Monday, October 5, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 5 tháng 10, 2020

 


Truyện ngắn - Tu tướng và tu tánh

 Tu Tướng Và Tu Tánh


Một vị cư sĩ hỏi vị Sư:

- Bạch Thầy cho con hỏi vì sao có người tu thì an lạc, có người tu lại chẳng an lạc?

Vị Sư không đáp mà thủng thẳng hỏi:

Chẳng hay tâm của Đạo hữu đang an hay chẳng an?

Cư sĩ: Bạch thầy tâm con vừa an, vừa bất an.

Vị Sư: Cho tôi hỏi đôi điều, Đạo hữu nghĩ sao cứ thẳng thắn mà đáp. Khi nào Đạo hữu thấy an?

Cư sĩ: Dạ, bạch thầy, khi con quan tâm nhiều đến ngoại cảnh và người khác, thấy người khác phạm phải nhiều lỗi lầm mà con không mắc phải.

Vị Sư: Còn khi nào Đạo hữu thấy bất an?

Cư Sĩ: Bạch, khi thấy mọi người hơn con, làm trái ý con, làm không đúng với điều con mong muốn.

Vị Sư: Điều Đạo hữu cho là an bởi Đạo hữu thấy mình trong sạch hơn người khác, không phạm lỗi lầm như người khác, vì thế ''cái an này'' càng nhiều thì cái ngã của Đạo hữu càng lớn. Điều Đạo hữu cho là bất an bởi cái tôi của Đạo hữu đã bị đụng chạm, vì thế cái bất an này càng nhiều thì cái tôi của Đạo hữu càng bị tổn thương trước những điều trái ý nghịch lòng.

Cư sĩ: Bạch thầy, cái tôi và sự chấp mắc thì người nào mà không có?

Vị Sư: Có, nhưng có sự khác biệt giữa tu và không tu.

Cư Sĩ: Bạch thầy, một người một ngày 3 thời tinh tấn, lại nhiếp tâm niệm Phật mọi thời, mọi khắc, có thể nói là không tu sao?

Vị Sư: Tu thì có tu tướng và có tu tánh. Người tu tướng thì thấy mình tinh tấn, miên mật giữ giới mọi thời mọi khắc. Hễ có tinh tấn, ắt sẽ có chẳng tinh tấn. Thế thường, người luôn thấy mình tinh tấn, nên hễ gặp ai không tinh tấn, giải đãi ắt sanh tâm chê bai, khó chịu; người luôn thấy mình giữ giới miên mật ắt thấy người không giữ giới hay giải đãi giữ giới sẽ sanh tâm chê bai, khó chịu và khinh thị.

Người tu tánh thì khác, bởi tánh vốn như hư không, trong hư không vốn hiện ra vạn vật mà ''chẳng thật có'' một vật, mọi chuyện dở hay, tốt xấu, phải trái, đúng sai.. trên thế gian đều tương đối, bản thân của các cặp đối đãi đều vô thường nên hết thảy đều mộng mị, huyễn hóa. Vì vậy người tu mà ngộ được tánh thì tâm chẳng vướng một vật, còn người người tu mà kẹt trên hình tướng thì mọi vật đều vướng bận vào tâm. Nhà chùa nói vậy chẳng hay có thể giúp Đạo hữu giải nghi được vì sao có người tu thấy an lạc, có người tu lại bất an lạc?

Cư sĩ: A Di Đà Phật! Bạch thầy, con hiểu, nhưng thực hành.. sao mà khó quá!

Vị Sư: A Di Đà Phật! Chẳng khó! Chẳng khó! ''Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai'' (Những gì có tướng đều là hư vọng, nhận biết tướng vọng, đừng bám chấp nó, tất thấy Như Lai. Như Lai là tánh không tịch chẳng sanh chẳng diệt của Đạo hữu. Hàng ngày năng sống với tánh không tịch đó thì bất an kia không chỗ khởi?)

nguồn: truyenthien.com


Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Sống Còn

Một đệ tử ngày nào cũng hỏi Thiền Sư mỗi một câu:

- Làm thế nào con gặp được Thượng Đế?

