Sunday, September 30, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 30-9-2018

Chuyện ngắn - Bầu trời nức nở

Bầu trời nức nở

- Cái gì ở ngoài đường thế kia? - Chị vợ Manhia hỏi chồng.

Nhà văn Ackhiđây Môtưga nhìn qua cửa sổ một lúc, suy nghĩ một lúc rồi quay vào nói với vợ:

- Bầu trời đang nức nở khóc than. Qua màn lệ trong suốt như một làn khói nhẹ, tôi trông thấy toàn cảnh thành phố chúng ta đang đắm chìm trong mưa. 

- Anh lẩm bẩm cái gì mà dài dòng vậy! Chị Manhia sốt ruột ngắt lời chồng – Thà rằng anh cứ nói đơn giản là trời đang mưa có hơn không.

- Em chẳng hiểu gì cả - Môtưga phản đối – Anh là nhà văn, anh phải suy nghĩ bằng hình ảnh, và anh không thể nói khác được. 

- Còn em thì yêu cầu anh hãy nói như một con người. Anh hãy ra ngoài bao lơn và gọi thằng Aliôsa về nhà đi. 

Môtưga im lặng bước ra ngoài bao lơn và kêu to khắp cả sân với một vẻ thống thiết: 

- Hỡi tuổi thơ yêu dấu của ta! Con trai Aliôsa của ta. Ta kêu gọi con hãy làm trọn nghĩa vụ của mình. Con yêu quý, hãy hưởng ứng lời kêu gọi. Hãy tạm rời bỏ những thú vui với bạn bè của mình. 

Tối hôm đó, chị Manhia bắt chồng ngồi vào bàn và đọc cho anh ghi những công việc làm gấp ở nhà trong ngày mai. Bản kê công việc được ghi khá dài và công việc thì không lấy gì làm hứng thú, cho nên Môtưga có vẻ buồn rầu.

Nhưng buổi sáng hôm sau, số phận cứu anh: Anh được mời đi họp gấp ở ban biên tập tạp chí Bơrưs, cơ quan ngôn luận của những người chơi mèo Xiêm. 

Môtưga thuyết phục vợ một cách hùng hồn và tha thiết:

- Manhia, em yêu quý! Anh là uỷ viên ban biên tập Bơrưs bị đe dọa không ra khơi được vào lúc này, lúc này 67 người đặt mua dài hạn đang đỏ mắt trông chờ báo ra, đó là chưa kể hơn bốn mươi số sẽ đưa bán lẻ...

Nói thêm ít lời nữa về trách nhiệm của những người sống đối với các sinh vật sống, Môtưga vội vã ra đi. Còn vợ và mẹ anh bắt đầu nghiên cứu xem những công việc nội trợ cần làm đã được ghi trong bản kê của anh.

Thế này nhé - mẹ anh đọc - điểm thứ nhất : "Hãy dùng hành động nhẹ nhàng để xua tan bóng tối, xua tan màn đêm bằng ánh nắng chói chang...". Cái gì thế này? Xua bóng tối? Có thể là con nhờ nó lau cửa sổ à? 

- Đừng hòng mà nhờ nhà con việc ấy. Không mẹ ạ, chuyện này đơn giản nhiều: có nghĩa là anh ấy phải thay hộ con cái bóng đèn bị cháy trong bếp.

- Tinh thật! Bây giờ đến điểm thứ hai: "Ôi, những âm thanh lạc lõng chán chường đã phá tan điệu nhạc tuyệt vời của những giấc mơ kỳ diệu. Ta phải bay lên mà chấm dứt cung đàn ngang trái!"

Chị Manhia khoát tay giải thích:

- Trời đất, viết lách cái gì đến kỳ! Đã mấy lần con nhờ anh ấy lên tầng trên đề nghị ông láng giềng đừng có mà phập phình cái đàn Balalaica sau mười một giờ đêm để cho hàng xóm ngủ chứ. Thôi để lát nữa con phải lên gặp ông "Môda" ấy mới được. Thế còn việc gì nữa? 

- Càng ngày càng khó hiểu... – Bà mẹ nhăn nhó bóp trán suy nghĩ "... Ta phải đem về nhà màu trắng trinh bạch của tuyết, vị thơm trong sạch của bông và màu thiên thanh của trời hè!". Nghe đây, Manhia! Mẹ lo cho sức khỏe chồng con đấy. Sao nó lại lẩn thẩn giữa tháng sáu mà đòi mang tuyết về nhà là thế nào? 

- Ôi mẹ ơi, điều này rõ rồi – Manhia mỉm cười vẻ tự hào vì đã có kinh nghiệm - Tức là anh ấy muốn nói đến quần áo và đệm trắng mà con nhờ anh ấy đi lấy ở xưởng giặt về. Thật là con có tỏ ý lo ngại chỉ sợ họ quá ta hồ lơ, lại thành màu thiên thanh thì khổ.

Hai ngày sau, khi đang lúi húi trong bếp, tình cờ chị Manhia nghe lỏm được câu chuyện điện thoại sau đây của chồng mình với nhà xuất bản: 

- "... Quỷ tha ma bắt các anh! – Môtưga nói to tiếng – Các anh định trả tôi có một trăm rúp cho một trang tác giả, trong khi nhà xuất bản keo kiệt nhất cũng đã trả tôi nhiều hơn một trăm rúp rồi. Nếu thế thì xin đủ, tôi không bằng lòng đâu. Các anh hãy tìm những thằng ngốc khác trên cánh đồng kỳ diệu!".

Manhia lấy chiếc khăn mặt che mồm, và những giọt lệ sung sướng lăn trên gò má ửng hồng của chị. Chị âu yếm nghĩ: "Anh Môtưga yêu quý, thế là anh cũng biết nói như người thường chứ không phải chỉ bằng hình ảnh".

Và lần đầu tiên từ nửa năm nay, chị đã cho mặn muối làm hỏng mất soong súp bắp cải.

Truyện hài hước Nga

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Phật ở đâu?

Thuở xưa, có anh chàng đọc kinh nghe nói về Phật, thích lắm, quyết định đi tìm gặp Ngài bằng được. Anh chàng khăn gói quả mướp ra đi. Sau khi trải qua không biết cơ man nào là núi sông, thành phố, hầm hố gian nguy hiểm trở... Chàng vẫn chưa gặp được Phật giống như hình dạng trong Kinh đã diễn tả.

"Thân Phật sắc vàng, cao một trượng sáu, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang chói sáng. "

Một hôm tại một sườn non, chàng trai tình cờ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ, cốt cách siêu phàm, mừng quá, chàng khẩn khoản:

- Thưa cụ, cụ có biết Phật đang ngụ ở đâu không... Xin chỉ dùm cho con với.

Ông lão mĩm cười:

- Ồ! Chỗ nào mà không có Phật... Trên quãng đường vừa qua, chả lẽ con không gặp được Ngài ư...

- Thưa cụ, trên đường đi con đã từng gặp vô số người, nhưng đều là hạng phàm phu tục tử cả. Con chưa từng thấy người nào có được vài tướng tốt như trong kinh đã mô tả về Phật cả.

Ông cụ cười ha hả:

- Cháu ngốc nghếch thật, cháu không biết rằng cái thân đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp đó người Ấn Độ đã đốt thành tro và chia nhau xây tháp thờ cúng cả rồi ư...

- Thưa, thế thì Phật chết rồi sao...

- Hiện giờ Đức Phật đang phân thân ở khắp mọi nơi. Ngài cũng mang thân tốt và xấu như chúng sinh vậy. Con có còn muốn gặp Ngài nữa không...

- Thưa, dù bất cứ với hình dáng nào, nếu đích thật là Ngài thì con vẫn vô cùng khát ngưỡng.

- Vậy thì, để ta mách nước cho con nhé... Con hãy quay về, trên đường về nếu con gặp người nào mang guốc trái ở chân phải, guốc phải ở chân trái thì người đó chính là một hóa thân của Phật. Hãy thừa sự và cúng dường vị Phật ấy như trong kinh đã dạy.

