Wednesday, July 31, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 31 tháng 7, 2019

Đọc và Suy Ngẫm - Không ai đá đồ chó chết cả

Không ai đá đồ chó chết cả
(Trích Chương XX - Quẳng gánh lo đi và vui sống)
Dale Carnegie
Nguyễn Hiến Lê dịch

Năm 1929, một chuyện kỳ dị xảy ra làm náo động cả giáo giới. Từ khắp nước Mỹ, những nhà thông thái ùa tới châu thành Chicago để được mục kích việc ấy. Vài năm trước, một thanh niên tên Robert Hutchins vừa đi làm - khi làm bồi, khi đốn củi, khi dạy tư, khi bán hàng ở một tiệm cắt áo - vừa học, mà giật được bằng cấp của Đại học Yale và tám năm sau được làm hiệu trưởng trường Đại học Chicago, lớn vào bậc thứ tư ở Mỹ. Mà lúc ấy ông bao nhiêu tuổi? Ba chục! Thiệt không ai tin được. Những nhà mô phạm đều lắc đầu. Khắp nơi chỉ trích anh chàng “thần đồng” như bảo táp: “Y thế này, Y thế nọ. Con nít không có trách nhiệm. Quan niệm giáo dục của y sai bét”. Báo chí cũng hùa vào công kích nữa. 
Ngày ông lãnh trọng trách, có người nói với thân phụ ông: “Sáng nay đọc báo, thấy một bài công kích con bác mà tôi khó chịu”. Ông già đáp: “Phải, họ công kích dữ thiệt, nhưng bác nên nhớ rằng không ai thèm đá một con chó chết cả”.
Đúng. Địa vị càng cao bao nhiêu thì đời càng thích mạt sát bấy nhiêu. Ông Hoàng xứ Galles, bây giờ là công tước Windsor đã nếm cái mùi ấy. Hồi đó, khoảng 14 tuổi, ông học trường Hải quân Dartmounth ở Devonshire. Một hôm các sĩ quan thấy ông khóc, liền hỏi duyên cớ. Mới đầu ông giấu, sau ông thú rằng bị các bạn học đá đít. Vị sĩ quan hiệu trưởng rầy bọn kia và bảo họ rằng Hoàng tử không mách, nhưng ông muốn hiểu tại sao họ không đá đít học sinh khác mà nhè Hoàng tử mà xử vậy? Họ nín một hồi rồi đằng hắn, gật đầu, rồi thú rằng họ làm vậy để sau này giữ chức thuyền trưởng trong Hải quân của Hoàng gia, họ có thể khoe hồi nhỏ đã đá đít Hoàng Đế.
Vậy khi bị đá, bạn nên nhớ rằng người xử với bạn cách đó, thường chỉ tỏ ra quan trọng, có nghĩa là bạn đã làm sự gì đáng được chú ý và ghen tị. Nhiều kẻ mạt sát những người có giáo dục hơn họ hoặc thành công hơn mà thấy thỏa thích một cách khả ố. Khi viết chương nầy, tôi nhận được bức thư của một người đàn bà mạt sát Đại tướng William Booth, người lập ta “đạo binh tế độ lầm than”(Đạo binh này lấy đức thương người làm căn bản, tế độ những kẻ lầm than làm phương tiện để đạt mục đích cứu vớt linh hồn chúng sinh vì bần hàn mà lạnh lùng với Tôn giáo). Vì tôi ca tụng Đại tướng trên đài phát thanh, nên mụ ấy tố cáo Đại tướng đã thủ tiêu hết tám triệu Mỹ kim quyên cho người nghèo. Lời vu cáo ấy, cố nhiên hoàn toàn bịa đặt. Nhưng mụ ta không cần nói đúng hay sai. Mụ chỉ kiếm cái vui bỉ ổi là đã bôi nhọ được một người cao hơn mụ cả ngàn bực. Tôi liệng bức thư vào sọt rác và cám ơn ông Tơ không xe tôi với con người ấy. Bức thư không làm xấu danh Đại tướng mà làm ô danh mụ rất nhiều. Schopenhauer trước kia đã nói: “Những kẻ hèn kém thấy thỏa thích vô cùng khi họ vạch ra lỗi lầm cùng những tật nhỏ của hạng người xuất chúng”.
Khó mà tưởng tượng ông hiệu trưởng trường Đại học Yale là một người tầm thường. Vậy mà ông Timothy Dwight trước làm hiệu trưởng trường ấy, đã thấy một nỗi vui mênh mông khi mạt sát một người ra tranh chức Tổng thống Hoa Kỳ. Ông tuyên bố rằng người đó được bầu làm Tổng thống thì vợ và con cái chúng ta là nạn nhân một chế độ mục nát công khai, sẽ nhục nhã, ô uế, sẽ không còn gì là thanh lịch, đạo đức nữa. Trời và người trông thấy đều sẽ gớm!
Mới nghe giọng nói đó, ai không tưởng rằng ông ta mạt sát Hitler. Nhưng không. Người bị mạt sát không là Hitler mà là Thomas Jefferson. Thomas Jefferson nào? - Chắc chắn không phải là vị bất tử Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập, vị thánh bênh vực nền dân chủ? - Ấy, chính vị đó!
Bạn có biết người Mỹ nào bị tố cáo là giả dối, là “bịp đời”, là “gần như là thằng sát nhân” không? Một người mà một tờ báo Mỹ vẽ ngồi trên đoạn đầu đài, lưỡi dao kề cổ, một người mà khi đi ngoài đường, bị công chúng chửi rủa? Bạn có biết người đó là ai không? Là cố Tổng thống George Washington vậy. Những chuyện ấy xa quá rồi. Từ đó tới nay, tình hình con người có lẽ khá hơn chăng? Ta cùng nhau xét thử coi nào:
Xin lấy trường hợp Đô đốc Peary, nhà thám hiểm đã làm cho thế giới kinh dị vì ông đã ngồi trong một chiếc xe do chó kéo mà tới được Bắc cực ngày 6 tháng tư năm 1909. Hàng mấy thế kỷ nay không biết bao vị anh hùng chịu gian nan cực khổ, hy sinh tánh mạng để tới đó mà không được. Chính Peary cũng gần như chết lạnh, chết đói và tám ngón tay lạnh quá, cứng đơ, phải chặt bỏ đi. Nhiều tai nạn dồn dập đến nỗi ông sợ gần muốn hóa điên. Nhưng ông không điên. Chính những thượng cấp của ông sống sung sướng ở Washington lại phát điên, vì Peary đã nỗi danh vang lừng trong nước. Bởi vậy họ tố cáo ông quyên tiền để thám hiểm cho khoa học mà rồi lại ăn no “nằm khểnh” ở gần Bắc cực. Và có lẽ họ tin như vậy thiệt, vì khi ta đã muốn tin điều gì thì cơ hồ khó mà không tin nó được. Họ hăng hái quyết định bôi nhọ và hãm hại Peary tới nỗi nếu không có lệnh trực tiếp của Tổng thống Mc. Kenley, Peary đã phải bỏ dỡ công việc thám hiểm ấy rồi.
Nếu Peary chịu làm một công chức nhỏ mọn trong phòng giấy của bộ Hải quân tại Washington, thì ông có bị chỉ trích tới như vậy không? Quan trọng gì mà khiến kẻ khác ghen ghét ông được.
Đại tướng Grant còn gặp một cảnh chua cay hơn nữa. Năm 1862, Đại tướng thắng một trận quyết liệt, làm phương Bắc hoan hỉ - một trận thắng trong một buổi chiều làm cho kẻ chiến thắng nỗi danh muôn thuở - một ảnh hưởng ghê gớm tới cả châu Âu - một trận mà từ miền Maine tới sông Mississipi, đâu đâu cũng đổ chuông, đốt pháo ăn mừng. Vậy mà sáu tuần sau, Đại tướng Grant vị anh hùng phương Bắc bị giam cầm, tước cả quyền tư lệnh. Ông tủi nhục, thất vọng tới sa lệ.
Tại sao ông bị giam cầm trong khi danh ông lên như thủy triều vậy? Nguyên nhân là vì ông làm cho bề trên nhỏ mọn ghen tài và ghét ông.
Vậy nếu những lời chỉ trích bất công làm cho ta buồn bực, chán nản thì đừng quên quy tắc này:
"Lời chỉ trích bất công thường là một lời khen che đậy."
Nhớ rằng không ai thèm đá đồ chó chết cả. 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Cuộc Sống

