Sunday, February 12, 2023

TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM - ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC - ANH CHĂN DÊ VÀ ANH XÁCH NGỖNG

 TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM

      QUYỂN THƯỢNG : NGƯỜI TA

          ANH CHĂN DÊ VÀ ANH XÁCH NGỖNG

Tác giả : ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC


Xưa có một người, một hôm, đem đàn dê đi ăn, đang lúc ngồi nghỉ giữa đồng, thì thấy một người xách cái lồng, trong lồng có con ngỗng, cũng đến ngồi đó nghỉ chân. Hai người nói chuyện gẫu với nhau.

Người chăn dê hỏi người xách ngỗng rằng : « Con ngỗng anh mua bao nhiêu ? Tôi tưởng con ngỗng, một năm, sinh lợi chẳng được là mấy. Âu là anh về đem bán quách con ngỗng này đi. Anh lấy tiền mua lấy một đôi dê anh nuôi, chắc được lợi hơn nhiều… »

Người xách ngỗng nói lại với người chăn dê rằng : « Hai nghề ta đây cũng là nghề làm ăn cả. Nhưng tôi thiết nghĩ như cái nghề chăn sóc đàn dê kia khi chăn bờ bụi, khi chăn bãi bể, khi gặp nắng dữ, khi gặp mưa to, thì tôi tưởng công phu vất vả khó nhọc nhiều lắm. Mà cái lợi thật có được là bao ! Âu là anh nghe lời tôi, anh về bán phắt đàn dê này đi, anh lấy tiền mua một đôi ngỗng về nhà mà nuôi, anh không phải khó nhọc nữa mà lại được lợi biết bao nhiêu… Này nhớ, đôi ngỗng mỗi năm nở ra đôi ba lứa, bán được rất nhiều tiền, đôi ngỗng lại dũi cho trong vườn sạch cỏ, không phải quét tước mấy. Quí nữa là đêm đến anh ngủ được yên giấc vì đã có ngỗng nó giữ nhà cho anh… »

Người chăn dê nghe nói đến đấy, lấy làm lạ hỏi : Anh nói cái gì ? ngỗng mà giữ nhà… »

- Ừ ngỗng giữ nhà… Thế anh không nghe nói chuyện, xưa có ông quan trong nhà nuôi một đôi ngỗng nó sinh nở nhiều, khi thì bán trứng, khi thì bán con, chẳng bao lâu làm ăn trở nên giàu có ư ? Ấy tại giàu có, mà một đêm kẻ trộm nó vào rình nhà ông, nó định lấy của, nhưng vào đến nơi đàn ngỗng trong nhà coạc coạc kêu ầm lên, người nhà chạy ra theo bắt được kẻ trộm. Đấy có phải là nhờ có ngỗng mà của không mất không ? Tôi cho ngỗng giữ nhà thật tốt hơn chó vậy…

Anh chăn dê nghe câu chuyện lấy làm phải, trong bụng phân vân chưa biết có nên đổi nghề chăn dê làm nghề chăn ngỗng không. Rồi hai anh đứng dậy chào nhau về, một anh theo đàn dê đi trước, một anh xách lồng ngỗng đi sau. Lúc đi, hai anh gặp quan Chánh-sứ với quan Phó-sứ đi sứ Tàu vừa kéo quân qua đó. Quan Chánh-sứ thì mít đặc, còn quan Phó sứ rất hay chữ. Nên khi quan Phó-sứ trông thấy cái cảnh hai người đi như thế, mới đọc một câu rằng :

« Nhất nhân khu quân dương,

Lung sơ, nga cảnh trường ».

Rồi hai quan Sứ lại kéo quân đi. Một chốc gặp nhà hàng, hai quan Sứ vào nghỉ ăn cơm. Đang lúc ăn, quan Phó-sứ nói rằng : « Diêm tận, canh vô vị ».

Quan Chánh-sứ lại nhớ câu ấy làm lòng cả với hai câu trước. Khi hai quan Sứ sang đến Tàu, vào yết kiến vua Tàu, công việc ứng đối xong xuôi, lúc về, quan Chánh-sứ bèn làm bài thơ để bái tạ vua Tàu. Thơ rằng :

« Nhất nhân khu quân dương,

Lung sơ, nga cảnh trường.

Diêm tận, canh vô vị

Kim nhật tạ quân vương ».

Vua Tàu xem bài thơ, khen lấy khen để và phong chức cho hai quan Sứ. Mà bài thơ ấy hay chẳng là do tự hai anh chăn dê, xách ngỗng kia mà thành sao ?

No comments:

Post a Comment