TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM
QUYỂN THƯỢNG : NGƯỜI TA
CƠM VỚI CÀTác giả : ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC
Xưa có một người trong nhà kể cũng vào bậc khá giàu, nhưng tính hay bần tiện, không hề phao phí đi đâu một tí gì.
Bữa cơm, người ấy thường chỉ ăn một dúm muối với một đôi quả cà vừa đủ no thì thôi.
Thiên hạ, có kẻ thấy thế cười mà bảo rằng : « Ta nghĩ người sinh ra trong trời đất, này mưa, mai gió, chẳng lấy gì làm chắc, cho nên lúc ăn, lúc uống, tưởng cũng nên tìm sao cho vui thích chớ nhịn miệng làm chi cho tội cái thân ».
Người kia nghe nói, mắng lại rằng : « Anh biết một, mà chẳng biết mười : Con người ta ở đời không phải một ngày một phút gì, nhưng còn lâu dài mãi. Vậy mà cứ chưa ăn chưa mặc, không liệu tính việc gì, thì dần dà của hết, người còn, mình đã chẳng có mà ăn, mà con cháu mình rồi cũng vì mình mà đói rách khổ sở. Nếu mình để lại cái tiếng : « Cha ăn mặn, con khát nước » thì mình còn ra gì nữa chăng ? »
Rồi sau mặc tiếng khen chê. Người ấy giữ thói bần tiện. Chẳng bao lâu trong nhà mỗi ngày một giàu có, thịnh vượng mãi lên, mà đàn con, đống cháu cũng được đề huề sung túc.
Thiên hạ thấy đều khen rằng : « Cơm với cà, là nhà có phúc ». Câu ấy nay thành câu tục ngữ ».
No comments:
Post a Comment