Đức Phật và đống phân bò

Một thi sĩ nổi tiếng tên là Su Tung-po (1036 - 100) trong triều đại Song đã viết rất nhiều bài thơ về triết lý Phật giáo, ông tự cho rằng mình là người mộ đạo.  Ông được chỉ định trong nhiệm vụ giám đốc của ngành văn học cho toà án của hoàng cung.

 Một ngày kia ông đến thăm một ngôi chùa và hành thiền với vị tu sĩ Buddhastamp.  Sau một ít lâu, thi sĩ Su hỏi vị Tăng:

 "Nhìn vào tôi.  Tôi đang ngồi đây để hành thiền.  Tôi giống cái gì?

Thiền sư Buddhastamp nhìn chăm chú vào thi sĩ một lúc và nói,

 "Thưa Ngài, ông rất trang nghiêm, khoẻ mạnh và hoà nhã.  Ông giống như một tượng Phật."

 Thi sĩ Su đã rất hài lòng với câu trả lời.

Một lúc sau, lần này thiền sư Buddhastamp hỏi thi sĩ Su.

 "Thưa Ngài, tôi cũng đang ngồi đây để hành thiền.  Tôi giống cái gì?

 Vị thi sĩ suy nghĩ, vị Tăng này luôn luôn lấy phần hơn mỗi khi chúng ta cuộc tranh luận về bất cứ đề tài nào.  Bây giờ, ta phải thừa cơ hội thắng lần này.  Và rồi, ông ta nói,:

 "Ông giống như một đống phân bò."

 Lần này, vị Tăng sĩ chỉ mỉm cười và đã không tranh luận với ông ta gì hết.

 Cứ nghĩ rằng ông ta đã thắng trong cuộc tranh luận kỳ này, thi sĩ Su đã đi nói với tất cả mọi người trong thị trấn về việc ông đã làm, cho tới khi người em gái của ông nghe được câu chuyện này.

 "Người anh yêu dấu của tôi ơi. Anh đã hoàn toàn thua trong cuộc tranh luận đó" người em gái nói như vậy."

 "Cái gì!? tôi chắc chắn rằng vị Tăng sĩ đã chết lặng đi.  Anh đã thua trong cuộc tranh luận đó như thế nào?

 "Anh ơi, vị Tăng sĩ với trái tim được đầy ấp với bản chất Đức Phật, bởi vậy ông đã nhìn thấy anh như là một vị Phật.  Nhưng trái tim anh thì chứa đầy những đống phân bò, và bởi vậy anh đã nhìn ông ta như là đống phân bò."

Cổ Học Tinh Hoa

Ba điều vui

Người quân tử có ba điều vui, tuy cho làm vua cả thiên hạ là sướng mà cũng không kể vào trong ba điều vui ấy được.

Cha mẹ còn sống, anh em bình yên là một điều vui.

Ngửa lên không tủi thẹn với trời, cúi xuống không xấu hổ với người là hai điều vui.

Được những bậc anh tài trong thiên hạ mà dạy dỗ, gây dựng cho ra người là ba điều vui.

Mạnh Tử

Lời bàn:

Xử trong gia đình, trên thì cha mẹ còn mạnh khoẻ để ta được hết lòng phụng dưỡng, dưới thì anh em hoà thuận để ta được hết đạo hữu ái, thật là cái cảnh khó được mà ta được, thì còn gì vui hơn nữa?

- Xử với thân mình, mà tu dưỡng đến việc gì cũng có thể, trên tỏ cho giời biết được, dưới đối với người nói được, thân thể nhẹ nhàng, tâm thần khoan khoái, thì còn gì vui hơn nữa?

- Xử với xã hội mà được luyện tập những bậc anh tài để có nhiều người truyền đạo cho thiên hạ, hậu thế được nhờ thì cũng còn gì vui hơn nữa?

Ba cái vui này: hai cái về gia đình và bản thân, một cái về thiên hạ hậu thế là ba cái vui về "tính phận" vui bên trong, nghĩa là cái vui thực. Còn cái vui về "thể phận", vui bên ngoài thì dù cho làm vua đến cả một nước, so với cái vui kia cũng không sao bằng được.

Truyện cười trong ngày

Sống Thọ Để Làm Gì

Một người đàn ông luôn lo lắng sức khỏe của mình có thể sống đến 100 tuổi hay không nên thường xuyên đi tập thể dục và khám sức khỏe. Có một lần sau khi đã đi khám sức khỏe, ông nhận được giấy báo là mọi việc bình thường, nhưng vì sự lo lắng, ông đã đến hỏi bác sĩ:

-Thưa bác sĩ, liệu tôi có thể sống đến 100 tuổi không ?

Bác sĩ nhìn ông và hỏi: "Vậy ông ở nhà có thường ăn đồ chiên hay nướng không ?"

- Tôi không bao giờ đụng tới mấy thứ đó.

-Thế khi ông có thức thâu đêm tán gẫu cùng bạn bè khi họ mời anh dự tiệc không ?

- Tôi chắc chắn là không.

- Vậy ông có khi nào phải đứng ngoài nắng hàng tiếng đồng hồ để chơi đá banh chưa ?

- Tôi không nghĩ là mình sẽ làm thế.

Bác sĩ lại hỏi: "Vậy ông có thường uống rượu cũng như đã từng tán tỉnh một cô gái nào trên đường chưa ?"

-Tôi thề rằng mình sẽ không bao giờ làm việc đó.

Ông bác sĩ ngưng lại một hồi lâu rồi nói với ông ta:

-Vậy ông muốn sống đến 100 tuổi để làm cái gì ?

Tuesday, July 30, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 30 tháng 7, 2019

Đọc và Suy Ngẫm - Chuyện để đời

Chuyện để đời

Chuyện xảy ra trong buổi lễ tốt nghiệp cho các Bác sĩ ở Anh năm 1920, có sự tham dự của Thủ tướng Anh thời đó. Trong buổi lễ, như thông lệ, trưởng khoa đứng lên chia sẻ kinh nghiệm với những sinh viên mới ra trường. Lần này ông kể về một sự cố đã xảy ra với ông:

 "lần ấy đã quá nửa đêm, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa nhà mình. Khi mở ra tôi thấy một phụ nữ lớn tuổi đang hoảng hốt và bà nói với tôi: "Ôi bác sĩ ơi, con tôi đang bệnh rất nghiêm trọng, xin ông hãy cứu nó”!

Tôi vội chạy ra theo bà ta đến nhà họ mà không kịp nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra. Hôm đó là một đêm giông bão và rất lạnh, trời mưa như trút, lái xe rất nguy hiểm nhưng tôi không kịp lo cho mình nữa.
Nhà bà ta ở ngoại ô Luân Đôn, và sau một hành trình khó khăn, chúng tôi mới tìm đến nơi. Bà sống trong một căn phòng nhỏ với con trai. Khi bước vào phòng, tôi thấy cậu bé nằm trên giường kê ở góc phòng và đang rên rỉ vì đau đớn.

