Wednesday, March 31, 2021

Suy niệm trong ngày


 

Truyện ngắn

 Câu chuyện về 3 CON KHỈ.

Ba con khỉ, một con che hai mắt, một con bịt hai tai và một con bịt miệng là hình tượng khá phổ biến nhưng về ý nghĩa của nó, không phải ai cũng hiểu cặn kẽ.

Ở một số ngôi chùa ở Việt Nam, Ấn Độ và cả Nhật Bản hiện nay, tượng ba con khỉ vẫn được trưng bày trong sân chùa. Ba con khỉ này, một con che hai mắt, một con bịt hai tai và một con bịt miệng.

Thoạt nhìn, có lẽ nhiều người sẽ ngay lập tức suy luận rằng, hình ảnh trên có nghĩa là “không thấy, không nghe và không nói”.

Nói cách khác, bức tượng này muốn dạy con người rằng, trong cuộc sống, đừng quan tâm đến chuyện của người khác hay những gì đang xảy ra xung quanh.

Tuy nhiên nếu hiểu theo cách này, sẽ là rất thiếu chính xác. Vậy, ý nghĩa sâu xa mà người xưa muốn truyền dạy lại cho thế hệ sau qua bức tượng này là gì?

Ý nghĩa của bức tượng “bộ khỉ tam không”

Từ vài ngàn năm về trước, bức tượng này đã xuất hiện tại Ấn Độ. Lúc đầu, đó là bức tượng về vị thần Vajrakilaya. Đây là vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng.

Bức tượng được khắc nhằm răn dạy mỗi người không được nói điều xấu, không nhìn điều xấu và không nghe điều xấu.

Không rõ tư tưởng “ba không” nói trên theo các nhà tu hành Phật giáo vào Trung Quốc vào thời kì nào nhưng vào khoảng thế kỷ thứ 9, một thiền sư người Nhật Bản trong chuyến đi làm việc ở Trung Quốc đã mang theo về xứ sở phù tang tư tưởng này.

Tại Nhật Bản, trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ có tượng ba con khỉ tên là Kikazaru, Mizaru và Iwazaru, nghĩa là: không nghe điều xấu, không nhìn điều xấu và không nói điều xấu bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro nổi tiếng từ thế kỉ 17.

Vì từ “zaru” gần âm với “saru” có nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt miệng, bịt mắt, bịt tai với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu đạt triết lý này.

Sâu xa hơn, người Nhật còn muốn thể hiện triết lý của riêng mình vào trong ba bức tượng, đó là: “bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói”.

Đền Toshogu nơi có bộ khỉ tam không của nghệ nhân Hidari Jingoro.

Khi tâm ở trạng thái tịnh, không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì từ tâm mới phát sinh những điều thiện. Trong xã hội hiện nay bức tượng ba con khỉ càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Bản chất của con người vốn là sự tò mò và trên thực tế, không ít người dành quá nhiều thời gian để nghe, nhìn, soi mói tất cả mọi chuyện, dù không liên quan đến mình và sau đó nói lại cho người khác, nói những điều không nên nói.

Đây là một tật xấu, làm cho cái tâm trở nên “động”. Và với những người mắc tật xấu này, hình tượng “bộ khỉ tam không” là một bài học có giá trị to lớn.

Bài sưu tầm

Cổ học tinh hoa

 CƯỜI NGƯỜI TA KHÓC

Cảnh Công nước Tề đi chơi núi Ngưu Sơn, trèo lên mặt thành, đứng ngắm trông rồi tràn nước mắt vừa khóc vừa nói:

- Đẹp quá chừng là nước ta! Thật là sầm uất, thịnh vượng! Thế mà nỡ nào một tuổi một già bỏ nước này mà chết đi. Giả sử xưa nay, người ta cứ sống mãi, quả nhân quyết không bỏ nước Tề mà đi nơi khác.

Lã Sử Không, Lương Khưu Cứ thấy vua khóc cũng khóc và nói rằng:

- Chúng tôi đội ơn vua có cơm rau mà ăn, có ngựa hèn, xe xấu mà cưỡi, cũng còn chẳng muốn chết, huống chi là nhà vua.

Một mình Án Tử đứng bên cạnh cười.

Cảnh Công gạt nước mắt, ngoảnh lại hỏi Án Tử rằng:

- Quả nhân hôm nay đi chơi thấy cảnh mà buồn. Không và Cứ đều theo quả nhân mà khóc, một mình nhà ngươi cười là cớ làm sao?

Án Tử thưa:

- Nếu người giỏi mà giữ mãi được nước này thì Thái Công, Hoàn Công đã giữ mãi. Nếu người mạnh mà giữ được nước này, thì Linh Công, Trang Công đã giữ mãi. Mấy vua ấy mà giữ mãi thì vua nay chắc cũng mặc áo tơi, đội nón lá đứng giữa cánh đống lo việc làm ruộng, có được đâu chỗ này đứng, còn rỗi đâu mà lo đến cái chết. Chỉ vì hết đời này đến đời kia, thay đổi mãi mới đến lượt nhà vua mà nhà vua lại than khóc thì thật là bấtnhân. Nay tôi thấy vua bất nhân, lại thấy bầy tôi siểm nịnh nên tôi cười.

Cảnh Công nghe nói lấy làm thẹn, rót chén rượu tự phạt rồi phạt Không, Cứ mỗi người một chén.

Liệt Tử

GIẢI NGHĨA

Liệt Tử: sách của Liệt Ngữ Khấu hay người truyền học thuyết của Liệt Ngữ Khấu soạn ra, có tám quyển, sau nhà Đường, nhà Tống đặt tên là Sung Hư Chân Kinh, hay Sung Hu chí đức chân kinh.

Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.

Ngưu Sơn: tên núi ở huyện Lâm Chí, tỉnh Sơn Đông ngày nay.

Lã Sử Không, Lương Khưu Cứ: cận thần của Cảnh Công.

Án Tử: người nước Tề thời Xuân Thu, làm tướng vua Cảnh Công, ông là người kiệm phác, trung thành, giỏi việc chính sự có tiếng thời bấy giờ.

Thái Công, Hoàn Công, Linh Công, Trang Công: các bậc tiền quân của Cảnh Công.

.

LỜI BÀN

Tham sinh là cái thói thường người đời. Nhưng cứ mong sống ở đời mãi, tiếc đời đến nỗi than thở khóc lóc như Cảnh Công đây cũng là tham quá. Trong vũ trụ, cái gì là cái có sinh mà không có diệt. Vậy đời người cũng phải chịu luật chung ấy, bé rồi lớn, lớn rồi già, già rồi chết, thấm thoắt có là bao. Lẽ đó mà không hiểu, lại phải chả ngu lắm ư! Nên Án Tử cười Cảnh Công rất là phải lắm. Án Tử bác cả Sử Không và Lương Khưu Cứ lại là phải lắm nữa.

Thảm thương thay! Xưa nay những nước gặp phải vua ngu và bầy tôi a dua siểm nịnh!


Mỗi ngày một câu chuyện thiền

 Qui Ẩn

- Con có thể giúp đỡ thế giới nầy như thế nào?

Thiền Sư đáp:

- Bằng cách tìm hiểu thế giới.

- Con sẽ tìm hiểu thế giới như thế nào?

- Bằng cách xa lánh thế giới.

- Như vậy con sẽ phục vụ nhân loại như thế nào?

- Bằng cách tìm hiểu chính con.


Truyện cười trong ngày

 HAI CHÂN NHƯ NHAU

Khóa sinh viên nọ đi giã ngoại về một địa phương. Để tăng cường mối quan hệ, anh liên đội trưởng tổ chức một trận giao hữu bóng đá với chi đoàn thanh niên. Vì nhiều lớp nên liên đội trưởng cầm giấy bút đi hỏi từng người để chọn cầu thủ và bố trí đội hình. Khi gặp một sinh viên to cao, dáng thể thao lại có tên CAO CƯỜNG, liên đội trưởng hỏi:

- Cậu đá chân nào tốt hơn? Cao Cường trả lời :

- Dạ, 2 chân như nhau ạ

Liên đợi trưởng rất phấn khởi vì đang bí vị trí tiền đạo cánh trái.

Vào trận đấu có nhiều cơ hội đối mặt thủ môn nhưng Cao Cường đều sút không trúng bóng lại còn ngã oạch xuống sân. Kết quả đội SV thua 3 bàn không gỡ. Sau trận đấu, liên đội trưởng hỏi Cao Cường :

- Sao cậu bảo đá tốt cả 2 chân mà vào sân đá không trúng bóng?

- Đâu! Em bảo 2 chân như nhau chứ có chân nào đá được đâu.


Tuesday, March 30, 2021

Suy niệm trong ngày


 

Truyện ngắn

 Bố không ăn muối bố ươn

Hôm ấy, đột nhiên con nhóc nhà mình hỏi: “Bố ơi, tại sao lúc đi ngủ, con nằm ở giữa hai bố mẹ, mà sáng dậy, con lại cứ bị đẩy vào góc trong vậy?”. Mình sững người, chợt nhận ra con đã đủ lớn để được nghe một câu trả lời nghiêm túc của những bậc làm cha làm mẹ về cái vấn đề tế nhị này, vậy nên mình dắt nó ra ban công, chỉ vào ông mặt trời, bảo: “Cũng giống như ông mặt trời thôi con, lúc đi ngủ, ông ấy lặn xuống, khuất dưới rặng cây này, nhưng sáng hôm sau ngủ dậy, ông ấy lại mọc lên từ cái mặt hồ đằng kia. Đến ông mặt trời còn bị như vậy, thì con là trẻ con, làm sao tránh khỏi”.

Rồi hôm sau, nó chạy từ nhà cô Hạnh bên hàng xóm về, chắc vừa nhìn được cái gì lạ lắm ở bên đó, nên nó hỏi: “Sao ti cô Hạnh to, mà ti mẹ lại bé thế hả bố?”. Mình thở dài, bảo: “Bố chưa được nhìn ti cô Hạnh, nên không biết to cỡ nào, nhưng cuộc đời rất công bằng con ạ: cô Hạnh ti to thì sẽ bé cái khác, mẹ ti bé thì sẽ có cái khác to”. Nó nghĩ một lát rồi reo lên: “Đúng rồi! Cô Hạnh ti to nhưng bụng rất bé. Mẹ ti bé nhưng bụng rất to”.

Rồi bữa nọ, xem ảnh cưới của bố mẹ, nó hỏi: “Sao hồi trước bố béo mà giờ bố gầy vậy?”. Mình bảo: “Vì bố yêu con, bố phải ăn ít đi để nhường cơm, nhường thức ăn cho con, để con lớn khôn được như bây giờ”. Nó nghe vậy thì tự nhiên mặt xìu xuống, buồn rượi, rồi hỏi: “Mẹ không yêu con, không nhường cơm cho con hả bố? Sao hồi trước mẹ gầy mà giờ mẹ béo vậy?”. Mình lại phải giải thích: “Mẹ có yêu, có nhường cho con chứ! Nếu không mẹ đã béo gấp đôi, gấp ba bây giờ rồi”.