Và ngày nào Thiền Sư cũng trả lời một câu giống nhau, đầy bí ẩn:

- Bằng sự ước muốn.

- Nhưng con ao ước gặp Thượng Đế với tất cả tấm lòng! Vậy tại sao con không gặp được Ngài?

Một hôm Thiền Sư cùng đệ tử có dịp đi tắm trong một dòng sông. Ngài dìm đầu đệ tử xuống nước và cứ giữ như thế trong khi đệ tử đáng thương kia vùng vẫy một cách tuyệt vọng để cố thoát thân.

Hôm sau, Thiền Sư bắt đầu gợi chuyện:

- Tại sao con cố vùng vẫy như thế khi thầy dìm đầu con xuống nước?

- Bởi vì con muốn thở.

- Con sẽ đón nhận và tìm thấy ân sũng Thượng Đế với tất cả khao khát cũng như con khao khát hít thở không khí, thì con sẽ gặp Ngài.


Truyện cười trong ngày

 Tòng phạm

Một chú bé đang cố gắng kiễng chân với núm chuông trên một cánh cửa lớn. Người cảnh sát đi ngang qua bèn bế nó lên cho tới nút bấm. Sau mấy hồi chuông dài, viên đội âu yếm hỏi:

– Nào, chúng ta còn phải làm gì nữa không, bé con?

Chú quỷ nhỏ khoái chí cười nắc nẻ, giục “đồng bọn”:

– Bây giờ bọn mình phải chạy thôi!



Sunday, October 4, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 4 tháng 10, 2020

 


Truyện ngắn - Thắng thua

Thắng - Thua


Có một hòa thượng lên núi chặt củi, trên đường trở về, ông phát hiện cậu thiếu niên nọ đã bắt được một con bướm và đang cố gắng khom hai bàn tay lại để giữ cho nó khỏi bay.

Nhìn thấy người tu hành, cậu cất lời: “Thưa hòa thượng, cháu và ngài đánh cược một ván được không?”

Hòa thượng hỏi lại: “Cược thế nào?”

“Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, bó củi sẽ thuộc về cháu”, – cậu thiếu niên trả lời.

Vị hòa thượng nọ đồng ý và đoán: “Con bướm trong tay cháu chết rồi.”

Cậu thiếu niên cười lớn đáp: “Ngài đoán sai rồi.” Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ trong bay lên.

Hòa thượng nói: “Được, gánh củi này thuộc về cháu.” Nói xong, ông đặt gánh củi xuống, vui vẻ bước đi.

Cậu thiếu niên không biết vì sao hòa thượng lại có thể vui vẻ đến như vậy nhưng nhìn gánh củi trước mặt, cậu ta cũng không để tâm lắm mà vui vẻ gánh gánh củi về nhà.

Nhìn thấy con về, người cha liền hỏi số củi đó ở đâu ra, cậu mới đem chuyện kể lại cho cha nghe.

Nghe hết câu chuyện của con trai, đột nhiên ông nói, giọng giận dữ: “Con ơi là con! Con hồ đồ quá rồi! Con nghĩ là mình đã thắng sao? Ngay cả khi con đã thua, con cũng không hề biết mình đã thua đấy.”

Lời cha nói khiến cậu con trai ngơ ngác, không hiểu gì. Người cha liền lệnh cho cậu ta gánh bó củi lên vai, hai cha con mang củi đến trả cho nhà chùa.

Nhìn thấy vị hòa thượng nọ, người cha liền cất tiếng: “Thưa thầy, con trai tôi đắc tội với thầy, xin thầy lượng thứ.”

Hòa thượng gật đầu, mỉm cười nhưng không nói gì.

Trên đường trở về nhà, cậu thiếu niên sau một khoảng thời gian băn khoăn cuối cùng cũng đã nói ra những nghi vấn trong lòng.

Người cha thở dài, nói: “Vị hòa thượng đó cố ý đoán con bướm chết, như thế con mới thả nó ra và thắng được gánh củi. Nếu ông ấy nói con bướm còn sống, con sẽ bóp chết con bướm và con cũng sẽ thắng cược. Con cho rằng vị hòa thượng đó không biết con tính toán gì sao? Người ta thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi. Còn con, con đã thua, đã để mất thứ quý giá đó mà chẳng hề hay biết.”

