Monday, May 30, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Như cánh chim bay

 Như cánh chim bay


Nếu bạn không mơ mộng và lên kế hoạch thực hiện giấc mơ, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được.

Bàn tay túa mồ hôi, ly nước lạnh đã làm dịu cơn khát nhưng không làm giảm được sự căng thẳng vốn có trong không khí ngày thi đấu hôm nay tại giải Olympic Trẻ Toàn Quốc. Sào đang ở mức 17feet, cao hơn thành tích tốt nhất của anh 3 inch. Michael Stone đang đương đầu với một ngày gian nan nhất trong sự nghiệp nhảy sào của mình. Nhưng đây cũng chính là ngày Michael Stone thực hiện giấc mơ mình tìm kiếm bấy lâu nay... 

Michael còn nhớ, ngày bé anh toàn mơ được bay. Mẹ Michael kể bao nhiêu là chuyện về bay lượn khi anh lớn dần. Những câu chuyện kể về một vùng đất được nhìn từ trên cao, đầy màu sắc và niềm đam mê. Nhưng cũng có một giấc mơ luôn lặp lại, Michael thấy mình đang chạy trên đường làng, cảm nhận được các viên đá dưới chân, chạy xuống dải lúa mì vàng óng, anh vượt lên chuyến xe lửa đang băng qua cánh đồng đầy gió. Hít một hơi thật sâu, Michael bay bổng lên khỏi mặt đất, tung cánh lên như chim đại bàng.

Cha anh, thì ngược lại, không phải là người mơ mộng. Bert Stone là người rất thực tế. Khẩu hiệu của ông là: Nếu mình mơ ước điều gì thì phải lao động để đạt được điều ấy! Và từ năm 14 tuổI, Michael đã nỗ lực luyện tập môn nhảy sào vì theo cậu đây là cách tốt nhất để thực hiện ước mơ bay.

Michael đang là một trong hai đấu thủ cuối cùng ở vòng chung kết cuộc thi nhảy sào tạI Olympic Trẻ Toàn Quốc. Anh vượt qua mức sào 17 feet 2 inch và 17 feet 4 inch, và giờ là lượt nhảy đợt cuối. Nếu thất bại, anh sẽ chỉ xếp thứ hai. Không có gì phải xấu hổ nhưng Michael không cho phép mình nghĩ đến việc không chiếm vị trí cao nhất.

Lăn một vòng rồi thực hiện động tác xuất phát, anh biết mình đang đi trên đường chạy quan trọng nhất trong cuộc đời. Lần này dường như đường chạy hơi khác. Anh thoáng giật mình và rồi có cảm giác như đang chạm vào đống cỏ khô ẩm ướt. Mức sào đã được nâng cao hơn 1inch. Chỉ 1 inch cao hơn kỷ lục quốc gia. Quá căng. Michael bắt đầu thấy hồi hộp, chính xác là sợ hãi. Và rồi từ đâu đó, từ sâu thẳm trong tâm hồn, anh mường tượng thấy mẹ trong giờ khắc này. Rất đơn giản. Ngày trước mẹ luôn dặn khi cảm thấy căng thẳng, lo lắng, hoặc khiếp sợ thì hãy hít thật sau vào. 

Anh đã làm như thế, vừa thả lỏng, vừa nhẹ nhàng gác sào lên chân mình, bắt đầu. Im lặng đến ngạt thở. Khi nghe tiếng hót xa xăm của những chú chim cổ đỏ bay lượn trên cao, anh biết đã đến lúc mình bay.

Lúc bắt đầu chạy nước rút, anh cảm thấy như mình trở về những gì rất quen thuộc. Mặt đất dưới chân giống con đường làng, những viên đá những mảng bụi và dải đồng lúa mì vàng óng. Anh hít một hơi thật sâu, và bắt đầu bay, bay lên mà không cần gắng sức, bay lên như anh đã từng mơ trong giấc mơ ngày bé. Chỉ có điều anh biết lần này không phải là mơ. Đây là thật. Michael bay vút lên dũng mãnh như một chú đại bàng.

Anh biết cha mẹ cũng đang mỉm cười, có khi phá ra cười. Anh đâu biết rằng cha anh đang ôm chầm lấy mẹ anh mà khóc. Phải. Cái ông Bert Stone vẫn bảo: “Nếu mình mơ ước điều gì thì phải lao động để đạt được điều ấy!” đang khóc rinh rích với những giọt nước mắt tuyệt vời: những giọt nước mắt tự hào. Michael vượt qua mức 17 feet 6.5 inch - đạt kỷ lục Olympic Trẻ quốc gia và thế giới.

Giờ đây, không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới đều biết tới anh, cảm phục anh và nhiều người xem anh là thần tượng, là tấm gương để noi theo.Tại sao vậy?

Chắc chắn không phải vì anh là người vừa lập kỷ lục thế giới, cũng không phải anh là người tăng mức sào lên 9.5inch. Đơn giản lắm, anh là một người mù.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Dùng tượng Phật như nhiên liệu đốt nóng


Trong triều đại nhà Đường, Pháp Sư Dan Xia đã từng là thí sinh thi vào các cơ quan chính phủ và sau đó trở thành làm tu sĩ.

Vào một đêm đông gía lạnh, có bão tuyết lớn thổi vào thành phố và ngôi chùa nơi Sư Dan Xia tu tập . Giao thông bên ngoài bị tắt nghẽn, người bán than không thể đem than đến trường thiền được. Nhiên liệu dùng để đốt nóng nhanh chóng hêt́ sau vài ngày và mọi người lạnh run lẩy bẩy. Các sư không thể làm gì ngay cả nấu bữa ăn cho ho.

Sư Dan Xia bắt đầu di chuyển tượng phật bằng gỗ từ nơi trưng bày và đặt vào lò sưởi.

“Ng̀ai đang làm gì vậy?” các sư đã xửng xốt khi thấy tượng Phật được tôn sùng bị đưa vào lò sưởi để đốt. “Ngài đốt tượng Phật thiêng liêng của chúng ta, ngài sỉ nhục đức Phật”

“Có phải những bức tượng này còn sống không, đức Phật còn sống không” Ngài Dan Xia hỏi.

“Dĩ nhiên không,” các sư trả lời. “Tượng Phật được làm bằng gỗ. Không thể là́ đức Phật sống được”

"Đúng. chỉ là những bức tượng gỗ và có thể dùng làm nhiên liệu đốt” Ngài Dan Xia nói. “ các sư có thể đưa cho tôi miếng gỗ được không? Tôi cần được ấm.”

Ngày kế tiếp, bão tuyết đi qua, Ngaì Dan Xia vào thành phố và mang về vài tượng Phật để thay thế. Sau khi an vị ngài qùy xuống và thắp nén nhang.

“Ngài cũng tin vào những khúc củi này sao?” các sư cãm thấy bối rối với việc làm của ngài đang làm.