Mình đặt ra quy định với nó là muốn chạy đi đâu chơi, đều phải xin phép bố mẹ. Có vẻ điều đó làm nó khó chịu, nên nó hỏi: “Khi nào thì con không phải xin phép nữa hả bố?”. Mình bảo: “Khi nào con lớn!”. Nó hỏi lại: “Thế bố chưa lớn à? Con thấy bố đi đâu cũng phải xin phép mẹ”. Mình lại ôm con vào lòng, nhẹ nhàng giảng giải: “Tất nhiên là bố lớn rồi, và bố không việc gì phải xin phép ai cả, nhưng đấy là bố làm mẫu để cho con noi theo thôi”.

Và vừa xong, nó lại hỏi: “Hôm qua, lúc mẹ mắng bố, con có nghe mẹ nói câu gì mà “Cá không ăn muối cá ươn”, câu đó nghĩa là sao hả bố?”. Mình cười, đáp: “Nghĩa là bố là cá, còn mẹ là muối, bố không nghe lời mẹ giống như cá không có muối, sẽ bị hư thối”. Nó ngẫm ngợi một hồi, rồi bảo: “Cho cá vào tủ lạnh cũng được mà, cần gì muối đâu ạ?”. Mình lắc đầu, vuốt tóc con, bảo: “Cho vào tủ lạnh không ăn thua con ạ! Mẹ rút phích điện ra phát là bố mày hỏng luôn!”.

Cổ học tinh hoa

 GHEN CŨNG PHẢI YÊU

Hoàn Ôn trước đã có vợ là Nam Khang công chúa, con gái vua Minh Đế nhà Hán. Sau Hoàn Ôn sang đánh dẹp được nước Thục lại lấy con gái của Lý Thế là một nhà quyền quý nước Thục mang về làm thiếp.

Lúc về nhà, công chúa biết chuyện nổi cơn ghen, liền cầm gươm và đem theo mấy người nàng hầu, xăm xăm đến, chực chém chết Lý Thị. Lúc đến nơi, công chúa thấy Lý Thị ngồi trước cửa sổ chải đầu, tóc rũ chấm đất, dung nhan tư mạo đoan trang tươi đẹp. Lý Thị thong thả vấn tóc, lượm tay, đến trước công chúa thưa rằng:

-Nước tôi mất, nhà tôi tan, tôi quả vô tâm mà hóa ra đến đây. Được bà chém cho, thật cũng thỏa lòng tôi mong mỏi.

Lý Thị, khi nói, mặt trông nghiêm chính ung dung, tiếng nghe êm đềm thấm thía. Công chúa thấy vậy, ném gươm xuống đất, ôm lấy nàng mà nói rằng:

-Này em ơi! Chị đây thấy em còn phải yêu, phải thương, huống chi là lão già nhà ta. Rồi tự đây, công chúa rất trọng đãi Lý Thị.

Thế Thuyết

GIẢI NGHĨA

Thế Thuyết: pho sách của Lưu Nghĩa Thánh đời nhà Tống soạn nói những chuyện vụn vặt từ đời Hậu Hán đến Đổng Tấn.

Hoàn Ôn: người đời nhà Tấn, làm quan đến chức Đại tư mã, uy quyền lừng lẫy thường hay nói câu: “ Tài trai chẳng có thể để tiếng thơm trăm đời cũng nên để tiếng xấu muôn năm” – “Nam tử bất năng lưu phương bách thế, diệc đương di khứu vạn niên”. 

Thục: nước ở vào vùng Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay.

LỜI BÀN

Phận hồng nhan số bạc mệnh, đã phải cảnh nước phá, nhà tan, quân cừu địch bắt hiếp về làm tỳ thiếp, mà nào đã yên, lại còn nỗi gặp tay vợ cả phũ phàng, xăm xăm đến những chực mổ mề, móc gan, róc xương, lột xác. Đau đớn thay phận đàn bà thật! Thương thay! Lý Thị nào phần thù riêng, nào phần nghĩa công lo phiền uất ức, trăm mối bên lòng, sống cũng là thừa người yêu ta xấu, thì thà rằng chết trẻ còn hơn. Cho nên câu Lý Thị nói với công chúa khí khái ràn ra ngoài lời nói, tưởng một liều, ba bảy cũng liều cho xong. Nào ngờ, vì chính câu nói khí khái mà mềm dẻo ấy lại thêm được cái vẻ nghiêm nghị mà khiến cho người đang giận dữ phải dẹp ngay nỗi bất bình, đang ghét lại hóa ngay ra chiều thân ái.

Ta chắc xem câu chuyện này, chẳng những các bà có tính ghen với cây, hờn cùng bóng, thành ra có lượng bao dung rộng rãi, mà nam nhi ta, những phường giá áo túi cơm, bội gốc, quên nguồn, cũng phải sinh lòng khảng khái vậy.


Mỗi ngày một câu chuyện thiền

 Lệ Thuộc

Một đệ tử quá lệ thuộc vào sách vở, Thiền Sư bảo anh:

- Một người đi chợ bị mất mảnh giấy ghi chép các món hàng phải mua. Nhưng khi kiếm lại được, anh ta rất đỗi vui mừng, vội vàng đọc đi đọc lại và bám vào đấy cho đến khi mua sắm xong, sau đó anh vứt đi như một mảnh giấy lộn vô giá trị.


Truyện cười trong ngày

 HỌ ĐÃ ĐÚNG

Ngày đầu vào làm ở một cửa hiệu, chàng nhân viên trẻ được ông chủ dặn dò:

- Anh đừng có quên, khách hàng bao giờ cũng đúng.

Chẳng bao lâu, ông chủ nhận thấy, khách hàng vào cửa hiệu lập tức ra ngay không mua gì cả. Ông bèn hỏi nhân viên:

- Có trục trặc gì à? Sao họ đến mà chẳng mua gì cả?

- Thưa ông, họ đều nói giá hàng ở đây quá cao. Và theo lời ông dặn, tôi nói rằng họ đã đúng!

- ???


Monday, March 29, 2021

Suy niệm trong ngày


 

Truyện ngắn

 LƯU MÃI TRONG TÂM VỀ TÌNH NGƯỜI

Ở một góc phố nhỏ ồn ào, xung quanh là những cửa hàng buôn bán tấp nập, đông đúc… có một tiệm cơm bình dân nhỏ mang đầy hơi ấm của tình người.

Một hôm, chàng sinh viên bước vào tiệm cơm nói: “Cháu muốn mua một bát cơm trắng!”

Vợ chồng người chủ quán thấy chàng trai không gọi đồ ăn, lấy làm khó hiểu, nhưng vẫn đơm một bát cơm đầy cho cậu ta. Khi trả tiền, chàng trai còn ngại ngùng: “Có thể rưới một chút nước canh lên cho cháu không ạ?”

Bà chủ vui vẻ tươi cười nói: “Tất nhiên là được, cái này miễn phí.”

Chàng thanh niên ăn được một nửa, nghĩ đến bà chủ nói nước canh không cần trả tiền thì gọi thêm một bát cơm nữa.

“Một bát không đủ no à? Để tôi lấy thêm cho cậu chút nữa!”, bà chủ quán nhiệt tình nói.

Chàng trai đáp lại: “Không phải, cháu muốn mang về để mai mang đến trường ăn trưa!”

Ông chủ nghĩ, chàng sinh viên này có lẽ xuất thân trong một gia đình nghèo khó, nên đã lặng lẽ xúc một thìa thịt và thêm một miếng trứng xuống đáy hộp, sau đó mới đơm đầy cơm lên phía trên.

Bà chủ thấy vậy cũng biết chồng muốn giúp đỡ chàng thanh niên, nhưng lại không hiểu: “Sao ông không đường hoàng để thịt và trứng ở trên cơm trắng mà lại để dưới cùng?”

Sau đó ông chủ có nói riêng với vợ: “Nếu cậu ta vừa nhìn đã thấy trứng với thịt, sẽ cho rằng chúng ta thương hại cậu ta. Như vậy vô tình đã làm tổn thương lòng tự trọng của cậu ấy, cậu ấy sẽ không đến quán chúng ta nữa. Nhưng nếu cứ để cậu ấy ăn cơm trắng không, thì làm sao có sức mà học hành?”

Bà chủ rất tán thành cách làm của chồng: “Ông thật là một người tốt bụng, đã giúp người lại còn nghĩ cách giữ thể diện cho người ta nữa!”

“Cảm ơn cô chú, cháu ăn xong rồi. Tạm biệt hai người!”, chàng sinh viên đứng dậy rời đi, không quên nhìn lại vợ chồng người chủ quán.

Vợ chồng ông chủ quay ra cười niềm nở: “Cố lên chàng trai, mai gặp lại!”

Bước ra đến cửa, hai má người thanh niên nóng bừng vì vừa thấy xấu hổ vừa cảm động, nhưng cố giấu kín không để vợ chồng chủ quán nhìn thấy. Thực ra chàng trai đã nhìn thấy hành động của ông chủ tiệm muốn giúp mình nhưng không dám nói ra. Trong lòng chàng sinh viên xúc động chỉ biết nói lời cảm ơn nhưng trong sâu thẳm là một ý nghĩ rằng mình phải cố gắng học hành cho tốt để sau này báo đáp lại sự giúp đỡ này…

Từ đó, suốt hai năm, gần như ngày nào chàng sinh viên cũng đến quán cơm vào lúc tối muộn. Lần nào anh cũng gọi 2 bát cơm trắng, 1 bát ăn tại quán còn 1 bát đem về. Và tất nhiên, dưới đáy bát cơm mang về, ngày nào cũng ẩn giấu những “bí mật” khác nhau.

Đến khi chàng sinh viên tốt nghiệp ra trường, thời gian thấm thoắt trôi đi, quán cơm không còn trông thấy bóng dáng chàng sinh viên nghèo lui tới…

20 năm sau, quán cơm tự chọn ngày xưa nhận được thông báo cưỡng chế di dời của chính phủ thành phố. Đối mặt với việc thất nghiệp lúc tuổi trung niên, ông bà chủ không ngừng lo lắng, đau khổ.

Đúng lúc này, giám đốc một công ty lớn tìm đến: “Tổng giám đốc của chúng tôi muốn mời hai người mở nhà ăn tự chọn tại tòa nhà trụ sở công ty. Mọi trang thiết bị, đồ dùng cũng như thực phẩm đều được cung cấp đầy đủ, hai người chỉ cần phụ trách nấu nướng, lợi nhuận sẽ chia đôi.”

“Tổng giám đốc của anh là ai? Tại sao lại tốt với chúng tôi như vậy?”, hai vợ chồng chủ quán vừa mừng vừa lo, hỏi với vẻ nghi hoặc.