Sau khi tôi khám và kê đơn cho đứa trẻ người mẹ đưa cho tôi một ít tiền. Tôi từ chối và nhẹ nhàng nói với bà rằng tôi không thể nhận vì họ cần chúng hơn tôi nhưng tôi sẽ chăm sóc con bà cho đến khi cậu bé khỏe lại. Trưởng khoa kết thúc bài diễn văn bằng câu:

“Đây chính là cách hành nghề y thực sự vì trở thành Bác sĩ tức là đến gần nhất với Lòng Nhân Ái và là một trong những nghề nghiệp gần gũi nhất với Thiên Chúa"!

Ngay khi Bác sĩ trưởng kết thúc bài phát biểu của mình, Thủ tướng đã bước ra khỏi chỗ ngồi và tiến lên bục giảng.

Ông nói với Trưởng khoa: “Hãy cho phép tôi được hôn tay ông. Tôi đã tìm ông suốt hai mươi năm nay vì tôi chính là đứa trẻ mà ông đã cứu trong câu chuyện vừa rồi. Ôi, mẹ tôi sẽ hạnh phúc và yên lòng yên nghỉ. Trước khi lâm chung bà đã tha thiết yêu cầu tôi đi tìm ông để cảm tạ lòng tốt của ông với chúng tôi khi chúng tôi rơi vào cảnh nghèo khổ”. Đứa trẻ đáng thương ngày nào chính là Sir Lloyd George, người đã trở thành Thủ tướng Anh!

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Cuộc Sống

Tự Tại Hơn

Trong cuộc nội chiến của thời phong kiến Nhật Bổn, một đạo quân chiếm tràn ngập và cai trị một tỉnh. Trong một làng kia, mọi người bỏ trốn ngay trước khi quân đội tới - tất cả mọi người trừ vị Thiền Sư.

 Tò mò về lão già này, vị tướng đã đến ngôi chùa để xem vị Thiền Sư này là người như thế nào. Khi ông ta đã không được đối đãi một cách tôn kính và phục tùng như ông ta vẫn thường được, vị tướng tức giận.

 "Ông ngu đần," vị tướng hét lên và nắm lấy thanh kiếm, "Ông có biết rằng ông đang đứng trước một người mà có thể giết ông trong chớp mắt!"

 Nhưng mặc cho sự đe dọa, vị Thiền Sư vẫn bất động.

 "Vậy ông có biết rằng ông đang đứng trước một người mà có thể bị giết trong chớp mắt?

Sức Khỏe - 8 dấu hiệu cho thấy tâm hồn kiệt quệ

8 dấu hiệu cho thấy tâm hồn kiệt quệ

Bài sưu tầm

NEW YORK CITY, New York (NV) – Nhịp sống ở thế giới hiện đại liên hệ trực tiếp đến công việc dồn dập, căng thẳng áp lực, thiếu ngủ, và thiếu chế độ luyện tập thể thao đúng cách. Tất cả những điều này ảnh hưởng đến trạng thái của tâm hồn. Chúng đang bị tổn thương và cần giúp đỡ.

Dưới đây là tám dấu hiệu chứng tỏ tâm hồn của bạn đang bị tổn thương và mệt mỏi, theo trang mạng Brightside.

1. Bạn cảm thấy mệt mỏi mặc dù đã có một đêm nghỉ ngơi đầy đủ
Dấu hiệu đầu tiên của việc này là việc bạn rất khó thức dậy và ra khỏi giường dù đêm trước đã ngủ đủ. Kết quả là sự mệt mỏi mãn tính xuất hiện và bạn dành cả ngày để chiến đấu với chính mình mỗi khi bạn cần làm gì đó.

2. Mơ giữa ban ngày và muốn thoát khỏi thực tế
Nếu bạn cảm thấy muốn trốn chạy khỏi thực tế và mơ đến một cuộc đời khác, tâm hồn bạn đang có dấu hiệu kiệt sức. Bạn thường nghĩ về quá khứ và sợ hãi tương lai. Bạn không thích hiện thực hiện hữu và cố gắng thoát khỏi chúng bằng mọi cách. Nhưng việc này gây hại nhiều hơn vì bạn vẫn phải quay lại với nghĩa vụ hằng ngày và sẽ càng không hài lòng với cuộc sống.

3. Thờ ơ và thiếu khát vọng
Bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thiếu ham muốn để làm mọi việc, thờ ơ với mọi thứ đang diễn ra xung quanh và thậm chí là mất hứng thú với những thứ bạn từng thích. Bạn không thấy ích lợi trong những việc đang làm và trở nên lãnh đạm với kết quả hành động của chính mình. Điều này chỉ tạo thêm căng thẳng vì bạn vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ khi không có năng lượng và sự khát vọng.

4. Thay đổi cảm xúc đột ngột
Sự không hài lòng, mệt mỏi và thờ ơ có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Có bao giờ bạn tự nhiên tức giận, tổn thương người khác vì điều gì đó nhỏ nhặt, hoặc bắt đầu khóc hoặc cười bất ngờ và không có lý do? Nếu tâm trạng thay đổi như thế này xảy ra thường xuyên, đây có thể là dấu hiệu của một tâm hồn kiệt quệ. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn với những thay đổi cảm xúc. Và nó buộc bạn phải tìm kiếm xung đột nhiều hơn là cố gắng đạt đạt được hòa bình và sự thấu hiểu với người khác.

5. Giả vờ rằng bạn đang cảm thấy ổn
Đừng nghĩ rằng việc giấu đi nỗi đau và giả vờ tỏ ra bản thân ổn là một cách tốt để giải quyết vấn đề. Bạn chỉ đang lừa dối bản thân và người khác về cảm xúc thực sự trong khi mọi thứ trong bạn đang suy sụp. Bạn cố gắng mỉm cười và dành năng lượng tạo ra ảo tưởng về niềm vui trong khi tâm hồn bạn đang mỏi mệt và không có đủ sức để giả vờ rằng mọi thứ vẫn ổn.

6. Cảm thấy cô đơn
Bạn hướng sự tức giận lên những người xung quanh bạn, khiến những mối quan hệ của bạn trở nên căng thẳng. Bạn giả vờ cảm thấy ổn trong khi không một ai biết trạng thái thật sự. Tất cả khiến bạn cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi. Bạn bắt đầu nghĩ rằng không một ai hiểu bạn, không ai chấp nhận bạn và không một ai có thể giúp bạn. Bạn cố gắng giải quyết mọi thứ một mình, và vật lộn với tình trạng của bạn từ ngày này qua ngày khác.

7. Trốn tránh người khác
Nếu bạn mong muốn trốn tránh những người xung quanh bạn, đây là một dấu hiệu nhận biết một tâm hồn mệt mỏi. Bạn muốn ngồi trong góc, tránh né trò chuyện và tương tác với những người xung quanh.

8. Suy nghĩ tiêu cực
Nếu bạn quen với việc tập trung vào những trải nghiệm tiêu cực và tồi tệ, tâm hồn bạn có thể bị kiệt sức. Bạn không tiếp năng lượng tích cực cho bản thân. Ngược lại, bạn lãng phí nó trong khi liên tục sống lại hoặc mong đợi những khoảnh khắc khó chịu xảy ra. Điều này ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn và tạo cảm giác không vui.