Chàng trai hối hả quay về. Suốt quãng đường dài, chàng không gặp Đức Phật nào mà hình dạng như cụ già diễn tả. Chán nản, chàng đi luôn về nhà. Trời đã khuya, bà mẹ còn chong đèn ngồi đợi con. Nghe tiếng gọi cửa bà mừng quá, quờ quạng tìm đôi guốc rồi chống gậy tất tả ra mở cửa.

Chàng trai thấy mẹ tiều tụy, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo, mang lộn chiếc guốc trái qua chân phải, guốc phải sang chân trái. Chàng ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào: "Ôi Đức Phật yêu quí của con. "

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

TÂM ĐÁ

Hogen, vị thiền sư Trung Hoa, sống một mình trong một ngôi chùa nhỏ ở vùng ngoại ô. Một ngày kia có bốn vị du tăng xuất hiện và xin phép họ có thể nhóm lửa trong sân của ông để sưởi ấm ho.

Trong khi họ đang nhóm lửa, Hogen nghe họ tranh luận về chủ quan và khách quan. Ông tham gia cùng với họ và nói: "Ở đó có một tảng đá lớn. Các bạn quan sát xem nó ở trong hay ở ngoài tâm của các bạn?"

Một vị du tăng trả lời: "Theo quan điểm Phật giáo thì mọi sự đều là sự thể hiện cụ thể của tâm, do vậy tôi có thể nói rằng tảng đá ở trong tâm tôi."

"Chắc ông phải cảm thấy đầu ông rất nặng," Hogen nhận xét, "Nếu ông đang mang theo mãi một tảng đá như vậy trong tâm của ông."

Điển Hay Tích Lạ

Điểu tận cung tàng

"Điểu tận cung tàng" nghĩa là: khi chim đã chết thì người ta vác cung đi một nơi mà không dùng đến nữa. Nguyên câu Hán văn: "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong". Nghĩa là: "Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết, cung tốt vất bỏ; nước địch phá xong mưu thần bị giết".

Nguyên đời Xuân Thu (722-479 trước D.L.), nước Việt và nước Ngô giao tranh. Vua Ngô là Phù Sai thất bại. Thế cùng lực tận và bị bao vây bức bách quá, định xin hàng. Phù Sai biết có hai bề tôi có uy quyền của Việt Vương Câu Tiễn là Tướng Quốc Phạm Lãi và Đại Phu Văn Chủng, nên viết một bức thư, buộc vào mũi tên, bắn vào thành Việt, mong hai người tâu giúp vua Việt cho hàng. Quân Việt lượm được đệ trình lên Phạm Lãi và Văn Chủng. Thư ấy nói:

"Tôi nghe giảo thỏ chết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng chẳng còn. Sao quan Đại Phu không lưu cho nước Ngô tôi còn lại một chút để làm cái dư địa sau này".

Nhưng Phạm Lãi và Văn Chủng không cho hàng. Cuối cùng Phù Sai tự tử.

Việt Vương Câu Tiễn chiếm được nước Ngô, bày tiệc rượu trên Văn Đài nước Ngô. Các quan vui say đánh chén nhưng Câu Tiễn lại có vẻ không vui. Phạm Lãi biết ý nhà vua không muốn nói đến công của kẻ hầu hạ đã diệt được Ngô mà lòng vua lại mang mối nghi kỵ, nên xin từ quan trí sĩ.

Nhưng trước khi bỏ nước đi du Ngũ Hồ, Phạm Lãi có viết thư gởi cho bạn là Văn Chủng. Thư nói: "Vua Ngô có nói: "Giảo thỏ đã chết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng chẳng còn". Ngài không nhớ hay sao! Vua Việt môi dài mỏ quạ là người nhẫn nhục mà ghét kẻ có công. Cùng ở lúc hoạn nạn thì được, chớ cùng ở lúc an lạc thì không toàn, nay ngài không đi ắt có tai vạ".
Văn Chủng xem thư phàn nàn Phạm Lãi, cho họ Phạm xử như thế là khí quá!

Quả thực như lời Phạm Lãi nói. Câu Tiễn không chia cho các quan một thước đất nào, lại có ý khinh dể công thần. Văn Chủng buồn bã, cáo ốm không vào triều. Câu Tiễn vốn biết tài của Văn Chủng, nghĩ thầm: Ngô đã diệt, còn dùng hắn chi nữa, một khi hắn làm loạn thì sao trị nổi, nên muốn trừ đi.
Một hôm, Câu Tiễn đến thăm bịnh Văn Chủng, bảo:

- Ta nghe người chí sĩ không lo cái thân mình chết mà lo cái đạo mình không được thực hành. Nhà ngươi có 7 thuật, ta mới thi hành có 3 mà Ngô đã diệt, còn thừa 4 thuật, nhà ngươi định dùng làm gì?

Văn Chủng đáp:
- Tôi cũng không biết dùng làm gì cho được!
Câu Tiễn nói:
- Xin nhà ngươi đem 4 thuật ấy mà mưu hộ cho tiền nhân nước Ngô ở dưới âm phủ, phỏng có nên chăng?

Nói xong, lên xe đi về, bỏ thanh kiếm đeo tại chỗ ngồi. Văn Chủng cầm lấy xem thấy vỏ kiếm có đề chữ Chúc Lâu, là thanh kiếm của Phù Sai đưa cho Ngũ Viên tự tử khi trước. Văn Chủng ngửa mặt lên trời than: "Cổ nhân có nói "Ơn to thì không báo nữa", ta không nghe lời Thiếu Bá đến nỗi bị giết, chẳng cũng ngu lắm ru!"

Văn Chủng nói xong, cầm kiếm tự tử.

Lời nói: "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong" được nhiều người về sau nhắc lại.

Đời Tây Hán (206 trước 23 sau D.L.), Hàn Tín,người đất Hoài Âm phò Hán Lưu Bang, có tài cầm quân nên diệt Triệu, phá Ngụy, thắng Sở, làm cho Sở Bá Vương Hạng Võ phải bức tử ở Ô Giang. Hán Lưu Bang thấy tài của Hàn Tín quán thế thiên hạ và Tín có ý cậy công nên nghi Tín làm phản, lòng toan mưu mẹo chờ dịp giết Tín.

Khoái Triệt là tướng tâm phúc của Hàn Tín có khuyên: "Tôi lo thầm cho túc hạ, vì thấy túc hạ chắc rằng Hán Vương chẳng hại thì là lầm lắm: Hễ thú rừng hết thì ắt làm thịt chó săn, túc hạ phải lo cho xa mới được. Vả lại, dõng lược mà rúng chúa, thì mình khốn, công trùm thiên hạ lại chẳng được thưởng. Nay túc hạ mang cái oai rúng chúa, cầm cái công chẳng thưởng mà muốn cho được an thân sao?"

Hàn Tín cho là phải nhưng không nghe theo để đề phòng. Sau Hàn Tín bị vua lừa bắt tại Vân Mộng, kết án mưu phản, toan đem xử tử. Hàn Tín thở dài, than:

- Chim rừng hết thì cung ná quăng, chồn thỏ hết thì chó săn chết, nước giặc phá thì mưu thần mất, nay thiên hạ định thì tôi phải chết.

May nhờ trung thần là Đại Phu Điền Khẳn can gián nhà vua nên Tín được tha, nhưng bị tước hết binh quyền. Tuy vậy, cuối cùng, Tín bị vợ của Hán Vương là Lữ Hậu tên Lữ Trỉ âm mưu dụ bắt Hàn Tín và xử tử tại Vị Ương Cung.

Người đời sau có làm hai bài thơ tứ tuyệt tiếc Hàn Tín. Trong đó có những câu:
Mươi năm chinh chiến công lao nặng,
Một phút phủi rồi uổng xiết chi.
Và:
Chim hết ná quăng đà chẳng biết,
Hoài âm sao chẳng sớm lo âu.

Ở nước Việt Nam đời nhà Nguyễn (1802-1945), vua Gia Long Nguyễn Ánh sau khi thống nhất đất nước lại có ý nghi kỵ các công thần có tài cán lật đổ ngai vàng của mình, nên tìm dịp để giết hại. Nguyễn Văn Thành có tài thao lược đã theo phò Gia Long từ lúc còn nhỏ, lận đận lao đao với nhà vua, cũng như Đặng Trần Thường có tài văn học, trốn Tây Sơn vào Gia Định giúp vua, thế mà cả hai ông đều bị xử tử vì những lỗi tầm thường.