“ Không, Tôi coi những bức tượng này như những vật thiêng liêng và tôi tự hào về đức Phật” Ngài Dan Xia trả lời 

Cổ Học Tinh Hoa - Trước khi đánh người phải biết giũ mình

 TRƯỚC KHI ĐÁNH NGƯỜI PHẢI BIẾT GIỮ MÌNH


Vua Công nước Tấn đem quân sang đánh nước Vệ. Giữa đường gặp một ông lão đang bừa ruộng, cứ ngẩng mặt lên trời cười khanh khách mãi. Văn Công cho đòi lại, hỏi: “Ngươi cười gì thế?”

Ông lão trả lời: “Tôi cười người láng giềng nhà tôi. Anh ta đưa vợ đi chơi nhà bà con. Giữa đường gặp người con gái hái dâu, anh ta thích quá lén vợ rẽ xuống ruộng dâu, nói chuyện với người con gái. Một chốc ngoảnh lên xem vợ đi đến đâu, thì thấy một chàng đang vẫy vợ anh ta đi. Ấy câu chuyện chỉ có thế, tôi nghĩ mà không nhịn cười được”.

Văn Công nghe nói tự nhiên tỉnh ngộ, kéo quân về, về chưa đến nơi thì đã thấy báo có giặc ở ngoài vào xâm phạm trên mạn bắc trong nước.

Liệt Tử

GIẢI NGHĨA

Văn Công: vua giỏi nước chư hầu thời Xuân Thu, đứng vào bậc ngũ bá.

Vệ: Tên một nước thời Xuân Thu ở vào vùng tỉnh Trực Lệ và Hà Nam bây giờ.

Truyện cười trong ngày

 Mới sinh ra đã giống đô đốc

Con gái một vị đô đốc hải quân sinh con trai. Bận tập trận, ông này sai viên cận vệ về thăm cháu ngoại. Trở ra hạm đội, anh ta báo cáo với sếp:

– Thưa ngài, cậu bé giống hệt ngài ạ!

– Tả vài nét chính xem sao?

– Dạ… hói… tròn ủm… chả biết gì hết nhưng gào thét rất to…

Sunday, May 29, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Mùa nước nổi

                                                                  Mùa Nước Nổi


Chung Mốc

Ở đồng bằng sông Cửu Long hàng năm cứ vào khoảng tháng bảy thì nông dân đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu. Dù giàu hay nghèo cũng thấy lòng thư thái vì ít nhiều gì trong bồ cũng còn một số lúa để dự trữ. Già trẻ lớn bé ai cũng đều vui mừng bước sang một mùa mới: Đón bắt cá tôm mà thiên nhiên qua giòng Tiền Giang và Hậu Giang mang lại cho dân chúng vào mỗi Mùa Nước Nổi.

Lúc này vùng thượng nguồn như Tân Châu (Châu Đốc), Mộc Hoá (Long An) giòng nước đã cuồn cuộn đỏ ối phù sa đổ vào các kênh rạch, tràn lên cánh đồng, đem lại màu mỡ mà không một thứ phân hoá học nào có thể thay thế được.

Bao đời nay dân vùng này như đã theo một qui luật tự nhiên, cứ hết nắng lại mưa, tuy cuộc sống có đôi khi cực khổ đấy, nhưng họ vẫn cố xoay trở để có một cuộc sống khá thảnh thơi với mênh mang sông nước, thong dong như những dề lục bình bông tím lênh đênh trên giòng sông cái; thơ mộng như cánh đồng vàng bông điên điển. Và tung tăng đó đây, hàng đàn thuỷ sản các loại bơi lội trên đồng trắng nước, dân chúng tha hồ đánh bắt mà chẳng mất công nuôi giữ bao giờ.

Nhưng có năm trời cũng phụ lòng người, nước lũ lên cao mau quá, cuốn phăng nhà cửa tài sản ruộng vườn mà lôi ra biển.

Cảm thương nỗi cơ cực của người dân, chính phủ và các nhà nghiên cứu khoa học đã có nhiều cuộc hội thảo để tìm ra những kế hoạch, những biện pháp tốt nhất. Nhưng than ôi, từ lý thuyết đem ra thực hành mới thấy nhiều thiếu sót:

-Xẻ nhiều cửa sông, nhiều kênh đào cho lũ thoát mau ra biển thì đến mùa nắng hạn nước mặn lại xâm nhập nhiều và sâu vào ruộng đồng, làm cho hoa màu, đất đai nhiễm mặn nên thiệt hại rất lớn.

-Đắp đê bao vùng thì lại ngăn giòng phù sa không rửa phèn được, không làm cho đất phì nhiêu, thì chi phí chăm bón càng tăng cao.

-Những "Cụm Dân Vượt Lũ" được xây dựng khá khang trang, lại không gần sông để có thể đậu ghe xuồng, mà đây không những chỉ là dùng để di chuyển, mà lại còn là phương tiện rất cần thiết để làm việc nuôi sống cả gia đình.

Rốt cuộc bao nhiêu tiền bạc và công sức đã đổ ra cho những chương trình có tính chiến lược đó, nhưng chỉ ít năm sau thì người dân lại xoay lưng, lại hững hờ và muốn trở về với tự nhiên như ngày xưa: Nước lên thì thuyền lên.

Những nhà văn viết chuyện miền Nam như Bình Nguyên Lộc hoặc Sơn Nam chắc là buồn lắm, vì chuyện, cảnh trí, con người … của các ông rồi đây chỉ còn trong ký ức, do môi trường đã bị đổi thay.

Môi trường bị chúng ta thay đổi mà sự kiểm soát đã ra ngoài tầm tay. Ý thức bảo vệ môi sinh trong đa số dân chúng còn rất hạn chế. Thuốc diệt sâu rầy và phân bón hoá học đều có tác hại lâu dài.

Chúng ta thử bắt một con đỉa hay con ốc sên bỏ vô thúng phân urê mà coi, chỉ trong giây lát là chúng đã hoàn toàn chảy ra thành nước và không còn để lại dấu tích.

Các loại thuốc xịt trên lúa và cây trái có gốc Methyl và Parathion thì chỉ cần 1cc pha loãng rồi phun lên một ngàn mét vuông ruộng ngập nước, thì tất cả cá lớn cá bé, tôm tép gì cũng nhảy dựng lên rồi chết hết.

Còn một loại thuốc cực độc nữa có tên là Thiodan, dù đã bị cấm rất gắt gao mà người ta vẫn lén nhập cảng và lén dùng để diệt ốc bươu vàng.

Tôi muốn nói tới thảm hoạ ốc bươu vàng này.

Khởi đầu nghe rằng nó được du nhập từ Đài Loan hay Trung Quốc, với lời hứa hẹn rất nhiệt tình là sẽ mua hết để xuất khẩu với giá rất cao. Chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được đầu tư, khu nuôi ốc có hàng rào kín bưng còn hơn khu quân sự, thường dân đừng hòng mon men tới gần vì họ sợ giống quí bị ăn cắp ra ngoài. Khách của nông trường có quí lắm thì mới được ăn thử, món nướng thì ăn cả vỏ vì nghe nói ngon và bổ dưỡng lắm. Thịt nó dai và không có nhớt như loài ốc bươu, ốc lác.

Có lẽ nó chỉ là thứ ăn chơi, nên mấy ông chủ bụng bự kia sau khi chào hàng, "xúi trẻ căn cứt gà" rồi biến luôn. Trơ lại mấy ngài cán bộ dốt nát, đã làm tiêu hao công quĩ, lỗ chổng vó lên nên lo chuồn hòng chạy tội, bèn mở rào cho ốc xổ lồng.