Cách chữa trị tâm hồn
• Tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng sức khỏe và trạng thái tâm trí của bạn.
• Từ chối tham gia vào các mối quan hệ độc hại. Môi trường xung quanh có tác động rất lớn đến chúng ta.
• Nói chuyện với một người thân yêu, nói cho họ biết điều gì làm phiền bạn. Họ có thể giúp bạn giải quyết vấn đề.
• Thay đổi tình hình, thực hiện một chuyến đi. Một kỳ nghỉ có thể cải thiện tâm trạng và hạnh phúc của bạn.
• Cố gắng tập trung vào những ký ức tích cực và chú ý đến những điều tốt đẹp xảy ra với bạn. Đôi khi bạn chỉ cần nhìn kỹ hơn để nhận thấy sự tử tế và tích cực.
• Đánh giá cao những gì bạn có, ngay cả những điều nhỏ nhặt cũng quan trọng. (K.D)

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/phu-nu/dau-hieu-tam-hon-kiet-que/

Truyện cười trong ngày

Dạy dỗ cháu

Bà Alberg có thói quen đầu năm gửi những món quà giá trị hàng trăm đôla cho các cháu. Nhưng những đứa cháu chẳng bao giờ gửi thư cảm ơn.

Năm nay, bà gửi tặng mỗi đứa cháu một tấm check 100 đôla. Ngay ngày hôm sau, từng đứa cháu đến tận nhà để cảm ơn bà. Một người bạn của bà hỏi:

- Bà đã làm thế nào để dạy những đứa trẻ trở nên lễ phép như thế?

- Có gì đâu. Lúc gửi đi tôi đã không ký vào những tấm check đó.

Monday, July 29, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 29 tháng 7, 2019

Đọc và Suy Ngẫm - Bữa ăn trưa

Bữa ăn trưa
Somerset Maugham

Tôi gặp bà ta ở rạp hát. Nếu không có người nhắc thì có lẽ tôi cũng không nhận ra bà ta nữa vì hình như lâu lắm rồi tôi đã gặp bà ta một lần.

Bà ta vui vẻ nói với tôi :

- Lâu lắm rồi chúng ta mới lại gặp nhau. Thời gian qua như bay! Chúng ta chẳng còn ai trẻ cả. Ông có nhớ lần đầu tiên chúng ta gặp nhau không? Cái lần mà ông mời tôi dùng bữa trưa đấy!

Tôi có nhớ không nhỉ?

Hồi đó, cách đây hai mươi năm, tôi đang ở Paris. Tôi trọ trong một căn nhà nhỏ ở khu Latin, nhìn ra một nghĩa địa, và kiếm ăn chỉ đủ qua ngày. Bà ta đọc được một tác phẩm của tôi và viết thư cho tôi nói về tác phẩm ấy. Tôi viết thư trả lời ngay, cám ơn bà nhiều. Và sau đó tôi nhận được một thư nữa của bà, nói rằng bà có chuyện phải ghé đến Paris, muốn được tiếp xúc thảo luận với tôi, nhưng vì thời giờ của bà ta hạn hẹp nên chỉ có thể gặp tôi vào trưa thứ Năm tuần tới, thế tôi có thể dùng bữa trưa với bà ta tại nhà hàng Foyot ở Paris chăng?

Foyot là nhà hàng mà các nghị sĩ Pháp thường đến dùng bữa, nó ngoài tầm tay của tôi rất xa, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện vào ăn ở đấy. Nhưng tôi thấy đi ăn với một phụ nữ say mê tác phẩm của mình thì cũng thích lắm, vả tôi còn trẻ, chưa biết nói lời từ chối với phụ nữ bao giờ.

Tôi còn được tám mươi francs để sống cho đến cuối tháng đó. Mà một bữa ăn trưa ở Foyot tồi nhất cũng phải mười lăm francs. Nếu tôi nhịn cà phê suốt hai tuần thì cũng có thể đãi bà ta một bữa ăn trưa vậy.

Tôi bèn trả lời là sẽ gặp bà ở nhà hàng Foyot lúc mười hai giờ rưỡi thứ Năm tuần tới.

Bà ta lúc ấy bốn mươi tuổi, hấp dẫn nhưng không trẻ lắm để có thể làm tôi bị cú sét gì quá đáng. Hàm răng bà ta rất đều và đẹp, làm tôi rất chú ý. Bà nói, khá nhiều, nhưng vì toàn là nói về tôi và tác phẩm của tôi nên tôi rất chú ý nghe.

Nhưng lúc nhà hàng đưa bảng giá các món ăn ra, thì tôi hơi ngỡ ngàng, đắt hơn tôi tưởng rất nhiều. Song bà ta làm tôi hơi vững tâm khi bà bảo:

- Bữa trưa tôi không bao giờ ăn gì đâu.

Tôi vội đáp:

- Ô, bà đừng nói thế chứ!

- Nếu ăn, tôi cũng chỉ ăn một món thôi. Tôi thấy thiên hạ ngày nay sao mà ăn nhiều quá. Vâng, nếu có thể, tôi chỉ ăn món cá nhỏ thôi. Chẳng biết ở đây họ có món cá hồi chăng?

Vì là đầu mùa cá hồi, nên trên bảng thực đơn chưa thấy có ghi món này. Tôi hỏi người hầu bàn xem có thể có chăng? Anh ta đáp là có, sáng nay vừa có món ấy đầu tiên trong mùa. Tôi bèn gọi cho bà khách của tôi. Người hầu bàn hỏi bà ta xem trong khi chờ làm món cá ấy, bà ta có dùng tạm món gì không. Bà ta đáp:

- Không. Tôi không bao giờ ăn quá một món. Trừ phi là nếu ở đây có món trứng cá cavia. Món đó thì không sao.

Tim tôi hơi thắt lại. Tôi biết là không thừa tiền đâu mà kêu món đó. Nhưng tôi nghĩ là không thể nói ra như vậy, bèn cứ bảo người hầu bàn làm thêm món trứng cá cavia cho bà ta. Còn phần tôi, tôi chọn món rẻ nhất là món thịt trừu. Bà ta nói:

- Tôi thấy ăn thịt là không được tốt. Nặng bụng rồi ông làm sao làm việc. Không nên làm ách bao tử của mình.

Sau đó là đến phần kêu món uống. Bà ta bảo ngay:

- Ăn trưa tôi không bao giờ uống gì.

Tôi đáp ngay:

- Vâng, tôi cũng vậy.

Có vẻ như bà ta không nghe tôi nói gì, bà tiếp:

- Trừ phi là rượu vang trắng. Rượu vang trắng của Pháp thật tuyệt, uống rất có lợi cho sự tiêu hóa.

Tôi giữ phép lịch sự lơ đễnh hỏi:

- Thế bà cũng uống chút gì chứ?

- Bác sĩ không cho tôi uống gì, ngoại trừ sâm-banh.

Tôi hơi tái mặt. Nhưng ráng gọi cho bà ta nửa chai, và bảo rằng phần tôi thì bác sĩ cấm uống rượu sâm-banh.

- Vậy ông uống gì chứ?

- Nước lã ạ!

Bà ta ăn món trứng cá cavia, món cá hồi. Bà ta vui vẻ bàn về nghệ thuật, văn học và âm nhạc. Còn tôi thì cứ suy nghĩ không biết hóa đơn tính tiền sẽ đến đâu.

Lúc tôi ăn món thịt trừu, bà ấy nói:

- Tôi thấy như vậy là ông có thói quen ăn bữa trưa nặng bụng. Như vậy không nên. Sao ông không bắt chước tôi, chỉ ăn một món thôi. Ông sẽ thấy khỏe hơn.

Tôi đáp:

- Thì tôi chỉ ăn độc một món đây ạ!

Vừa lúc đó, người hầu bàn đến hỏi có dùng thêm món gì không. Bà ta xua tay bảo:

- Không, không. Tôi không bao giờ ăn bữa trưa nhiều. Ăn chút xíu vậy thôi. Vả chăng đây cũng vì có câu chuyện đàm đạo vui nên mới ăn chút ít vậy. Tôi không thể ăn gì thêm đâu. Trừ phi ở đây có món măng tây. Đến Paris mà không ăn món măng tây thì cũng tiếc thật đấy!

