phần tôi cái nọng.

Kẻ giành lòng bóng ép gối mà kê,

Còn sừng đem về ép thoi làm lược.

Kẻ thì chuốc hoa tai, làm bầu liều.

Làm tù-và mà thổi cũng kêu,

Tiện con cờ mà đánh cũng tốt.

Kẻ thì làm cái mõ, cáo hộp,

Người lại tỉa cán quạt, cán dao.

Còn giò chia nhau,

Làm nham, làm thấu.

Trâu gẫm lại là loài cầm-thú,

Phận sau chịu vậy, dám nài !

Trâu thác đã công-nghiệp phủi rồi,

Trâu sống lại kiện nài với chủ :

Không nhớ thủa bôi chuông đường hạ

Ơn Tề-vương vô tội kiến tha

Tưởng chưng khi sức mọn tuổi già,

Cám Điền-tửdạy con chớ bán.


Lời cổ nhân còn dặn,

Sao ông chủ vội quên ?


Chẳng nhớ câu "Dĩ đức hành nhân".

Lại lấy chữ "Báo ân dĩ oán !"

Nói chi nữa cho dài chuyện-vãn ?

Thưa chủ xin nói thép một lời :

Nhưng loài muông, vô tướng, vô tài,

Nuôi giống ấy làm chi cho nhọc ?

Ăn cho lớn, dưỡng vai, dưỡng vóc,

Giỡn với nhau vạch cửa, vạch sân,

Một ngày ba bữa chực ăn,

Thấy đến việc lén mình lét-lét.

Chưa rét đã phô rằng rét,

Xo-ro đuôi quít vào trôn,

Vấy bếp người, tro trấu chẳng còn,

Ba ông táo lộn đầu, lộn óc,

Chưa sốt đà nằm dài thở dốc.

Le lưỡi ra phỏng ước dư gang.

Lại thấy người lơ đĩnh lơ hoang

Tài ăn vụng thôi thì hơn chúng.

Nhưng muông biết cày nương, bừa ruộng,

Thì muông kể biết mấy công ơn ?

Muông, người cho ăn cháo, ăn cơm,

Trâu, người bắt nhai rơm, nhai cỏ.

Khi muông thác tống chung, an thổ,

Có gạo tiền cấp-táng toàn thân,

Trách một lòng chủ ở bất công,

Hậu ư bạc, bạc đem làm hậu".

-----------------------
Còn tiếp

Truyện ngắn - Thanh Kiếm Banzo

                                                                   Thanh Kiếm Banzo


           Matajuro Yagyu là con của một nhà kiếm thuật nổi tiếng. Cha anh tin rằng con mình kiếm thuật quá tầm thường, không thể trở thành thầy dạy kiếm thuật được, nên từ bỏ anh.

           Vì vậy Matajuro đi đến núi Futara tìm gặp Banzo, một nhà kiếm thuật trứ danh. Nhưng Banzo cũng thấy lời phán xét của cha Matajuro là đúng. Banzo hỏi: "Anh muốn học kiếm thuật với ta phải không? Anh không có đủ điều kiện cần thiết." Người thanh niên khẩn khoản: "Nhưng nếu tôi chịu khó luyện tập, phải bao nhiêu năm tôi mới trở thành thầy dạy kiếm thuật được?"

Banzo trả lời: "Suốt đời anh".

Matajuro nói: "Tôi không thể chờ đợi lâu đến thế. Gian khổ thế nào tôi cũng chịu miễn là sư phụ dạy cho tôi. Nếu tôi nguyện làm tôi tớ hầu sư phụ, thì phải bao nhiêu lâu? "

Banzo trả lời: "à, có lẽ chừng mười năm".

Matajuro năn nỉ: "Cha tôi già rồi, ít năm nữa tôi sẽ phải săn sóc người. Nếu tôi luyện tập không ngừng, phải mất bao nhiêu năm?"

Banzo nói: "à, có lẽ độ ba mươi năm".

Matajuro hỏi: "Sao vậy? Lúc đầu sư phụ nói mười năm bây giờ lại nói ba mươi năm. Gian khổ thế nào tôi cũng chịu, miễn là học được tuyệt nghệ trong một thời gian ngắn nhất."

Banzo bảo: "Ðược, nếu vậy anh sẽ ở lại với ta trong bảy mươi năm. Một người nôn nóng đạt được kết quả như anh ít khi học nhanh được."

Hiểu rằng Banzo trách mình thiếu kiên nhẫn, người thanh niên thưa: "Bạch sư phụ, con xin chịu".

           Banzo cấm Matajuro nói đến kiếm thuật hay đụng đến một thanh kiếm. Anh ta nấu cơm, rửa chén, làm giường, quét sân, giữ vườn, làm tất cả mọi việc trừ việc học kiếm thuật.