Câu chuyện có thể rất đơn giản nhưng đó là bài học cho chúng ta trong cuộc sống. Thắng, thua, thành, bại là những chuyện thường xuyên giày vò cuộc sống của con người. Có những lúc chúng ta tự cho rằng mình đã thắng nhưng trên thực tế, có khi chúng ta đã thua nhiều hơn mà chẳng hề hay biết.

nguồn: truyenthien.com


Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Trung Gian

Một khách hành hương hỏi một đệ tử:

- Tại sao bạn cần tới Thiền Sư?

Đệ tử trả lời:

- Để được sưởi ấm như nước cần tới một cái ấm để làm trung gian giữa nó với lửa.


Truyện cười trong ngày

 Truyện cười

Bà mẹ có việc đi làm, để 2 đứa con nhỏ tự trông nhau ở nhà. Khi về nhà vào lúc chiều muộn, bà lo lắng hỏi cậu con trai lớn: “Em với con chơi vui chứ?”

– Vâng, rất vui ạ – cậu con trai cười toe toét.

– Chắc là 2 anh em xem tivi?

– Vâng, nhưng chỉ lúc đầu thôi. Vì 2 đứa đều xem chán các chương trình rồi.

– Vậy làm sao con với em vui vẻ được suốt cả ngày? – bà mẹ tỏ ý ngạc nhiên.

– Dạ, thoạt tiên, chúng con xem phim hoạt hình Tom và Jerry, nhưng chúng con không thấy buồn cười. Sau đó chúng con xem phim hài Laurel và Hardy nhưng chúng con cũng không thấy buồn cười. Rồi chúng con xem Mr. Bean, vẫn chẳng thấy buồn cười gì cả. Chúng con nghĩ ra chuyện vào trong kho, ở đấy có một cái hộp nhỏ quấn ruy-băng màu hồng, chúng con thấy những bức thư bố viết cho mẹ khi 2 người chưa lấy nhau. Chúng con vừa đọc vừa cười bò ra…


Saturday, October 3, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 3 tháng 10, 2020

 


Truyện ngắn - Ghi chép "vụn vặt"

 Ghi chép “vụn vặt”

Aleхandеr Solzhenitsyn


THỞ

Mưa nhỏ vào đêm, và bây giờ mây đen đang vần vũ trên bầu trời, thi thoảng lại lắc rắc những hạt mưa nhẹ.

Tôi đứng dưới gốc táo đang trổ hoa và hít thở. Không chỉ mỗi cây táo mà cả đám cỏ xung quanh cũng đang ngái hương sau cơn mưa - không sao gọi được tên cái tinh chất ngọt ngào đang thấm đẫm không gian. Tôi hít căng hai buồng phổi, cảm nhận hương thơm bằng trọn lồng ngực, hít vào, hít nữa, lúc mở to mắt, lúc lại nhắm nghiền, không biết cách nào thì tận hưởng tốt hơn.

Có lẽ, đấy chính là tự do - thứ tự do duy nhất nhưng đáng quý nhất mà chốn ngục tù đã tước mất của chúng tôi: được hít thở thế này, được hít thở nơi đây. Không một món ăn trân quý nào trên thế gian, không một thứ rượu vang nào, thậm chí không một nụ hôn của người đàn bà nào đối với tôi lại ngọt ngào hơn thứ không khí này, đượm hương hoa, ẩm ướt và tươi mát.

Cho dù đây chỉ là khoảnh vườn con con, bị dồn nén trong song sắt như chuồng thú của những khu nhà năm tầng. Tôi đã không còn nghe thấy tiếng rú xe máy, tiếng rột roạt của máy thu thanh, tiếng lục bục của loa phóng thanh. Chừng nào còn có thể hít thở không khí sau cơn mưa dưới gốc táo, chừng ấy còn có thể sống thêm!