Anh giám đốc tiếp lời: “Hai người là ân nhân của tổng giám đốc, ngài ấy đặc biệt rất thích ăn món trứng và thịt ở cửa hàng của các vị, những cái khác đợi gặp mặt rồi nói được không ạ?”

Ngày hôm sau, hai vợ chồng ông bà chủ được mời đến công ty của vị giám đốc để xem tình hình công việc sẽ được sắp xếp ra sao. Khi tới đây, hai vợ chồng đã cảm thấy người đàn ông này rất quen thuộc, nhưng họ không thể nhớ ra đó là ai. Cuộc trò chuyện kết thúc, khi vợ chồng chủ quán cơm đúng dậy chào ra về, vị tổng giám đốc công ty bất ngờ đứng dậy, cung kính gập người cúi xuống: “Cô chú cố gắng lên! Ngày mai gặp lại!”

Hai vợ chồng thấy lạ, lúc này mới dám ngẩng đầu lên để nhìn thẳng vào mắt vị tổng giám đốc. Câu nói kia dường như xuyên thấu vào tim gan ông bà, cộng thêm hành động cung kính cúi đầu của vị tổng giám đốc, ký ức của vị chủ tiệm ăn năm nao thoáng hiện về…

Thì ra cách đây vài tuần, vị tổng giám đốc nghe được tin khu vực buôn bán gần trường xưa chuẩn bị bị cưỡng chế di dời. Anh liền cho người đi tìm hiểu tình hình và biết được tiệm cơm của ông bà thuộc diện bị giải tỏa. Anh liền nghĩ ra cách này để giúp họ.

Hai người đang lặng đứng người thì vị tổng giám đốc nói tiếp: “Tất cả những gì hôm nay cháu có được phải nhờ ân đức của hai bác. Nếu như không có sự giúp đỡ của hai bác thì chàng sinh viên ngày xưa khó mà có nổi tấm bằng Đại học trên tay. Sau 20 năm vật lộn với cuộc sống để lập nghiệp, hôm nay cháu đã gây dựng được sự nghiệp của riêng mình. Trong quá trình ấy, mỗi khi cảm thấy đuối sức, cháu lại nhớ đến nụ cười niềm nở cùng lời động viên của hai bác: “Cố gắng lên nhé, ngày mai gặp lại!” cháu lại có thêm động lực cố gắng cho mình. Cháu cám ơn hai bác! Quán cơm của hai bác đúng là một quán cơm mang đậm tình người”.

Nói rồi nước mắt 3 người đều chảy xuống, vị giám đốc lúc này như một đứa trẻ, anh ôm choàng lấy cả hai người. Cảnh tượng khi ấy tràn đầy hơi ấm của tình thân, tình người làm bất cứ ai cũng xúc động nghẹn ngào…


Cổ học tinh hoa

 KHÔNG NÊN SÁT PHẠT LẪN NHAU

Văn Quân đất Lỗ Dương sắp đem quân sang đánh nước Trịnh. Mặc Tử nghe thấy đến can nói rằng:

Ví như bây giờ trong đất Lỗ Dương này, tỉnh lớn đánh tỉnh nhỏ, nhà lớn đánh nhà nhỏ giết người lấy của lẫn nhau thì nhà vua nghĩ như thế nào?

Văn Quân nói:

Bao nhiêu người ở Lỗ Dương đều là tôi con của ta cả. Vì tỉnh lớn đánh tỉnh nhỏ, nhà lớn đánh nhà nhỏ, để cướp lẫn nhau thì ta tất đem trị tội thật nặng.

Mặc Tử nói:

Bao nhiêu người trong thiên hạ đều là tôi con của trời cũng như bao nhiêu người trong đất Lỗ Dương là tôi con của nhà vua, nay nhà vua đem quân đánh Trịnh thì há tránh khỏi được vạ trời hay sao!

Văn Quân nói:

Sao tiên sinh lại ngăn ta đánh Trịnh. Ta muốn đánh Trịnh là thuận cái chí của trời. Vua nước Trịnh ba đời giết cha, trời đã ra tai, làm mất mùa ba năm. Nay ta phải giúp trời mà giết Trịnh.

Mặc Tử nói:

Vua nước Trịnh ba đời giết cha, trời đã ra tai, làm mất mùa ba năm, trời phạt như thế cũng là đủ. Nay nhà vua lại còn đem quân đánh Trịnh mà nói rằng:”Ta đánh Trịnh là thuận ý trời” thì là nghĩa thế nào? Ví như ngay đây có một đứa con ngang ngạnh, cha nó đã cầm roi đánh nó, người cha bên láng giềng lại còn vác gậy ra đánh hôi, bảo rằng:”Ta đánh nó là thuận cái chí của cha nó”. Nói như thế có nghe được không?

Mặc Tử

GIẢI NGHĨA

Mặc Tử: tên sách của Mặc Địch soạn, chủ nghĩa là kiêm ái yêu người như yêu mình cũng gần giống chủ nghĩa của đạo Cơ Đốc và đạo Thích Ca. 

Trịnh: nước nhỏ thời Xuân Thu, ở vào huyện Tân Trịnh, một phần đất phủ Khai Phong tỉnh Hà Nam ngày nay.

Lỗ Dương: tên một ấp lớn của nước Sở về thời Xuân Thu, tức là huyện Lỗ Sơn tỉnh Hà Nam bây giờ.

Can: nói để ngăn ai đừng làm việc gì.

LỜI BÀN

Khi mình cậy sức, cậy nhiều, cậy khôn, cậy tài mà hà hiếp kẻ kém mình, thường mình cứ hay viện lẽ nọ, cớ kia, để như cho mình là phải mà che mắt thế gian, lấp miệng thiên hạ. Nhưng dù viện lẽ gì cớ gì cũng vẫn không được chính đáng. Danh bất chính thì ngôn bất thuận. Mình đã rắp tâm đè nén người ta, tham lấy của người ta, là mình làm điều phi nghĩa rồi, không bao giờ rửa sạch được cái ô danh nữa. Làm việc bậy mà lấy câu nói phải để tế toái đi có khác gì lấy vóc gấm phủ ngoài cành khô hay tượng đất mà bảo người ta là thánh thần đấy.


Mỗi ngày một câu chuyện thiền

 Ưu Tiên

Theo truyền thuyết, Thượng Đế gửi một Thiên Thần đến Thiền Sư với thông điệp:

- Con hãy xin sống tới một triệu năm và lời cầu xin đó sẽ được chấp nhận. Cho dẫu một triệu triệu năm cũng được. Vậy con muốn sống bao nhiêu năm?

Thiền Sư trả lời không chút do dự:

- Tám chục năm.

Các đệ tử rầu rĩ:

- Nhưng, thầy ơi, nếu thầy sống tới một triệu năm, thầy thử xem bao nhiêu thế hệ sẽ được hưởng lợi ích do sự minh triết của thầy.

- Nếu thầy sống tới một triệu năm, người đời sẽ tha thiết muốn kéo dài đời sống hơn là trau dồi minh triết.


Truyện cười trong ngày

 LẬP CHIẾN CÔNG

 Băng trên sông sắp tan. Có một cậu bé đang chìm dần xuống nước. Vôva nhảy

ngay xuống nước và kéo được cậu bé đó lên.

Trong giờ học cô Ivanova nói:

- Các em, Vôva của chúng ta đã lập một chiến công – cứu người! Giờ thì bạn ấy sẽ

kể cho chúng ta nghe câu chuyện đó.

Vôva

- Ơ, biết kể cái gì bây giờ? Thôi được rồi. Đầu tiên em cho cái thằng ngu đó mượn

bánh xe trượt băng….


Sunday, March 28, 2021

Suy niệm trong ngày


 

Truyện ngắn

 Ánh trăng nhìn chúng ta

Ở trong một ngôi làng nọ, có một gia đình nghèo khó bần cùng, người cha vì không có tiền, thường lợi dụng ban đêm lẻn vào vườn rau nhà người ta hái trộm, hôm đó anh ta mang theo cả con trai đi cùng. Khi người cha vừa mới nhổ một cây củ cải, đứa con bỗng nhiên ở sau lưng khẽ kêu: “Cha..cha.., có người nhìn thấy kìa”.

Cha của cậu kinh hãi, ngó nhìn bốn phía, hoảng hốt hói: “Người đó ở chỗ nào?”. Đứa trẻ vừa chỉ tay lên trời, vừa trả lời: “Cha! Cha xem, là mặt trăng đang nhìn cha đó!”.

Người cha này nghe con trai nói vậy, đầu tiên thì cảm thấy sững sờ, tiếp đó lại cảm thấy hối hận vì hành vi của mình. Có chút hụt hẫng nhưng lại có chút vui mừng, vì thế anh lặng lẽ dắt tay con trai đi về nhà. Dọc đường về, anh ta thầm nghĩ: “Trộm cắp là gây nghiệp rất lớn, có lẽ là ông trời từ bi, mượn miệng con trai để giúp mình tỉnh ngộ, từ nay phải sửa sai hướng thiện thôi!”.

Ngạn ngữ có câu: “người đang làm trời đang nhìn, thiện ác khác nhau ở một niệm”. Trong câu chuyện, người cha kia đã suy nghĩ lại, vậy đã xảy ra chuyện gì tiếp theo?

Nguyên là, chủ nhân của vườn rau vì thường bị mất trộm, tức giận vô cùng, đêm hôm đó đã sớm núp ở phía sau để rình bắt kẻ trộm. Lão nghĩ thầm tên trộm này thật đáng ghét, nhất định phải tóm gọn. Khi ông ta nhìn thấy có kẻ trộm lẻn vào, đang định hô hoán bắt trộm thì nghe được câu nói của đứa trẻ, nhất thời cũng sững người.

Ở dưới ánh trăng, ông chủ vườn rau nhìn thấy gương mặt của tên trộm, biết gia đình hắn là nghèo khó trong thôn. Nhìn thấy hai cha con hắn lặng lẽ dắt nhau rời đi, ông ta cũng bất giác ngẩng đầu nhìn ánh trăng mà im lặng không nói gì.

Về nhà ông chủ vườn rau đem chuyện này kể với vợ, vợ ông nói: “Mặt trăng kia chẳng phải cũng đang nhìn ông sao?”.

Cả đêm hôm đó, ông chủ này trằn trọc không sao ngủ được. Đến trưa hôm sau ông ta chạy đi tìm hai cha con ăn trộm kia, nói: “Này anh kia, nhà của ta hiện đang cần tìm thêm người làm, anh có thể làm được không? Ngoài tiền công, còn có thể cho anh một ít đồ ăn mang về nhà”.

Như vậy là một cơ hội việc làm tốt, có thể mang đến no ấm cho cả nhà nay đã được đáp ứng rồi.