           Ba năm qua. Matajuro vẫn tiếp tục làm việc. Anh ta buồn bã khi nghĩ đến tương lai. Anh vẫn chưa bắt đầu học kiếm thuật, mục đích của đời anh.

Nhưng một hôm, Banzo lẻn đến sau lưng anh và dùng thanh kiếm gỗ nện cho anh một đòn rất đau.

           Ngày hôm sau, khi Matajuro đang nấu cơm, Banzo bất ngờ nhảy đến tấn công anh. Sau đó, bất kể đêm ngày, lúc nào Matajuro cũng phải tự vệ, đề phòng mọi nhát kiếm bất ngờ. Không phút nào anh không nghĩ đến thanh kiếm của Banzo.

Anh học kiếm thuật nhanh đến nỗi sư phụ anh cũng phải mỉm cười hài lòng. Matajuro trở nên nhà kiếm thuật tài ba nhất trong nước.


Cổ Học Tinh Hoa - Bắt chước nhăn mặt

 BẮT CHƯỚC NHĂN MẶT


Nước Việt có nàng Tây Thi nổi tiếng đẹp một thời. Nàng có chứng đau bụng, mà khi nào đau ôm bụng nhăn mặt, thì lại càng đẹp lắm. Có người đàn bà ở cùng làng thấy mặt nhăn mà đẹp, muốn bắt chước, về nhà cũng ôm bụng mà nhăn mặt. Người làng trông thấy, tưởng là ma quỷ; nhà giàu thì đóng cửa chặt không dám ra, nhà nghèo thì bồng bế vợ con mà chạy trốn.

Trang Tử

GIẢI NGHĨA

Tây Thi hoặc còn gọi là Tây Tử:

Người con gái nước Việt ở thôn Trữ La, làm nghề dệt vải, cha thì bán củi. Nàng nổi tiếng đẹp, sau vua nước Việt là Câu Tiễn vì thua nước Ngô đem nàng hiến cho vua Ngô là Phù Sai.

Trang Tử: Sách của Trang Chu soạn đến đời Đường gọi là Nam Hoa Chân kinh. Trang Tử, học đạo Lão tử, sau người ta vẫn xưng Lão tử với Trang tử là tổ của Đạo gia.

LỜI BÀN

Chỉ biết nhăn mặt là đẹp. Không biết nét mặt phải thế nào thì nhăn mới đẹp. Thực là đáng tiếc! Kẻ quên phận mình, chỉ muốn bắt chước người thì có khác gì người xấu muốn bắt chước nàng Tây Thi nói trong truyện này không? Ôi! bắt chước là một cái hay, nhưng nếu không chịu suy nghĩ cứ nhắm mắt bắt chước liều như con lừa thổi sáo, con nhái muốn to bằng con bò, thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ, chẳng những không được lợi gì mà lại thiệt đến bản thân.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Một kiệt tác.

Một thầy đồ đang nắn nót viết một vài nét chữ trên một miếng giấy. Một người học trò có sự nhận thức đặc biệt của ông ta đang ngồi theo dõi ông. Khi vị thầy đồ viết xong, ông hỏi ý kiến của vị học trò - người học trò lập tức nói với ông rằng nó thì không có chút nào tốt. Vị thầy đồ viết lại, nhưng người học trò vẫn bình phẩm. Nhiều lần lập đi lập lại, thầy đồ cẩn thận vẽ lại những nét chữ đó, và mỗi lần người học trò đều bác bỏ. Cuối cùng, khi người học trò quay sự chú ý qua điều khác và đã không theo dõi ông nữa, vị thầy đồ nắm lấy cơ hội mau lẹ viết nhanh những nét chữ.
"Đây nè! Nó như thế nào?," ông hỏi vị học trò.
Người học trò quay lại nhìn.
"CÁI ĐÓ...... .là một kiệt tác!" anh ta kêu lên.

Truyện cười trong ngày

 Thoát chết nhờ làm thợ sơn


Một bác sĩ mới ra trường nói với vợ bệnh nhân:

- Bà gọi cho tôi muộn quá, rất tiếc là ông nhà đang hấp hối. Bà xem, hai bàn tay ông đã xám lại.

- Nhưng thưa bác sĩ, chồng tôi là thợ sơn, lúc nào tay ông ta cũng như vậy!

- Bác sĩ trẻ thở phào: Ra thế, may quá! Nếu ông nhà không làm nghề thợ sơn thì chắc đã chết rồi!