CHÚ VỊT CON

Một chú vịt con vàng vàng be bé, áp cái ức trăng trắng vào đám cỏ ướt trông rất buồn cười, đôi chân mỏng mảnh suýt nữa thì ngã dúi, chạy trước mặt tôi và líu ra líu ríu: “Mẹ tôi đâu? Anh em tôi đâu cả rồi?”

Chú không có mẹ, mà là một cô gà mái: người ta dúi mấy cái trứng vịt vào ổ, cô ta ấp chúng lẫn với đám trứng của mình, ủ ấm đều như nhau. Giờ đây sắp sửa mưa giông, người ta dời nhà của chúng - một cái sọt không đáy lật úp - vào nơi có mái che, phủ tấm bao bố lên. Cả nhà đều ở đó, còn mỗi chú bị lạc đàn. Nào bé con, bước lên lòng bàn tay ta nào.

Hồn phách có chăng trong cái thân xác bé tẹo này? Nhẹ bẫng, cặp mắt đen nhánh hạt huyền, đôi chân chim sẻ, chỉ cần siết nhẹ một cái là chú mình tan biến. Thêm nữa, lại hơi âm ấm. Cái mỏ tí hon màu hồng nhạt, như được phủ một lớp sơn móng tay, đã có dáng bè bè. Bàn chân đã kéo màng, màu lông đã phớt vàng, và đôi cánh phủ lông tơ đã nhô ra. Thậm chí tính cách cũng đã khác biệt với đám anh em mình.

Còn chúng ta, chúng ta sắp sửa bay lên tận sao Kim. Giờ đây, nếu như tất cả đều đồng lòng, thì chỉ trong vòng hai mươi phút ta có thể đảo lộn cả thế giới.

Nhưng không bao giờ, với tất cả sức mạnh nguyên tử, dù có được cấp lông và xương, chẳng đời nào chúng ta có thể tạo ra được, cấy ghép được trong ống nghiệm chú vịt con vàng vàng nhẹ bẫng đáng thương này...

KHÚC GỖ DU

Chúng tôi cưa củi, nhặt khúc gỗ du - và thốt lên kinh ngạc: từ dạo chúng tôi đốn cây hồi năm ngoái, rồi lôi về bằng máy kéo, rồi cưa hết các nhánh, rồi quẳng lên xà lan và lên thùng xe, rồi chất thành đống, rồi quăng bừa trên đất - khúc gỗ du vẫn không chịu đầu hàng! Từ thân gỗ một chồi xanh nõn lại nảy ra - cả một cây du trong tương lai hoặc một nhánh rậm rạp xào xạc. Chúng tôi đã đặt khúc gỗ lên giá, như đưa lên đoạn đầu đài, nhưng còn chần chừ chưa nỡ hạ lưỡi cưa vào cổ nó: lòng dạ nào mà xuống tay cưa? Nó còn ham sống biết dường nào! Sức sống của nó còn mãnh liệt hơn cả của chúng tôi!

CƠN GIÔNG TRÊN NÚI

Cơn giông bắt gặp chúng tôi vào một đêm tối đen như mực trước khi vượt qua bên kia núi. Chúng tôi bò ra khỏi lều và tìm chỗ núp. Nó đến chỗ chúng tôi qua sườn núi.

Tất cả chỉ còn là một màu đen kịt, không thấy trời, không thấy đất, đường chân trời cũng không. Rồi một tia sét như xé rách màn đêm lóe lên, tách biệt bóng tối và ánh sáng, những đỉnh núi khổng lồ nhô lên, Belala-Kaya và Juguturlyuchat [2], những cây thông đen thẫm cao vút gần chúng tôi, cũng nhô lên với núi. Chỉ trong nháy mắt, chúng tôi có cảm giác như đất cứng dưới chân, rồi tất cả lại tối đen và thăm thẳm không đáy.

Những tia chớp lóe lên, bầu trời luân phiên hết sáng chói rồi lại đen kịt, lóe trắng, lóe hồng, lóe tím; tất cả vẫn ở nguyên tại chỗ, những đỉnh núi và những cây thông cứ nhô lên, làm sửng sốt vì vẻ khổng lồ sừng sững, còn khi biến mất thì không thể tin được là chúng tồn tại.