Đêm hôm đó, người cha nghèo kia nắm tay con trai, lặng lẽ ngồi ngắm trăng, bỗng đứa trẻ nói: “Ôi.. cha nhìn xem! Là trăng đang cười kìa!”.

Lúc này ở nhà ông chủ vườn rau, ông ta cũng đang cùng vợ ngồi ngắm trăng, ông nói với vợ: “Chưa bao giờ từng cảm giác thấy mặt trăng đang nhìn mình, xem mình đang làm việc gì, hôm nay thử xem sao… Ôi! Bà xem trăng đang cười kìa!”.

● Cho dù là ban đêm, bạn đang làm chuyện gì, đừng nghĩ rằng chỉ mình bạn biết, mặt trăng trên bầu trời cũng đang mở to hai mắt đang nhìn bạn đó!

Cổ học tinh hoa

 HÒA VI QUÝ

Đời cổ những người lo toan việc quốc gia, trước hết phải dạy dỗ dân, thân yên dân. Phép

trị dân có bốn điều “bất hòa” cần phải biết.

1) Trong nước mà bất hòa, thì chẳng nên đem quân đi đánh đâu;

2) Trong quân mà bất hòa, thì chẳng nên đem quân ra trận;

3) Quân ở trận mà bất hòa, thì chẳng nên tiến lên đánh;

4) Tiến lên đánh mà bất hòa, thì chẳng nên quyết đánh.

Bởi vậy ông vua hữu đạo khi định dùng dân, trước hết có hòa sau mới gây dựng việc lớn mà chẳng dám tin cái mưu riêng của ai. Không những thế mà thôi, lại còn phải xem cái thời có đáng cử sự sau mới cử sự.

Khi dân trong nước ai nấy đều biết vua đã chịu suy nghĩ đắn đo cẩn thận, quí cái mạng của dân, tiếc cái chết của dân, thì bấy giờ dù có phải ra chỗ nguy nan, ai nấy mới cùng lấy việc tiến lên mà liều chết là vinh, lùi về mà sống thừa là nhục vậy. Ngô Tử

GIẢI NGHĨA

Ngô Tử: tức là Ngô Khởi, người nước Vệ về thời Chiến Quốc, làm tướng nước Ngụy là một nhà dùng binh giỏi có tiếng. 

Ngụy: Một nước lớn trong bảy nước thời Chiến Quốc, ở vào bắc bộ Hà Nam và phía nam Sơn Tây bây giờ.

LỜI BÀN

Còn ai không biết trong nước đã bất hòa thì dân chúng dễ ngờ vực nhau, dễ tàn hại nhau, quên hết nghĩa công, chỉ biết thù riêng, thậm chí chia rẽ theo cả địch quốc và đi đến diệt vong nữa. Nên trong bài này tác giả nói phép dùng dân rút lại chỉ có một sự cốt yếu là “Hòa”. Dân có hòa và lại nhờ thêm cái thời thuận, tức là cơ hội tốt, nhiên hậu mới khả dĩ khiến dân hết lòng với nước, vì nước mà liều chết được. Bài này nói rộng là phép dụng dân, nhưng nói hẹp mà đúng hơn, thì chỉ là cách dụng binh mà thôi, tác giả là một nhà binh hơn là một nhà chính trị.


Mỗi ngày một câu chuyện thiền

 Nhạy Cảm

-Thưa thầy, làm sao con chứng nghiệm được rằng con với vạn vật là một?

Thiền-Sư đáp:

- Bằng cách lắng nghe.

-Và con phải lắng nghe như thế nào?

- Con hãy lắng tai để nghe ngóng mỗi lời thì thầm của vũ trụ. Khi con nghe thấy chính tiếng nói của con thì con hãy ngừng nghe.


Truyện cười trong ngày

 CANH BÍ ĐAO…

Một nhà nọ mời gia sư về dạy con học, ăn uống hàng ngày cho gia sư thật là đơn giản, mỗi bữa chỉ có một bát canh bí đao. Gia sư hỏi chủ nhà:


- Ông thích canh bí đao lắm à ?


- Vâng, đúng vậy, Bí đao ăn rất ngon, lại có tác dụng làm sáng mắt. Ăn bí đao rất có lợi cho mắt.


Một hôm chủ nhà vào phòng học, thấy gia sư đứng dựa cửa sổ nhìn ra xa xăm, cố ý làm như không biết chủ nhà vào. Chủ nhà bước đến phía sau gia sư mà chào, gia sư mới quay lại nói:

- Tôi đang xem trong thành phố diễn kịch, không biết ông vào, mong ông thông cảm.

Chủ nhân ngạc nhiên:

- Trong thành phố diễn kịch mà ông ở đây nhìn thấy được à, nhìn như thế nào vậy?

Gia sư nói:

- Từ ngày ăn canh bí đao của nhà ông đến nay, mắt tôi càng ngày sáng ra.


Saturday, March 27, 2021

Suy niệm trong ngày


 

Truyện ngắn

 TẠI SAO RẤT NHIỀU BẠN BÈ ĐANG THÂN THIẾT LẠI ĐỘT NGỘT TUYỆT GIAO?

---

CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT

A không thích ăn trứng gà, mỗi lần mẹ để phần cơm có trứng gà, A đều sẽ đưa nó cho B ăn.

Lúc đầu, B rất biết ơn, nhưng lâu dần B lại coi nó như một thói quen.

Mà đã quen rồi, sẽ coi chuyện A để phần trứng gà cho mình như chuyện hiển nhiên.

Vì vậy, đến một ngày nọ, A gặp được C - một cô bé mồ côi trong xóm, nên đưa trứng gà cho C ăn, B thấy vậy liền cảm thấy không vui.

Cô ấy đã quên rằng những quả trứng này vốn dĩ là của A, A có quyền muốn cho ai thì cho.

Nhưng B không nghĩ vậy, cô tìm A cãi nhau một trận. Hai người càng ngày càng cãi nhau dữ dội hơn, đến cuối cùng dẫn đến tuyệt giao...

CÂU CHUYỆN THỨ HAI

Một năm nọ, mùa hè trở nên vô cùng nóng bức, vì thế một nhóm người rủ nhau ra bờ sông chơi. Một cô gái trong nhóm người vô tình làm rớt chiếc giày xuống sông khi đang nghịch nước.

Đường trên bờ lại chỉ toàn những viên đá sỏi vừa sắc nhọn vừa bị nắng chiếu nóng hổi, bọn họ còn phải đi cả đoạn đường dài. Thế nên cô gái mới quay sang nhờ người khác giúp đỡ vớt chiếc giày vừa lỡ làm rơi xuống, nhưng chẳng có ai chịu giúp đỡ cả.

Cô gái cảm thấy những người bạn của mình là kẻ vô tình vô nghĩa, chơi với nhau tình nghĩa bao nhiêu năm, vậy mà nhờ họ giúp đỡ một việc nhỏ lại chỉ biết khoanh tay đứng nhìn.

Sau đó, một chàng trai đi ngang qua con đường này nhìn thấy cô gái kia đang giận dỗi ngồi một mình bên dòng sông liền đến hỏi thăm. Sau khi biết chuyện, anh ta đã đưa đôi giày của mình cho cô gái, đồng thời nói với cô ấy, không có ai có nghĩa vụ phải giúp đỡ bạn cả.

Có nhiều khi, bạn đã quen với việc người khác đối xử tốt với mình. Do đó cứ ngộ nhận rằng điều đó là đương nhiên, cho đến một ngày nào đó họ không còn đối xử tốt với bạn nữa, bạn lại cảm thấy tủi thân, tức giận.

Nhưng thực ra, không phải người đó bỗng nhiên trở nên xấu xa, mà là vì chúng ta có thói quen có rồi lại càng muốn được nhiều hơn. Quen với việc nhận lấy, mà quên đi việc phải cảm ơn.

Theo: Thiên Tuyết / Theo Báo Dân Sinh

Cổ học tinh hoa

 BIẾT DỞ SỬA NGAY

Đái Doanh Chi làm quan đại phu nước Tống, nói chuyện với thầy Mạnh Tử rằng:

“Cứ như cổ chế, thì ruộng đánh thuế theo phép tỉnh điền, chợ và cửa ải, chỉ xét hỏi không mà thôi. Như thế thực là hay, song ta chưa làm ngay được. Bây giờ ta hãy đánh nhẹ bớt thuế đi, đợi đến sang năm mới bãi hẳn, thì nhà thầy nghĩ thế nào?” 

Thầy Mạnh Tử nói: Nay có người mỗi ngày ăn trộm một con gà của hàng xóm. 

Có kẻ bảo anh ta:“Làm thế không phải là cách của con người lương thiện. -Anh ta đáp: Ông nói phải lắm, nhưng tôi chưa thể chừa ngay được. Xin để chừa dần, từ nay mỗi tháng, tôi ăn trộm một con thôi, đợi đến sang năm tôi sẽ chừa hẳn”. Phỏng nói như thế thì có nghe được không?

Phàm làm việc gì cũng vậy, chưa biết là phi nghĩa thì thôi, chớ đã biết là phi nghĩa thì phải bỏ cho mau cho chóng, sao lại còn đợi đến sang năm?

Mạnh Tử

GIẢI NGHĨA

Mạnh Tử: tên là Kha, lúc nhỏ được mẹ hiền dạy bảo, lúc lớn theo học thầy Tử Tư, lúc học hành, đi du lịch các nước Chư hầu. Về sau biết đạo thông hành, cùng làm sách với học trò là Nhạc Chính Khắc, Công Tôn Sửu, Vạn Chương. Đời sau nhặt những câu Mạnh Tử đối đáp với học trò và vua các nước Chư hầu làm quyển Mạnh Tử, bảy thiên. 

Tống: Một nước chư hầu thời Xuân Thu, sau bị nước Tề lấy mất, ở vào huyện Thuợng Khưu tỉnh Hà Nam bây giờ.

LỜI BÀN

Phàm nghĩa với lợi không cùng đi được với nhau. Nếu làm nghĩa mà còn tính lợi, cứ tìm cách trì hoãn mãi lại, thì biết đến bao giờ mới nên? Cho nên việc đã trót làm, biết là dở, có thể sửa lại được, thì phải sửa ngay. Đừng có nấn ná do dự, mà có khi cái dở chẳng những không sửa được, lại còn e mỗi ngày một to thêm mãi ra, nhỏ thì hại việc tu thân, tề gia, lớn thì hại đến việc trị quốc, bình thiên hạ. Câu nói: “Cái gì làm được hôm nay, chớ để đến ngày mai”, ta nên ghi nhớ lấy.

Mỗi ngày một câu chuyện thiền

 Tiến Hóa

Ngày hôm sau Thiền Sư bảo:

- Trời hỡi! Đi thì dễ hơn dừng lại.

Các đệ tử muốn biết tại sao.