Saturday, January 29, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện Ngụ Ngôn La Fontaine - Cụ Già Và Ba Người Trai Trẻ

 Cụ Già Và Ba Người Trai Trẻ 

(Le Vieillard et Les Trois Jeunes Hommes)

Tác giả : Jean de la Fontaine

 Dịch giả: Nguyễn Văn Vĩnh


Cụ tám-mươi đương trồng cây cối, 

Có ba chàng trẻ tuổi cười rằng:

 - Làm nhà họa có nên chăng;

 Trồng cây thì thực lố-lăng mất rồi! 

Khoan đã! Cụ già ơi, con hỏi: 

Quả ai ăn? Cụ nói con hay? 

Họa may Bành-Tổ lên đây, 

Chứ như đại-lão, phỏng ngày còn bao! 

Làm chi thế công-lao cho uổng 

Thóc người ăn, cày ruộng hơi đâu! 

Thôi thôi, cụ bấy tuổi đầu

 Chi bằng ngồi khểnh vuốt râu ngắm đời; 

Hối những sự lầm sai thưở nhỏ, 

Còn ước xa đã có chúng tôi. 

Rằng: ......... 

- Con cũng quá buổi rồi, 

Phàm chưng muôn việc của người làm ra 

Kiên-nhẫn khó xong mà dễ hỏng. 

Cái chết đâu vẫn ngóng bên ngoài.

Thọ là ai? Yểu là ai?

 Lão già, con trẻ vắn dài khác chi.

 Nào đã biết ai đi tới đó? 

Bóng hào-quang ai ngó sau cùng.

 Sớm còn tối mất lẽ chung, 

Vững chi cái mạng mà mong lâu dài 

Bóng cây này dẫu ai nghỉ mát, 

Con cháu nhà có thoát đi đâu. 

Như già có chi lo sau, 

Cháu con ăn quả về lâu thiệt gì.

Ngẫm cái sướng phúc đi vạn đại, 

Ấy cũng là lão hái quả rồi

 Quí hồ còn sống ít hồi, 

Một ngày là một được ngồi hưởng vui. 

Cũng có lẽ Trời xui hiểm-hóc, 

Trên mồ bay Ác mọc lão nom.

 Cụ già khéo nói chính mồm: 

Một chàng qua bến, ngã tòm xuống sông. 

Còn một chàng lập công với nước, 

Phải đầu tên mũi mác chết toi. 

Cậu ba nhân lúc thư rồi, 

Leo cây chiết giống sẩy rơi vỡ đầu. 

Cụ già nghĩ đến câu chuyện thế,

 Khắc phiến bia mà để bên mồ. 

Gọi là một tiếng Ô-hô!

Truyện ngắn - Rồi tôi sẽ hạnh phúc

 RỒI TÔI SẼ HẠNH PHÚC

Lúc tôi khoảng 14 tuổi, đang học trung học ở Luân Đôn. Cha mẹ và thầy giáo khuyên tôi đừng đi chơi đá banh buổi tối và cuối tuần mà nên ở nhà học bài để lo thi bằng trung học đệ nhất cấp... Họ nói là khi thi đậu thì tôi sẽ cảm thấy sung sướng, hạnh phúc.Tôi nghe lời, lo học và thi đậu, nhưng tôi chẳng thấy hạnh phúc gì cả, vì sau đó phải học tiếp hai năm để thi tú tài.

Cha mẹ và các thầy giáo khuyên tôi đừng đi chơi với bạn bè buổi tối hoặc chạy theo con gái cuối tuần mà nên ở nhà lo học bài. Họ nói bằng tú tài rất quan trọng, nếu thi đậu thì tôi sẽ sung sướng, hạnh phúc.

Một lần nữa, tôi lại vâng lời cha mẹ và các thầy giáo nên tôi thi đậu tú tài.

Nhưng lại một lần nữa, tôi chả thấy sung sướng gì hết, vì sau đó tôi phải tiếp tục vào đại học, học ít nhất ba năm để lấy bằng cử nhân. Má tôi và các giáo sư (lúc này ba tôi đã mất) khuyên tôi không nên lân la ở các quán cà phê hoặc phòng trà, mà nên ở nhà lo học.

Họ nói bằng cử nhân là một bằng cấp giá trị của đại học, nếu có được thì tôi sẽ hạnh phúc lắm.

Nhưng lần này tôi bắt đầu nghi ngờ. Bởi vì tôi có vài người bạn lớn tuổi hơn, đã học xong và có bằng cấp, nhưng hiện nay họ đang vất vả với những việc làm đầu tiên; có người phải làm thêm giờ để có tiền mua xe... Những người bạn này nói với tôi: "Khi nào tôi có đủ tiền mua được một chiếc xe hơi thì tôi sẽ sung sướng". Đến khi họ có đủ tiền mua được chiếc xe hơi rồi, tôi thấy họ cũng chẳng sung sướng gì hơn. Bây giờ họ phải làm việc cực hơn để sửa soạn mua một cái gì đó, hoặc họ đang tìm kiếm một người bạn đời.