Từ đó loài ốc tai ương cứ ngược giòng nước lan tràn như bệnh dịch, chúng đi đến đâu thì lúa và hoa màu tàn hại đến đó.

Các loài ốc khác thường ăn rong rêu bùn đất, nhưng ốc bươu vàng lại ăn tạp, không chê thứ gì.

Cánh đồng lúa từ lúc xạ giống cho tới 20 ngày, nếu không canh chừng cẩn thận thì nó ùa vào cắn ngang gốc và sẽ mất trắng luôn.

Người ta bắt nó cũng nhiều, lớp ăn, lớp đập ra nuôi cá nuôi vịt, nhưng chẳng thấm vào đâu với sức sinh sản khủng khiếp của nó. Mỗi ổ trứng nở hàng trăm con, lại đẻ quanh năm. Vừa mới đẻ xong là nó lại quan hệ nam nữ ngay tuýt xuỵt, không hề kiêng khem chi cả.

Đúng là đồ quỷ sứ!

Vỏ nó lại mỏng nên rất dễ vỡ, chỉ cần đạp nhằm lên nó là những mảnh sắc như dao lam sẽ cứa vào lòng bàn chân những vết ngọt ngào toé máu.

Vì bắt không xuể nên dân chúng phải dùng thuốc. Hiện nay không biết là vì xài nhằm thuốc dổm hay tại ốc đã lờn thuốc, nên lượng thuốc phải dùng cho mỗi héc ta là 24 chai x 50 ngàn.

Ở nước ta có hàng bao nhiêu triệu hécta lúa thì con số thiệt hại lên cao biết chừng nào.

Một tai hại khác là vì dùng thuốc diệt ốc mà các ngư hải sản khác bị tận diệt từ con bé tới con lớn.

Dân vùng quê đã nghèo mà gặp đận này đành treo nồi treo niêu.

Nếu đây là một âm mưu xấu từ ngoại bang nào đó thì đúng là một mũi tên mà giết mấy con chim. Do yếu kém nhận thức mà ta lãnh một đòn kinh tế quá nặng, di hại không biết đến bao giờ mới dứt ra được.

Đã thê thảm như vậy, chỉ còn ít tôm cá sót lại nhưng nhiều người u tối lại dùng cách đánh bắt huỷ diệt: Nơi thì xài thuốc nổ, con nào nổi lên thì vớt, con nào chìm bỏ luôn nào có tiếc gì; chỗ khác lại phát minh ra cái "xuyệt điện" biến điện một chiều DC thành điện hai chiều AC rồi dí xuống nước. Con người ta cũng còn chịu không nổi, huống hồ gì tôm cá cua rùa rắn ếch?

Còn đâu câu hát trên sông:

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về

Hoặc:

Muốn ăn bông súng mắm kho

Thì về Sa Đéc tha hồ mà ăn

Thực ra đặc sản vẫn có trong các nhà hàng cao cấp hay trong các quán nhậu bia rượu tuôn như suối đấy chứ, nhưng dân nghèo có còn được ăn đâu, vì bắt được con nào họ cũng phải bán đi để mua gạo cho gia đình rồi.

Hỡi những người có hằng tâm với quốc gia dân tộc, những người trí thức tài cao, các vị hãy hợp nhau lại, làm sao cho dân quê chúng tôi thoát khỏi nạn ốc bươu vàng.

Chung Mốc

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Lời dạy quan trọng nhất

Một vị Thiền Sư nổi tiếng nói rằng lời dạy cao qúi nhất của ông ta là: Phật là tâm của bạn. Ý tưởng này đã tạo ấn tượng thật là sâu sắc, đến nỗi một vị sư đã quyết định rời tu viện và sống ẩn dật tại vùng hoang vu để tu tập thiền định theo sự nhận xét này. Sư đã trải qua 20 năm như là nhà tu khổ hạnh nhằm phát hiện sự thật lời dạy cao qúi này.
Một ngày nọ Sư gặp một vị hành giả đang đi xuyên qua khu rừng. Nhanh chóng vị Sư khổ hạnh nhận ra vị Sư này cũng đã từng học chung dưới chân vị Thiền Sư. "Làm ơn, nói cho đệ biết sư huynh biết gì về lời dạy cao cả của Sư Phụ." Mắt của vị hành giả sáng lên, "Ah, Sư Phụ đã rất rõ ràng về điều này. Sư Phụ nói rằng lời dạy cao qúi của Ngài là: Phật không phải là tâm bạn.

Cổ Học Tinh Hoa - Người nước Lỗ sang nước Việt

 NGƯỜI NƯỚC LỖ SANG NƯỚC VIỆT

Hai vợ chồng người nước Lỗ, chồng khéo đóng giày, vợ khéo đan mũ, muốn đem nhau sang kiếm ăn ở nước Việt.
Có người đến bảo rằng: “Vợ chồng nhà bác đi chuyến này thế nào cũng cùng khổ.

Người nước Lỗ hỏi: Sao bác lại nói thế?

Người kia bảo: Giày dùng để đi, mà người Việt đi chân không, không thích đi giày; mũ dùng để đội, mà người Việt để đầu không, không cần đội mũ. Vợ chồng nhà bác làm giày, đan mũ giỏi thật, song đến ở nước người ta, người ta không dùng đến tài nghề của mình, thì làm thế naò mà không khốn cùng?”

Hai vợ chồng người nước Lỗ nghe nói, không sang nước Việt nữa.

Hàn Phi Tử
GIẢI NGHĨA
Việt: tên nước thời Xuân Thu ở vào tỉnh Chiết Giang, Giang Tô và một phần Sơn Đông bây giờ.
LỜI BÀN
Đến chỗ đi đầu không, mà bán mũ, đến chỗ đi chân không mà bán giày thì cũng giống như mùa rét mà bán quạt, mùa nực mà bán chăn bông, tuy trái nơi và trái thời khác nhau, nhưng cũng là trái, không được việc cho mình mà lại còn để tiếng cười cho thiên hạ nữa. Cho nên người có tài phải tìm nơi đáng ở mà ở chớ đem đàn mà gảy tai trâu thì có ích chi.

Truyện cười trong ngày

 Thoát chết nhờ làm thợ sơn


Một bác sĩ mới ra trường nói với vợ bệnh nhân:

- Bà gọi cho tôi muộn quá, rất tiếc là ông nhà đang hấp hối. Bà xem, hai bàn tay ông đã xám lại.

- Nhưng thưa bác sĩ, chồng tôi là thợ sơn, lúc nào tay ông ta cũng như vậy!

- Bác sĩ trẻ thở phào: Ra thế, may quá! Nếu ông nhà không làm nghề thợ sơn thì chắc đã chết rồi!

Saturday, May 28, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Giúp đỡ

 Giúp đỡ


Năm 18 tuổi, tôi sang Anh học Đại học. Và vẫn học đối mặt với nỗi đau quen thuộc, nỗi đau của một đứa trẻ mồ côi.