Tim tôi thắt lại. Tôi biết món này đắt kinh khủng. Tôi thường thèm nhỏ dãi khi thấy món này.

Tôi gượng hỏi người hầu bàn:

- Bà đây hỏi nhà hàng có món măng tây không?

Tôi chỉ mong sao anh ta trả lời không có. Nhưng một nụ cười nở trên khuôn mặt đần độn của anh ta và anh ta nói rằng nhà hàng có món măng tây tuyệt hảo lắm, to và mềm. Bà khách của tôi thở dài và nói:

- Tôi không thấy đói gì lắm, nhưng nếu ông cố nài thì tôi cũng đành phải dùng ít măng tây vậy.

Tôi liền gọi món đó cho bà ta. Bà ta hỏi:

- Ông không dùng à?

- Không ạ, tôi không bao giờ dùng măng tây.

- Vâng, tôi biết có nhiều người không thích. Thực sự là chỉ vì ông dùng thịt nhiều nên khẩu vị bị hỏng đấy thôi.

Chúng tôi chờ nhà hàng làm món măng tây. Tôi đã kinh hoảng trong lòng. Bây giờ thì không còn là vấn đề thừa được bao nhiêu tiền để ăn từ đây đến cuối tháng, mà vấn đề là không biết có đủ để trả cho bữa trưa nay không. Chỉ cần thiếu đi mười francs là cũng gay cấn lắm rồi. Tôi đã tính ngay là trong trường hợp đó, đành phải la lên rằng bị kẻ cắp móc túi mất rồi. Và sẽ để chiếc đồng hồ đeo tay lại và đến chuộc sau.

Món măng tây được bưng ra. Mùi thơm bay lên làm cho lỗ mũi tôi phập phầng. Tôi nhìn cái mụ đàn bà âm binh này ngốn từng miếng to bự, mà ngao ngán trong lòng. Tôi lịch sự bàn luận về tình trạng bi kịch trên sân khấu Balkan... Lúc thấy bà ta ăn xong, tôi hỏi:

- Cà phê?

- Vâng, chỉ xin một cà phê kem lạnh thôi!

Bây giờ thì tôi cóc cần bận tâm nữa, tôi bèn kêu luôn cho tôi một cà phê, và cho bà ta một cà phê kem lạnh. Lúc bà ta ăn món này, bà nói:

- Ông biết không, có một điều tôi thấy rất khôn ngoan, ấy là mình ăn thế nào mà khi đứng dậy vẫn có cảm tưởng là bụng mình vẫn còn ăn được một món gì đó nữa, thì mới là biết ăn.

- Bà còn chưa no à?

- Ô, không. Ông thấy đấy. Tôi không ăn trưa gì nhiều được. Buổi sáng tôi chỉ dùng một tách cà phê, rồi đến tối mới dùng bữa. Nếu có phải ăn trưa thì cũng chỉ ăn một món thôi. Còn tôi nói đó, là nói để ông có cái kinh nghiệm như thế.

- A, tôi hiểu rồi ạ.

Bỗng một chuyện kinh hãi xảy ra. Trong khi chờ cà phê bưng lên cho tôi, thì tên hầu bàn trưởng, với vẻ mặt láo lếu, bưng một mâm quả đào đầu mùa chín mọng đi ngang qua. Những quả đào Ý, hồng như nước da thiếu nữ trong trắng. Đào đầu mùa thì có Chúa mới biết giá nó bao nhiêu! Bà khách của tôi vừa nói chuyện vừa lơ đãng đưa tay nhón một quả. Bà vừa ngốn quả đào vừa nói:

- Ông biết đó, ông đã ăn vào bụng nhiều thịt quá (ý nói món thịt trừu của tôi đấy!) nên không thể ăn gì thêm được. Còn tôi thì chỉ ăn qua loa thôi, nên có thể ăn thêm quả đào nữa.

Lúc hóa đơn đưa ra, tôi trả tiền xong, chỉ còn có ba francs, không đủ để thưởng cho người hầu bàn, nên để nguyên ba francs trên khay, không nói gì. Bà ta nhìn số tiền thưởng ít ỏi đó một lát. Tôi biết chắc là bà ta nghĩ rằng tôi hà tiện, bủn xỉn. Nhưng đâu biết cả gần một tháng trường trước mặt tôi, mà trong túi tôi không còn một cắc.

Lúc chia tay, bà ta bảo:

- Ông hãy theo gương tôi, đừng bao giờ ăn bữa trưa quá một món.

Tôi phản ứng:

- Tôi sẽ còn hay hơn nữa đấy, tối nay tôi sẽ chẳng ăn món gì cả đâu!

Bà ta cười vui vẻ:

- Ông quả là một người hài hước ! - Và bà ta lên xe taxi.

Nhưng cuối cùng, các vị thần bất tử đã ra tay trả thù đích đáng giùm tôi một cách rất đáng ca tụng. Ấy là đến nay bà ta mập phệ tới một trăm ba mươi ba kí lẻ ba mươi.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Những Cánh Hoa Rơi

Subhuti là một môn đệ của Đức Phật. Ông ta có thể hiểu năng lực của tính chất tánh không, quan điểm rằng không có cái gì tồn tại ngoại trừ sự liên hệ giữa tánh chất chủ quan và khách quan.

 Một ngày kia Subhuti ngồi dưới một tàng cây, trong một trạng thái của tánh không tuyệt vời. Những cánh hoa bắt đầu rơi phủ lên ông.

 "Chúng tôi tán thán Ngài về bài thuyết pháp tánh không." Những vị thiên chủ đã nói thầm với ông như vậy.

 "Nhưng tôi đã không có nói về tánh không," Subhuti trả lời.

"Ngài không có nói về tánh không, chúng tôi không có nghe về tánh không," Những vị Thiên chủ trả lời. "Đây mới thật sự là tánh không."

 Và những đoá hoa đã rơi lên Subhuto như mưa.

Những Ngôi Chùa Nổi Tiếng Trên Thế Giới - Kinkakuji Nhật Bản

Kinkakuji - Chùa Gác Vàng


Kinkaku-ji (kanji: 金閣寺, phiên âm Hán-Việt: Kim Các Tự, tức chùa Gác Vàng) là tên phổ thông của chùa Rokuon-ji (kanji: 鹿苑寺: Lộc Uyển Tự, chùa Vườn Nai) ở Kyoto, Nhật Bản.

Chùa nằm trong di sản văn hóa cố đô Kyoto.
Lịch sử

Kim Các
鹿苑寺金閣 - panoramio (2).jpg
Golden Pavillion 2010 03 29 32.jpg
Kiến trúc nguyên thủy xây năm 1397 vốn dùng làm nơi an trí cho shogun Ashikaga Yoshimitsu. Con ông cho đổi hành cung làm chùa và thiền viện cho tín đồ Phật giáo phái Lâm Tế. Trong cuộc chiến Onin (1467-1477), chùa bị đốt cháy rụi nhưng rồi được xây lại.