Họ nói: "Khi nào tôi lập gia đình đàng hoàng thì lúc đó tôi sẽ hạnh phúc".

Sau khi lập gia đình, họ cũng chẳng hạnh phúc gì hơn. Tệ hơn nữa, họ phải làm thêm hai, ba công việc, lo để dành tiền mua nhà.

Họ nói: "Khi nào mua được một căn nhà thì tôi hạnh phúc lắm".

Nhưng mua được nhà rồi, hàng tháng vẫn phải trả nợ ngân hàng, như thế thì đâu có hạnh phúc gì. Ngoài ra họ bắt đầu sinh con đẻ cái. Nửa đêm con khóc phải dậy thay tã hay cho nó bú. Khi con bệnh hoạn thì bao nhiêu tiền để dành phải trút ra lo thuốc men cho nó.

Và rồi hai mươi năm trôi qua trước khi họ có thể làm những gì mong ước.

Họ nói: "Khi nào con cái tôi học xong, có nghề nghiệp và tự lập được thì chúng tôi sẽ hạnh phúc". Đến khi tụi nó rời khỏi nhà ra riêng thì lúc đó đa số cha mẹ sắp đến tuổi về hưu. Do đó họ ráng làm tiếp vài năm để lãnh tiền hưu trí nhiều hơn.

Họ nói: "Khi nào tôi về hưu thì lúc đó mới thật là sung sướng, hạnh phúc". Nhưng trước khi về hưu, và ngay cả sau khi về hưu, họ bắt đầu biết đạo và đi nhà thờ.

Bạn có để ý đa số những người đi nhà thờ là những người lớn tuổi không? Tôi hỏi tại sao bây giờ họ lại thích đi nhà thờ?

Họ trả lời:

- Tại vì sau khi chết, tôi sẽ được hạnh phúc!

Những ai nghĩ rằng "khi nào tôi có được cái này, cái nọ thì tôi sẽ hạnh phúc", họ không biết rằng hạnh phúc đó chỉ là một giấc mơ trong tương lai. Giống như người đuổi theo cái bóng của mình, họ sẽ không bao giờ nếm được hạnh phúc trong cuộc đời...


Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

  Triết Lý

Trước khi xin làm đệ tử, vị khách muốn Thiền Sư giúp mình một vài điều để được yên lòng.

- Thầy có thể dạy con về mục đích của sự sống?

- Thầy không thể.

- Hay ít ra, thầy có thể dạy con về ý nghĩa cuộc đời chứ?

- Thầy không thể.

- Thầy có thể cắt nghĩa cho con bản chất sự chết và sự sống ở đời sau không?

- Thầy không thể.

Vị khách ra về, thất vọng và không hài lòng.

Đệ tử chán nản vì Thiền Sư đã để lộ sự kém cỏi của mình.

Bằng một giọng dịu dàng, Thiền-Sư giải thích như sau:

- Tìm hiểu bản chất và ý nghĩa cuộc sống để làm gì, nếu các con không bao giờ biết nhận và hưởng cuộc sống? Thầy mong muốn các con nên thưởng thức mẩu bánh của mình hơn là nói dông nói dài về cái bánh ấy.


Cổ Học Tinh Hoa - Lợi mê lòng người

 LỢI MÊ LÒNG NGƯỜI


Nước Tống có kẻ mất cái áo thâm. Anh ta ra đường tìm. Thấy người đàn bà mặc áo thâm, níu lại đòi rằng: “Tôi vừa mất cái áo thâm, chị phải đền trả tôi cái này”. Rồi cứ giữ chặt cái áo không buông ra nữa.

Người đàn bà cãi: “Ông mất cái áo thâm, tôi biết đấy là đâu. Áo tôi mặc đây là áo của tôi, chính tay tôi may ra”.

Anh kia nói: “Chị cứ phải đền trả áo cho tôi. Cái áo thâm tôi mất dày, cái áo thâm chị mặc mỏng. Lấy áo thâm mỏng của chị đền cái áo thâm dày cho tôi, còn phải nói lôi thôi gì nữa!”

(Tử Hoa Tử)

GIẢI NGHĨA

Nước Tống: Một nước chư hầu thời Xuân Thu, sau bị nước Tề lấy mất, ở vào huyện Thuợng Khưu tỉnh Hà Nam bây giờ.

Thâm: Sắc đen.

Níu: Giằng dai giữ lại không cho đi.