Một hôm, khi đang đi chợ, tôi thấy một cụ già đang loay hoay với một cây gậy và một túi táo với những quả táo đang thi nhau rơi khỏi túi. Tôi chạy đến đỡ lấy túi táo và nhặt từng quả vào túi cho ông.

- Cảm ơn cô bé. Ông ổn rồi! – Ông mỉm cười với tôi, đôi mắt sáng hiền từ.

- Cháu đi cùng ông nhé? – Tôi nói – Cháu sợ táo sẽ rơi nữa đấy!

Tình bạn của tôi với ông Burns, người có nụ cười ấm áp như cha của tôi bắt đầu như vậy.

Tôi xách túi táo, ông Burns tì cây gậy, lê từng bước khó nhọc. Đến nơi, tôi đặt túi táo lên bàn và đi pha trà, tôi hỏi ông liệu thỉnh thoảng tôi có thể đến thăm ông không.

Ngay hôm sau, tôi lại đến, lại giúp ông pha trà. Tôi kể cho ông nghe tôi là một đứa trẻ mồ côi, sống với họ hàng và giờ đây đi du học để tự lập. Ông chỉ cho tôi hai bức ảnh đặt trên bàn. Đó là bác gái Mary và cô con gái Alice của ông, hai người cùng mất trong một tai nạn cách đây sáu năm...

Tôi tới thăm ông Burns hai lần mỗi tuần, đúng giờ và đúng ngày. Khi đến, tôi thường thấy ông ngồi trên chiếc ghế to với cây gậy bên cạnh. Thấy tôi, ông cụ luôn vui mừng. Dù tôi tự nhủ rằng tôi đã đem lại niềm vui cho một ông già cô đơn, nhưng kì thực, tôi mới chính là người hạnh phúc nhất khi bước chân lên bậc cửa căn nhà này. Đơn giản là tôi được chia sẻ và có người lắng nghe những lời tâm sự của tôi.

Sau hai tháng, tôi đến thăm ông Burns vào một ngày khác với lệ thường. Tôi cũng không gọi điện thông báo trước vì nghĩ rằng mình sẽ gây một bất ngờ đặc biệt.
Và tôi thấy ông đang làm vườn, đang đi lại, đang cúi xuống, ngẩng lên, một cách dễ dàng không cần gậy! Liệu đó có phải là ông Burns mọi khi, lúc nào cũng tựa hẳn mình vào cây gậy? Ông Burns bỗng ngẩng lên và nhìn thấy tôi. Thấy rõ sự băn khoăn lẫn ngạc nhiên của tôi, ông vẫy tôi lại gần.

- Nào, cháu yêu quý, hôm nay để ông pha trà cho cháu... – Ông Burns dẫn tôi vào nhà.

- Cháu đã nghĩ... – Tôi bắt đầu

- Ông biết cháu nghĩ gì, cháu yêu quý. Lần đầu tiên cháu gặp ông ở chợ, ừ hôm đó đầu gối ông bị đau. Va phải cánh cửa ấy mà...

- Nhưng... ông lại đi lại bình thường... từ lúc nào?

- Ngay hôm sau –Ông cụ hấp háy mắt.

- Nhưng tại sao...? – Tôi lúng túng.

- Lần thứ hai cháu đến đây, cháu yêu quý ạ, đó là khi ông nhận thấy cháu mới buồn và cô đơn có thể tựa vào vai ông. Nhưng ông e rằng cháu sẽ không đến nữa nếu biết ông khỏe mạnh.

- Còn cái gậy thì sao ạ?

- À, cái gậy tốt! Ông hay dùng nó để chặn cửa hàng rào.

Ông Burns đã biến mình trở thành một người cần được giúp đỡ để giúp đỡ tôi như thế đấy. Đó là một cách tuyệt vời để một cô bé non nớt và nhạy cảm như tôi thấy mình thật mạnh mẽ.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Đúng không ai nhớ


Vị Sư già viết lên giấy 4 phép tính:
2+2=4;4+4=8;8+8=16;
9+9=19
Ngay lập tức, các đệ tử nhao nhao lên:
"Thầy ơi, thầy tính sai một phép tính rồi."
Vị Sư già ngẩng đầu lên, chậm rãi nói: "Đúng thế, mọi người đều nhìn thấy rất rõ, phép tính này ta đã tính sai rồi. Nhưng 3 phép tính trước tính đúng, tại sao không có một ai khen ta mà chỉ nhìn thấy và lập tức chỉ ra phép tính sai của ta?"
Đạo lý 100 - 1 = 0
Làm người cũng vậy, khi bạn đối xử tử tế với người khác 10 lần, họ có thể cũng chẳng nhớ, nhưng chỉ 1 lần bạn làm họ phật ý, họ sẽ nhớ rất lâu và có thể phủ nhận hoàn toàn những điều tốt đẹp mà bạn dành cho họ. Đó chính là đạo lý 100 – 1 = 0.
Người xưa có câu: Cho một bát gạo thành ân nhân, cho một bao gạo thành kẻ thù. Có những người đã quen với việc được cho mà dễ dàng quên ơn huệ.
Không phải ai ai cũng hiểu được hai chữ "độ lượng"!
Cho dù bạn sở hữu cả chục cái tốt cái hay nhưng chỉ cần có một cái không tốt, nó sẽ là cái cớ để xóa sạch sẽ mọi cố gắng nỗ lực của bạn. Cho dù bạn dốc hết tâm huyết ra vì người khác, nhưng chỉ một việc không đúng, bạn sẽ trở thành tội đồ trong mắt họ.
Trong cuộc sống này có một số người, bạn giúp họ cả trăm lần họ không có được một lời cảm ơn. Nhưng chỉ một lần không giúp, họ quay ra hận bạn. Bao nhiêu cố gắng nỗ lực bỏ ra vì người khác, thứ bạn nhận lại được không phải là sự chân thành mà chỉ là nỗi cay đắng.
- Nhưng thôi, thói đời là thế, những ai chấp nhận được thói đời người đó sẽ giàu có thêm lòng độ lượng và thanh thản. Chê bai, oán trách đời thì mọi thứ vẫn không khác đi mà không gian tâm thức mình ngày càng thu hẹp lại?
Nửa đời người khi tỏ ngộ
Phân trần sai, đúng mà chi!
Thế gian mọi điều tương đối
Tình ta độ lượng nhu mì ..
(Như Nhiên -TTT)

