Truyện ngắn
Buông bỏ cái tôi
Từ xưa đến nay, các bậc Thánh hiền, vĩ nhân đều coi trọng đức tính khiêm nhường. Một người nếu có thể từ bỏ được thái độ ngạo mạn, từ bỏ được dục vọng muốn lấn át kẻ khác thì mới làm được việc lớn, mới là Thiện chân chính.
Ngày xưa, có một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới lên 7. Lâm vào cảnh không nơi nương tựa, cậu phải lang bạt khắp nơi, đi xin ăn xin uống sống qua ngày, chịu cảnh bữa đói bữa no. Rồi khi mặt trời bắt đầu lặn, cậu lại vất vả, khổ sở tìm một chốn để ngủ qua ngày. Có những lúc không tìm được một nơi sạch sẽ, cậu phải ngủ dưới gốc cây. Cuộc sống túng thiếu và cô đơn của cậu cứ thế trôi qua. Cho đến một ngày nọ, đêm hôm ấy trời mưa bão rất to, cậu bé may mắn tìm được một ngôi chùa lớn để trú chân. Cậu mạnh dạn bước vào trong thì bắt gặp sư trụ trì đang đứng ở cửa lớn. Lúc đó cậu trông rất bẩn thỉu, làn da đen sạm vì sương gió, tóc mọc dài lòa xòa che khuất cả khuôn mặt. Nhưng Sư trụ trì vẫn tiến lại gần nở nụ cười hiền từ và hỏi chuyện cậu bé. Cậu bé mở to đôi mắt trong veo nhìn sư trụ trì rồi xúc động chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Thấy hoàn cảnh cơ cực của cậu bé, sư trụ trì động lòng thương và nhận nuôi cậu.
Cậu bé cảm thấy rất vui vì sau bao nhiêu năm lang thang không nơi tá túc, cậu đã tìm được một nơi trú ngụ cho mình. Sau khi được tắm rửa sạch sẽ rồi cạo trọc đầu, gương mặt cậu lộ vẻ thanh tú với đôi mắt thông minh, sáng ngời. Cậu không còn là một đứa bé lang bạt, bẩn thỉu nữa. Cậu đã được trao một cuộc sống mới, cuộc sống của một tiểu hòa thượng.
Ngày ngày, tiểu hòa thượng chăm chỉ làm các công việc trong chùa như gánh nước, thổi cơm, quét lá sân và lau dọn thiền điện. Sư trụ trì thấy cậu bé ngoan ngoãn, lại thạo việc rất nhanh, nên hết mực hài lòng. Không lâu sau, sư trụ trì dạy cậu biết đọc biết viết rồi cho cậu xem các cuốn Kinh Phật.
Vì sáng dạ, lại siêng năng, tiểu hòa thượng nhanh chóng lĩnh hội được rất nhiều điều mới. Khi ngồi thiền, cậu có thể xếp bằng và đả tọa trong một thời gian khá lâu. Cậu rất hay chia sẻ những điều ngộ được trong Kinh Phật với các vị hòa thượng khác. Các vị sư này đều tấm tắc khen ngợi cậu bé rất thông minh và hiểu chuyện. Cứ thế, tiểu hòa thượng hình thành một thói quen xấu. Mỗi khi học được gì mới trong Kinh văn, cậu lại viết những dòng mình tâm đắc ở khắp nơi, viết hết trên tường cậu lại vào trong vườn viết tiếp. Rồi khi nào tiểu hòa thượng minh bạch điều gì đó, cậu lại khoe khoang và khoa trương với những vị hòa thượng khác. Cậu thiếu nhẫn nại khi các vị sư chỉ bảo cậu, cậu luôn đánh giá người khác qua những điều cậu trông thấy, và thích mọi người đồng ý với mình.
Vị sư trụ trì thấy vậy, bèn suy nghĩ một lúc. Sau đó, nhà sư quyết định dạy cho tiểu hòa thượng một bài học để cậu thay đổi và trở nên tốt đẹp hơn. Một ngày, sư trụ trì đưa cho tiểu hòa thượng một chậu hoa anh thảo đêm và dặn dò: “Con hãy nhớ quan sát những bông hoa này vào buổi đêm khi con làm việc.”
Sáng hôm sau, tiểu hòa thượng mừng rỡ tay cầm lọ hoa chạy đến chỗ sư phụ của mình. Cậu sung sướng kể: “Bình hoa mà Sư Phụ cho con thật tuyệt vời. Đêm qua con đã thức một lúc lâu để quan sát những bông hoa ấy. Các búp hoa hé mở khi trăng lên và tỏa ra hương thơm dìu dịu. Sớm mai khi con tỉnh giấc thì những cánh hoa ấy đã khép lại rồi.”
Vị thiền sư trầm tĩnh hỏi: “Hẳn là con rất thích chúng. Vậy khi bông hoa ấy nở, bông hoa có đánh thức con không?”
Tiểu hòa thượng nhanh nhảu trả lời: “Không, thưa Sư Phụ, bông hoa rất yên lặng khi nó nở và khi khép cánh lại.”
“Vậy sao? Ta cứ nghĩ những bông hoa sẽ phải rất ồn ào khi nở để khoe với con vẻ đẹp của chúng chứ?” Vị thiền sư vẫn nhẹ nhàng nói.
Tiểu hòa thượng bỗng im lặng trong giây lát trước khi trả lời một cách rụt rè: “Con hiểu rồi, thưa Sư Phụ, con hứa sẽ sửa lỗi sai của mình.”
Vị sư trụ trì im lặng, nở một nụ cười khoan dung. Tiểu hòa thượng đã học được một bài học sâu sắc về đức khiêm tốn.
Những bông hoa anh thảo không khoe sắc một cách phô trương và náo nhiệt, chúng lặng lẽ nở, tỏa hương làm đẹp cho đời ấy vậy mà người ta vẫn luôn ca ngợi vẻ đẹp của chúng. Làm người nên trọng đức khiêm tốn, biết dung nhẫn người khác, dù thông minh hiểu chuyện tới đâu vẫn luôn đặt mình ở dưới mọi người, có vậy mới được người khác kính trọng và yêu mến thực sự.
Tâm càng tĩnh, trí càng thông, không nên chỉ vì một phút giây hoan hỉ mà ảnh hưởng tới người khác và tới chính mình. Đức hạnh, tài trí của một người luôn có Trời Đất chứng giám, có thực chất thực tài thì kết quả luôn là hương thơm trái ngọt. Chẳng cần phải ngạo nghễ tuyên bố với thế gian ta đây giỏi giang mới là chí lý.
Núi này cao, còn có núi khác cao hơn. Tĩnh lặng, khiêm nhường là một cảnh giới cao thâm để đưa đến thành công. Lấy lòng bao dung, nhẫn nhường để đối đãi với hết thảy, buông bỏ cái tôi và cái tâm phán xét ắt sẽ thuận lòng người và vạn sự như ý.
nguồn: truyenthien.com
No comments:
Post a Comment