- Vì ngày nào các con còn bước đi để đạt tới một mục đích, thì các con còn có thể bám víu vào một ước mơ. Khi dừng lại, các con phải đối diện với thực tế.

Các đệ tử lúng túng hỏi:

- Làm thế nào các con có thể thay đổi được nếu không có mục tiêu hay những điều ước mơ?

- Thay đổi thực sự là thay đổi không do ý muốn. Hãy đối diện với thực tế và sự thay đổi thực sự hiện ra.

Truyện cười trong ngày

 Mối quan hệ mật thiết giữa âm nhạc và hôn nhân

Sau bao năm mải mê lập nghiệp, cuối cùng cũng đến thời điểm Tồ muốn xây dựng một gia đình nhỏ cho riêng mình.​

Tuy vậy, anh không thể mường tượng được đời sống hôn nhân thật sự như thế nào nên bèn tìm đến hỏi bố:​

- Đàn ông sao khi cưới vợ thì cảm giác như thế nào bố nhỉ?

Bố Tồ chậm rãi nói:

- Con lấy điện thoại ra đi, vào danh sách bài hát chọn một bài mà con thích nghe nhất ấy.

Dù không hiểu lắm nhưng Tồ vẫn răm rắp làm theo. Sau đó anh hỏi:

- Rồi sao nữa bố?

Bố Tồ vẫn chậm rãi:

- Con xóa hết tất cả các bài hát khác đi, chỉ chừa lại duy nhất bài hát con đã chọn thôi.

Tồ ngạc nhiên:

- Chuyện này thì liên quan gì đến việc con lấy vợ hả bố?

Bố Tồ nhẹ nhàng khoác vai con trai:

- Con cứ thử tưởng tượng suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, con chỉ được nghe đúng một bản nhạc ấy đi. Bố tin là con sẽ hiểu, con trai ạ.

- !?!​


Friday, March 26, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn

 NHÌN BẰNG TRÁI TIM

Gần nhà ngoại tôi có một đôi vợ chồng già bị mù. Họ đã có với nhau một đàn con cháu đông đúc. Nghe ngoại nói, năm nay hai cụ đã ngót nghét tám mươi tuổi.

Ngoại kể, ngày xưa, khi lấy nhau, người chồng ngồi xe bò đi đón vợ. Tuy cô dâu và chú rể đều không nhìn thấy gì, nhưng chú rể vẫn nhờ người cuốn đầy lụa điều lên chiếc xe và đầu con bò, như vậy cho giống đám cưới.

Khi cô dâu vừa về nhà chồng, chú rể dắt tay vợ rà mò từ nhà trên xuống nhà bếp, khắp lượt các ngóc ngách trong gia đình. Rồi cũng từ đó, suốt hơn nửa thế kỷ, trong cái thôn nghèo chẳng mấy ai biết đến ấy, dù trời mưa hay nắng, người ta luôn nhìn thấy họ tay trong tay, lẳng lặng cùng nhau làm mọi việc.

Có lẽ trong tất cả công việc thì khó nhất vẫn là múc nước từ giếng lên. Lần nào cũng thế, hai người họ đều dắt nhau đi. Người vợ sờ thấy cây gỗ ở cạnh giếng, một tay ôm chặt cây, còn tay kia níu chặt bàn tay chồng. Người chồng quỳ trên sàn giếng thả gầu xuống múc, kéo nước lên.

Có người nhìn thấy họ múc nước khó khăn ngỏ ý muốn giúp nhưng hai vợ chồng đều cảm ơn rồi từ chối. Họ bảo: “Các ông bà giúp được chúng tôi một lần, nhưng không giúp được chúng tôi một đời”.

Cứ như thế, hai vợ chồng luôn tay dắt tay nhau đi lấy nước cho đến khi đứa con đầu lòng có thể gánh được một gánh nước. Dân làng đều cảm thấy lạ lùng. Trong thôn cũng có nhiều trai gái trẻ từng vì đất trơn mà trượt chân ngã xuống giếng, nhưng đôi vợ chồng mù chưa lần nào té ngã. Càng lạ lùng hơn, dù không thể nhìn thấy nhưng vợ chồng họ vẫn có thể tìm ra nhau trong đám đông đang nói chuyện ồn ào.

Người chồng là một người thổi kèn trong ban nhạc ở thôn quê. Ông thường đến các đám cưới thổi những bài: “trăm con chim phượng hoàng”, “niềm vui đầy nhà” … Dù đi thổi kèn ở đâu, ông cũng có một yêu cầu, để người vợ mù của ông đi cùng. Ông nói, để vợ ở nhà một mình, ông không an tâm.

Mỗi khi tiếng kèn của người chồng cất lên, người vợ ngồi bên rất chăm chú nghe. Dường như những giai điệu ấy đều là ông thổi riêng cho bà. Người ta bảo, những lúc ấy, khuôn mặt người vợ mù thường đỏ ửng lên, khiến ai nấy đều cảm thấy người phụ nữ đang ngồi lặng lẽ kia xinh đẹp biết nhường nào.

Sau này, khi hai vợ chồng đều đã già và không cần đi ra ngoài nữa, họ bắt đầu trồng hoa trong sân nhà. Dù chẳng thể nhìn thấy được những đoá hoa tươi rực rỡ mình trồng lên, nhưng ông bà đều rất hạnh phúc mỗi khi đến mùa hoa nở.

Những người con của ông bà từng hỏi bố mẹ :

- “Nếu ông trời dành cho bố mẹ một cơ hội, liệu bố mẹ có muốn nhìn nhau bằng mắt không?”

Ông tự hào nói:

- “Dắt tay nhau một đời, có bao nhiêu đường vân trong lòng bàn tay mẹ con, đều đã in trong trái tim bố. Bố chưa từng trông thấy người đẹp nhất. Trong trái tim bố thì mẹ con là người đẹp hơn cả. Cần mắt để làm gì ? Mắt là thứ tham lam nhất trần đời, nhìn cái gì cũng đánh giá tốt hay xấu, xinh hay không xinh; nhìn cái gì hay là muốn có cái đó. Trên mặt người ta có một vết sẹo cũng có thể để trong tim suốt đời.”

Tim sáng hơn mắt. Nó là sáng nhất, thật nhất!.

Còn bà thì trả lời:

- “Người ta nhìn người bằng mắt, bố mẹ nhìn người bằng trái tim. Tim sáng hơn mắt - thật.”

Cổ học tinh hoa

 ĐỌC SÁCH CỔ

Vua Hoàn Công đọc sách ở nhà trên. Có người thợ mộc đang đẽo bánh xe ở nhà dưới, nghe tiếng đọc, bỏ chàng, đục chạy lên thưa vua rằng:

- Cả dám hỏi nhà vua đọc những câu gì thế?

Hoàn Công nói: Những câu của Thánh nhân.

- Thánh nhân hiện nay còn sống không?

- Đã chết rồi.

- Thế thì những câu nhà vua học chỉ là những tao phách của cổ nhân đấy thôi.

- À anh thợ! Ta đang đọc sách, sao dám được nghị luận? Hễ nói có lý thì ta tha, không có lý thì ta bắt tội.

Người thợ mộc nói:

- Tôi đây cứ lấy việc tôi làm mà suy xét, khi đẽo cái bánh xe, để rộng thì mộng cho vào dễ, nhưng không chặt; để hẹp, thì mộng cho vào khó, và không ăn. Còn làm không rộng, không hẹp, vừa vặn đúng mực thì thật tự tâm tôi liệu mà nẩy ra tay tôi làm, như đã có cái phép nhất định, chớ miệng tôi không thể nói ra được. Cái khéo ấy tôi không có thể dạy được cho con tôi, con tôi cũng không thể học được tôi. Bởi thế tôi năm nay đã bảy mươi tuổi mà vẫn giữ nghề đẽo bánh xe. Người đời cổ đã chết, thì cái hay của người đời cổ khó truyền lại được, tưởng cũng đã chết cả rồi. Thế thì những câu nhà vua học thật chỉ là những tao phách của cổ nhân mà thôi.

Vua cho người thợ mộc nói là phải.

Trang Tử

GIẢI NGHĨA

Trang Tử: sách của Trang Chu soạn đến đời Đường gọi là Nam Hoa Chân kinh. Trang Tử, học đạo Lão Tử, sau người ta vẫn xưng Lão Tử với Trang Tử là tổ của Đạo gia. 

Hoàn Công: vua giỏi nước Tề thời Xuân Thu. 

Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông

bây giờ.

LỜI BÀN

Đọc sách cũng như xem người, xem người mà cứ câu nệ hình, sắc, danh, thanh thì không bao giờ biết rõ được “tình” người, mà có khi lại phải người ta làm cho ngu nữa. Ta học mà cứ bo bo ở ngôn ngữ, văn tự thì bao giờ biết hết được ý sách, vì cái hay nhiều khi miệng không thể nói ra được, bút không thể tả hết được. Ta đọc sách mà tâm ta không lĩnh hội được cái ý ở ngoài câu nói của cổ nhân, thì ta không thể tu kỷ, không thể trì nhân được, chẳng qua chỉ làm cho loạn cái tính của ta mà thôi. Những kẻ hay mượn bã giả của cổ nhân để buông ra những học thuyết dông dài làm ra sách vở để dạy đời, ta tưởng cũng lầm lắm.

Trong bài này, ý Trang Tử cũng như ý Tuân Tử, muốn phản kháng lại cái lối học của đời bấy giờ, chỉ biết lấy “cổ” làm cốt mà bỏ quên mất cái “kim” chỉ biết cho những thánh nhân như Nghiêu, Thuấn...tự đời nào là phải, chứ không cho người chính thời nay còn được địa vị nào nữa. Như thế không khỏi gọi là thiên vậy. Câu nói của người lao công này chính xác và thực tế lắm. Người đi học chỉ chuộng hư văn, không có thực học tưởng cũng thẹn lắm thay


Mỗi ngày một câu chuyện thiền

 Tử Vong

Có một đệ tử van xin Thiền Sư chỉ bảo Minh Triết, Thiền Sư nói:

- Con hãy làm thử điều nầy: nhắm nghiền mắt lại và tưởng tượng con bị rơi xuống vực thẳm với mọi vật đều bị lôi cuốn theo con. Mỗi khi con bám vào bất cứ vật gì để khỏi bị rơi thì con nên biết rằng vật đó cũng đang rơi.

Sau khi thử như thế, đệ tử không còn là một người như trước nữa.

Truyện cười trong ngày

 Phụ nữ xấu là nỗi bất hạnh của đàn ông

Bà vợ đứng trước gương ngắm nghía một lúc rồi bật tiếng thở dài:

- Trời ạ, tôi đã già, béo và xấu xí đến mức này sao?

Thấy chồng không mảy may chú ý, bà vợ tiếp tục than:

- Phụ nữ đúng là số khổ mà. Có chồng con xong nhan sắc tàn tạ, giờ thảm đến mức soi gương cũng không dám nữa.