LỜI BÀN

Mất áo trong nhà mà ra đường tìm, đã là chuyện bật cười. Mất áo đàn ông mà đòi áo đàn bà lại là chuyện bật cười. Mất áo thâm dày bắt đền áo thâm mỏng mà cho là phải, lại là chuyện bật cười nữa. Ôi cái lợi nó làm cho lòng người mê muội, chỉ biết có mình không biết có ai, chỉ vụ lợi cho mình mà quên cả phải tráị Kẻ nào đã vụ lợi như thế, thì cái gì mà chẳng dám làm, cái gì mà chả dám nói! Than ôi! Cái đời kim tiền bây giờ biết bao nhiêu phường đòi áo như người nói trong truyện này.

Truyện cười trong ngày

 Cuộc sống bắt đầu khi nào?


Trong cuộc thảo luận bàn tròn, các người lãnh đạo các tôn giáo khác nhau cố gắng trả lời câu hỏi, "Khi nào thì cuộc sống bắt đầu?"

"Lúc bắt đầu thụ thai." vị linh mục công giáo trả lời.

"Không, không. Đời sống bắt đầu khi mới chào đời." vị mục sư Tin Lành của giòng Presbyterian trả lời.

"Nó thì bắt đầu ở giữa vào khoảng 12 tuần khi bào thai bắt đầu có nhịp tim đập" vị mục sư Baptist trả lời.

Nhà trưởng lão của đạo Do Thái giáo trả lời "Tôi không đồng ý với tất cả qúi vị. Đời sống bắt đầu khi đứa con út của qúi vị rời nhà với con chó của nó."

Friday, January 28, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện Ngụ Ngôn La Fontaine - Con Chim Phải Tên

 Con Chim Phải Tên 

(L'oiseau Blessé d'une Flèche)

Tác giả : Jean de la Fontaine

 Dịch giả: Nguyễn Văn Vĩnh


Con chim nọ phải tên gần chết, 

Than mấy câu giãi hết nổi niềm. 

Nói ra thêm não thêm phiền: 

Giết chim lại bởi lông chim lạ-lùng! 

Trách nhân-loại lòng hung dạ độc, 

Nhổ cánh này làm đốc tên kia, 

Nhưng loài bất đức hợm chi, 

Vụ này hẳn cũng có khi vào mình. 

Xem trong đám sinh-linh đồng loại, 

Cũng cánh này làm hại cành kia!

Truyện ngắn - Thay đổi số mệnh

 Thay đổi số mệnh


“Số phận đã được an bài, làm sao thay đổi được?”, có người nghĩ vậy bèn buông xuôi. Kỳ thực, chìa khóa thay đổi số mệnh luôn nằm trong tay mình, khi cảm ân và trân quý cuộc sống, phép mầu sẽ đến với bạn.


Câu chuyện thứ nhất

Khi Đức Phật còn tại thế, có một ông lão có 5 đứa con, nhưng chúng đều không muốn phụng dưỡng cha mình.

Không còn cách nào khác, ông lão đành phải đi ăn xin trên đường phố. Ông cảm thấy cuộc sống tràn ngập đau khổ, cũng oán giận vì sự bất hiếu của những đứa con, nhưng cũng đành chấp nhận số phận bi thảm lúc tuổi già của chính mình.

Có một ngày, ông gặp được Đức Phật và hỏi:

“Đức Phật từ bi, Ngài có cách nào có thể thay đổi vận mệnh của con không?” .

Đức Phật liền hỏi ông ta: “Ông biết cảm ơn là gì không?” .

Ông lão trả lời:

“Con không biết cảm ơn là gì, xin Đức Phật khai thị” .

Đức Phật chỉ tay vào cây gậy trong tay ông lão và nói:

“Ông có biết ơn cây gậy trong tay mình không?” .

Ông lão nghe xong liền nói:

“Con rất biết ơn cây gậy này! Lúc con đi xin ăn gặp phải những con chó hung hăng, nó chính là vật dụng giúp con đánh đuổi lũ chó. Và khi đi trên những con đường gập gềnh, những khi leo dốc, xuống dốc, nó là vật dụng giúp con chèo chống để bước đi thêm vững chắc. Lúc mệt, con gối lên nó để nằm ngủ, nó chính là chỗ dựa tinh thần của con. Vì thế, con thật sự phải cảm ơn nó rất nhiều” .

Đức Phật vui mừng, khen ngợi:

“Thiện tai, thiện tai! Vậy từ nay về sau, mỗi ngày ông hãy cầm cây gậy này và đừng quên nói lời cảm ơn, nói đến một thời điểm nào đó, vận mệnh của ông sẽ thay đổi!” .

Ông lão nghe xong lời giáo huấn của Đức Phật, cảm thấy rất tin tưởng, từ đó về sau mỗi ngày ông đều nói cảm ơn.

