Tu Tướng Và Tu Tánh
Một vị cư sĩ hỏi vị Sư:
- Bạch Thầy cho con hỏi vì sao có người tu thì an lạc, có người tu lại chẳng an lạc?
Vị Sư không đáp mà thủng thẳng hỏi:
Chẳng hay tâm của Đạo hữu đang an hay chẳng an?
Cư sĩ: Bạch thầy tâm con vừa an, vừa bất an.
Vị Sư: Cho tôi hỏi đôi điều, Đạo hữu nghĩ sao cứ thẳng thắn mà đáp. Khi nào Đạo hữu thấy an?
Cư sĩ: Dạ, bạch thầy, khi con quan tâm nhiều đến ngoại cảnh và người khác, thấy người khác phạm phải nhiều lỗi lầm mà con không mắc phải.
Vị Sư: Còn khi nào Đạo hữu thấy bất an?
Cư Sĩ: Bạch, khi thấy mọi người hơn con, làm trái ý con, làm không đúng với điều con mong muốn.
Vị Sư: Điều Đạo hữu cho là an bởi Đạo hữu thấy mình trong sạch hơn người khác, không phạm lỗi lầm như người khác, vì thế ''cái an này'' càng nhiều thì cái ngã của Đạo hữu càng lớn. Điều Đạo hữu cho là bất an bởi cái tôi của Đạo hữu đã bị đụng chạm, vì thế cái bất an này càng nhiều thì cái tôi của Đạo hữu càng bị tổn thương trước những điều trái ý nghịch lòng.
Cư sĩ: Bạch thầy, cái tôi và sự chấp mắc thì người nào mà không có?
Vị Sư: Có, nhưng có sự khác biệt giữa tu và không tu.
Cư Sĩ: Bạch thầy, một người một ngày 3 thời tinh tấn, lại nhiếp tâm niệm Phật mọi thời, mọi khắc, có thể nói là không tu sao?
Vị Sư: Tu thì có tu tướng và có tu tánh. Người tu tướng thì thấy mình tinh tấn, miên mật giữ giới mọi thời mọi khắc. Hễ có tinh tấn, ắt sẽ có chẳng tinh tấn. Thế thường, người luôn thấy mình tinh tấn, nên hễ gặp ai không tinh tấn, giải đãi ắt sanh tâm chê bai, khó chịu; người luôn thấy mình giữ giới miên mật ắt thấy người không giữ giới hay giải đãi giữ giới sẽ sanh tâm chê bai, khó chịu và khinh thị.
Người tu tánh thì khác, bởi tánh vốn như hư không, trong hư không vốn hiện ra vạn vật mà ''chẳng thật có'' một vật, mọi chuyện dở hay, tốt xấu, phải trái, đúng sai.. trên thế gian đều tương đối, bản thân của các cặp đối đãi đều vô thường nên hết thảy đều mộng mị, huyễn hóa. Vì vậy người tu mà ngộ được tánh thì tâm chẳng vướng một vật, còn người người tu mà kẹt trên hình tướng thì mọi vật đều vướng bận vào tâm. Nhà chùa nói vậy chẳng hay có thể giúp Đạo hữu giải nghi được vì sao có người tu thấy an lạc, có người tu lại bất an lạc?
Cư sĩ: A Di Đà Phật! Bạch thầy, con hiểu, nhưng thực hành.. sao mà khó quá!
Vị Sư: A Di Đà Phật! Chẳng khó! Chẳng khó! ''Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai'' (Những gì có tướng đều là hư vọng, nhận biết tướng vọng, đừng bám chấp nó, tất thấy Như Lai. Như Lai là tánh không tịch chẳng sanh chẳng diệt của Đạo hữu. Hàng ngày năng sống với tánh không tịch đó thì bất an kia không chỗ khởi?)
nguồn: truyenthien.com
No comments:
Post a Comment