Thursday, March 25, 2021

Cổ học tinh hoa

 CÁCH BIẾT LÒNG NGƯỜI

Lòng người ta nham hiểm hơn núi sông, khó biết hơn là biết trời. Trời thì hằng năm có xuân hạ thu đông, hàng ngày còn có buổi sáng, buổi tối, ta do đấy mà biết được.

Đến như người ta thì có kẻ ngoài rõ như cẩn hậu mà trong thật kiêu căng, có kẻ trông rõ thật tài giỏi mà ngoài coi ra ngu độn, có kẻ ngoài rõ như vững vàng, thư thái mà trong cuống rối nóng nảy. Tâm tính bên trong, diện mạo bên ngoài trái nhau khó lường như thế. Cho nên quân tử dùng người cho ở xa để xem lòng trung, cho ở gần để xem lòng kính, sai làm nhiều việc để xem cái tài, hỏi lúc vội vàng để xem cái trí, hẹn cho ngặt ngày để xem có tín, ủy cho tiền của để xem có nhân, giao cho việc nguy biến để xem có tiết, cho đánh chén say sưa để xem cử chỉ, cho ở chỗ phiền tạp để xem thần sắc. Xem người đại khái như vậy, thì họa mới có thể biết được người. Trang Tử

GIẢI NGHĨA

Trang Tử: sách của Trang Chu soạn đến đời Đường gọi là Nam Hoa Chân kinh. Trang Tử, học đạo Lão Tử, sau người ta vẫn xưng Lão Tử với Trang Tử là tổ của Đạo gia. 

LỜI BÀN

Khéo thật! Người ta chỉ cách nhau một làn da, mà ai đã chắc biết được ai! Sông còn dò, núi còn đo được, vì nó biểu hiện ra ngoài,chớ lòng người ẩn phục bên trong, lấy gì mà cân nhắc, lấy gì mà lường xét. Cho nên ta chỉ trông thấy bề ngoài, thì ta chớ vội đã tin bên trong. Trong, ngoài thường khi trái hẳn nhau. Ta phải để tâm nhận cho kỹ, ta phải biết cách xem cho tường. Đoạn dưới bài này, tác giả chính bảo cho ta cái cách ấy, là cái cách biết được người thế nào là trung, tín, là tài, trí, nhân, tiết.v.v.. Cái cách ấy kể cũng không khó, chỉ cốt phải đưa người ta hẳn vào việc làm hay khiến người ta làm trái lại sự thực để dò biết sự thực.


No comments:

Post a Comment