Không chỉ cảm ơn chiếc gậy, ông còn cảm ơn những người tốt bụng đã bố thí cho mình, thậm chí còn cảm ơn những đau khổ mà mình đã trải qua, những kẻ xấu đã lừa gạt mình.

Nói lời cảm ơn khiến cho trái tim ông không còn oán hận mà đọng lại chỉ là sự biết ơn. Năm tháng trôi đi, ông đã thành thạo được một phương pháp tu hành, gọi là “phương pháp cảm ơn cây gậy”.

Có một ngày khi Đức Phật đang giảng pháp, ông lão thầm nghĩ:

“Cuộc sống hạnh phúc của ta hôm nay chính là do Đức Phật ban tặng, ta phải cảm ơn Ngài” , thế là ông liền đến nghe Đức Phật giảng pháp.

Đức Phật thấy ông lão đến, liền nói với đại chúng:

“Hôm nay chúng ta mời một người tu hành đến đây để nói về pháp ‘cảm ân tam muội’ của ông ấy” .

Thế là Đức Phật liền mời ông lão lên đài, để ông kể về câu chuyện cảm ơn của mình. Đúng vào ngày hôm đó, 5 đứa con của ông cũng ngồi ở phía dưới nghe giảng, khi họ nghe cha mình nói: “Đối với một cây gậy còn phải thành tâm thành ý cảm ơn như thế, huống gì là con người. Đối với cha mẹ, người đã cho ta sinh mạng, nếu như còn không biết đền ơn đáp nghĩa thì người này còn không bằng cả loài cầm thú!” .

Sau khi nghe xong câu chuyện, năm người con đã rất xúc động, chúng lần lượt chạy lên đài, tranh nhau quyền nuôi dưỡng cha, tranh nhau nói: “Về nhà với con! về nhà với con!” .

Lúc đó Đức Phật liền nói với ông lão: “Vận mệnh của ông bây giờ đã thay đổi rồi! Một người có lòng cảm ơn, họ sẽ có tất cả, một người không có tâm cảm ơn, họ sẽ mất tất cả” .

Phật Pháp chỉ nói tới báo ân mà không giảng báo oán.

Đối với ân huệ của người khác, lúc nào cũng phải luôn nhớ rằng: “Thụ ân một giọt, báo ân một dòng” . Còn đối với những thù oán của người khác, thì hãy quên nó càng sớm càng tốt, không nên canh cánh trong lòng, ghi hận trong tâm. Bởi vì lợi người cũng là lợi mình, hại người cuối cùng lại là hại mình.


Câu chuyện thứ hai

Một ngày, có người hỏi một lão tiên sinh:

“Mặt trời và mặt trăng cái nào quan trọng hơn?”.

Lão tiên sinh nghĩ hết nửa ngày rồi mới trả lời:

“Mặt trăng quan trọng hơn, bởi vì mặt trăng chiếu sáng vào ban đêm, đó là lúc chúng ta cần ánh sáng nhất, mà ban ngày đã đủ sáng rồi, mặt trời lại chiếu rọi vào ban ngày” .

Có thể bạn sẽ cười lão tiên sinh này thật hồ đồ, nhưng bạn không thấy là có rất nhiều người cũng giống như vậy sao?

Người chăm sóc bạn mỗi ngày, bạn lại cảm thấy không có nghĩa gì, nếu người lạ tự dưng tới giúp đỡ bạn, bạn lại cho rằng họ là người tốt. Cha mẹ luôn phải chi tiền cho bạn, bạn cảm thấy đó là một việc đương nhiên.

Khi người ngoài chi tiền cho bạn, bạn cảm thấy thật cảm động.

Đây chẳng phải cũng giống với sự hồ đồ “cảm kích mặt trăng, chối bỏ mặt trời” hay sao?


Có một đứa con gái cãi nhau với mẹ, tức giận quá đã bỏ nhà đi, quyết định không bao giờ quay lại ngôi nhà đáng ghét này nữa! Cô lang thang bên ngoài cả ngày, bụng đói sôi liên hồi, nhưng lúc đi cô không mang theo tiền, lại không có mặt mũi nào quay về nhà.

Cho đến khi trời tối, cô đến đứng bên một quán mì ngửi thấy mùi thơm bay ra. Cô rất muốn ăn, thèm tới nỗi chảy cả nước miếng, nhưng trên người lại không có tiền.

Đột nhiên, ông chủ quán đi tới và thân mật hỏi cô:

“Cô gái! cô có muốn ăn mì không?” .

Cô gái xấu hổ trả lời: “Cháu muốn! Nhưng cháu không có tiền”.

Ông chủ nghe xong cười nói: “Không sao, hôm nay xem như tôi mời nhé!” .

Cô gái quả thực không dám tin vào tai mình, cô ngồi xuống.