Cổ Học Tinh Hoa - Tài nghệ con lừa

 TÀI NGHỆ CON LỪA

Đất Kiểm xưa nay vốn không có lừa. Có người hiếu sự, tải một ít lừa đến đấy nuôi. Lừa thả ở dưới chân núi. Buổi đầu, hổ trong núi ra, trông thấy lừa, cao lớn, lực lưỡng tưởng là loài thần vật mới giáng sinh. Lại thấy lừa kêu to, hổ sợ quá, cong đuôi chạy. Dần dần về sau hổ nghe quen tiếng, thấy lúc nào lừa kêu cũng thế lấy làm khinh thường. Một hôm, hổ thử vờn, nhảy xông vào đầu lừa. Lừa giận quá, giơ chân đá, đá đi đá lại quanh quẩn chỉ có một ngón đá mà thôi. Hổ thấy vậy, mừng bụng bảo dạ rằng: “Tài nghệ con lừa ra chỉ có thế mà thôi!” Rồi hổ gầm thét chồm lên, vồ lừa, cấu lừa, cắn lừa, ăn thịt lừa đoạn rồi đi.
Liễu Tôn Nguyên
GIẢI NGHĨA
Kiểm: nước Sở thời Chiến Quốc, tức là huyện Nguyên Lăng, tỉnh Hồ Nam ngày nay.
Hiếu sự : hay bày việc, sinh việc.
Liễu Tôn Nguyên: tên tự là Tử Hậu, tinh anh tuyệt vời, văn chương nổi tiếng, đỗ Tiến sĩ làm quan Thứ Sử, là một bậc danh nhân đời nhà Đường. 
LỜI BÀN
Bài này có ý nói: Ở đời có lắm người, lắm sự, lúc mới biết cho là lạ, thì còn ưa, còn sợ, đến lúc đã biết rõ rồi thì lại khinh thường, chẳng coi vào đâu nữa. Nhác trông ngỡ tượng tô vàng, nhìn ra mới biết là chẫu chàng ngày mưa. Nhưng bài này lại có ý chê người khờ dại không biết giữ thân cho kín đáo, để đến nổi người ta dòm được tâm thuật của mình mà làm hại mình, như con lừa bị con hổ hại vậy. Những nhà làm văn bây giờ vẫn thường hay dùng hai chữ “kiềm lô” (lừa đất Kiểm) để chỉ những người tài nghề kém cỏi, không có gì lạ.

Truyện cười trong ngày

 Sai giống nhau


Thầy giáo nói với một bà mẹ học sinh :
- Thưa bà, tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo cho biết là con trai bà đã nhìn vào vở của bạn khi tôi ra bài làm trên lớp, con bà đã chép bài của bạn.
- Dạ, thầy nói gì tôi chưa hiểu.
- Vì cả hai đứa mắc những lỗi giống nhau.
- Thưa thầy, có thể là đứa bạn kia đã chép bài của con trai tôi…
- Thưa bà, đáng tiếc không phải như vậy. Tôi đã ra câu hỏi: “Các em có biết vị trí của quần đảo Acores không ?, đứa bạn của con bà đã ghi: “Em không biết” và con trai bà ghi :”Em cũng thế!”

Friday, May 27, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ

 Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ


Có một cậu bé sống cùng với cha của mình, một người làm nghề huấn luyện ngựa. Do công việc, người cha phải sống như một kẻ du mục. Ông đi từ trang trại này đến trang trại khác để huấn luyện các chú ngựa chưa được thuần hóa. Kết quả là việc học hành của cậu bé không được ổn định lắm. Một hôm, thầy giáo bảo cậu bé về viết một bài luận văn với đề tài "Lớn lên em muốn làm nghề gì?".
Đêm đó, cậu bé đã viết bảy trang giấy mô tả khát vọng ngày nào đó sẽ làm chủ một trang trại nuôi ngựa. Em diễn đạt ước mơ của mình thật chi tiết. Thậm chí em còn vẽ cả sơ đồ trại nuôi ngựa tương lai với diện tích khoảng 200 mẫu, trong đó em chỉ rõ chỗ nào xây nhà, chỗ nào đặt làm đường chạy cho ngựa.
Viết xong, cậu bé đem bài nộp thầy giáo.
Vài ngày sau, cậu bé nhận lại bài làm của mình với một điểm 1 to tướng và một dòng bút phê đỏ chói của thầy "Đến gặp tôi sau giờ học".
Thế là cuối giờ cậu bé đến gặp thầy và hỏi:
- Thưa thầy, tại sao em lại bị điểm 1?
- Em đã hoạch định một việc mà em không thể làm được. Ước mơ của em không có cơ sở thực tế. Em không có tiền thân lại xuất thân từ một gia đình không có chỗ ở ổn định. Nói chung, em không được một nguồn lực khả dĩ nào để thực hiện những dự tính của mình. Em có biết để làm chủ một trại nuôi ngựa thì cần phải có rất nhiều tiền không? Bây giờ tôi cho em về làm lại bài văn. Nếu em sửa chữa cho nó thực tế hơn thì tôi sẽ cứu xét đến điểm số của em. Rõ chưa?
Hôm đó, cậu bé về nhà và nghĩ ngợi mãi. Cuối cùng cậu gặp cha để hỏi ý kiến.
- Con yêu, chính con phải quyết định vì ba nghĩ đây là ước mơ của con.
Nghe cha đáp, cậu bé liền nhoẻn miệng cười và sau đó đến gặp thầy giáo của mình:
- Thưa thầy, thầy có thể giữ điểm 1 của thầy, còn em xin được giữ ước mơ của mình.

Nhiều năm trôi qua, vị thầy giáo đó đã tình cờ dẫn 30 học trò của mình đến một trang trại rộng 200 mẫu để cắm trại. Thật tình cờ, hai thầy trò đã gặp nhau. Cầm tay, thầy nói:
- Này, khi anh còn học với tôi, tôi đã đánh cắp ước mơ của anh, và suốt bao nhiêu năm qua tôi cũng đã làm thế với bao đứa trẻ khác, tôi rất ân hận về điều đó.
Nghe thầy nói thế, cậu bé nay đã là ông chủ vội đáp:
- Không, thưa thầy, thầy không có lỗi gì cả, chẳng qua thầy chỉ muốn những gì tốt đẹp sẽ đến với học trò của mình mà thôi. Còn em chỉ muốn theo đuổi tới cùng những khát vọng của đời mình.

Tri Kiến Giác Ngộ - Tri Kiến Trong Đời Sống

 - Phép Lạ Chân Thật

Khi Bankei đang giảng dạy ở đền Ruymon, một tu sĩ Shinshu, tin vào sự cứu độ qua sự niệm

danh hiệu của đức Phật Adi đà, ghen tị với số cử tọa to lớn của Bankei nên muốn tranh luận với

Bankei.

Bankei đang giữa cuộc nói chuyện, vị tu sĩ Shinshu xuất hiện và làm ồn quá nên Bankei dừng lại

hỏi lý do của việc ồn ào.

Tu sĩ Shinshu huênh hoang:

_ “Người sáng lập ra môn phái chúng tôi có nhiều năng lực huyền diệu, ngài cầm một cây viết

trong tay đứng bên này bờ sông, một đệ tử của ngài giơ cao một tấm giấy đứng bên bờ sông bên

kia, ngài viết thánh danh của đức A di đà qua không khí. Ông có thể làm một việc kỳ diệu như

thế không?”

Bankei đáp nhẹ nhàng:

_ “ Có lẽ con cáo của anh đang làm một trò xảo thuật nhưng đó không phải là thể cách của

Thiền. Phép lạ của ta là khi nào ta thấy đói ta ăn, và khi nào ta thấy khác ta uống.”

Cổ Học Tinh Hoa - Tham lợi trước mắt, quên hại sau lưng

 THAM LỢI TRƯỚC MẮT, QUÊN HẠI SAU LƯNG


Vua nước Ngô muốn đem quân đi đánh nước Kinh. Đã nhiều người ngăn cản, vua nhất định không nghe. Sau lại hạ lệnh rằng: “Ai can ta đánh nước Kinh thì phải xử tử.”