Tương truyền Đặng Trần Thường khi còn bị giam trong ngục, có làm bài "Hàn Vương tôn phú" bằng quốc âm để ví mình như Hàn Tín đời Hán.

Sử gia Việt Nam, Trần Trọng Kim, soạn giả quyển "Việt Nam sử lược", chép về đoạn này có viết: "...chỉ hiềm có một điều là khi công việc xong rồi, ngài không bảo toàn cho những công thần, mà lại những chuyện nhỏ nhặt đem giết hại những người có công với ngài, khiến cho hậu thế ai xem đến những chuyện ấy cũng nhớ đến vua Hán Cao, và lại thở dài mà thương tiếc cho những người ham mê hai chữ công danh về đời áp chế ngày xưa".

Ngày xưa, phần đông nhà vua nào cũng thế, chớ riêng gì vua Gia Long. Ngày nay cũng vậy thôi, mới có câu thành ngữ: "Được chim bẻ ná, được cá quăng nơm" để chỉ sự phản bội của nhà vua mà cũng là sự phản bội của những người đối với kẻ giúp mình được lập nên thân thế, địa vị.

Chuyện cười trong ngày

Sai lầm nghiêm trọng..

Hai thầy thuốc lâu năm hàn huyên trong giờ giải lao bên lề hội nghị khoa học:

- Lần đầu tiên trong đời tôi đã phạm sai lầm nghiệp vụ nghiêm trọng. – Một người thổ lộ với giọng chán chường.

- Thì cứ bình tâm kể lại vụ việc xem sao! – Người đồng nghiệp động viên.

- Tôi chữa khỏi cho một bệnh nhân chỉ sau một lần khám duy nhất, mà đâu biết ông ta là triệu phú.

Saturday, September 29, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 29-9-2018

Chuyện ngắn - Câu chuyện cây sồi duy nhất tồn tại trên sa mạc Sahara

Câu chuyện cây sồi duy nhất tồn tại trên sa mạc Sahara

Chuyện kể rằng, cách đây từ rất lâu rồi, khi Sahara còn là một khu rừng nhiệt đới rậm rạp, xanh tươi chứ không phải là sa mạc như bây giờ, các loài động vật chung sống với nhau cực kỳ hạnh phúc, còn cây cối thì um tùm đến mức, nếu từ trên cao bạn sẽ phải cực kỳ cố gắng mới có thể len lỏi xuống dưới mặt đất để lắng nghe một cuộc trò chuyện giữa một đám cây con.

“Thật tuyệt vời. Cứ như là đang ở thiên đường vậy. Thiên nhiên đã quá ưu đãi chúng ta!”, một cây nhỏ lên tiếng.

“Phải rồi. Mỗi sớm thức dậy, tớ luôn làm một hớp sương đọng trên lá từ đêm qua, sau đó chầm chậm chờ đợi ánh nắng ấm áp của Mặt trời tới sưởi ấm cho. Thật sảng khoái!“, một cây nọ thích thú.

“Còn có chim ca trên đầu, nước mát dưới chân, ngoài ra cứ chiều chiều là còn được chị gió tới massage nữa chứ. Đơn giản chỉ là hút và tận hưởng”, một cây béo ục ịch cất giọng thỏa mãn.

“Ừ đúng rồi, tớ cũng cảm thấy vậy… cả tớ nữa… nhiều nước thế này dùng cả đời không hết.“ – Nhiều cây khác hùa theo.

Giữa đám cây đang cười nói vui vẻ, xôn xao, thì một cây sồi còi cọc, yếu ớt nhất im lặng nãy giờ giữa đám bạn, mới chầm chậm lên tiếng: “Tớ thì không nghĩ vậy, ông tớ bảo rồi – không có gì trong vũ trụ trường cửu vĩnh viễn, cho nên một ngày nào đó nguồn nước có thể sẽ cạn kiệt. Chúng ta cần chuẩn bị cho tất cả mọi thứ từ bây giờ”.

“Tớ có nghe lầm không đấy. Ha ha ha…” – cây béo ú cúi đầu nhìn xuống người bạn bé xíu của mình cười vang, “Cậu có biết là mạch nước ngầm vĩ đại dưới chân chúng ta đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước đến nay không? Làm sao mà có thể cạn được. Cậu đang mơ à?”

“Đúng rồi, đúng rồi!” Cả đám cây tán đồng và cười nhạo cây sồi nhỏ bé.

“Nhưng…” sồi con không còn biết nói gì nữa. Nó lủi thủi ngẫm nghĩ một mình, mặc kệ lũ bạn đang cười đùa bàn tán ầm ĩ. Nó phát hiện ra rễ mình vẫn còn yếu và ngắn quá! Thế là từ hôm đó, trong khi bạn bè tập trung phát triển thân cành lá thật to, thật khỏe, thật xanh để vươn cao đón ánh mặt trời, để khoe sức mạnh, khoe hình thể thì sồi con dùng phần lớn chất dinh dưỡng để chăm sóc phát triển bộ rễ để vươn xa và sâu hơn.

Đông đến, hè sang, mưa phùn giăng khắp lối. Cây sồi cần mẫn đâm sâu rễ xuống mặt đất, nhích từng chút từng chút một và khám phá ra rất nhiều thứ hay ho, được trải nghiệm rất nhiều thứ. Cũng không ít lần, sồi phải khó khăn lắm mới vượt qua được vùng đất cứng nào đó thì lại không có nước. Sồi con không hề nản chí, nó biết rằng chỉ có sự kiên trì mới đem lại những thay đổi, nó ước mơ đưa được rễ đến những vùng xa nhất, sâu nhất mà chưa ai đến được…

Nhưng rồi một ngày nọ, trời mưa bão, cây sồi đã bị sét đánh trúng. Nhưng rồi câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Từ cây sồi đã có vô số hạt sồi rơi xuống, tiếp tục lớn và bắt đầu một chu trình tái sinh mới. Các con của cây sồi nhỏ bé ngày nào giữ vững truyền thống và đức tin của gia đình. Chúng không ngừng phát triển để vươn cao nhưng cũng không quên dành một phần nguồn nước cho bộ rễ của mình, âm thầm cắm rễ sâu xuống mặt đất, khám phá những vùng đất mới mẻ, tìm những mạch nước mới. Đôi khi chúng cũng gặp phải những tảng đá và rồi chúng phải đi ngoằn nghèo, nhưng điều đó không làm chúng nản lòng, vì cha đã dạy chúng rằng, những viên đá sẽ giúp chúng ta bám chắc vào đất hơn để có thể đối mặt được với giông bão.

Và rồi những ngày tháng yên bình ở Sahara cuối cùng cũng kết thúc. Sau hàng ngàn năm xanh tốt, một chấn động ngầm trong lòng đất khiến cho nhiều mạch nước ngầm bị chặn lại. Khu rừng bao ngàn năm nay dưới sự chăm sóc ân cần của người mẹ thiên nhiên, nay phải tự sống với những thử thách cuộc đời. Nguồn nước cạn kiệt, nhiều loài cây lần lượt ngã xuống, các loài thú cũng kéo nhau đi tìm kiếm những vùng đất hứa mới để sinh tồn.

Đám cây xưa kia ngày nào còn nói chuyện rôm rả dưới tán lá rộng, giờ chỉ còn lại lèo tèo dưới ánh mặt trời thiêu đốt.

“Trời ơi, làm sao bây giờ? Mặt đất nứt nẻ hết cả rồi! Chúng ta sẽ chết mất, chết mất” – cái cây béo ú dạo nọ kêu lên yếu ớt rồi từ từ đổ xuống cái “rầm”. Bộ rễ yếu ớt, mỏng manh không thể giữ được cái thân to khỏe.

Cách đó không xa, gia đình nhà sồi vẫn đứng vững, và giờ chính là lúc họ cần phải quyết tâm hơn bao giờ hết để chinh phục những độ sâu mới, tìm nguồn nước mới. Có lẽ thiên nhiên cũng khó có thể đánh gục được một loài cây với niềm tin sống mãnh liệt đến vậy!