Ông chồng ngồi đọc báo gần đó lên tiếng:

- Bà còn may mắn hơn tôi chán, than thở gì chứ?

Bà vợ bực mình:

- Đàn ông các ông thì có phải lo lắng gì đâu mà xuống sắc, lại còn bảo tôi may hơn.

Ông chồng buông tờ báo thở dài:

- Bà tự ngắm mình trước gương có mấy phút thôi đã đau khổ vậy rồi. Còn tôi phải ngắm suốt từ ngày này sang tháng nọ có được than vãn tiếng nào đâu.


Thursday, March 25, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn

 CHIM YẾN

Nếu ai hỏi tạo hoá đã tạo ra động vật nào hoàn hảo nhất? Tôi sẽ không ngần ngại trả lời, đó là loài chim yến.

Những cánh chim nhỏ bé đến mong manh, chấp chới trên đảo đá đầy bão tố, sóng lừng dễ gây cho người ta hiểu lầm về loài chim yếu ớt, mong manh, thực ra lại có bản lĩnh vo song, và những đức tính khiến loài người phải bái phục.

Chim yến thường kết đôi rất sớm và khi đã kết đôi chúng luôn bên nhau suốt cả cuộc đời, thuỷ chung son sắt.

Điều đáng ngạc nhiên là giữa cả hàng ngàn con chim đang bay, chúng vẫn nhận ra nhau dễ dàng.

Xã hội loài yến có tổ chức rất ngăn nắp, chúng không bao giờ dành tổ của nhau, giữa hàng ngàn tổ chi chít trên vách đá chúng vẫn trở về đúng tổ của mình trước mùa sinh sản, chính xác như kim đồng hồ.

Vợ chồng nhà yến thay nhau xây tổ, trong khi chim trống rứt lông tới bật máu trộn nước dãi xây tổ, chim mái bay xa cả hàng trăm cây số kiếm mồi, và ngược lại, chúng yêu thương quấn quýt bên nhau giữa biển khơi giông bão.

Bản năng sinh tồn buộc loài Yến phải làm tổ trên vách đá treo leo, tránh động vật ăn thịt, rắn, nhưng đồng thời phải kín gió cho chim non. Nhưng nếu như không có loài người thì chúng đã có thể sống trọn đời hạnh phúc bên nhau mà không phải lo sợ.

Trước mùa sinh sản, loài người mò tới cắt đi một phần tổ, khiến chim trống phải gấp rút rứt lông, ựa dãi đến kiệt sức ra cả máu tươi để xây lại tổ cho vợ đẻ, chúng vẫn cần mẫn, nhẫn nại xây dựng lại mái ấm cho mình .Cả hai vợ chồng phải cùng bay đi kiếm mồi, cung cấp cho những cái miệng nhỏ xíu luôn há ra đòi ăn.

Loài người lại mò tới, vứt thẳng những chú chim non xuống biển, ngay cả khi chúng đang ríu rít vui mừng tưởng cha mẹ về cho ăn. Chim mẹ về tìm tổ, bay nhiều vòng trên không trung, bật ra những tiếng kêu thảm thiết, tuyệt vọng, nó bay vút lên cao, rồi lao xuống như một tia chớp, đâm thẳng vào nơi từng là thiên đường hạnh phúc mà nó dày công vun xới, chim trống sau vài giây chứng kiến cái chết của vợ mình cũng bay vút lên rồi đâm thẳng xuống bên xác vợ mình.

Chúng nằm đó bên nhau, hết thế hệ này, đến thế hệ khác, như cố chứng minh với loài người mối tình bất tử, xin đừng huỷ hoại những sinh linh bé bỏng, giữa muôn loài.

Cổ học tinh hoa

 CÁCH BIẾT LÒNG NGƯỜI

Lòng người ta nham hiểm hơn núi sông, khó biết hơn là biết trời. Trời thì hằng năm có xuân hạ thu đông, hàng ngày còn có buổi sáng, buổi tối, ta do đấy mà biết được.

Đến như người ta thì có kẻ ngoài rõ như cẩn hậu mà trong thật kiêu căng, có kẻ trông rõ thật tài giỏi mà ngoài coi ra ngu độn, có kẻ ngoài rõ như vững vàng, thư thái mà trong cuống rối nóng nảy. Tâm tính bên trong, diện mạo bên ngoài trái nhau khó lường như thế. Cho nên quân tử dùng người cho ở xa để xem lòng trung, cho ở gần để xem lòng kính, sai làm nhiều việc để xem cái tài, hỏi lúc vội vàng để xem cái trí, hẹn cho ngặt ngày để xem có tín, ủy cho tiền của để xem có nhân, giao cho việc nguy biến để xem có tiết, cho đánh chén say sưa để xem cử chỉ, cho ở chỗ phiền tạp để xem thần sắc. Xem người đại khái như vậy, thì họa mới có thể biết được người. Trang Tử

GIẢI NGHĨA

Trang Tử: sách của Trang Chu soạn đến đời Đường gọi là Nam Hoa Chân kinh. Trang Tử, học đạo Lão Tử, sau người ta vẫn xưng Lão Tử với Trang Tử là tổ của Đạo gia. 

LỜI BÀN

Khéo thật! Người ta chỉ cách nhau một làn da, mà ai đã chắc biết được ai! Sông còn dò, núi còn đo được, vì nó biểu hiện ra ngoài,chớ lòng người ẩn phục bên trong, lấy gì mà cân nhắc, lấy gì mà lường xét. Cho nên ta chỉ trông thấy bề ngoài, thì ta chớ vội đã tin bên trong. Trong, ngoài thường khi trái hẳn nhau. Ta phải để tâm nhận cho kỹ, ta phải biết cách xem cho tường. Đoạn dưới bài này, tác giả chính bảo cho ta cái cách ấy, là cái cách biết được người thế nào là trung, tín, là tài, trí, nhân, tiết.v.v.. Cái cách ấy kể cũng không khó, chỉ cốt phải đưa người ta hẳn vào việc làm hay khiến người ta làm trái lại sự thực để dò biết sự thực.


Mỗi ngày một câu chuyện thiền

 Đấm Vào Cái Bóng

Với những người mới tới, Thiền Sư thường nói:

- Hãy gõ cửa thì cửa sẽ mở.

Với một vài người đó, về sau Thiền Sư lại nói một cách đầy ẩn ý:

- Làm sao phải đợi cánh cửa mở khi mà nó chưa bao giờ đóng cả?


Truyện cười trong ngày

 Đừng gọi vợ là bà xã!

Đêm tân hôn, Tèo ôm chầm lấy vợ ngọt ngào nói:​

- Kể từ hôm nay em đã là bà xã của anh rồi. Cứ nghĩ tới việc mỗi sáng thức dậy đều nhìn thấy bà xã là đủ hạnh phúc rồi.​

Vợ Tèo nghiêm mặt:

- Anh đừng gọi em là bà xã.

- Chứ biết gọi thế nào đây? - Tèo nũng nịu.

- Thì anh cứ gọi là vợ yêu hay gì cũng được, đừng gọi là bà xã. - Vợ anh nói chắc nịch.

Tèo tò mò:

- Sao thế?

Vợ Tèo hắng giọng:

- Tôi còn lạ gì đàn ông các anh. Gọi bà 'xã' để bên ngoài có thêm các bà 'tỉnh', bà 'huyện', bà 'trung ương' và nhiều bà 'địa phương' các nữa chứ gì?


Wednesday, March 24, 2021

Suy niệm trong ngày


 

Truyện ngắn

 CHÓ VÀ HỒ LY

Chó và Hồ ly là đôi bạn. Chúng thường chơi với nhau. Rồi một ngày, cả hai gặp phải Thần chết.

Thần chết nói: “Trong hai ngươi, chỉ có một người được sống, hai ngươi hãy oẳn tù tì đi, ai thua sẽ phải chết”.

Cuối cùng Hồ ly chết. Chó khóc lóc ôm Hồ Ly đã chết nằm yên lặng trong lòng. “Đã nói là cả hai sẽ cùng ra búa, tại sao trong khi ta ra kéo thì ngươi lại ra bao?”

Hóa ra Chó muốn thua để Hồ ly được sống, tưởng rằng Hồ ly sẽ ra búa nên Chó ra kéo, nhưng không ngờ Hồ ly lại ra bao, vì nó nghĩ Chó sẽ ra búa. Cuối cùng, tất nhiên là Chó đã thắng.

Đây mới là hiện thực, là lòng người trong xã hội. Hồ ly ích kỷ, còn Chó lại quá ngốc nghếch. Nhưng xã hội vẫn còn một mặt khác. Đó là: KHI CHÚNG TA HÃM HẠI NGƯỜI KHÁC CŨNG CHÍNH LÀ ĐANG HÃM HẠI BẢN THÂN. Có một số người cam chịu thua cuộc, nhưng họ lại đang thắng. Thế nên: cứ tiếp tục lương thiện…rồi bạn sẽ thắng, làm người phải sống có hậu, chân lý lúc nào cũng thuộc về sự lương thiện.

Cổ học tinh hoa

 CỨU NGƯỜI LÚC NGUY CẤP

Trang Chu nghèo túng sang hỏi vay thóc Ngụy Văn Hầu. Ngụy Văn Hầu nói:

“Tôi có cái ấp, người ta sắp nộp tiền thóc, tôi sẽ cho ông vay ba trăm lạng, ông có bằng

lòng không?”

Trang Chu giận nói: “Khi Chu đến đây, đi giữa đường nghe có tiếng gọi, ngoảnh lại thấy một con cá đang ngắc ngải trong cái vết bánh xe. Chu này hỏi: Cá ở đây làm gì thế? 

-Cá đáp: Tôi là thủy thần ở bên bể Đông mắc nạn tại đây, ông có thể cho tôi bát nước để cứu

tôi lúc nguy cấp này không? -Chu này bảo: Để tôi qua chơi nước Ngô, nước Việt rồi lấy nước sông Tây Giang về đón ngươi, ngươi có bằng lòng không? 

Cá giận nói: Tôi đang cần đến nước, ông chỉ cho tôi được một ít là tôi sống. Nay ông nói như thế; đợi đến lúc ông về, thì có khi ông đến chỗ hàng cá khô đã thấy tôi đấy rồi.”

Thuyết Uyển

GIẢI NGHĨA

Thuyết Uyển: bộ sách 21 quyển của Lưu Hướng đời Hán soạn, ghi chép những việc đạo đức đáng dạy người ta.

Ngô: tên nước thời Xuân Thu bây giờ vào địa phận phía Nam sông Hoài, sông Tử cho đến tỉnh Triết Giang bây giờ.

Việt: tên nước thời Xuân Thu ở vào tỉnh Chiết Giang, Giang Tô và một phần Sơn Đông bây giờ.

Ngụy Văn Hầu: Văn Hầu nước Ngụy, cứ theo sách Trang Tử tuyết thi là Giám Hà Hầu.