Tiếng sấm lấp đầy khe núi át cả tiếng gầm gừ không ngớt của những dòng sông. Những tia sét, tựa những mũi tên của Đấng Sáng Thế Sabaoth, từ trên không bổ xuống sườn núi, chẻ ra thành những con rắn ngoằn ngoèo, thành những tia nhỏ, dường như bắn tung tóe vào các đỉnh núi hoặc như bắn ra, tóe ra những sinh linh.

Còn chúng tôi, chúng tôi quên cả sợ sấm chớp và mưa rào - như giọt nước biển nào biết sợ gì bão tố. Chúng tôi hóa thành hạt bụi li ti được ban ơn của thế giới này. Một thế giới lần đầu tiên được tạo ra hôm nay - trong mắt chúng tôi.

QUẢ CẦU BÔNG

Trong sân nhà chúng tôi, một cậu bé dắt chú chó nhỏ tên “Quả Cầu Bông” với sợi dây xích - cậu nuôi nó từ hồi còn là một chú cún bé tẹo.

Một bận, tôi đem cho nó ít mẩu xương gà, còn nóng hổi và thơm phức, vừa lúc đó, cậu bé thả chú chó đáng thương chạy rông đôi chút. Tuyết dày và xốp phủ kín sân, Quả Cầu Bông nhảy nhót tung tăng như chú thỏ rừng, khi chân trước, lúc chân sau, từ góc này sân sang góc kia sân, chúi mõm vào tuyết.

Nó chạy đến chỗ tôi, lông ướt bù xù, nhảy quanh, hít hít mẩu xương, rồi lại vụt chạy, tuyết ngập tới bụng!

Chả cần xương của ông, nó nói, tôi chỉ muốn tự do!

nguồn: truyenngan.com


Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Mù Quáng


- Con có thể trở thành đệ tử của thầy không?

- Anh chỉ là một học trò vì cặp mắt anh đang đóng lại. Ngày nào anh mở được đôi mắt, anh sẽ thấy không có gì để học hỏi với thầy hay với bất cứ ai.

- Như vậy Thiền Sư để làm gì?

- Để cho anh thấy rằng không cần phải có Minh Sư.


Truyện cười trong ngày

Bố than phiền về cô

Cô giáo bảo Tèo:

– Em học lười thì chỉ làm khổ bố mẹ thôi.

– Bố em lại bảo rằng, chính cô mới làm bố khổ, phải suy tư nhiều và thỉnh thoảng còn mất ngủ.

– Em không đùa đấy chứ? – Thoáng đỏ mặt, cô giáo hỏi lại. Em nói rõ hơn đi?

– Vâng ạ, vì cô cho nhiều bài tập về nhà quá, bố em làm không xuể.


Friday, October 2, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 2 tháng 10, 2020


 

Truyện ngắn - Không ai có thời gian cả

 Không ai có thời gian cả

Tác giả Bob Perks

(Mint dịch)

Tôi có một cái đồng hồ rất cổ. Nó từng thuộc về mẹ tôi. Bố tôi đưa nó cho tôi vài năm sau khi mẹ tôi mất. Cái đồng hồ này mang đến cho tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn. Tôi yêu nó vì nó là của mẹ. Nhưng nó cũng lưu giữ một vài ký ức không vui nữa.

Nó không phải là một cái đồng hồ phức tạp hay độc đáo gì cả. Nó có quả lắc. Nó chạy bằng cách cắm điện. Nó đếm thời gian và cứ nửa tiếng, nó lại gõ chuông một lần. Hay ít nhất là nó từng như thế. Bây giờ thì nó sai lung tung, bạn không thể đoán trước được là sắp tới nó sẽ gõ mấy tiếng chuông để báo mấy giờ.

Những cảm xúc buồn nhất từ chiếc đồng hồ đó là lúc mẹ tôi sắp mất, mẹ bảo chúng tôi rút điện cái đồng hồ ra. Nghe tiếng tích tắc của nó khiến mẹ sốt ruột. Thế nhưng tôi vẫn muốn sửa nó để có thể nhớ lại những thời khắc đẹp đẽ mà chúng tôi từng có khi ở bên mẹ. Nên một lần, tôi đem nó tới cửa hàng đồng hồ gần nhà.