Gần 500 năm sau, vào năm 1950 tòa Gác Vàng bị một vị sư nổi lửa đốt cháy thành tro. Nhà sư sau đó bèn tự tử nhưng bị nhà chức trách bắt được. Mẹ nhà sư cũng bị đem ra tra hỏi. Trên đường về, bà nhảy từ xe lửa, gieo mình xuống sông tự vẫn còn nhà sư sau khi truy tố bị tuyên án bảy năm tù. Trong khi thụ án ông chết bệnh trong ngục năm 1956.[cần dẫn nguồn]

Cảnh trí
Kinkaku (Gác Vàng) trong khuôn viên chùa chỉ là một trong nhiều công trình kiến trúc ở chùa. Ngôi gác có ba tầng soi bóng xuống ao Kyoko-chi (鏡池: Kính Trì, tức "ao Gương"). Vách gác hai tầng trên đều dát vàng lá, ánh lên rực rỡ nên gác mới có tên là Gác Vàng. Cảnh trí gác, ao, vườn và lối đi có tiếng là hài hòa mỹ thuật. Gác này thường được so sánh với Ginkaku (銀閣; Ngân Các tức Gác Bạc) ở chùa Jisho-ji (慈照寺; Từ Chiếu Tự) cũng ở Kyoto.

Phần kiến trúc Kinkaku hiện thấy là do cuộc tái thiết năm 1955. Năm 1987 nhà chùa dát thêm lớp vàng mới cùng sửa chữa nội thất; sang năm 2003 thì phần mái được trùng tu.

Giá trị văn hóa
Câu chuyện ly kỳ về vụ đốt Gác Vàng năm 1950 này đã được nhà văn Mishima Yukio phóng tác trong cuốn tiểu thuyết Kinkaku-ji 金閣寺. Sách này được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác. Bản tiếng Việt do Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch và xuất bản ở Sài Gòn vào cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970.

Truyện cười trong ngày

Nói Dối

Bố dặn con: "Mày không được nói dối. Nói dối là điều đáng hổ thẹn".

Con ngoan ngoãn thưa: "Vâng thưa bố. Con sẽ cố gắng nghe theo lời bố!".

Ngay lúc đó có tiếng gõ cửa dồn dập.

Bố hốt hoảng nói với con: "Mày thử ra ngoài xem coi ai gõ cửa. Nếu mà hàng xóm đến tìm bố đòi nợ, mày cứ việc nói là tao không có ở nhà nghe chưa!".

Sunday, July 28, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 28 tháng 7, 2019

Đọc và Suy Ngẫm - Chuyện rắn

Chuyện rắn
Patric O' Neil

Hàng ngày, tôi vẫn đưa lũ nhóc đến trường để hấp thụ những kiến thức quan trọng. Ví dụ: Thủ đô của Surinam là gì? - Parmaribo; Vì sao nước biển mặn? - Muối. Nếu lịch sử luôn lặp lại, thì hẳn bọn trẻ cũng không biết được câu trả lời cho câu hỏi: "Loài rắn nào lớn nhất thế giới?"

Ðúng thế, thằng con tôi học lớp hai cũng không biết điều này. Mà chính tôi lại biết được loài rắn lớn nhất là loài nào mới chết chứ. Kết quả là chuyện sau đây đã xảy ra.

- Ðó là Anaconda - tôi bảo thằng bé - một loài rắn sống ở Nam Mỹ.

- Sai - nó nói - đó là loài rắn Python. Python là loài rắn lớn nhất.

- Python cũng lớn đấy. Nhưng đứng cạnh con Anaconda, thì con Python trông bé tẹo như một con giun đất - Tôi nói có lẽ hơi quá, nhưng đấy là nói ví dụ thôi.

- Python mới chính là loài rắn lớn nhất - nó lại nói. Billy bảo con thế mà.

- Billy? Cái thằng Billy ở đầu phố á? Hay là Billy - Chuyên - Gia - Rắn - Hàng - Ðầu - Thế - Giới - Ðang - Học - Lớp - Hai? Con nghe đây. Ðó là loài Anaconda, sống ở Brazil, Nam Mỹ. Con lớn nhất có chu vi tới 44 inch.

- Chu vi là gì hở bố?

- Là vòng bụng. Nó phải to bằng 3 lần con người ấy chứ.

- Thế con Anaconda có ăn thịt con Python không hả bố?

- Con Python mà trông thấy con Anaconda ấy à, có mà nó chạy mất dép ấy chứ!

- Biily sẽ không chịu tin đâu - thằng bé vẫn băn khoăn.

- Thôi được rồi. Bố không muốn tranh cãi dài dòng vô ích. Ðiều quan trọng nhất là con phải biết được cái gì là đúng, cái gì là sai, họ tin hay không thì kệ họ.

- À à...

- Con chỉ cần nói với Billy rằng chính Anaconda là loài rắn lớn nhất thế giới, và rằng nếu còn ai đó không tin thì trước hết hãy tự xem lại cái đầu của mình có đưa ra được bằng chứng nào không.

Thế là thằng con tôi chạy ra phố, không biết có phải để cãi nhau một mất một còn về đề tài Python - Anaconda hay không. Tôi ngồi lại nhà với vại bia và suy tư về nền giáo dục quốc gia.

Vài phút sau, chuông điện thoại reo. Ðó là Glenn, bố của Billy.

- Billy nói với tôi là con ông tuyên bố rằng loài rắn lớn nhất là Anaconda, và rằng nếu ai còn không tin thì phải tự xem lại cái đầu của mình - Glenn nói - Tôi không muốn nói nhiều với ông, nhưng ông nên biết rằng loài rắn lớn nhất thế giới là loài Python sống ở Ðông Nam Á. Tên đầy đủ là Python reticulatus. Một con Python có thể dài đến 32 feet 9 inch. Con Anaconda dài nhất người ta đo được chỉ có 27 feet 9 inch.

- Glenn, tôi rất hoan nghênh những cố gắng của anh nhằm giáo dục các cháu hàng xóm - tôi nói. Nhưng loài rắn lớn nhất thế giới chính là con Anaconda, tên khoa học là Eunectes murinus. Ðể cạnh tranh nhau, con Anaconda của tôi phải to gấp đôi con Python của anh. Hiển nhiên Anaconda là loài rắn lớn nhất thế giới.

Xem ra Glenn vẫn chưa chịu thua

- Ông hãy tự nghĩ lại đi, và nên hiểu rằng người ta đo kích thước loài rắn bằng chiều dài từ đuôi đến mũi, chứ không phải đo vòng quanh như đo sọt rác đâu. Mà con ông dùng thuật ngữ nào ấy nhỉ... chu vi? Chu vi là cái gì vậy?

- Tôi hiểu, tôi hiểu, Glenn, nhưng anh cũng nên biết là đo rắn là một vấn đề phức tạp, chứ không đơn giản như đo chiều dài ống nước sau nhà.

- Ông mà cũng biết đo ống nước à? Chỉ cần nhìn đường ống chạy ở vườn sau nhà ông thì e rằng ông cũng không thạo về đo ống nước hơn đo rắn là mấy.

Cúp máy.

- Có một bài học rút ra từ chuyện chẳng đâu vào đâu này - tôi dạy thằng con - là một người mạnh mẽ, cứng rắn cần phải đứng lên để tranh luận chống lại những thông tin lệch lạc của những kẻ bảo thủ và chưa được giáo dục đầy đủ.

Vả lại tôi cũng biết đo ống nước nhà tôi đấy chứ. Nó có chu vi là 3 inch và dài 50 feet. Tính về chiều dài, thì nó gần gấp đôi con Python reticulatus, nhưng không thể vì thế mà nói là nó lớn hơn được.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Vị Thầy Như Cái Chuông

Một thiền sinh mới đến gần vị Thiền Sư và hỏi rằng anh ta phải chuẩn bị như thế nào cho sự học tập.

 Vị Thiền Sư giải thích.

 "Nghĩ tôi như cái chuông, đập nhẹ vào tôi, và anh sẽ nhận được một tiếng kêu thật nhỏ. Đập mạnh, và anh sẽ nhận được tiếng kêu lớn hơn, hồi chuông vang lên.