Mỗi ngày một câu chuyện thiền

 Lặng Thinh

- Kiến thức và lòng mộ đạo của các con thì có ích lợi gì? Một con lừa có trở thành khôn ngoan khi sống trong thư viện? Hay một con chuột có đạt sự thánh thiện khi sống trong nhà thờ?

- Vậy thì chúng con cần phải có điều gì?

- Một trái tim.

- Làm thế nào để có được?

Thiền Sư lặng thinh không nói. Ngài phải nói sao để họ không biến mọi sự thành một môn để học hoặc một đối tượng để thờ?


Truyện cười trong ngày

 Bác sĩ lỡ lời

Chồng đưa vợ đi siêu âm. Lúc người chồng cầm tấm ảnh lên xem, bác sĩ đột nhiên bảo:​

- Không phải là của anh.​

Cô vợ nghe thế xanh mặt, lắp bắp nói:

- Thế cũng nhìn ra được à?

Người chồng bèn cho vợ một tát, người vợ sợ hãi khóc lóc:

- Em sai rồi, anh tha lỗi cho em.

Bác sĩ cau mày đưa ra tấm ảnh khác bảo:

- Cái này mới là của anh.​


Tuesday, March 23, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn

 Bằng Lòng Với Cuộc Sống

Sau một thời gian cần cù và chắt chiu, một người đàn ông nọ đã trở thành người giàu có nhất trong ngôi làng nhỏ bé của mình.

Từ lúc mua đươc một con lừa, anh ta mới có ý nghĩ làm một chuyến đi xa cho biết đó biết đây. Anh đến một ngôi làng khác lớn hơn ngôi làng của anh. Một ngôi nhà thật đẹp và sang trọng đập vào đôi mắt của anh. Sau khi dò hỏi, anh biết được đó là ngôi nhà của người giàu có nhất trong làng.

Anh bèn trở về ngôi làng nhỏ bé của mình và quyết chí làm ăn, dành dụm để có thể may ra xây được một ngôi nhà đẹp hơn ngôi nhà mà anh vừa trông thấy ở ngôi làng bên cạnh. Không mấy chốc, tiền bạc dư dả, không những anh đã xây được một ngôi nhà sang trọng đẹp đẽ hơn mà còn mua được cả đàn ngựa và xe nữa.

Lần này, anh vượt qua các ngôi làng nhỏ để đến một đô thị lớn. Tại đây, đâu đâu anh cũng thấy những ngôi nhà đẹp và ngôi nhà nào cũng đẹp hơn ngôi nhà của anh. Anh nghĩ bụng: cho dẫu có lao nhọc cả quãng đời còn lại, anh cũng không tài nào có thể xây được một ngôi nhà đẹp như thế.

Anh bèn tiu nghỉu đánh xe quay lại ngôi làng cũ của mình. Nhưng rủi thay, xe gặp tai nạn, anh đành phải bỏ chiếc xe để leo lên lưng ngựa cố gắng chạy về ngôi làng cũ của mình. Nhưng dọc đường, vì mệt mỏi và đói lả, ngựa cũng lăn ra chết. Người đàn ông chỉ còn biết lủi thủi đi bộ về nhà.

Đêm đến, giữa sa mạc, anh nhìn thấy một ánh lửa bập bùng từ xa. Anh nấn ná tìm đến và khám phá ra túp lều của một vị ẩn sĩ. Vào trong túp lều, người đàn ông mới nhận ra rằng có lẽ trong đời anh, chưa bao giờ anh thấy có cảnh nghèo nàn cùng cực hơn.

Anh ái ngại nhìn nhà tu hành rồi thắc mắc: "Thưa ông, làm sao ông có thể sống được trong cảnh cùng cực như thế này?".

Nhà ẩn sĩ mỉm cười đáp: "Tôi bằng lòng với cuộc sống... Thế còn ông, xem chừng như ông không được thỏa mãn về cuộc sống của ông cho lắm".

Người đàn ông ngạc nhiên hỏi: "Sao ông biết tôi không được thỏa mãn?".

Nhà ẩn sĩ nhìn thẳng vào đôi mắt của người đối diện rồi thong thả nói: "Tôi nhìn thấy điều đó trong đôi mắt của ông. Đôi mắt của ông cứ chạy theo giàu sang, nhưng sự giàu sang không bao giờ đến với ông ... Ông hãy nhìn cảnh hoàng hôn. Ông có thấy những ánh sáng yếu ớt đang chiéu rọi trên cánh đồng không? Chúng tưởng mình đang soi sáng cả vũ trụ. Nhưng không mấy chốc, các ngôi sao mọc lên, và những tia sáng hoàng hôn biến mất. Những ánh sao tưởng chúng đang soi sáng cả bầu trời, nhưng khi mặt trăng vừa ló rạng, thì những ánh sao ấy cũng bắt đàu tắt ngụm. Vầng trăng sáng kia tưởng mình soi sáng cả trái đất, nhưng không mấy chốc, mặt trời mọc lên và mọi thứ ánh sáng của đêm đen đều biến mát. Nếu những thứ ánh sáng trên đây đều biết suy nghĩ về những điều ấy, thì có lẽ chúng sẽ tìm thấy nụ cười đã đánh mất".

Nghe câu chuyện ví von của nhà hiền triết, người đàn ông mở miệng mỉm cười, nhưng nỗi buồn vẫn còn thoáng trên gương mặt ông.

Vị ẩn sĩ tiếp tục câu chuyện: "Ông có biết rằng sánh với tôi, ông là vua không?". Người đàn ông tự nhiên so sánh căn nhà của mình với túp lều của vị ẩn sĩ. Nhưng đó không phải là điều mà vị ẩn sĩ muốn nói đến...

Ông cầm chiếc đèn đưa lên cao và mời người đàn ông đến gần bên mình.

Dưới ánh đèn, người đàn ông mới nhận ra rằng vị ẩn sĩ là người không còn ngay cả đôi chân để có thể di chuyển một cách bình thường.

Cổ học tinh hoa

 TU TẠI GIA

Dương Phủ, lúc nhỏ nhà nghèo nhưng hết sức cày cấy đẻ phụng dưỡng song thân. Một hôm, ông nghe bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ, ông bèn nói với song thân xin từ biệt ít lâu để đến hầu bực Vô Tế.

Đi được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng bảo ông rằng:

-Được gặp bực Vô Tế chẳng bằng được gặp Phật.

Ông hỏi: Phật ở đâu?

Lão tăng nói: Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này, thì chính là Phật đấy.

Dương Phủ nghe lời quay về, đi đường chẳng gặp ai như thế cả. Khi ông tới nhà, đêm khuya, trời tối, ông gọi cửa, mẹ ông nghe tiếng mừng quá, tức thì vội khoác chăn đi dép ngược ra mở cửa cho ông. Bây giờ ông trông ra, thì hình dáng Phật, mà lão tăng đã nói chuyện cho nghe.

Từ đấy, ông biết cha mẹ trong nhà tức là Phật, chẳng phải cầu kỳ đi mộ Phật đâu xa nữa.

Lý Nguyên Dương

GIẢI NGHĨA

Dương Phủ: người đời nhà Minh đỗ Tiến sĩ làm ngự sử có tiếng là một ông quan thẳng và liêm.

Thục: tên đất ở tỉnh Tứ Xuyên bây giờ.

Vô Tế đại sĩ: một nhà tu hành đắc đạo vô cùng.

LỜI BÀN

Bài này cốt dạy ta về chữ “Hiếu” vì cha mẹ như Phật, con phải phụng thờ cha mẹ như phụng thờ Phật vậy. Phật là một vì tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, thiên hạ thành kính thờ phụng rất phải. Nhưng cha mẹ là người sinh thành ra thân mình, thì há mình lại không nên thờ phụng thành kính hay sao! Phật xa, cha mẹ gần, con cái hãy nên một niềm thành kính mà thờ phụng lấy mẹ cha trước.

Thứ nhất thì tu tại gia

Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.

Tu đâu bằng tu tại gia,

Thờ cha, kính mẹ mới là chân tu.

Nghĩa những câu cổ ấy thực là đúng với nghĩa trong bài này. Vả lại, hiếu là đầu cả trăm nét tốt, chỉ có người có hiếu mới trung với tổ quốc và nhân từ với nhân loại vậy.


Mỗi ngày một câu chuyện thiền

 Phóng Tâm

- Tại sao trong tất cả những người đang hiện diện, tôi lại là người duy nhất không hạnh phúc?

Thiền Sư trả lời:

- Vì những người khác đã học nhìn cái đẹp và cái tốt ở mọi nơi.

- Tại sao con không thấy cái đẹp và cái tốt ở đâu hết?

- Vì con không có khả năng nhìn ra ngoài bằng cái nhìn từ bên trong.


Truyện cười trong ngày

 BỐN CẲNG, SÁU CẲNG..

Một thầy cai sai lính lệ đi có việc gấp, bảo anh ta lấy ngựa mà cưỡi. Anh lính lệ giắt ngựa ra đường nhưng không cưỡi, cứ xắn quần lên tận gối, cắm cổ chạy theo ngựa.

Người qua đường lấy làm lạ hỏi:

- Anh điên hay sao mà không cưỡi lên ngựa chạy cho mau?  Anh lính lệ trả lời:

- Khéo cho anh! Bốn cẳng lại nhanh hơn sáu cẳng được à!


Monday, March 22, 2021

Suy Niệm Trong Ngày




 

Truyện ngắn

 AI HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIAN?

Có một con quạ đen sống ở trong rừng, và nó vô cùng thỏa mãn với cuộc sống của nó.

Cho đến một hôm nó nhìn thấy thiên nga…

“Thiên nga thật trắng, còn mình thì đen sì…”, nó tự nhủ.

Nó bèn tiến lại gần thiên nga và nói: “Cậu chắc là loài chim hạnh phúc nhất trên đời”.

Thiên nga nghe vậy bèn nói: “Thực ra tôi vẫn nghĩ tôi là loài chim hạnh phúc nhất trên đời, cho đến khi tôi nhìn thấy vẹt, chú ấy có những hai màu sắc sặc sỡ. Nên theo tôi, vẹt mới là loài chim hạnh phúc nhất thế gian này.”

Sau đó, quạ bèn đi tìm vẹt.

Vẹt nói: “Tôi cũng đã từng sống rất hạnh phúc, cho đến khi tôi nhìn thấy bác Công. Tôi thì chỉ có hai màu, bác ấy thì có đủ các màu sắc sặc sỡ.”

Quạ bèn đến bên bác Công và nói: “Bác Công à, bác thật là đẹp. Ngày nào cũng có hàng ngàn người ghé thăm bác trong khi nhìn thấy cháu thì họ chỉ xua đi. Có lẽ bác là loài chim hạnh phúc nhất trên đời.”