– Tôi biết cái đồng hồ này không có giá trị vật chất đặc biệt gì. Nhưng nó là của mẹ tôi nên tôi cần sửa nó

Tôi nói với người chủ cửa hàng đồng thời miêu tả tình trạng của nó cho ông biết.

– Bây giờ chúng ta sẽ làm thế này nhé – ông nói – Tôi sẽ tháo bỏ toàn bộ máy đồng hồ và thay nó bằng bộ máy chạy pin như những chiếc đồng hồ hiện đại. Thế là dễ và nhanh nhất. Tổng cộng hết khoảng 135 đôla Mỹ.

– Ông không sửa được nó sao?

– Không, vì chúng tôi không có thời gian và cũng không có đủ linh kiện. Những người có đồng hồ cũ đến mức này thì khi bị hỏng, họ bỏ đi luôn thôi chứ không đem đi sửa và cũng không bán linh kiện cho chúng tôi làm gì.

Tôi cảm ơn ông ấy và về nhà. Tôi gọi điện cho vài nơi khác nhưng người ta cũng nói y như vậy, họ không có thời gian và cũng không có linh kiện. Thật là buồn.

Bởi vì người ta chọn cách dễ và tiện hơn bằng cách thay phần máy khác cho cái đồng hồ cổ đó, thay vì sửa chính phần máy nguyên bản của nó. Điều này khiến nó trở thành bản copy của những chiếc đồng hồ hiện đại, thay vì giữ những gì đang là của chính nó.

Nghe cũng hơi giống như cuộc sống. Mỗi chúng ta là một nguyên bản, là duy nhất, nhưng chúng ta thường sao chép phong cách của một người khác thường dễ hơn tự phát triển phong cách của riêng mình, thay đổi và thích nghi dựa trên những gì mình có.

Chúng ta thích giống người này và giống người kia, hơn là “Này, cả thế giới, hãy nhìn tôi, tôi có thể chưa hoàn thiện nhưng tôi sẽ tốt hơn từng ngày dựa trên những gì tôi có”. Và rất nhiều người dành cả đời mình để cố gắng làm… một người khác.

Vậy là, chiếc đồng hồ cổ, được làm bằng tay này, một ngày nào đó sẽ bị coi là vô dụng. Không phải vì người ta không thể sửa mà là không sửa thì sẽ dễ hơn. Cũng giống như việc bạn đem vứt một món đồ đi thì dễ hơn là đem nó cho người nào cần, hoặc dễ hơn là đem đến chúng tới nơi tái chế.

Cho nên, khi bạn hỏi hầu hết mọi người là tại sao họ không chia sẻ những gì họ có, trong khi họ có thể, thì bạn sẽ nhận được cùng một lý do: “Không ai có thời gian cả”. Hãy là chính mình và hãy chia sẻ khi chiếc đồng hồ của bạn còn đang hoạt động.

nguồn: truyenthien.com


Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Làm Đệ Tử


Một khách hành hương muốn trở thành đệ tử. Thiền Sư nói với ông:

- Bạn có thể sống với tôi, nhưng bạn đừng trở thành người theo tôi.

- Như vậy, con sẽ theo ai?

- Không theo ai hết. Ngày nào bạn theo một ai đó thì bạn hết theo Chân Lý.


Truyện cười trong ngày

 Khoảnh khắc tuyệt vời

Chú bé chạy vào tiệm tạp hóa ở góc đường:

“Mau lên! Gấp lắm!”

“Có chuyện gì thế?” Ông chủ vội vàng hỏi.

“Bố cháu cắt nhánh cây bị cây móc vào thắt lưng đang lơ lửng trên cao.”

“Chà! Vậy cháu muốn tìm cái thang hở?”

“Không ạ! Cháu muốn mua cuộn phim. Lắp vào máy chụp hình cho cháu mau lên!”