 Lời bàn

 "Nếu bạn cố gắng nhiều, thì bạn sẽ được Thầy giúp đỡ nhiều."

 "Một khi học sinh cần đến sự giúp đỡ của Thầy, thì những người Thầy tốt sẽ đến bên cạnh những học sinh đó"

Tri Thức - Những Điều Chúng Ta Nên Làm Khi Gặp Căng Thẳng

Những Điều Chúng Ta Nên Làm Khi Gặp Căng Thẳng

Hẳn đã có lần bạn từng cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi, tinh thần xuống dốc trầm trọng.  Lời khuyên của nhiều người là bạn nên sử dụng thuốc an thần để tránh khỏi tình trạng này.  Tuy nhiên, có nhiều cách để tinh thần bạn vui vẻ trở lại.  Bài viết xin cung cấp tới bạn đọc những cách tự nhiên để bạn luôn tràn đầy năng lượng học tập và làm việc.
Hoạt động nhiều hơn
Một trong những cách tốt nhất để bạn lên dây cót cho tinh thần là tập thể dục, vận động cơ thể . Một trong những ưu điểm đặc biệt của tập thể dục là nó có tác dụng cả trong thời gian ngắn và về lâu về dài.  Tập thể dục sẽ gia tăng lượng hooc môn endorphin – loại hooc môn giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.  Còn về lâu dài, tập thể dục sẽ giúp bạn phòng tránh nhiều căn bệnh, đồng thời có khả năng tránh được những nguy cơ bị stress.
 Gia tăng cảm xúc
Một trong những cách giúp bạn khích lệ tinh thần của bản thân chính là nghe nhạc.  Âm nhạc đóng vai trò không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người.  Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động của não bộ sẽ tích cực hơn khi chúng ta nghe nhạc.  Tuy nhiên, một lưu ý đó là khi tinh thần đang xuống dốc bạn nên nghe những bản nhạc vui vẻ, phấn chấn, thay vì những bản nhạc buồn.  Nếu không các bản nhạc sẽ phản tác dụng và biết đâu còn khiến tình trạng căng thẳng trầm trọng hơn.
Giao lưu bạn bè
Loài người không phải những sinh vật đơn lẻ, nhu cầu giao tiếp là cực kỳ quan trọng.  Chính vì vậy, giữ liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp và gia đình chính là một cách để bạn giữ cho tinh thần cân bằng.  Một cách để bạn mở rộng những mối quan hệ là tham gia một câu lạc bộ thể thao hay một khóa học nào đó.  Những hoạt động xã hội hay tình nguyện cũng là cách giúp bạn tìm kiếm những người bạn có cùng sở thích hay thói quen.
Với rất nhiều người, chia sẻ tâm sự với người khác chính là một cách để quên đi những nỗi buồn và căng thẳng trong cuộc sống.
Ăn uống đủ chất
Một trong những nguyên nhân khiến ban luôn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng đó là do chế độ ăn uống thiếu chất.  Việc đầu tiên bạn nên làm là kiểm tra lại chế độ ăn uống có nhiều thực phẩm chứa cacbohydrat hay không.  Những thực phẩm có lượng tinh bột cao giúp bạn nhanh chóng lấy lại năng lượng.  Chúng cũng khiến cơ thể sản sinh nhiều hooc môn serotonin – loại hooc môn khiến con người cảm thấy hạnh phúc.  Tuy nhiên, thực phẩm giàu tinh bột lại nhanh chóng khiến bạn có cảm giác bị đói.  Thay vào đó, bạn có thể ăn nhiều rau và hoa quả.  Một số loại thực phẩm đáng chú ý giúp bạn giảm stress bao gồm chuối, cam, cháo yến mạch, quả việt quất, rau chân vịt, thịt bò.  Uống nhiều nước cũng là một gợi ý hay cho tinh thần.
Tăng lượng vitamin D
Vitamin D và căng thẳng có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau.  Lượng vitamin D thấp có thể gây ra những rối loạn về thần kinh.  Do đó, nếu thấy cơ thể có những biểu hiện thiếu vitamin D, bạn nên tắm nắng buổi sáng nhiều hơn để tránh cho cơ thể bị căng thẳng. Theo một nghiên cứu của bệnh viện nhi Boston, những bé gái và phụ nữ trẻ tuổi có đủ hàm lượng vitamin D trong cơ thể có thể tránh được một nửa nguy cơ bị stress so với những bé gái và phụ nữ ở cùng độ tuổi nhưng không có đủ lượng vitamin D.
Đi ngủ sớm
Một giấc ngủ có chất lượng sẽ giúp tinh thần bạn minh mẫn và thoải mái. Giấc ngủ mỗi đêm từ 7 đến 9 tiếng là phù hợp.  Không chỉ vậy, bạn nên có thời gian ngủ hợp lý, đi ngủ và thức dậy đúng giờ.  Chính phủ Hàn Quốc còn khuyến khích sinh viên học sinh đi ngủ sớm (trước 10 giờ đêm) để tránh tình trạng quá nhiều học sinh gặp căng thẳng do học tập và cạnh tranh với bạn bè cùng trang lứa. 
Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài quá lâu, bạn nên đến gặp bác sĩ để nghe những lời tư vấn có tính chuyên môn cao. Duy trì sức khỏe không phải là chuyện đơn giản nhưng cũng không quá khó khăn.  Để làm được điều này là tùy vào thái độ và quyết tâm của mỗi người.  Chúc các bạn luôn có được tinh thần lạc quan và vui vẻ.
(Sưu tầm)

Truyện cười trong ngày

Con Nít Ranh

Một cậu bé chơi bóng, lỡ chân đá vỡ kính cửa sổ nhà nọ. Bà chủ nhà chạy ra giữ chặt quả bóng quát thằng bé: 

- Chúng bay mà không sửa lại cửa kính cho bà thì đừng hòng lấy bóng về!

Một lát sau, cậu bé gõ cửa bảo: 

- Bố cháu sẽ đến sửa ngay!

Quả nhiên, một người đàn ông đem theo hộp đồ nghề đang bước tới. Bà ta bèn cho thằng bé cầm bóng đi. 

Người đàn ông sửa xong, nói với bà: 

- Xin cho 50 đô !

Bà chủ ngạc nhiên kêu lên: 

- Ô hay, ông không phải là bố thằng bé sao? 

Người đàn ông cũng trợn tròn mắt: 

- Thế bà không phải mẹ thằng bé à?

Saturday, July 27, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 27-7-2019

Đọc và Suy Ngẫm - Cái kính

Cái kính
Aziz Nesin

Một hôm, cách đây chừng bảy tám tháng, có người bạn hỏi tôi:

- Tại sao anh không đeo kính?

- Làm sao tôi phải đeo?

- Tuổi anh bây giờ là phải đeo rồi chứ còn sao nữa. Không đeo, đến lúc mắt hỏng nặng, không nhìn thấy gì đâu!

Từ lúc người bạn đó ra về, mắt tôi tự dưng mờ hẳn. Nhìn gần nhìn xa đều không rõ nữa.

Lâu nay tôi vẫn thầm mong cho tóc chóng rụng, cho trán hói đi. Rồi đeo thêm chiếc kính vào cho ra dáng trí thức. Vì tôi cho như thế là dấu hiệu của một anh trí thức. Ngay như anh bán thịt bây giờ mà để trán hói và mang kính vào, tôi cho trông cũng không khác gì giáo sư đại học! Nhưng cái mơ ước ấy của tôi không thực hiện được, vì tóc tôi mỗi ngày một dày thêm. Thế thì ít ra tôi cũng nên sắm cái kính mà đeo vậy. Ai nhìn thấy tôi, người ta phải bảo: bác học đấy!