Bác Công trả lời: “Ta đã luôn nghĩ mình là loại chim hạnh phúc nhất trên đời… Nhưng chỉ vì vẻ đẹp bề ngoài mà ta suốt ngày bị giam cầm trong lồng sắt. Ta đã nghĩ rất nhiều và cảm thấy rằng, chỉ có loài quạ là không bao giờ bị giam cầm. Vì vậy suốt mấy ngày qua, ta đã nghĩ ước gì mình là một con quạ đen. Có thể tung cánh bay lượn khắp thế gian này.

..

Quạ nghe vậy hết sức ngạc nhiên và .. bừng tỉnh.

So đo chi với cuộc đời

Dành thời gian đó ngồi chơi với mình

Lao đao bởi tại cái nhìn

Hạnh phúc nơi mình, Ai biết, trọn vui!

Bài sưu tầm

Cổ học tinh hoa

 HÀ BÁ LẤY VỢ

Dân đất Nghiệp có tục cứ mỗi năm góp tiền mua một người con gái ném xuống sông để làm vợ cho Hà Bá. Sự mê tín ấy có đã lâu ngày, không ai phá nổi.

Lúc ông Tây Môn Báo, đến làm quan ở đấy, ông thân hành ra đứng làm chủ lễ cưới cho Hà Bá. Trước mặt đông đủ cả bô lão, hào trưởng, ông đồng bà cốt, ông cho gọi người con gái đến. Ông xem mặt xong, chê rằng: "Người con gái này không được đẹp! Ta nhờ bọn ông đồng xuống nói với Hà bá xin hoãn lại hôm khác, để tìm người đẹp hơn". Ông lập tức sai lính khiêng một ông đồng quăng xuống sông.

Một lúc, ông nói: "Sao lâu thế này!" Rồi ông bảo đám bà cốt xuống nói hộ. Lập tức sai lính bắt một bà cốt ném xuống sông.

Một lúc, ông nói: "Sao không thấy tin tức gì cả! Chừng lũ đồng cốt xuống nói không nên lời. Dám phiền các cụ bô lão đi giúp cho. Lại lập tức sai lính lôi một cụ vứt xuống sông.

Một lúc, ông nói: "Sao mãi không thấy về thế này! Bọn đồng cốt, bô lão dễ đi cũng không được việc, phải nhờ đến bậc hào trưởng mới xong."

Lúc bấy giờ bao nhiêu người đều xám xanh mặt lại van lạy xin thôi. Tây Môn Báo nói:

"Để thong thả ta xem đã..." Mọi người run như cầy sấy. Một chốc ông mới bảo: "Thôi tha cho họ. Thế là Hà bá không lấy vợ nữa rồi".

Thành thử từ đây dân đất Nghiệp không ai dám nhắc đến truyện Hà bá lấy vợ nữa. 

Sử Ký

GIẢI NGHĨA

Sử Ký: còn được gọi bằng tên "Sách của ông Thái sử" là cuốn sử của Tư Mã Thiên được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN, ghi lại lịch sử Trung Quốc từ thời Hoàng Đế thần thoại cho tới thời ông sống. 

Nghiệp: tên một huyện đời nhà Hán tức là huyện Lâm Chương tỉnh Hà Nam bây giờ. Tây Môn Báo: người nước Ngụy thời Chiến Quốc làm quan rất giỏi, trừ được hại, hưng được lợi cho dân.

Tục: thói quen lưu truyền lâu ngày đã thành nếp. Hà bá: Thần ở dưới nước. (2)

Mê tín: tin một cách mê muội không biết lẽ phải là thế nào nữa. (2)

Thân hành: chính mình đi làm lấy một việc gì. (2)

Bô lão: các cụ già. (2)

Hào trưởng: kẻ có quyền thế, làm bực trên trong dân làng. (2)

LỜI BÀN

Sự mê tín thường làm hư người, tốn của, nát nhà, có khi mất cả mạng, thật là tai hại. Khi mê tín đã thành tục, thì khó lòng mà phá nổi. Muốn phá, tất phải dụng tâm khéo làm sao mới được. Ông Tây Môn Báo sở dĩ mà phá nổi cái tục cưới vợ cho Hà bá là vì ông biết trừ tự cái gốc rễ; tức là đám đồng cốt quàng xiên, bọn cường hào ngoan cố, xưa nay quen thói cổ hoặc nhũng nhiễu người ta để kiếm ăn, để cầu lợi. Trừ hai hạng ấy để cứu vớt lương dân, chỉnh đốn phong tục thật là công minh và cương quyết vậy.


Mỗi ngày một câu chuyện thiền

 Trung Gian

Một khách hành hương hỏi một đệ tử:

- Tại sao bạn cần tới Thiền Sư?

Đệ tử trả lời:

- Để được sưởi ấm như nước cần tới một cái ấm để làm trung gian giữa nó với lửa.


Truyện cười trong ngày

 ÔNG NỌ BÀ KIA..

 Trong làng Quỳnh ở, các chức sắc thấy Quỳnh được chúa gọi vào hầu luôn thì khâm phục lắm, chẳng ai bảo ai mà kẻ nào người nấy đều đến nhờ cậy Quỳnh giúp đỡ, mong được hưởng chút ấm nhà chúa.

Một hôm Quỳnh ở kinh đô về, cho gọi các chức sắc đến, bảo có muốn làm ông nọ bà kia thì tối đến nhà Quỳnh đánh chén, rồi ngày mai Quỳnh đưa lên kinh đô sớm.

Các chức dịch bao phen mong đợi, nay thấy Trạng hẹn đưa vào kinh đều chắc mẩm phen này hẳn phải lên chức ông nọ bà kia. Vì thế, ông nào ông nấy vênh vang về nhà quát vợ sắp sếp áo quan để tối đến nhà Trạng uống rượu, ngủ đấy, mai trẩy kinh sớm. Các bà vất vả một buổi sắm sanh cho chồng, nhưng cũng mở cờ trong lòng vì sắp được thành ông nọ bà kia.

Tối đến Trạng đãi các vị chức dịch một bữa rượu túy lúy càn khôn. Ông nào, ông nấy say đứ đừ, lăn chiêng ra ngủ.

Lúc ấy đã quá nửa đêm, Trạng mới sai đem võng tới, võng ông nọ về nhà bà kia và bảo rằng ông bị trúng cảm, phải xoa dầu, đánh gió ngay kẻo nguy hiểm đến tính mạng.

Các bà hoảng hốt, đang đêm vùng dậy, đèn đóm nhập nhoạng ra sức mai cà tóc gáy, cứu chữa các ông gần đến sáng mới tỉnh. Trời tảng sáng, nhìn rõ mặt người thì hóa ra không phải chồng mình. Các bà ngớ người ra, thẹn quá hóa giận:

- Phải gió các nhà ông này, ở đâu lại đến đây nằm vạ!

Ông kia tỉnh dậy, không biết đầu đuôi xui ngược ra sao, thấy mình nằm ở nhà người khác, đâm hoảng, thẹn thùng và lủi ra về. Đến nhà, lại chứng kiến cảnh vợ mình cũng đang mắc cỡ trong cảnh “ông nọ bà kia” hệt như thế.

Bấy giờ các ông mới biết là bị Trạng lỡm, ức quá vặc nhau:

- Nào, được làm ông nọ bà kia đã sướng chưa!


Sunday, March 21, 2021

Suy niệm trong ngày

 


Truyện ngắn

 Cách đối xử với những người ghét mình

Trong một ngôi chùa cũ nát, tiểu hòa thượng chán nản thất vọng nói với lão hòa thượng: “Trong cái chùa nhỏ bé này chỉ có hai hòa thượng chúng ta, lúc con đi xuống núi hóa duyên, mọi người đều là nói những lời ác với chúng ta, còn thường xuyên gọi con là hòa thượng hoang. Họ cho chúng ta tiền hương khói càng ngày càng ít đến thê thảm”.

Tiểu hòa thượng nói tiếp: “Hôm nay con đi khất thực, trời lạnh như vậy mà không có một ai mở cửa cho con, đến cơm bố thí cũng được ít. Chùa Bồ Đề chúng ta muốn thành một ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông vang xa không ngớt như Sư Phụ nói, con e là không thể”.

Lão hòa thượng khoác lên mình chiếc áo cà sa không nói lời nào, chỉ nhắm mắt lại lẳng lặng nghe, tiểu hòa thượng cứ nói và cằn nhằn liên miên…

Cuối cùng lão hòa thượng mở mắt to hỏi: “Bây giờ bên ngoài gió bấc thổi mạnh, lại có băng tuyết ngập trời, con có thấy lạnh không?”

Tiểu hòa thượng toàn thân run rẩy nói: “Con lạnh, hai chân con đều tê cóng cả rồi!”

Lão hòa thượng nói: “Vậy chi bằng chúng ta đi ngủ sớm đi”.

Lão hòa thượng và tiểu hòa thượng tắt đèn chui vào trong chăn ngủ.

Một giờ sau, lão hòa thượng hỏi: “Bây giờ con có thấy ấm không?”

Tiểu hòa thượng trả lời: “Đương nhiên là con thấy ấm rồi, giống như ngủ dưới ánh mặt trời vậy!”

Lão hòa thượng nói:

“Khi nãy, chăn bông để ở trên giường là lạnh, thế nhưng khi có người nằm vào lại trở nên ấm áp. Con thử nói xem, là chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông đây?”

Tiểu hòa thượng nghe xong liền nở một nụ cười nói: “Sư phụ, người thật là hồ đồ đó, chăn bông làm sao có thể sưởi ấm cho người được, phải là do con người làm chăn bông ấm lên mới đúng chứ!”

Lão hòa thượng hỏi: “Chăn bông đã không cho chúng ta sự ấm áp lại còn cần chúng ta đi sưởi ấm nó, như thế thì chúng ta còn đắp chăn bông làm gì?”

Tiểu hòa thượng nghĩ nghĩ một lát rồi nói: “Mặc dù chăn bông không sưởi ấm cho chúng ta, nhưng chăn bông dày lại có thể giữ hơi ấm cho chúng ta, khiến cho chúng ta ngủ được thoải mái”.

Trong bóng tối, lão hòa thượng hiểu ý cười cười: “Chúng ta là hòa thượng tụng kinh rung chuông, chẳng phải là giống người nằm dưới chăn bông? Còn những chúng sinh kia chẳng phải họ là một cái chăn bông dày đó sao? Chỉ cần chúng ta một lòng hướng thiện, thì chiếc chăn bông lạnh như băng kia cuối cùng cũng sẽ được chúng ta sưởi ấm. Lúc đó “cái chăn bông” dày kia cũng sẽ biết giữ ấm cho chúng ta. Chúng ta ngủ trong “cái chăn bông” như vậy, chẳng phải rất ấm áp sao? Ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông chùa ngân vang không ngớt, còn có thể là trong mơ được sao?”