Thursday, October 1, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 1 tháng 10, 2020

 


Truyện ngắn - Buông bỏ cái tôi

 Truyện ngắn

Buông bỏ cái tôi

Từ xưa đến nay, các bậc Thánh hiền, vĩ nhân đều coi trọng đức tính khiêm nhường. Một người nếu có thể từ bỏ được thái độ ngạo mạn, từ bỏ được dục vọng muốn lấn át kẻ khác thì mới làm được việc lớn, mới là Thiện chân chính.

Ngày xưa, có một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới lên 7. Lâm vào cảnh không nơi nương tựa, cậu phải lang bạt khắp nơi, đi xin ăn xin uống sống qua ngày, chịu cảnh bữa đói bữa no. Rồi khi mặt trời bắt đầu lặn, cậu lại vất vả, khổ sở tìm một chốn để ngủ qua ngày. Có những lúc không tìm được một nơi sạch sẽ, cậu phải ngủ dưới gốc cây. Cuộc sống túng thiếu và cô đơn của cậu cứ thế trôi qua. Cho đến một ngày nọ, đêm hôm ấy trời mưa bão rất to, cậu bé may mắn tìm được một ngôi chùa lớn để trú chân. Cậu mạnh dạn bước vào trong thì bắt gặp sư trụ trì đang đứng ở cửa lớn. Lúc đó cậu trông rất bẩn thỉu, làn da đen sạm vì sương gió, tóc mọc dài lòa xòa che khuất cả khuôn mặt. Nhưng Sư trụ trì vẫn tiến lại gần nở nụ cười hiền từ và hỏi chuyện cậu bé. Cậu bé mở to đôi mắt trong veo nhìn sư trụ trì rồi xúc động chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Thấy hoàn cảnh cơ cực của cậu bé, sư trụ trì động lòng thương và nhận nuôi cậu.

Cậu bé cảm thấy rất vui vì sau bao nhiêu năm lang thang không nơi tá túc, cậu đã tìm được một nơi trú ngụ cho mình. Sau khi được tắm rửa sạch sẽ rồi cạo trọc đầu, gương mặt cậu lộ vẻ thanh tú với đôi mắt thông minh, sáng ngời. Cậu không còn là một đứa bé lang bạt, bẩn thỉu nữa. Cậu đã được trao một cuộc sống mới, cuộc sống của một tiểu hòa thượng.

Ngày ngày, tiểu hòa thượng chăm chỉ làm các công việc trong chùa như gánh nước, thổi cơm, quét lá sân và lau dọn thiền điện. Sư trụ trì thấy cậu bé ngoan ngoãn, lại thạo việc rất nhanh, nên hết mực hài lòng. Không lâu sau, sư trụ trì dạy cậu biết đọc biết viết rồi cho cậu xem các cuốn Kinh Phật.

Vì sáng dạ, lại siêng năng, tiểu hòa thượng nhanh chóng lĩnh hội được rất nhiều điều mới. Khi ngồi thiền, cậu có thể xếp bằng và đả tọa trong một thời gian khá lâu. Cậu rất hay chia sẻ những điều ngộ được trong Kinh Phật với các vị hòa thượng khác. Các vị sư này đều tấm tắc khen ngợi cậu bé rất thông minh và hiểu chuyện. Cứ thế, tiểu hòa thượng hình thành một thói quen xấu. Mỗi khi học được gì mới trong Kinh văn, cậu lại viết những dòng mình tâm đắc ở khắp nơi, viết hết trên tường cậu lại vào trong vườn viết tiếp. Rồi khi nào tiểu hòa thượng minh bạch điều gì đó, cậu lại khoe khoang và khoa trương với những vị hòa thượng khác. Cậu thiếu nhẫn nại khi các vị sư chỉ bảo cậu, cậu luôn đánh giá người khác qua những điều cậu trông thấy, và thích mọi người đồng ý với mình.

Vị sư trụ trì thấy vậy, bèn suy nghĩ một lúc. Sau đó, nhà sư quyết định dạy cho tiểu hòa thượng một bài học để cậu thay đổi và trở nên tốt đẹp hơn. Một ngày, sư trụ trì đưa cho tiểu hòa thượng một chậu hoa anh thảo đêm và dặn dò: “Con hãy nhớ quan sát những bông hoa này vào buổi đêm khi con làm việc.”