Và các bạn biết không, cho đến tận ngày nay loài sồi ấy vẫn sống sót và được cả thế giới biết đến. Tên của nó là cây sồi Ténéré – vật thể tự nhiên duy nhất được đánh dấu trên bản đồ sa mạc Sahara – cột mốc quan trọng dẫn đường cho các đoàn lữ hành đi qua vùng mênh mông cát nắng.
Vào mùa đông năm 1938, người ta thử đào một cái giếng ngay bên cạnh sồi Ténéré và ngỡ ngàng phát hiện ra: rễ cây đã cắm sâu xuống lòng đất tận 36m để tìm nước mặc dù trên mặt đất nó chỉ cao không tới 3 m. Thật đáng khâm phục!

Tuy nhiên, điều đáng buồn là mặc dù thiên nhiên hà khắc không thể làm Ténéré suy chuyển, thế nhưng vào ngày 08/11/1973, cây sồi huyền thoại này đã “từ trần” khi bị một người lái xe tải say rượu tông phải.

Xác cây sồi đã được đưa về Bảo tàng quốc gia Nigeria tại thủ đô Niamey. Để tưởng nhớ bậc cao niên oai hùng nhất trong thế giới thực vật, người ta đã dựng một mẫu điêu khắc bằng sắt trên tuyến đường mòn băng qua vùng Ténéré. Và ngày nay, khách qua đường vẫn thấy sừng sững cột mốc này và thầm tiếc nuối cho số phận cái cây cuối cùng của sa mạc Sahara….
Bài học ở đây là, bạn hãy luôn chuẩn bị thật kĩ càng cho bản thân về mặt sức khỏe, trí tuệ, tiền bạc… để có thể ứng phó được với những điều có thể bất ngờ xảy đến trong cuộc đời. Đừng lãng phí thời gian của bạn vào những việc vô bổ. Đừng để cho tuổi trẻ của bạn trở nên mờ nhạt và phải nuối tiếc mỗi khi nhớ lại. Hãy làm những điều mình muốn và cố gắng hết mình để đạt được điều đó.

Đời là bể khổ, bây giờ bạn không khổ, sau này sẽ càng khổ. Trứng gà bị vỡ do tác động từ bên ngoài là đồ ăn, bị vỡ do tác động từ bên trong thì chính là sinh mệnh. Cuộc sống cũng vậy, làm vỡ từ bên ngoài là áp lực, làm vỡ từ bên trong chính là trưởng thành. Nếu bạn chờ người khác làm vỡ bạn từ bên ngoài, thì nhất định bạn sẽ là món ăn của người khác; nếu bạn có thể đánh vỡ chính mình từ bên trong, như vậy bạn sẽ thấy rằng mình đã thực sự trưởng thành, cũng giống như là được tái sinh.

Sưu tầm

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Chiếc vỹ cầm một dây

Niccolo Paganini, một nghệ sỹ vĩ cầm đầy sắc thái và tài năng của thế kỷ 19 đang đứng chơi một bản nhạc khó trong một khán phòng chật kín người. Một ban nhạc vây quanh ông cùng hòa nhạc với ông. Bất chợt, một dây đàn bị đứt và treo lóng lánh dưới cần đàn của ông.

Những giọt mồ hôi từ trán ông tuôn ra. Ông lo lắng nhưng vẫn tiếp tục chơi, ứng biến một cách tốt đẹp. Dây đàn thứ hai lại bị đứt trước sự ngạc nhiên của nhạc trưởng. Và ngay sau đó là dây thứ ba. Giờ thì có ba dây đàn bị đứt đang đong đưa trên chiếc vĩ cầm của Paganini, khi người nghệ sỹ bậc thầy này hoàn thành khúc cao trào với chỉ một dây còn lại. Khán giả nhịp chân và trong phong cách lịch thiệp của người Ý, đại sảnh đã ngập tràn những tiếng “hoan hô”.

Khi tiếng vỗ tay khen ngợi lắng xuống, người nghệ sỹ vĩ cầm này yêu cầu mọi người ngồi xuống. Mặc dù họ hiểu chẳng còn cách nào để mong ông biểu diễn phần còn lại, nhưng mọi người đều yên lặng ngồi xuống chổ ngồi của mình. Ông nâng đàn lên cao cho mọi người nhìn thấy. Ông gật đầu với người chỉ huy dàn nhạc để bắt đầu chơi lại và rồi quay mặt về đám đông. Với một ánh mắt ngời sáng, ông mỉm cười và nói to: “Đây là Paganini với một dây đàn!”

Rồi ông đặt chiếc đàn Stradivarius một dây dưới cằm và chơi nốt đoạn cuối với chỉ một dây đàn. Trong lúc khán giả lắc đầu trong tột cùng kinh ngạc.

Cuộc sống của chúng ta có lẽ luôn ngập tràn bao rắc rối, lo toan, thất vọng và những điều bất cập. Thành thật mà nói, chúng ta mất hầu hết thời gian để tập trung và băn khoăn về những dây đàn bị đứt đoạn, dở dang, và những điều bất chợt – tất cả đều không thể đổi thay được.

Phải chăng bạn vẫn đang buồn đau vì những cung đàn bị đứt đoạn trong đời?

Có phải chỉ với dây đàn còn lại mà bạn sẽ chơi lạc điệu không?

Nếu đúng thế, liệu tôi có thể khuyên bạn đừng nản lòng, cứ tiếp tục và bắt đầu chơi lại chỉ với một dây đàn.

Hãy để nó ngân lên một giai điệu ngọt ngào mà cả thế giới khát khao với đầy ngẫu hứng.

Bạn có thể làm được nếu bạn muốn.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

CỔNG CỦA THIÊN ĐƯỜNG.

Một người lính tên Nobushige tới gặp Hakuin, và hỏi: "Ở đó có thật sự là thiên đàng và địa ngục?"

"Anh là ai?" Hakuin dò hỏi.

"Tôi là sĩ quan," người quân nhân trả lời.

"Anh, là một người chiến sĩ!" Hakuin kêu lên. "Hạng người nào mà muốn anh trở thành người hộ vệ cho họ. Mặt của anh giống như mặt của người ăn mày."

Nobushige nổi giận vô cùng anh bắt đầu rút kiếm của mình, nhưng Hakuin nói tiếp: "Vậy là anh có một thanh kiếm! Khí giới của anh có lẽ quá cùn làm sao chém được đầu của ta."

Khi Nobushige rút kiếm của anh ra Hakuin lưu ý: "Cửa địa ngục mở ra ở đây!"

Với những lời này người quân nhân, nhận thức ra được phương pháp giáo huấn của thiền sư, tra kiếm vào trong bao và cúi chào.

"Cửa thiên đường mở ra ở đây," Hakuin nói.

Chùa Tōdai-ji , Nhật Bản


Chùa Tōdai-ji , Nhật Bản

Tōdai-ji (東大寺, Tōdai-ji, phiên âm Hán Việt: Đông Đại Tự) là một ngôi chùa Phật giáo nằm ở thành phố Nara, Nhật Bản. Điện chính của chùa (大仏殿 Daibutsuden; Đại phật điện), được biết đến như là quần thể kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới và là nơi có tượng đồng của Phật Tỳ Lô Giá Na. Ngôi chùa này cũng là một trong những trung tâm dạy Đạo Phật phái Hoa Nghiêm tông ở Nhật Bản.

Tōdai-ji là một hạng mục trong di sản thế giới Di tích Nara cổ. Hươu sao, loài vật được coi như là lời nhắn gửi của thượng đế trong Shintō, xuất hiện ở khắp các bãi cỏ trong ngôi chùa.
Lịch sử
Ở địa điểm nay là Đông Đại Tự, trước kia có chùa Kinshōsen-ji (金鐘山寺 Kim Chung Sơn Tự) do Nhật hoàng Shōmu (聖武天皇 Thánh Vũ Thiên hoàng) sắc dựng năm 743 sau khi một vị hoàng tử chết yểu. Sau đó Nhật hoàng lại truyền chọn chùa Kim Chung làm nơi thờ Phật ở cấp tỉnh. Tình hình triều chính lúc bấy giờ gặp nhiều xáo trộn sau nạn dịch lớn bệnh đậu mùa, nông vụ bị mắt mùa rồi lại có loạn khiến triều đình phải thiên đô bốn lần.