Có một viên quan trẻ tuổi muốn can ngăn nhà vua mà không giám nói, luôn ba ngày, cứ sáng sớm cầm cung tên đến đứng vườn sau nhà vua, sương xuống ướt đầm cả áo.

Hôm thứ ba, vua gặp mới hỏi rằng: “Ngươi đến đây làm gì mà để sương xuống ướt đầm cả áo như thế?”

Viên quan thưa rằng: “Trong vườn có một cây cổ thụ. Chót vót trên ngọn cây có con ve sầu hút gió uống sương, rả rích kêu cả ngày, tưởng đã được yên thân lắm. Biết đâu đằng sau có con bọ ngựa, đang giơ hai càng chực bắt. Chính con bọ ngựa muốn bắt con ve sầu lại biết đâu đằng sau có con chim sẻ nghển cổ chực mổ. Chính con chim sẻ muốn bắt con bọ ngựa lại biết đâu dưới gốc cây có tôi cầm cung tên chực bắn. Chính tôi đây muốn bắn con chim sẻ mà không biết sương xuống ướt cả áo…Như thế đều là chỉ vì cái lợi trước mắt mà quên hẳn cái hại ngay say lưng vậy”.

Vua nghe nói tỉnh ngộ bèn thôi không đánh nước Yên nữa.

Thanh Lê Tử
GIẢI NGHĨA

Ngô: Tên nước thời Xuân Thu bây giờ vào địa phận phía Nam sông Hoài, sông Tử cho đến tỉnh Triết Gian bây giờ.

Thanh Lê Tử: tức là Lưu Hướng, người nhà Hán làm quan Gián Nghị đại phu, giỏi về văn chương lại kiêm cả kinh thuật và thiên văn.

Truyện cười trong ngày

 Khác nhau

Viên sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn dự bị nổi giận trước đám lính của mình:

– Tôi không thể hiểu nổi tại sao những người được huấn luyện tốt như các anh, mạnh khoẻ như các anh, thi bắn bia ai cũng được 10 điểm…, vậy mà khi ra trận chỉ rúc mặt trong công sự và nã đạn lên giời. Các anh hãy giải thích cho tôi xem nào?

– Chỉ một lý do thôi, thưa ngài.

– Lý do gì?

– Những cái bia thì không biết bắn trả.

Thursday, May 26, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Đừng Dễ Dàng Bị Ảnh Hưởng Bởi Đánh Giá Của Người Khác

 Đừng Dễ Dàng Bị Ảnh Hưởng Bởi Đánh Giá Của Người Khác


Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, ông là một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng đều khen ngợi.

Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông truyền cho học trò những phương pháp đánh giá, ước định của ông, và chúng cũng độc đáo như những tác phẩm của ông vậy.

Ông không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò.

Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo, nên anh tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn.

Một ngày kia, ông gọi Rajeev đến và bảo:

– Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai nhìn cũng phải khen ngợi.

Thế là anh làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu.

Thầy Ranga xem qua rồi bảo:

– Con hãy đem bức tranh này đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là "Tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và hãy đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó".

Anh làm theo lời thầy, đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất.

Sau hai ngày, thầy Ranga đề nghị anh lấy bức tranh về. Anh rất thất vọng khi bức tranh của mình bị đánh đầy dấu X. Nhưng thầy Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên anh đừng thất vọng, cố gắng thêm lần nữa.

Anh lại vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo anh phải thay đổi lời nhắn dưới bức tranh. Thầy Ranga nói anh phải để màu vẽ và bút ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm ra những chỗ sai trong bức tranh và tự sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.

Hai ngày sau, khi lấy tranh về, anh rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết. Anh tự tin đem đến chỗ thầy Ranga. 

Thầy Ranga nói:

 - Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng. Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm hay đánh giá một cách nghiêm túc. Mọi người đã đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì về bức tranh đó. Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất đó thì không ai dám làm gì nữa, vì họ có biết gì đâu mà sửa. Nên họ quyết định tránh đi là hơn.

Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự mình đánh giá chính mình con nhé.
(Sưu tầm)

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Khi gặp nạn khéo sống với tai nạn,


Khi chết khéo sống với cái chết.

(Lương Khoan)

Vào ngày mồng 6 tháng giêng năm thứ 2 niên hiệu Thiên Bảo, Đại Ngu Lương Khoang ( Daigu Ryokan, 1758 - 1931 ) qua đời ở độ tuổi 74 giữa sự chứng kiến của người em là Do Chi và có xảy ra trận động đất lớn ở địa phương Tam Điều, Việt Hậu. Lương Khoan có viết lá thư gởi cho Sơn Điền Đỗ Cao ( yamada Toko ). Quả đúng như lời của ông trong thư, ông chết như ngủ vậy. Nguyên nhân chết là do bệnh kiết lỵ. Khi chết không có gì hơn cái chết. Ấy chính là phép hay để thoát khỏi tai nạn. Với tâm địa như vậy, Lương Khoan đã hát rằng:

" Thấy bóng mùa xuân hoa tản mạn, thu về hồng điệp lác đác rơi."

Chính bài di kệ nầy có ảnh hưởng không nhỏ từ bài kệ của vị tông tổ của Tào Động Tông ( Sõtõshũ) là Đạo Nguyên (Dõgen):

"Xuân về hoa hạ phơi bày, thu mang trăng khuyết rụng đầy giá băng"

Cổ Học Tinh Hoa - Không nên sát phạt lẫn nhau

 KHÔNG NÊN SÁT PHẠT LẪN NHAU


Văn Quân đất Lỗ Dương sắp đem quân sang đánh nước Trịnh. Mặc Tử nghe thấy đến can nói rằng:

Ví như bây giờ trong đất Lỗ Dương này, tỉnh lớn đánh tỉnh nhỏ, nhà lớn đánh nhà nhỏ giết người lấy của lẫn nhau thì nhà vua nghĩ như thế nào?

Văn Quân nói:
Bao nhiêu người ở Lỗ Dương đều là tôi con của ta cả. Vì tỉnh lớn đánh tỉnh nhỏ, nhà lớn đánh nhà nhỏ, để cướp lẫn nhau thì ta tất đem trị tội thật nặng.

Mặc Tử nói:
Bao nhiêu người trong thiên hạ đều là tôi con của trời cũng như bao nhiêu người trong đất Lỗ Dương là tôi con của nhà vua, nay nhà vua đem quân đánh Trịnh thì há tránh khỏi được vạ trời hay sao!

Văn Quân nói:
Sao tiên sinh lại ngăn ta đánh Trịnh. Ta muốn đánh Trịnh là thuận cái chí của trời. Vua nước Trịnh ba đời giết cha, trời đã ra tai, làm mất mùa ba năm. Nay ta phải giúp trời mà giết Trịnh.

