PHẢI BIẾT PHÒNG XA
Ông Biển Thước đến yết kiến Hoàn Hầu nước Tề, đứng ngắm một lát, tâu rằng: -Vua có bệnh ở trong bì phu, không chữa sợ sau nặng.
Hoàn Hầu bảo: Ta vô bệnh.
Biển thước đi ra.
Hoàn Hầu nói: Thầy thuốc này lý tài lắm! Muốn chữa người khỏe để lấy công.
Mười hôm sau, Biển Thước vào yết kiến Hoàn Hầu lại nói:
-Vua có bệnh ở gan ruột, không chữa mau sau khó lòng.
Hoàn Hầu không trả lời, còn lấy làm không bằng lòng.
Biển Thước đi ra.
Cách mười hôm nữa, Biển Thước lại vào yết kiến Hoàn Hầu, vừa trông thấy, lùi chạy ra ngay.
Hoàn Hầu cho người gọi lại hỏi, vì cớ gì mà ra ngay như vậy.
Biển Thước tâu:
-Bệnh ở bì phu còn châm trích được, bệnh ở gan ruột còn thuốc thang được, bệnh đã vào xương tủy, thì không tài nào chữa được nữa. Bây giờ bệnh nhà vua đã vào đến xương tủy
cho nên tôi không dám nói mà phải ra ngay.
Năm hôm sau, Hoàn Hầu phát bệnh, cho tìm Biển Thước, thì Biển Thước đã sang nước Tần rồi. Quả nhiên bệnh Hoàn Hầu không thầy nào chữa được nữa, Hoàn Hầu mất.
Thanh Lê Tử
GIẢI NGHĨA
Thanh Lê Tử: tức là Lưu Hướng, người nhà Hán làm quan Gián Nghị đại phu, giỏi về văn chương lại kiêm cả kinh thuật và thiên văn.
Biển Thước: thầy thuốc hay có tiếng đời Xuân Thu.
Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Tần: tên nước mạnh nhất thời Xuân Thu-Chiến Quốc (ở vào tỉnh Thiểm Tây bây giờ) đến đời Thủy Hoàng, nước Tần chiếm được cả sáu nước mà nhất thống thiên hạ.
Lý tài:lập cách kiếm tiền.
Châm trích: châm: kim lể, trích: lửa đốt.
LỜI BÀN
Theo y học phương đông thì đối với bệnh nhân: vọng, văn, vấn, thiết là bốn việc cần.
Biển Thước là bậc danh y vọng ( trông) mà biết bệnh nhẹ rồi nặng có chi là lạ.
Phàm bệnh gì cũng vậy, lúc mới phát ra, biết mà chữa ngay còn dễ, chớ để lâu ngày, thì rất khó hơn hoặc có khi nguy, không sao chữa được nữa.
Suy rộng ý bài này ra, ta lại có thể lấy việc bệnh tật mà so với việc thân, việc nhà, việc nước, đại khái đều như thế cả. Nghĩa là bất kỳ việc gì, nếu đã gọi là hư hỏng, thì phải sớm biết lo xa ngay đi, hoặc còn chữa chạy được, chớ để lâu ngày quá, đợi khi nước đến chân thì dù có muốn cũng không sao kịp được nữa, vì trễ quá rồi.
No comments:
Post a Comment