Một lát sau, mì được đưa tới, cô ăn say sưa, rồi nói:

“Ông chủ, ông thật tốt bụng” .

Ông chủ hỏi: “Sao cháu lại nói vậy?” .

Cô gái trả lời: “Chúng ta vốn dĩ không quen biết nhau, ông lại tốt với cháu như thế, không giống như mẹ cháu, trước giờ chưa từng hiểu cháu nghĩ gì và cần gì, thật bực bội!” .

Ông chủ lại cười: “Cô gái, ta cũng chỉ mới cho cô 1 bát mì thôi, cô đã cảm kích như thế, vậy mà mẹ cô đã nấu cơm cho cô ăn suốt 20 mấy năm, không phải cô nên biết ơn bà ấy sao?” .

Nghe ông chủ nói như thế, cô gái như đột nhiên tỉnh giấc sau một giấc mơ, nước mắt tuôn ra! Cô không thể chờ đợi để ăn hết bát mì, cô lập tức chạy vội về nhà.

Từ ngoài ngõ, cô nhìn thấy người mẹ từ xa đang lo lắng đứng trước cửa nhìn về bốn phía, lòng cô như thắt lại, cô cảm thấy dù có nói với mẹ một ngàn lần hay một vạn lần xin lỗi cũng không đủ. Dù cô chưa kịp vào nhà thì mẹ đã ra đón:

“Trời ơi! Cả ngày con chạy đi đâu thế? Làm mẹ lo quá! nhanh vào nhà tắm rửa rồi ăn cơm” .

Tối hôm đó, người con gái này mới thấu hiểu tình yêu thương mà mẹ đã dành cho mình.

Lúc mặt trời hiện hữu, con người liền quên đi ánh sáng mà nó đem đến, lúc mẹ luôn ở đó, người ta lại quên đi những yêu thương ấm áp mà mẹ đã trao. Một người được chăm sóc từng li từng tí lại không biết ơn, bởi vì họ cho rằng, ban ngày đã đủ sáng, nên mặt trời đã dư thừa. Hy vọng mỗi chúng ta đều biết rằng, mặt trời và mặt trăng cái nào quan trọng hơn?


Trong hiện thực cuộc sống, chúng ta thường không để tâm đến những gì mình đang có, cho rằng sự tồn tại của chúng là điều đương nhiên, còn đối với những thứ mình không có, lại phàn nàn rằng số phận bất công, như thể thế giới mắc nợ chúng ta rất nhiều.

Thực chất, cảm ơn cũng là một thái độ sống tích cực.

Giống như có người từng nói, phải biết ơn những người đã làm tổn thương mình, bởi vì nhờ có họ mà ý chí của chúng ta được tôi luyện; cảm kích những người đã lừa gạt mình, bởi vì họ đã giúp ta có thêm nhiều kinh nghiệm; cảm kích những người xem thường mình, bởi vì họ đã họ đã giúp ta thức tỉnh…

Phải mang theo một trái tim biết ơn, cảm ơn cuộc đời, cảm ơn tất cả những người đã giúp ta trưởng thành, cảm ơn những gì đang có ở xung quanh chúng ta.

Để có được tâm cảm ơn, chúng ta cần phải dụng tâm đi quan sát, dụng tâm đi cảm nhận. Cỏ cây phát triển mạnh mẽ để báo đáp mặt trời mùa xuân; mạ non lớn lên khỏe mạnh để cảm tạ sự tươi mát của dòng suối; con trẻ học hành chăm chỉ để báo ơn sự nuôi dưỡng của cha mẹ. Biết ơn cuộc sống, cuộc sống sẽ ban cho bạn ánh mặt trời sáng lạn. Mây cuốn mây bay, hoa nở hoa tàn, đều là những điều đáng giá mà chúng ta nên quý trọng.

Cảm ơn mặt trăng, cũng càng phải biết cảm ơn mặt trời!


Cổ Học Tinh Hoa - Ba con rận kiện nhau

 BA CON RẬN KIỆN NHAU


Ba con rận hút máu một con lợn, tranh nhau ăn, đem nhau đi kiện. Một con rận khác gặp, hỏi:
- Ba anh kiện nhau về việc gì thế?
Ba con rận đáp:
- Chúng tôi kiện nhau, vì tranh nhau một chỗ đất màu mỡ.
Con rận kia nói:
- Tôi tưởng các anh chẳng nên tranh lẫn nhau thế làm gì. Các anh chỉ nên lo đến con dao của người đồ tể giết lợn, ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi.
Ba con rận nghe ra, biết là dại, thôi không đi kiện nữa, cùng nhau quần tụ, làm ăn với nhau, dù no, dù đói, cũng không bỏ nhau. Con lợn thành ra mỗi ngày một gầy, người ta không làm thịt, cứ để nuôi, ba con rận nhờ thế mà no đủ mãi.
(Hàn Phi Tử) 

GIẢI NGHĨA

Đồ tể: Người làm thịt các giống vật để bán.
Quần tụ: Quây quần ăn ở bao bọc lấy nhau

LỜI BÀN

Nhân dân một xứ mà cứ tranh giành lẫn nhau cái lợi trước mắt, không nghĩ gì đến cái việc lâu dài cho cả toàn thể, thì trí khôn thật không bằng mấy con rận nói trong truyện này.