Vậy là tôi đi khám đốc-tờ. Khám xong, ông này bảo tôi:

- Anh bị cận thị! 1,75 đi-ốp!

Theo đơn ông ta dặn, tôi sắm một cái kính. Nhưng cứ động đeo vào là tôi thấy mặt mày sa sầm, buồn nôn không chịu được. Thậm chí có lần, nói vô phép các bạn, tôi nôn thật! Nôn thốc nôn tháo, nôn ra cả mật xanh mật vàng. Không đeo thì không nhìn thấy gì, mà đeo thì tuy nhìn thấy được, nhưng lại bị cảm giác buồn nôn. Thật đúng là khổ!

Một ông bạn khác thương hại bảo tôi:

- Tôi có thể giới thiệu với anh một ông bác sĩ giỏi. Anh hãy đến ông ta khám xem!

Ông bác sĩ này xem mắt tôi, rồi xem chiếc kính.

- Thằng cha lang băm nào cho anh đơn mua cái kính này thế? Có phải anh bị cận thị đâu!

- Thế tôi bị làm sao ạ?

- Viễn thị! 2 đi-ốp!

Tôi lại mua kính mới. Ðeo chiếc kính này tôi không còn thấy chóng mặt buồn nôn nữa, nhưng lúc nào cũng bị chảy nước mắt. Ðâm ra mắt tôi lúc nào cũng đỏ hoe; như khóc ai vậy. Tôi bị cái cảm giác thương xót rất lạ. Cặp kính này chỉ có đeo để đi đưa đám là hợp.

Một ông bạn thân tỏ vẻ ái ngại cho tôi:

- Thế này thì cậu đến mù mất! Cậu phải đi khám bệnh viện nhà nước xem sao! Ở đấy họ khám cẩn thận. Lại có giáo sư nhãn khoa nữa, chứ không như mấy ông bác sĩ tư!

Bệnh viện nhà nước quả là có khác thật: máy móc nhiều, mà dụng cụ cái gì cũng sáng loáng.

Tôi được một giáo sư khám. Tôi kể cho giáo sư nghe cái bất hạnh của tôi:

- Người thì bảo tôi là cận thị, người thì bảo là viễn thị!

Giáo sư giận lắm :

- Quân ngu! Anh không phải cận thị, cũng không phải viễn thị, mà là loạn thị!

Theo đơn của giáo sư, tôi mua đôi kính khác. Cặp kính này tôi đeo vừa lắm, trông cái gì cũng rõ. Phải mỗi tội bây giờ cái gì như cũng lùi hẳn ra xa. Mấy bức tường trong căn buồn tôi sống hàng chục năm nay dường như bị lùi xa đến hàng ba chục thước. Tôi giơ tay chực bắt tay người quen, nhưng không sao với tới được. Ðịnh viết, giấy đã chạy xa khỏi tay đến hai thước. Nhìn vật gì cũng thấy bé tí xíu. Người thì chỉ bằng hạt đậu ván... Nhưng hại nhất là tôi không ăn uống gì được. Vì vừa ngồi vào bàn là đĩa thức ăn đã chạy đi xa hai chục thước rồi. Mùi súp nóng bốc ngay dưỡi mũi, nhưng cứ cầm thìa chực múc, thì bát súp đã ở cách xa hàng hai mét! Tôi không ăn uống cử động gì được nữa. Một anh bạn phải dắt tay tôi đến một bác sĩ khác tốt nghiệp ở Mỹ về. Khám xét cẩn thận xong ông ta bảo tôi:

- Ðứa nào cho anh đơn mua cái kính này đây? Ðúng là đồ lang vườn dốt nát ! Anh cứ kiện lên phòng công tố cho nó bỏ mẹ!

- Thôi! Cứ để thánh Ala trừng phạt hắn! - Tôi nói.

Tôi lại thay kính mới. Bây giờ mắt tôi nhìn cái gì cũng hóa hai. Nhà tôi đang bảy người, bỗng nhiên thành mười bốn. Mỗi người lại có một người giống hệt mình. Thật tôi chưa bao giờ thấy chuyện lạ như vậy. Chả lẽ lại có những người giống nhau đến mức độ như thế hay sao? Vô lý quá! Nhìn xuống chân thì thấy bốn chiếc ủng, nhìn bàn tay thì thấy có mười ngón!

Tôi đến một ông bác sĩ khác. Ông này học ở Ðức về.

- Ai bảo anh đeo kính này?

- Làm sao ạ?

- Sai chứ còn sao nữa!

Hóa ra một mắt tôi bị viễn, còn mắt kia thì cận. Vị danh y mới lại ghi cho tôi chiếc kính khác. Bây giờ tôi không phân biệt được sáng tối nữa. Xung quanh tôi tối như hũ nút.

- Ðứa dốt nào ghi cho anh chiếc kính này vậy hả? Mắt anh hoàn toàn bình thường, có làm sao đâu?

- Nhưng tôi không thấy gì cả! Tối cứ như bưng ấy!

- Thế là anh bị quáng gà thôi, chứ chẳng có làm sao hết!

Lại uống thuốc, lại tiêm, lại kính mới... Bây giờ các vật ở xa trông lại hóa gần. Chân đáng lẽ leo lên tàu thủy, thì lại bước ngay xuống biển... Vì tàu chưa cập bến, nhưng trông cứ như đã ngay sát bờ. Không còn viên bác sĩ nào trong tỉnh là tôi chưa mò đến! Ông này bảo mắt phải tôi cận, mắt trái viễn thì ông khác nói ngược lại. Ông trước kêu bị loạn thị thì ông sau phán là bị đục nhân mắt. Ðeo kính của cái ông bảo tôi bị đục nhân mắt, thì cái gì cũng xa màu xanh cả. Có ông còn đoán tôi bị chứng mù màu. Nhìn phía trước nhìn sang bên, nhìn xa nhìn gần, cái gì cũng biến thành hai, màu sắc lẫn hết. Ði trên đường thẳng mà tôi có cảm giác như bước xuống cầu thang, mỗi bậc cách nhau hàng bốn năm chục phân. Tôi cứ phải bước từng bước dài như lạc đà vậy.

Một lần, đang đi trên cầu, thế quái nào tôi bước hụt một cái, ngã lăn quay xuống dưới. Vì cứ tưởng những bậc cầu thấp hơn đến một mét. Cái kính bị văng đi làm tôi không nhìn thấy gì nữa. Cái gì cũng mờ mờ ảo ảo. Người ta đỡ tôi dậy:

- Cái kính của tôi đâu rồi? - Tôi hỏi.

Họ tìm thấy kính đưa cho tôi. Tôi đeo kính vào thì... Thánh Ala ơi!... Mọi vật bỗng trở nên sáng sủa rõ ràng quá ! Vật nào đúng vật nấy, rõ mồn một! Rõ như chưa bao giờ tôi có thể nhìn rõ vậy. Hay kính của người khác chăng? Không! Ðích thị kính của tôi đây mà! Ðúng gọng sừng to màu đen đây! Tôi sướng không sao tả được! Bây giờ thì đừng hòng tôi bước chân đến một anh bác sĩ mắt nào nhé! Tôi đã đọc được cả mấy dòng chữ nhỏ nhất trên báo và nhìn rõ cả tên chiếc tàu thủy đậu tít ngoài xa. Tôi đi về nhà, lòng vô cùng sung sướng.

- Kính của anh sao thế kia? - Vợ tôi hỏi.

- Làm sao?

Tôi bỏ kính ra xem. Ngón tay thò qua được cả lỗ gọng! Té ra mắt kính đã bị vỡ rơi mất rồi mà tôi không biết.

(Trích "Những người thích đùa")