Mặc Tử nói:
Vua nước Trịnh ba đời giết cha, trời đã ra tai, làm mất mùa ba năm, trời phạt như thế cũng là đủ. Nay nhà vua lại còn đem quân đánh Trịnh mà nói rằng :”Ta đánh Trịnh là thuận ý trời” thì là nghĩa thế nào? Vì như ngay đây có một đứa con ngang ngạnh, cha nó đã cầm roi đánh nó, người cha bên láng giềng lại còn vác gậy ra đánh hôi, bảo rằng:”Ta đánh nó là thuận cái chí của cha nó”. Nói như thế có nghe được không?

Mặc Tử
GIẢI NGHĨA

Lỗ Dương: tên một ấp lớn của nước Sở về thời Xuân Thu, tức là huyện Lỗ Sơn tỉnh Hà Nam bây giờ.

Can: nói để ngăn ai đừng làm việc gì
LỜI BÀN

Khi mình cậy sức, cậy nhiều, cậy khôn, cậy tài mà hà hiếp kẻ kém mình, thường cứ hay viện lẽ nọ, cớ kia, để như cho mình là phải mà che mắt thế gian, lấp miệng thiên hạ. Nhưng dù viện lẽ gì cớ gì cũng vẫn không được chính đáng. Danh bất chính thì ngôn bất thuận. Mình đã rắp tâm đè nén người ta, tham lấy của người ta, là mình làm điều phi nghĩa rồi, không bao giờ rửa sạch được cái ô danh nữa. Làm việc bậy mà lấy câu nói phải để tế toái đi có khác gì lấy vóc gấm phủ ngoài cành khô hay tượng đất mà bảo người ta là thánh thần đấy.

Truyện cười trong ngày

 Thỉnh sao được


Có 1 anh nhà giàu rất hà tiện, đãi khách trọng thể đến đâu, đi chợ cũng chỉ 5 hào mà thôi, Một lần anh ta mắc bệnh nặng, không chịu mất tiền uống thuốc,chỉ sắm có 1 con gà và mấy tờ giấy tiền vàng bạc, rồi rước thầy đến cúng. Thầy cúng cháu ngán, liền thỉnh hết thần ngoài Huế đến thần bên Xiêm. Anh ta lấy làm lạ hỏi

- Sao thầy không thỉnh thần Sở Tại mà lại thỉnh các thần ở xa như vậy?

Thầy cúng liền trả lời.

- Các thần ở gần đây đều biết tính ông rồi, thỉnh sao được.

Wednesday, May 25, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Giá trị vĩ đại của một tai nạn

 Giá trị vĩ đại của một tai nạn


Tháng 12 năm 1914, phòng thí nghiệm của nhà bác học Thomas Edison bị thiêu rụi hoàn toàn trong một trận hỏa hoạn. Mặc dù con số thiệt hại vượt quá hai triệu đô la Mỹ nhưng công ty bảo hiểm chỉ bồi thường 238.000 đô la. Vì theo họ, toàn bộ tòa nhà được đúc bằng bê tông, một vật liệu được đánh giá là không bắt lửa. Ngọn lửa đêm hôm đó đã thiêu rụi nhiều công trình tâm huyết của cuộc đời Edison.
Khi đám cháy vẫn chưa được dập tắt, Charles, cậu con trai 24 tuổi của Edison, hốt hoảng lùng sục, tìm kiếm cha mình giữa đống đổ nát mịt mù khói. Cuối cùng, cậu cũng tìm thấy Edison, rất bình tĩnh, đang quan sát cảnh tượng xung quanh. Gương mặt ông đỏ bừng phản chiếu hình ảnh đám cháy, mái tóc bạc trắng bay phất phơ trong gió.
"Tôi nhìn cha mà tim đau nhói," Charles kể. "Cha tôi đã 67 tuổi, không còn trẻ nữa để bắt đầu lại khi mọi thứ đều đã cháy theo ngọn lửa. Khi trông thấy tôi, cha hét to: "Charles, mẹ con đâu?" Khi tôi bảo rằng tôi không biết, ông nói, "Đi tìm và đưa mẹ con đến đây ngay. Mẹ con sẽ không bao giờ có dịp chứng kiến cảnh này trong cuộc đời một lần nữa đâu."
Sáng hôm sau, Edison nhìn đống hoang tàn và bảo: "Tai nạn này đã mang đến cho ta một giá trị vĩ đại. Mọi lỗi lầm chúng ta gây ra đều bị xóa sổ hoàn toàn. Cảm ơn Thượng Đế. Giờ đây, chúng ta có thể bắt đầu lại."
Ba tuần sau đám cháy, Edison cho ra đời chiếc máy hát đĩa đầu tiên.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Bữa ăn tối với Đại Tướng


Một ngày nọ, vị Đại tướng quân đội mời vị Tu Sĩ I-hsiu đến văn phòng của ông để ăn tối, vị Tu Sĩ I-hsiu không mặc y mới ông chỉ mặc bộ y cũ đi đến căn cứ quân đội. Với ông là “tránh hình thức”

Khi vị Tu Sĩ đến căn cứ, hai người lính xuất hiện trước ông và hét:

“Tên ăn mày này ở đâu đến đây? Ông là ai? Ông không được phép ở đây”

“Tôi tên là I-hsiu, Đại pháp sư . Tôi được ngài Đại tướng mời ăn tối.”

Hai anh lính này quan sát nhà sư một cách chậm chạp và nói,

“ông nói láo, làm sao mà ngài ̣Đại tướng có thể mời một nhà sư ăn mặc xòang xỉng như thế này đến ăn tối. Ông ta trọng thể mời một vị Đại trưởng lão rất được kính nể là I-hsiu đến căn cứ của chúng tôi dự bữa tiệc long trọng tối nay, không phải là ông. Ông cút ngay”

I-hsiu không thể thuyết phục 2 anh lính rằng ông ta thật sự là khách mời, vì vậy ông trở về chùa và thay đổi bộ y mới đến dự bữa ăn tối. Ông quay trở lại căn cứ quân đội, hai anh lính nhìn ông như một vị thánh, và đón ông trong niềm vinh dự.

Trong bữa ăn, Tu Sĩ I-hsiu ngồi trước bàn đầy thức ăn, thay vì ông cho thức ăn vào miệng, ông lại gắp thức ăn cho vào tay áo. Vị Đại tươńg tò mò và thì thầm với ông ta:

“Rất là không phải. Ngài có muốn đem thức ăn về chùa không? Tôi sẽ đặt nhà bếp chuẩn bị vài món cho Ngài mang về”

“Không” Vị Đại trưởng lão trả lời. “Khi tôi đến đây, lính của ông không cho tôi vào, đến khi tôi thay cái y mới này tôi mới được phép vào. Ngài không có mời tôi mà là ngài mời y của tôi. Vì vậy y của tôi được ăn chứ không phải tôi.”