Thời đại Nara triều đình cho đặt chức Sōgō (僧綱 Tăng cương). Vị này trụ trì ở Đông Đại Tự, giám sát các tỉnh tự (chùa cấp tỉnh) và sáu Phật phái gồm Hossō (法相 Pháp tướng), Kegon (華厳 Hoa nghiêm), Jōjitsu (成實 Thành thực), Sanron (三論 Tam luận), Ritsu (律 Luật) and Kusha (倶舎 Cụ xá). Sáu phái cũng cử đại diện lưu trú ở Đông Đại Tự chăm nom chùa am và văn khố của mỗi phái.

Chuyện cười trong ngày

Thưởng cho nếu rớt

Hai thí sinh ngồi trước cổng trường chờ xem kết quả.

- Bố tớ bảo nếu tớ thi đậu sẽ thưởng cho tớ chiếc xe đạp điện để đi học cho đỡ mệt...

- Còn bố tớ lại bảo nếu tớ thi rớt sẽ mua cho tớ chiếc “Quây Anpha”...

- Trời ơi! Sao đã quá vậy?

- À... để tớ về chạy xe ôm đó mà...

- !!!

Friday, September 28, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 28-9-2018

Chuyện ngắn - Một thế giới không phải của người lớn

Một thế giới không phải của người lớn

Chồng tôi sắp đưa một đoàn tạp kĩ đi lưu diễn ở tỉnh. Đang là kì nghỉ hè nên chúng tôi quyết định dắt hai đứa con bé bỏng đi theo: bé Su lên 8 và bé Mi lên 3. Đêm trước ngày trở về sau một tuần lưu diễn, chồng tôi hỏi bé Mi: " Con thích được về nhà hay thích đi du lịch?". Không lưỡng lự, bé trả lời ngay: "Đương nhiên là được trở về nhà rồi bố ạ!"

- Vậy lần sau đi bố mẹ không dắt con theo nữa.

- Nhưng bố ơi nếu không có bố dắt con đi làm sao con về được nhà?"

Cuộc sống cũng thế, không có rạn vỡ sẽ không có hàn gắn, những ai chưa từng xa nhà sẽ không cảm nhận được trọn vẹn niềm hạnh phúc trọn vẹn khi được quay về tổ ấm.

Hai ngày trước đây, bé Mi bị ngã nhưng không hề khóc lóc. Bây giờ nó rất đau vì cánh tay trái không nhấc lên được. Không nghĩ mọi chuyện lại trầm trọng đến như vậy nên tôi rất khổ tâm và cảm thấy mình có một phần trách nhiệm. Song bé Mi đã làm tôi ngạc nhiên bởi khám phá của nó: "Mẹ ơi, bây giờ con đã biết bên trái là bên nào rồi!"

Trước khi ngã, bé không phân biệt được bên trái, bên phải. Còn bây giờ, mọi chuyện hết sức đơn giản - bên bị đau là bên trái.

Có một lần bé Mi lặng lẽ chơi dưới chân tôi khi tôi làm việc. Thình lình bé áp đầu vào chân tôi rồi thỏ thẻ: "Mẹ ơi, con yêu bàn chân mẹ!" 

- Con nói sao? - tôi ngạc nhiên hỏi.

- Con yêu bàn chân mẹ!" - bé lặp lại.

Tôi ngừng làm việc và cảm thấy thật xúc động. Ngày trẻ tôi đã từng được yêu bởi đôi má hồng, được khen bởi giọng nói đầm ấm, truyền cảm và được ngưỡng mộ bởi những truyện ngắn tôi viết. Nhưng có ai yêu tôi hơn đứa con bé bỏng đang âu yếm ôm lấy bàn chân tôi? Bé yêu bàn chân tôi đơn giản chỉ vì đó là một phần của bản thân tôi, phần mà chẳng ai, ngay cả tôi để ý đến.

Bé Mi chưa đi học lớp 1 nhưng rất thích viết, dù nó thực ra luôn vấy mực tèm lem trên giấy. Một ngày nọ, cô em tôi đến chơi và thấy bé Mi đang tập viết: 

- Ái chà! Viết cũng đẹp đấy chứ! Nhưng cố thêm một chút nữa thì cháu sẽ giỏi hơn các bạn trong lớp đó. 

Tôi ậm ừ, biết là bé Mi sẽ không thích như vậy. Quả thật, bé gào lên hết sức bực bội: 

- Con chẳng thèm hơn mấy bạn đâu.

- Vậy cháu luyện viết để làm gì?

- Chỉ vì cháu thích viết thôi. Cháu không cần biết cháu có hơn ai hay không?

Người ta cần có tham vọng để thúc đẩy mình thành công, nhưng người ta cần có một trái tim vị tha không đạp lên người khác để đi tới.

Khi chúng tôi chuẩn bị đi nghỉ mát , bé Mi ra sức nhồi nhét tất cả búp bê nhỏ, cũ mới của nó vào túi du lịch.

- Không thể mang hết đâu con ạ - tôi nói với nó - con chỉ nên chọn con nào thích nhất để mang theo thôi. 

Nó xem xét kĩ càng từng con từng con một. Những con chúng tôi mua cho nó thì rất đẹp và đắt tiền, còn những con của bé tặng sau khi chúng nó đã chơi chán thì hết sức cũ nát và bẩn thỉu. Một lúc sau, bé tuyên bố: 

- Con nào con cũng thích hết!

- Con không thể thích hết được - tôi cương quyết - Hãy chọn con nào con thích nhất đi!

- Con thích hết mà - giọng nói khăng khăng của bé cho tôi biết là không thể làm thêm gì nữa hết. Bé thích tất cả những con búp bê đang có và...Chấm hết!

Việc phân biệt xấu đẹp, đắt rẻ chỉ tồn tại trong thế giới của người lớn. Còn với trẻ em, giá trị và vẻ bên ngoài của một vật chẳng là gì cả so với vị trí của chính món đồ đó trong lòng chúng. 

Tuần trước là một chuỗi ngày mưa lạnh, tôi về ăn trưa trễ. Mọi người trong nhà đã ăn xong, bé Mi quấn lấy tôi và đòi một miếng thịt hầm. Khi tôi đút cho bé một miếng , bé hồ hởi la lên:" Mẹ ơi, đôi đũa của mẹ ấm quá". Ngơ ngẩn một lúc, tôi mới hiểu bé nói gì. Trời lạnh nên tôi phải hâm lại thức ăn và khi dùng đũa gắp chúng ra đĩa, tôi đã làm đôi đũa của mình ấm dần lên.

Người ta thường xuýt xoa khen những bàn tiệc ngồn ngộn thức ăn và rượu ngon. Chỉ có đưa con gái ba tuổi của tôi là cảm thấy thích thú vì chút hơi ấm toát ra từ đôi đũa của mẹ trong một ngày giá lạnh. Trong đời mình, chúng ta đã bao lần bỏ lỡ cơ hội tận hưởng những cảm giác bình dị nhưng hết sức tuyệt vời đó?
nguon:songdep.xitrum

Đọc và Suy Ngẫm - Con Thạch Sùng

Con Thạch Sùng

Một anh người Nhật vì muốn sửa lại căn nhà của mình, anh đã dỡ tường nhà ra. Tường nhà kiểu kiến trúc Nhật thường để một tấm gỗ ở giữa, hai bên trát xi măng, nhưng thực chất bên trong để rỗng.

Khi anh  ta tháo tường ra, phát hiện có một chú thạch sùng lớn đang ngủ ở trong đó, chân nó bị kẹt vào giữa hai miếng ván vì thế nó không thể di chuyển được. Anh này thấy tình cảnh đó vừa thương thạch sùng lại vừa tò mò; anh ta chăm chú quan sát và thấy chiếc đinh đóng chặt hai miếng ván với nhau làm cho chân chú thạch sùng bị kẹt. Sau một hồi, anh nhớ lại đây là chiếc đinh được đóng vài năm trước.

Rút cục chuyện gì xảy ra ở đây? Chú thạch sùng này đã mắc kẹt trên tường mà vẫn sống được trong vài năm qua. Nhưng sống bằng cách nào? Anh ta tiếp tục nghĩ ngợi, chân nó bị kẹt chặt, không thể xê dịch được, thế nó đã sống được nhờ vào điều gì? Anh ta quyết định chưa sửa công trình của mình vội. Từ từ rút lui và để yên tình trạng bức tường và chú thạch sùng. Anh muốn quan sát xem chú thạch sùng đã sống bằng cách nào?

