Câu cá
Cậu bé 11 tuổi và rất thích câu cá. Cậu đi câu cá bất cứ lúc nào có thể và thường ngồi câu ở cái vũng nơi căn lều nhà cậu, nằm trên một đảo nhỏ giữa hồ.
Một lần, cậu theo bố đi câu cá vào buổi chiều tối. Cậu mang theo ít giun làm mồi với hy vọng bắt được vài con cá. Cậu móc mồi rồi bắt đầu tập quăng mồi. Lưỡi câu đập thẳng vào mặt nước và tạo ra những gợn sóng nhiều màu sắc trong ráng chiều. Ngồi khá lâu, bỗng cậu cảm thấy cần câu rung lên, rõ ràng có cái gì đó rất nặng móc vào cần câu. Bố cậu quan sát đứa con khéo léo giật cần câu, nhấc lên một con cá đang vùng vẫy. Đó là con cá to nhất cậu bé từng nhìn thấy. Hai bố con nhìn con cá to bự đang quẫy. Người cha nhìn đồng hồ. Mới 8 giờ tối. Còn 4 tiếng nữa mới bắt đầu mùa câu. Ông bảo:
– Con trai, con phải thả nó ra đi. Chưa đến mùa câu.
– Kìa bố! – Cậu con trai kêu lên.
– Sẽ có những con cá khác – Bố cậu bình tĩnh nói.
– Nhưng không to như con này! – Cậu bé rên lên.
Cậu nhìn quanh hồ. Không có ai, cũng chẳng có tàu thuyền tuần tra. Cậu lại ngước nhìn bố. Không ai nhìn thấy họ, tức là sẽ không ai biết họ câu được cá. Và dù có người biết, người đó cũng không thể biết cậu câu được cá lúc mấy giờ. Nhưng cậu bé, qua sự rõ ràng trong giọng nói của bố cậu, biết rằng quyết định của ông sẽ không thay đổi. Cậu chậm chạp gỡ con cá ra và thả nó xuống mặt hồ đen lóng lánh. Con vật quẫy thật mạnh và lao biến đi. Cậu bé biết rằng rồi cậu sẽ chẳng bao giờ bắt được con cá to như thế nữa.
Đó là câu chuyện 34 năm về trước. Bây giờ, cậu bé đã là một kiến trúc sư thành đạt. Cái lều của gia đình anh vẫn ở trên hòn đảo nhỏ giữa hồ New Hampshire. Và anh cũng đưa con trai, con gái của mình đi câu. Anh đã đoán đúng. Anh không bao giờ bắt được một con cá to và đẹp như hồi nhỏ nữa. Nhưng anh luôn nhìn thấy con cá đó, từ lần này sang lần khác, mỗi khi anh đặt ra một câu hỏi về đạo đức. Vì, như cha anh đã dạy, đạo đức là những vấn đề đơn giản: đúng hay sai. Chỉ có điều: hành động đạo đức – ngay cả khi không có ai quan sát mình – mới là khó mà thôi.