Ngài đại tướng, “…………”

Cổ Học Tinh Hoa - Con cò và con trai

 CON CÒ VÀ CON TRAI


Nước Triệu toan đánh nước Yên, Tô Tần, vì nước Yên, sang nói với vua nước Triệu là Huệ Vương rằng:

“Vừa rồi tôi đi qua bên bờ sông Dịch Thủy, tôi trông thấy con trai đang há miệng phơi mình trên bãi, có con cò đâu đến, mổ ngay vào thịt trai. Trai liền ngậm miệng, cắp chặt lấy mỏ cò. Cò nói: “Hôm nay không mưa, ngày mai không mưa, thế nào trai cũng phải chết”. Trai nói: “Hôm nay không rút được mỏ, ngày mai không rút được mỏ, thế nào cò cũng phải chết”. Hai bên găng nhau, chẳng ai chịu ai. Bỗng đâu có người đánh cá đi qua, trông thấy thộp được cả trai lẫn cò… Nay mà nước Triệu đem quân sang đánh nước Yên, nước Yên tất phải chống lại. Hai bên đánh nhau lâu, hại người tốn của, chắc là suy yếu cả. Tôi e nước Tần thừa cơ ấy, đem quân chụp cả hai nước như người đánh cá chụp cả trai lẫn cò, thì lúc bấy giờ hối cũng không kịp. Dám xin vua thử nghĩ kỹ lại xem”.

Huệ Vương cho là nói phải, bèn đình việc đánh Yên.

Chiến Quốc Sách

GIẢI NGHĨA

Triệu: một nước thời Chiến Quốc ở vào tỉnh Trực Lệ và Sơn Tây bây giờ.

Yên: xem chuyện số 45

Dịch Thủy: tên một con sông qua Trực Lệ.

Tần: nước mạnh thời Chiến Quốc ở vào địa phận Thiểm Tây bây giờ.

Chiến Quốc sách: bộ sách này còn được gọi là Trường Đoản Như của Lưu Hướng đời Hán làm ghi chép những việc về đời Chiến Quốc.

LỜI BÀN

Trai, cò vì găng nhau mà cả hai con cùng bị hại trong tay người đánh cá. Cái bài: "Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi” này cũng như nhiều bài trong các sách tây: “Con cò và hai người tranh nhau”, “Con khỉ chia phó mát cho hai con mèo”…đều có ý khuyên người ta không nên tranh giành chọi lẫn nhau. Hai nước tranh nhau, thì hại người, tốn của tai hại đã đành. Hai người tranh nhau thì tất sinh kiện cáo. Mà “vô phúc đáo tụng đình”, thua được chưa biết thế nào, hãy biết có bao nhiêu thầy kiện, thầy cò, những phường tham nhũng ở giữa thời cơ dòm dỏ để cầu lợi, rất thiệt hại cho cả hai bên. Vậy ta chẳng nên găng nhau, chống nhau làm gì. Nhỏ thì tốn tiền. Lớn thì hại nhà, lớn nữa thì hại nước. Ta phải lấy câu “Dĩ hòa vi quý” mà cư xử nhún nhường nhau là hơn.



Truyện cười trong ngày

 Lịch sử lặp lại


Một phụ huynh học sinh hỏi cô giáo đang dạy con trai mình:

- Cô vui lòng cho biết con tôi học môn lịch sử ra sao? Khi còn đi học, tôi không thích môn này... và đã bị thi lại môn này đấy.

- Cô giáo tế nhị trả lời: Thưa ông lịch sử đang lặp lại. - Cô giáo tế nhị trả lời

Tuesday, May 24, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Loại bỏ quả nho xanh

 Loại bỏ quả nho xanh


Năm 1889, doanh nhân người Pháp Édouard Michelin thành lập một nhà máy sản xuất lốp xe. Do hoạt động đúng quy trình, quy mô nhà máy nhanh chóng mở rộng. 

Édouard nhận rất nhiều lời khuyến khích mở rộng kinh doanh, ngay sau đó ông đã hướng tới những ngành nghiệp khác, liên tiếp thành lập xưởng đóng tàu, công ty chưng cất rượu bia, công ty vận tải đường sắt.

Chuyện tiếp theo không khó tưởng tượng, Édouard có rất nhiều việc phải xử lý mỗi ngày, thường xuyên khiến bản thân kiệt sức. Nhưng vài năm sau, tất cả nghiệp vụ bao gồm cả sản xuất lốp xe đều xảy ra những tổn thất, dù nghĩ ra trăm cách vẫn không thể giải quyết hay tìm được nguyên nhân chính.

Một hôm, Édouard đi ngang qua một vườn nho, nhìn thấy những người nông dân đang cắt bỏ những trái nho xanh trên cây. Édouard kinh ngạc hỏi: “Những quả nhỏ này đâu có vấn đề gì, vứt đi nhiều như vậy rất lãng phí!”.

“Bỏ bớt một phần thì những trái nho còn lại mới có đầy đủ chất dinh dưỡng hơn, trưởng thành tốt hơn” – Người nông dân giải thích.

Ngay lúc đó, lời nói của người nông dân đã khiến Édouard tỉnh ngộ, ông đưa ra một quyết định: Loại bớt những ngành nghề khiến bản thân mất tập trung!

Trong thời gian ngắn, ông đã đóng hoặc bán các công ty trừ nhà máy sản xuất lốp xe, dồn toàn sức lực vào việc chuyên môn của mình.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Bên Bờ bên kia


Một ngày kia có một chú tiểu trên một chặng đường về nhà, tới bờ đê của một con sông rộng. Nhìn chằm chằm một cách tuyệt vọng vào sự cản trở to lớn trước mặt, chú tiểu suy nghĩ hàng giờ để làm sao vượt qua một con sông rộng lớn như thế. Trong lúc chú sắp sửa đầu hàng sự theo đuổi cuộc hành trình trở về thăm nhà thì chú nhìn thấy một vị Thầy cao qúi đang ở bên bờ bên kia của con sông. Chú tiểu la lớn về phía vị Thầy

"Oh vị trí tuệ, Ngài có thể nói cho tôi biết như thế nào tôi có thể tới bên bờ bên kia của con sông không"?

Vị Thầy suy nghĩ một lúc nhìn lên rồi nhìn xuống giòng sông và la lớn cho chú tiểu nghe.

"Này con của ta, con đang ở bờ bên kia đấy".

Cổ Học Tinh Hoa - Đánh đàn

 ĐÁNH ĐÀN

Vua nước Tề thích nghe sáo. Có kẻ muốn cầu chút công danh, đem đàn đến đứng trước cửa Nhà vua mà đánh. Đánh luôn ba năm, mà vua không hỏi tới. Anh ta giận lắm, gắt mà nói rằng: “Ta đánh đàn đến cả quỷ thần cũng phải say mê, thế mà vua không biết cho ta!”
Có người nghe nói, cười mỉa, bảo rằng: "Vua thích nghe tiếng sáo, mà bác đánh đàn, cho đàn bác hay đến đâu, nhưng vua không thích thì làm thế nào được? Thế là bác chỉ giỏi ngón đàn, chớ không khéo cầu danh ở nước Tề này vậy!”
GIẢI NGHĨA
Công danh: công là khó nhọc mà được việc, danh là tiếng tăm; công danh là đem sự khó nhọc ra để được danh giá. 
LỜI BÀN
Đem đàn ra đánh cho người thích nghe sáo, mà cầu cho người ta ưa mình, thì chẳng là khờ vụng lắm ư! Cho nên mình tuy có tài, muốn thi thố cái tài, thì phải dò trước xem người dùng mình có ưa cái tài ấy không. Bằng không, mà mình cũng cứ phô tài, thì chẳng những việc muốn cầu không được, mà lại để thiên hạ người ta chê cười cho nữa.