Sáng hôm sau, tiểu hòa thượng mừng rỡ tay cầm lọ hoa chạy đến chỗ sư phụ của mình. Cậu sung sướng kể: “Bình hoa mà Sư Phụ cho con thật tuyệt vời. Đêm qua con đã thức một lúc lâu để quan sát những bông hoa ấy. Các búp hoa hé mở khi trăng lên và tỏa ra hương thơm dìu dịu. Sớm mai khi con tỉnh giấc thì những cánh hoa ấy đã khép lại rồi.”

Vị thiền sư trầm tĩnh hỏi: “Hẳn là con rất thích chúng. Vậy khi bông hoa ấy nở, bông hoa có đánh thức con không?”

Tiểu hòa thượng nhanh nhảu trả lời: “Không, thưa Sư Phụ, bông hoa rất yên lặng khi nó nở và khi khép cánh lại.”

“Vậy sao? Ta cứ nghĩ những bông hoa sẽ phải rất ồn ào khi nở để khoe với con vẻ đẹp của chúng chứ?” Vị thiền sư vẫn nhẹ nhàng nói.

Tiểu hòa thượng bỗng im lặng trong giây lát trước khi trả lời một cách rụt rè: “Con hiểu rồi, thưa Sư Phụ, con hứa sẽ sửa lỗi sai của mình.”

Vị sư trụ trì im lặng, nở một nụ cười khoan dung. Tiểu hòa thượng đã học được một bài học sâu sắc về đức khiêm tốn.

Những bông hoa anh thảo không khoe sắc một cách phô trương và náo nhiệt, chúng lặng lẽ nở, tỏa hương làm đẹp cho đời ấy vậy mà người ta vẫn luôn ca ngợi vẻ đẹp của chúng. Làm người nên trọng đức khiêm tốn, biết dung nhẫn người khác, dù thông minh hiểu chuyện tới đâu vẫn luôn đặt mình ở dưới mọi người, có vậy mới được người khác kính trọng và yêu mến thực sự.

Tâm càng tĩnh, trí càng thông, không nên chỉ vì một phút giây hoan hỉ mà ảnh hưởng tới người khác và tới chính mình. Đức hạnh, tài trí của một người luôn có Trời Đất chứng giám, có thực chất thực tài thì kết quả luôn là hương thơm trái ngọt. Chẳng cần phải ngạo nghễ tuyên bố với thế gian ta đây giỏi giang mới là chí lý.

Núi này cao, còn có núi khác cao hơn. Tĩnh lặng, khiêm nhường là một cảnh giới cao thâm để đưa đến thành công. Lấy lòng bao dung, nhẫn nhường để đối đãi với hết thảy, buông bỏ cái tôi và cái tâm phán xét ắt sẽ thuận lòng người và vạn sự như ý.

nguồn: truyenthien.com


Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Triết Lý

Trước khi xin làm đệ tử, vị khách muốn Thiền Sư giúp mình một vài điều để được yên lòng.

- Thầy có thể dạy con về mục đích của sự sống?

- Thầy không thể.

- Hay ít ra, thầy có thể dạy con về ý nghĩa cuộc đời chứ?

- Thầy không thể.

- Thầy có thể cắt nghĩa cho con bản chất sự chết và sự sống ở đời sau không?

- Thầy không thể.

Vị khách ra về, thất vọng và không hài lòng.

Đệ tử chán nản vì Thiền Sư đã để lộ sự kém cỏi của mình.

Bằng một giọng dịu dàng, Thiền-Sư giải thích như sau:

- Tìm hiểu bản chất và ý nghĩa cuộc sống để làm gì, nếu các con không bao giờ biết nhận và hưởng cuộc sống? Thầy mong muốn các con nên thưởng thức mẩu bánh của mình hơn là nói dông nói dài về cái bánh ấy.


Truyện cười trong ngày

 Thiên thần nhỏ nói…

– Mẹ ơi, mẹ yêu con thật không mẹ?

– Yêu chứ, con trai.

– Thế thì mẹ hãy lấy cái chú bán kem ở góc đường kia nhé.