Tranh nhau, cãi nhau, đánh nhau, kiện nhau, thì oan oan tương kết, lợi chẳng thấy đâu, chỉ thấy hại, hại cho mình lại hại cho cả đàn, cả lũ nữa. Sao không biết: Sâu đục cây, cây đổ thì sâu cũng chẳng còn; trùng hại vật, vật chết thì trùng cũng hết kiếp.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Lời khuyên của mẹ.

Jiun, một thiền sư của phái Shingon, là một học giả chữ Phạn nổi tiếng vào thời đại Tokugawa. Lúc còn trẻ ông thường hay diễn thuyết cho các anh em bạn học.
Mẹ của ông nghe được về chuyện này và viết cho ông một lá thư:
"Nè con , mẹ không nghĩ rằng con trở thành một người hiến mình vào cửa Phật được, bởi vì con đang trở thành một cuốn tự điển sống cho các người khác. Sự hiểu biết và phê phán, vinh quang và danh dự cũng chẳng đi đến đâu. Mẹ muốn con hãy chấm dứt cái việc diễn thuyết đó đi. Hãy tự lánh mình trong một thiền viện nhỏ bé ở một nơi xa xôi trong núi. Con hãy dành thì giờ của mình để thiền định và bằng cách đó mà đạt sự chứng ngộ thật sự."

Truyện cười trong ngày

 Con đã xử lý rồi


Con gái từ nhà sau chạy lên khoe với mẹ!
-  Mẹ ơi! Mẹ , nồi cơm của mẹ bị nhão đấy. Nhưng không sao, con đã xử lý rồi

- Mẹ: Con gái mẹ giỏi thế. Vậy con làm cách nào?

Con gái:
-  Thưa mẹ, con cho them hai ca nước nữa để nó thành cháo luôn.

- Mẹ: Trời !!!

Thursday, January 27, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện Ngụ Ngôn La Fontaine - Triều Đình Vua Sư Tử

 Triều Đình Vua Sư Tử 

(La Cour du Lion)

Tác giả : Jean de la Fontaine

 Dịch giả: Nguyễn Văn Vĩnh


Một ngày kia. Mãnh-sư Hoàng-đế, 

Muốn thử xem quyền-thế tầy bao, 

Bèn vời bách-thú lâm trào; 

Mỗi loài phái một viên vào Long-cung. 

Sắc vàng tống đi cùng một dạo,

 Đóng ấn son Quốc-bảo rõ ràng. 

Chiếu rằng suốt một tháng-tràng, 

Hội bàn trước chốn Ngai Vàng liên miên. 

Lúc mở hội khai diên tứ yến, 

Có phường tuồng nhân-tiện làm trò.

 Mãnh-sư có ý làm to, 

Để đem quyền-thế mà phô chư-hầu. 

Truyền hội-nghị ở lầu Ngũ-phụng,

 Những thịt xương lủng-củng bốn bề. 

Sực nồng hôi-hám gớm-ghê, 

Gấu kia bịt mũi dường chê nặng mùi. 

Ngự hiểu ý, giận sôi sùng-sục, 

Cho xuống ngay Địa-ngục mà chê.

Khỉ ta hiến nịnh tức thì: 

- Muôn tâu Thiên-thảo cực-kỳ thông-minh. 

Khen móng nhọn, khen dinh thơm phức,

 Trăm thức hoa, hương nức không bằng.

 Ngờ đâu lời nịnh tán xằng,

 Mãnh-sư lại giận giết phăng khỉ già. 

Vua Sư-tử thực là phàm-phũ,

 Hẳn cũng dòng Kiệt, 

Trụ chi đây. 

Lại gần Chó-sói hỏi ngay: 

- Mùi gì tâu thực Trẫm hay thử nào! 

Sói đại-thần trí-cao khéo chối. 

Cúi tâu:

............ - Thần ngạt mũi thấy chi!

Khôn-ngoan nên chẳng can gì. 

Chuyện hay đã dạy, nên ghi vào lòng. 

Ai muốn vững Triều-trung quyền-chức, 

Nịnh không nên, cương-trực cũng đừng; 

Cứ làm ra một người rừng.