Một lát sau, anh thấy một chú thạch sùng khác, miệng nó ngoặm miếng thức ăn tiến đến chú thạch sùng bị kẹt và đưa thức ăn cho nó. Ồ! Anh lặng người đi. Vì một bạn thạch sùng bị kẹt vào bức tường không thể di chuyển được, thì một bạn thạch sùng khác đã kiếm tìm thức ăn để nuôi sống bạn mình. Anh chủ nhà quan sát và rơi lệ cảm động trước bài học mà anh vừa học.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Ngươi Ðang Làm Gì! Thầy Ðang Nói Gì!

 Trong thời đại mới, đã có lắm chuyện quái dị về các vị thiền sư và những đệ tử, và về chuyện thầy chỉ truyền thừa tâm ấn cho các đệ tử tín cẩn mà thôi. Dĩ nhiên Thiền phải được truyền thừa như thế, dĩ tâm tải tâm, và trong quá khứ nó đã thành công. Tỉnh lặng và khiêm tốn quí hơn là chuyên nghiệp và cường điệu. Người được truyền tâm ấn thường ẩn thân đến cả hai chục năm. Cho đến khi có kẻ cầu đạo khám phá ra thì thiền sư mới lộ diện hóa độ. Sự kiện xảy ra rất tự nhiên và giáo pháp cứ thế mà được truyền thừa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thiền sư không bao giờ tự xưng "Ta là kẻ kế thừa của Tổ này Tổ nọ." Chỉ gây điều bất lợi mà thôi.

Thiền sư Mu-nan chỉ có một đệ tử kế thừa. Tên của ngài là Shoju. Sau một thời gian dài theo học, Shoju được thầy gọi vào phòng. "Ta đã già," ngài bảo, "và như ta biết, Shoju, chỉ có con là kẻ sẽ kế thừa giáo pháp này. Ðây là một cuốn kinh. Nó đã được truyền lại cho các thầy đến bảy đời. Ta cũng có thêm vào nhiều điểm theo sự liu ngộ của ta. Cuốn sách này rất quí, và ta trao lại cho con như ấn chứng."

"Nếu cuốn kinh quan trọng đến thế thì thầy nên giữ lấy," Shoju trả lời. "Con đã được truyền thụ Thiền không nhờ văn tự và con rất thỏa nguyệân."

"Ta biết thế," Mu-nan bảo. "Cho dù như vậy, tập kinh này đã được truyền lại cho các thầy đến bảy đời, con nên giử lấy như là bảo vật chánh truyền giáo pháp. Ðây."

Hai thầy trò đang nói chuyện bên lò than. Ngay khi Shoju cầm lấy sách ngài liền quăng ngay vào lò lửa. Chẳng một ham muốn sở hữu.

Mu-nan, chưa từng biết giận, hét lên: "Ngươi đang làm gì vậy!"

Shoju quát lại: "Thầy đang nói gì vậy!"

Cổ học tinh hoa

Đánh dấu thuyền tìm gươm

Có người nước Sở đi đò qua sông. Khi ngồi đò, vô ý, đánh rơi thanh gươm xuống sông. Anh ta vội vàng đánh dấu vào mạn thuyền, nói rằng: "Gươm ta rơi ở chỗ nầy đây".

Lúc thuyền đỗ vào bến, anh ta cứ theo chỗ đánh dấu, lặn xuống nước tìm gươm. Thuyền đã đi đến bến, chớ gươm rơi đâu thì vẫn ở đấy, có theo thuyền mà đi đâu? Tìm gươm như thế, chẳng khờ dại lắm ư!

Lời Bàn:

Thanh gươm rơi xuống sông, thì ở ngay chỗ rơi. Nếu muốn tìm thấy gươm, tất phải lặn ngay xuống chỗ rơi mà tìm. Chớ sao lại đánh dấu vào thuyền, đợi đến lúc thuyền đỗ vào bến, mới lặn xuống bến tìm? Người tìm gươm nầy có khác nào như người đánh đàn sắt đem gắn cả ngựa lại, tưởng ngựa không di dịch được là các âm vận tự nhiên điều hòa được đúng! Than ôi! người cố chấp bất thông, chỉ câu nệ biết giữ chặt một cái đã nắm chặt trong tay, chớ không hiểu nghĩa chờ "thời" là gì?

Lã Thị Xuân Thu: Sách của Lã Bất Vi làm. Lã Bất Vi người đời nhà Tần thời Chiến quốc, trước là lái buôn to, sau làm tướng, chính là cha đẻ của Tần Thủy Hoàng. Khi làm quyển Lã Thị Xuân Thu xong, Bất Vi đem treo ở cửa Hàm Dương, nói rằng "Ai bớt được, hay thêm được một chữ, thì thưởng cho ngàn vàng".

Sở: một nước lớn thời Xuân Thu ở vào vùng Hồ Bắc, Hồ Nam bây giờ.

Thanh gươm: tục xưa người ta đi đâu cũng hay đeo gươm để thủ thân mà lại giữ lễ nữa.

Chuyện cười trong ngày

Vẫn nhớ ngày trước

Một nữ giáo viên phải ra tòa vì vi phạm luật giao thông. Sau khi nghe biên bản của cảnh sát giao thông, quan tòa nói với bị cáo:

- Thưa cô, tôi chờ dịp này đã lâu lắm rồi. Bây giờ cô đến ngồi tại bàn này và hãy chép phạt cho tôi 500 lần câu: " Tôi không được vượt đèn đỏ".

Thursday, September 27, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 27-9-2018

Chuyện ngắn Xin mời bác cứ đến chơi..

Xin mời bác cứ đến chơi...
Aziz Nesin

Một ông văn sĩ rất có tiếng nọ vừa kỷ niệm ngày sinh thứ 60 của mình xong, ấy thế mà không hiểu tại sao lắm độc giả cứ khăng khăng cãi là ông phải nhiều tuổi hơn thế nhiều. Hay có chuyện lạ đời như vậy có lẽ là vì những cái nổi tiếng nói chung dễ được người ta gán thêm cho tuổi tác, để tăng thêm phần danh giá, mà cũng có thể là vì chính bản thân sự vinh quanh làm cho người ta già đi, vì nó luyện cho người ta phải biết sống dựa vào chút tiếng tăm còn dư lại của ngày xưa.

Quả thật, không hiểu tại sao người ta cứ hay nghĩ là các văn sĩ nổi tiếng thì không những phải già hơn, mà còn phải giàu có hơn cái thực tế của họ nhiều. Chứ lại không à! Tiếng tăm lừng lẫy như thế mà bảo không giàu thì ai mà tin được! Cứ gọi là trong nhà phải có một hòm vàng, phải không còn thiếu thứ gì nữa! Ðồ đạc thì chả phải nói, tất nhiên là phải toàn sập gụ tủ chè rồi!

Vậy thì ông văn sĩ mà chúng ta vừa nói bị người ta cho rằng già hơn tuổi là cũng đúng thôi. Bởi lẽ là giống như tất cả những người trải đời, trông ông sớm già và sớm có một vẻ gì tiều tuỵ, hom hem. Còn chuyện bảo ông giàu, thì tất nhiên cũng không phải không có lý. Thì cứ xem ngay cách ăn mặc của ông thì biết, chả lúc nào là không nuột nà chải chuốt. Tủ quần áo của ông tuy chưa đến mức chật ních, nhưng lúc nào cũng treo dăm sáu bộ, may cách đây tuy đã chục năm, nhưng bộ nào bộ nấy trông hãy còn mới nguyên. Mà bộ nào ông mặc trông cũng nền lắm! Hai nữa, tuy có lúc trong túi chỉ vẻn vẹn còn có chục bạc, nhưng ông ăn tiêu vẫn rộng rãi và sang lắm, nên người ta cứ ngỡ ông phải có đến chục nghìn. ấy thế nhưng thực ra thì ông rất túng, và túng đã lâu rồi. Có cái là ông hết sức giấu không để ai biết chuyện đó mà thôi.

