Sunday, February 19, 2023

TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM - ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC - BA CON TRÂU ĐỰC THÀNH CHÍN CON

 TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM

      QUYỂN THƯỢNG : NGƯỜI TA         

BA CON TRÂU ĐỰC THÀNH CHÍN CON

Tác giả : ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC

Xưa có một ông vua, một hôm, sai một ông quan đi dò khắp nước xem có những ai là người tài giỏi. Ông quan đi đã nhiều nơi mà chưa thấy người nào thật vào bực lỗi lạc. Mãi một buổi, ông lang thang đi đến đầu làng kia, thấy hai cha con nhà nọ đang đánh trâu cày ruộng mà ở trên đầu có một đám mây che rất đẹp. Ông bèn dừng ngựa lại hỏi rằng : « Nhà ông kia ! Trâu ông cày một ngày được mấy đường ? »

Người cha chưa kịp nói thì đứa con đã hỏi vặn lại ông quan rằng : « Thế xin dám hỏi ngựa ông đi một ngày được mấy bước ? »

Ông quan nghe hỏi, không đáp được ra sao cũng như người kia trước không đáp được câu hỏi của ông. Ông khen thầm trong bụng « Thằng bé này thông minh ».

Rồi ông quay ngựa về tâu với vua sự thể ông tìm được kẻ hiền tài như thế. Vua lấy làm mừng. Nhưng muốn thử tài lại, vua bèn sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp và ba con trâu đực, và có lời chiếu rằng : « Phải nuôi làm sao cho ba trâu đực ấy thành ra chín con và năm sau phải đem vào nộp đủ. Không thì cả làng phải tội ».

Khi dân làng nhận được gạo, được trâu và được chiếu của nhà vua, ai nấy đều lấy làm lạ lùng, lo lắng không biết làm ra thế nào. Nay làng họp, mai làng họp, họp đã đến mười ngày, cụ nào, bô ấy, chẳng ai nghĩ ra được mưu mẹo gì cả. Con người thợ cày thấy cha đi họp việc làng luôn, mà hôm nào về, cũng ra dáng lo buồn nghĩ ngợi mới hỏi cha rằng : « Cha đi họp việc làng có việc gì thế ? »

Cha bèn đem chuyện vua ban trâu, ban gạo kể lại tỏ tường cho con nghe. Rồi nói : « Việc thật khó quá… Có lẽ rồi vua bắt tội cả làng chớ chẳng chơi ».

Con bảo rằng : « Việc ấy con cho thật dễ như không. Can gì mà làng phải lo. Để đến mai con xin theo cha ra họp việc làng, con nói hầu làng nghe ».

Hôm sau hai cha con bảo nhau đi họp thật. Khi dân đã đến đông đủ, người con đứng dậy thưa với làng rằng : « Cái việc này xin làng cứ giao cho tôi một con trâu với một thúng gạo. Còn hai con trâu và hai thúng gạo, xin làng cho đem ra làm thịt. Ta ăn mừng với nhau. Khi nào đến kỳ nộp trâu trả nhà vua, làng cứ để mặc mình tôi lo liệu được xong xuôi mọi việc ».

Làng nghe nói, kẻ bàn ra, người bàn vào, không ai dám tin thằng bé nó nói đùa. Nhưng thằng bé nó quả quyết xin làm giấy cam đoan với làng, cả cha nó cũng ký kết vào đấy. Bấy giờ làng mới chịu tin. Làng bắt làm giấy má cẩn thận xong rồi, mới cho làm thịt trâu ăn uống với nhau thật.

Cách vài hôm, hai cha con người thợ cày đưa nhau đến chỗ vua đóng. Con dặn cha đứng đợi ngoài. Còn một mình can đảm đi thẳng đến trước mặt vua, qùi xuống lạy, rồi khóc ầm cả điện.

Vua bắt không được khóc nữa và phán hỏi rằng : « Thằng bé kia có việc gì ? Sao dám đến đây mà khóc ».

Thằng bé liền cất lời tâu minh bạch rằng : « Tấu lạy Đức Vua muôn tuổi, mẹ tôi chết sớm, tôi chỉ còn cha tôi. Ngày đêm tôi thường cầu nguyện cho cha sinh thêm lấy vài chút em bé để nó chơi với tôi cho vui, kẻo tôi có một mình buồn lắm. Nhưng mấy năm nay, tôi mong đợi mãi mà chẳng thấy cha tôi sinh ra cho tôi được đứa em nào nữa… Cho nên tôi càng buồn, tôi phải khóc. Dám xin nhà vua là Đức sáng suốt trên Trần, phân xử cho tôi được nhờ ».

Vua nghe nói bật cười phán rằng : « Mày muốn có em, thì phải dạm vợ bé cho cha mày, chớ một mình cha mày thì làm gì được ? »

Thằng bé bắt ngay câu ấy tâu lại rằng : « Đức Vua phán thế, chúng tôi cũng biết. Phàm sự sinh nở phải có đủ đực, cái mới được… Song ngày nọ, Đức Vua có ban về cho dân làng chúng tôi ba con trâu đực, không cho con trâu cái nào, mà lạihẹn rằng phải làm sao cho ba con trâu ấy sinh được chín con để đem nộp nhà vua. Dân chúng tôi thật đang lúng túng, chưa biết làm thế nào ».

Vua cười phán rằng : « Ta thử đấy thôi… Thế sao không đem trâu ấy ra làm thịt mà ăn với nhau ? »

Thằng bé tâu : « Đức Vua đại xá. Dân chúng tôi thật đã làm thịt trâu, thổi xôi ăn mừng với nhau rồi ».

Vua chịu thằng bé ấy là thông minh tài giỏi, liền phong cho làm Trạng nguyên.

No comments:

Post a Comment