Bởi đã đến lúc tiếng tăm của ông không còn đem lại cho ông nhiều tiền bạc nữa. Không biết vì thị hiếu bây giờ đã thay đổi, hay vì một nguyên nhân nào khác, nhưng sách của ông người ta không in nữa. Ðến các báo cũng không tờ nào buồn đặt ông viết bài. Các nhà xuất bản cũng chả nhà nào hỏi han gì đến ông. Thử hỏi thế thì ông, một người chỉ biết sống bằng ngòi bút, và suốt đời hy sinh cho sự nghiệp văn chương còn biết làm gì nữa?

Nhưng ông lại cứ tưởng rằng tiếng tăm của ông hãy còn lững lẫy lắm. Hay ông tưởng nhầm? Nếu tưởng nhầm, thì tại sao độc giả vẫn nhớ đến ông, khi đi đường ta vẫn chào hỏi ông và lúc chuyện trò người ta vẫn nhắc đến tên ông?...

Trước đây, có một thời gian ông làm cho các báo. Nhưng khổ nỗi là các ông bạn làm báo quen biết hồi xưa nay chẳng còn ai. Giá như họ vẫn còn làm ở các tòa soạn thì hẳn ông đã đến gặp để xin việc rồi. Còn những đồng nghiệp mới thì ông lại không quen, tuy rằng nếu có đến gặp thì chắc họ vẫn biết ông, vì ông là một văn sĩ nổi tiếng, và vẫn tiếp đãi ông một cách niềm nở, thậm chí vẫn thưa gửi với ông một cách kính cẩn nữa là khác.

Nhớ lại hồi xưa, đến tờ báo nào, ông cũng được người ta đón tiếp thật là niềm nở, và ngược lại ông cũng hết sức vui vẻ thân mật với họ, vì thế họ lại càng mến ông và đặt ông viết lúc thì một bài báo, lúc thì một bài dịch, lúc thì một bài châm biếm.

Sáng hôm nay, ông ăn mặc cẩn thận hơn mọi ngày: ông quyết định đến thăm tờ báo mà ngày xưa ông thường lui tới và đã có lần đăng truyện của ông. Khi bước đến cửa toà soạn, cái cửa mà mọi khi ông vẫn quen ra vào tự do, ông bị người gác cửa giữ lại:

- Ông hỏi ai?

Ông trả lời là muốn gặp ông chủ bút.

- Ông tên là gì để tôi vào thưa?

Ông xưng tên. Người gác cổng chừng cũng biết tiếng ông, nên khi nghe ông xưng danh, y bỗng sốt sắng đứng dậy.

- Xin ông chờ cho một phút!

Nói đoạn y gọi dây nói báo cho viên chủ bút biết rồi bảo:

- Xin mời ông vào.

Nhà văn bước vào buồng ông chủ bút. Khách và chủ chưa quen biết nhau mấy, nhưng chủ đã nhanh nhẹn đứng lên đón, lễ phép bắt tay, rồi niềm nở kéo ghế mời khách ngồi. Sau đó, lại ân cần hỏi khách quý muốn dùng gì.

- Xin ông một tách cà phê vừa ngọt thôi ạ!

Bây giờ chắc thế nào viên chủ bút cũng sắp hỏi: "Ngài có mang gì đến cho chúng tôi không ạ?". À mà không, cứ xem cái dáng điệu quá lễ phép của ông ta như thế thì chưa chắc ông ta đã dám hỏi thẳng câu ấy, mà phải hỏi một câu gì khác, đại khái như "Ngài có điều gì cần dạy không ạ?" kia! Không biết nên trả lời ông ta thế nào đây? Chả lẽ lại nói thẳng là mình đến xin việc? Vì thế, để tránh trước câu hỏi ấy, nhà văn ta mới vào đề bằng câu:

- Tôi rất thích những bài báo của ông viết, nhất là cái bút pháp độc đáo của ông.

- Dạ, ngài quá khen!

- Không hôm nào tôi bỏ được các bài xã luận của ông.

- Dạ, cảm ơn ngài đã quan tâm...

- Hôm nay nhân tiện đi ngang qua đây tôi muốn rẽ vào thăm...

- Dạ, thật là quý hoá quá!...

- À mà tôi không làm phiền gì ông đấy chứ?...

- Ấy chết, sao ngài lại nói thế ạ! Ðược ngài đến thăm thật là hân hạnh cho chúng tôi...

Nhưng rồi cà phê đã cạn và những câu trao đổi xã giao cũng đã hết. Biết nói gì nữa đây?

Viên chủ bút chắc sắp phải hỏi về mục đích cuộc viếng thăm của ông, vì đã lâu nhà văn không đến thăm toà báo, mà hôm nay bỗng lại đến... Tất nhiên lúc đó ông sẽ nói rõ mục đích ông đến thăm và viên chủ bút chắc sẽ hỏi: "Ngài có cuốn tiểu thuyết nào viết xong rồi không ạ? Giá ngài cho phép bảo chúng tôi được đăng thì thật là hân hạnh quá..." Và ông sẽ bảo: "Rất tiếc là tôi không đem theo cuốn nào. Nhưng hiện nay tôi đang viết hai cuốn tiểu thuyết và một cuốn sắp viết xong..."

Khốn nỗi câu chuyện cứ loanh quanh mãi mà vẫn không chịu vào đề. Nhà văn đành phải hỏi lái sang chuyện khác:

- Các ông làm chính trị, chắc phải theo dõi tất cả các sự kiện. Vậy các ông có ý kiến thế nào về bài diễn văn gần đây của ngài thủ tướng?

Hỏi xong câu ấy nhà văn mới thấy ân hận, vì khi viên chủ bút trả lời, ông có nghe và có hiểu gì đâu.

Câu chuyện vẫn rôm rả, nhưng viên chủ bút vẫn chẳng hề ngỏ ý nhờ ông viết cho cái gì: tiểu thuyết, báo hay truyện ngắn...

- Thôi xin phép ông, kẻo làm ông mất thời gian.

- Ấy chết, ngài cứ nói thế!... Mấy khi chúng tôi hân hạnh được ngài đến chơi... lúc nào có dịp, xin mời ngài cứ đến ạ!

Vừa xuống cầu thang, nhà văn vừa nghĩ: Không hiểu câu ông ta nói: Xin ngài cứ đến chúng tôi rất hân hạnh" là có ý gì? Chỉ là một câu nói xã giao hay là một lời mời thành thực? Có thể, lần này ông ta chưa dám để nghị mình viết cho cái gì, chỉ vì sợ hơi đường đột chăng? Nếu vậy lần sau đến, chắc thế nào ông ta cũng phải mời mình viết cho một bài báo... Mà cũng có thể quả thật hôm nay ông ta chưa có việc gì cần nhờ đến mình...

Nhà văn nổi tiếng nghĩ vậy rồi đi đến tờ báo khác. Ông quyết định phải gặp viên giám đốc tờ báo này, vì hồi xưa ông có quen biết cố thân sinh ra ông ta. Lúc đầu, ông có thể gợi chuyện về bố ông ta, tỏ ý thương tiếc ông cụ, rồi dần dần sẽ lái sang chuyện làm ăn.

- Ông cần gặp ai? - người gác cổng hỏi.

Ông trả lời là muốn gặp ông giám đốc. Nhưng người ta cho ông biết ông giám đốc đi Châu Âu mất rồi. Ðã định quay về, nhưng ra đến cửa, đứng tần ngần một lúc, nghĩ thế nào ông lại quay lại bảo người gác cửa:

- Nếu vậy bác cho tôi gặp ông phụ trách mục văn nghệ.

- Ông cho tôi biết tên để tôi vào báo.

Ông xưng tên và người ta cho ông vào.

Câu chuyện giữa ông và ông phụ trách mục văn nghệ mở đầu cũng na ná như câu chuyện giữa ông với viên chủ bút tờ báo trước. Có điều lần này ông phải tìm cách nói khéo ngay cho chủ nhân biết là ông sẵn sàng viết một cái gì đó, thậm chí ông còn nói thẳng là từ lâu ông vẫn viết truyện ngắn cho các báo. Ðoạn ông nói thêm:

- Chỉ tiếc là có lẽ ông không còn nhớ cái hồi đó...

- Ồ, sao bác lại nói thế! Tôi nhớ lắm chứ! Truyện nào của bác tôi cũng đều đọc cả. Bác viết truyện hay lắm, quên thế nào được.

- Các nhà văn trẻ bây giờ kể ra cũng có viết - nhà văn lại nói tiếp - nhưng... không biết diễn đạt thế nào cho đúng... chứ thật ra thì truyện của họ chưa thể gọi là truyện được. Vì viết được một truyện hay có phải dễ đâu!

- Vâng, tất nhiên rồi, bác bảo bây giờ tìm đâu ra những người viết hay như hồi các bác được!

"Thì hắn đang ngồi lù lù trước mặt anh đây mà anh mù hay sao!" Nhà văn suýt buột mồm kêu lên như vậy, nhưng may lại kìm được.

Khi chia tay, viên phụ trách mục văn nghệ cũng lại bảo:

- Xin mời bác có dịp cứ ghé lại chơi. Chúng tôi thật lấy làm hân hạnh.

Suốt một tuần liền, nhà văn cứ đi hết toà báo này đến toà báo khác, nói chuyện với đủ mọi người, từ giám đốc đến chủ bút, thư ký... Lúc thì nói về các bài xã luận, lúc thì bàn về tiểu thuyết. Nhưng lần nào cũng vậy, ông đều được người ta trả lời bằng một câu giống nhau "Xin mời bác cứ đến, chúng tôi rất hân hạnh". Có vài toà soạn ông đến hàng hai, ba lần, nhưng chẳng lần nào có ai thuê ông viết lấy một chữ, hay đề nghị ông làm cho việc gì. Có lẽ họ không dám nói với ông vì sợ thiếu tế nhị chăng? Nhưng cũng có thể họ cho rằng một nhà văn tên tuổi như ông thì chắc phải sống ung dung lắm rồi, việc gì còn phải làm việc nữa.

Thế cho nên ông mới phải nói thẳng với họ rằng ông cần việc làm, hay thậm chí một chân gì trong toà soạn cũng được. Kinh nghiệm lâu năm cho ông biết rằng những chức vụ như trưởng ban, biên tập viên, bình luận viên, hay tầm thường như một phóng viên thôi, cũng chả đời nào họ dành cho ông cả. Với lại, ông cũng chả màng đến các chức ấy. Ông sẵn sàng làm bất cứ việc gì, miễn là có miếng ăn là được rồi.

Ông đi hết toà soạn này đến toà soạn khác. Nhưng cái sách mời chào quá trịnh trọng của những người đón tiếp ông, những câu "Dạ, thưa bác" quá lễ độ của họ khiến ông đâm lúng túng, không dám thú nhận cái cảnh nghèo túng của mình. Ðã có lần ông tìm cách nói thẳng với họ rằng cứ ngồi nhà mãi không có việc gì làm thì cũng buồn, rằng tuy thế ông cũng chưa phải già đến mức không thể làm việc được nữa, không thể giúp ích gì cho mọi người được nữa, rằng ông đã chán ngấy cái cảnh ăn không ngồi rồi, rằng ông rất sung sướng nếu có bất cứ việc gì để làm.

Nhưng người ta thì bảo ông: "Dạ, bác cứ nói thế, chứ ở toà báo đâu có việc gì đáng cho bác làm... Bác bảo muốn làm bất cứ việc gì, nhưng cũng phải là việc quan trọng to tát chứ như các công việc ở toà soạn này thì đâu có đáng để bác bận tâm. Nói thế mong bác cũng bỏ quá cho..."

Rồi lúc tiễn ông ra về, người ta còn nói thêm: Dạ xin mời bác cứ đến chơi với chúng tôi, thế là hân hạnh lắm rồi ạ!"

Từ đó, ông quyết định không có quanh co úp mở gì nữa, mà cứ nói toạc ra là ông đang cần tiền và sẵn sàng làm cả chân sửa bài.

Nhưng người ta lại bảo:

- Ấy chết, sao lại thế ạ. Ngài mà lại phải đi làm cái việc sửa bài thì có họa là...

Nhưng nhà văn không chịu thua. Ông bảo nếu không có việc sửa bài, thì có thể cho ông bất cứ việc gì khác cũng được.

Người ta lại tưởng ông đùa và bảo:

- Dạ ngài cứ nói đùa vậy chứ ạ...

Ðã thế, ông tự nhủ, phải nói thẳng hơn nữa! Ðến một toà soạn khác, ông đã kể cho họ biết rằng đã 3 tháng nay ông không có tiền trả tiền nhà, rằng ông đang mắc nợ như chúa chổm, và bây giờ nếu có việc gì làm thì thật ông sung sướng biết mấy. Mà chả lẽ bao năm nay ông làm việc cho các báo mà bây giờ lại không xin được việc gì làm hay sao?

- Trời ơi, ngài có ý định giễu cợt chúng tôi hay sao mà cứ nói những chuyện như thế ạ! Chả lẽ ngài lại muốn làm bất cứ việc gì thật hay sao?

Ông lại đến một toà soạn khác. Và lần này thì ông không còn giấu giếm chuyện gì nữa, mà bảo thẳng với họ rằng ông đang sống dở chết dở đây, rằng bao nhiêu quần áo ông đã phải bán hết, chỉ còn độc một bộ đang mặc trên người đây thôi. Thử hỏi thành thực đến mức ấy thì thôi chứ còn gì nữa? Cuối cùng, ông xin người ta cho ông làm cái việc sửa bài hay bất cứ công việc gì ban đêm cũng được.

- Ấy chết, ngài cứ dạy thế, chứ một nhà văn có tiếng như ngài mà phải đi làm những việc như thế thì còn ra làm sao ạ!

Lúc đầu, nghe người ta nói: "Ấy chết, ngài cứ dạy thế!" ông cũng cảm thấy hãnh diện, nhưng sau ông mới hiểu rằng người ta nói thế chẳng qua chỉ cốt để chối khéo ông mà thôi...

Thế nhưng ông vẫn cứ đi lạy lục hết toà soạn này đến toà soạn khác để xin việc. Ðể rồi lại được nghe những lời rất tử tế:

- "Ấy chết... Xin mời ngài cứ đến chơi ạ. Thật là quý hóa!"

Khốn nỗi, chỉ nghe những lời tử tế suông thôi, người ta đâu có thể no bụng được! 
nguon: songdep.com

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Khỉ và khách

Ðể chào mừng một ngày lễ lớn, một hôm Khỉ ta mời tất cả bạn bè đến nhà chơi. Rùa đen cũng đến. 

Ðầu tiên Khỉ ta nói lời chúc mừng sau đó mời các bạn vào bàn tiệc. 

Chúng ăn uống thoả thích, hết chạm cốc lại gắp thịt rất chi là ồn ào. 

Rùa đen không lên được ghế, nó nhờ Khỉ giúp, Khỉ nhìn Rùa cười to giễu cợt: "Ha! Ha! Ai bảo chân cậu ngắn thế nào?" 

Rùa đen tức lắm, nhịn đói bỏ về, nó thề rằng phải tìm cách trả đũa cho hả dạ. 

Cơ hội đã đến. Trong một ngày lễ khác Rùa đen cũng mời tất cả các bạn của nó đến ăn cơm. Khi ta cũng đến. 

Thịt rượu đã bày lên bàn. Ðợi các bạn ngồi vào bàn xong Rùa đen nói vài lời rồi tuyên bố tiệc rượu bắt đầu. Rùa đen đến bên Khỉ, ngắm nghía tay Khỉ, nói: "Thưa anh, xin lỗi, tay anh bẩn quá! ăn uống thế này thì thật mất vệ sinh, mời anh ra rửa tay trước đã". (Tay Khỉ vốn là đen trông rất bẩn, nhưng rửa cũng chẳng ích gì). 

Khỉ ta vội tìm giẻ lau rồi tìm nước rửa, nhưng làm thế nào thì tay nó vấn đen thui, nó hỏi Rùa đen phải làm thế nào. Rùa cười to: "Ha! Ha! Ai bảo tay anh đen thế?" 

Khỉ nghe vậy nhớ ngay đến thái độ của nó đối với Rùa hôm trước, nó hiểu Rùa đang trả đũa nó nhưng không cáu được đanh chuồn thẳng.