Tuesday, March 19, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Thế nào là quán tưởng vô-thường trong các hành?


Hỏi: Thế nào là quán tưởng vô-thường trong các hành? 

Giảng trong rơom Phật Pháp Buddhadhamma, ngày 3-1-2012 (Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng trả lời: Chúng ta thường không thoải mái không thích thú khi nghĩ về sự vô-thường, hay là sự thay đổi. Nhưng thật ra, nếu chúng ta thường quán về sự vô-thường có thể cho chúng ta thấy được một khía cạnh đặc biệt rất là riêng tư ở trong đời sống chúng ta là, hễ mình chấp chặc, hễ mình chấp cứng vào một điều gì thì mình sẽ khổ, tại vì những thứ đó không tồn tại hoài mà mình níu mình sẽ khổ.

Ví dụ, chúng ta có buổi gặp gỡ hội họp rất vui với bạn bè, trong lúc họp bạn bè vui quá thì tự nhiên chúng ta rất là thích thú buổi gặp gỡ đó và chúng ta muốn cuộc gặp mặt đó kéo dài lâu hay là mình sẽ được gặp gỡ nhau hoài, gặp ở đây rồi mình lại hẹn gặp tuần tới, gặp tháng này, hẹn tháng tới, gặp năm này hẹn năm tới, chúng ta muốn tái diễn muốn lặp lại. Thì chuyện đó bình thường. Cái gì mình thích mình muốn lập lại. Nhưng mình phải nhận một điều rằng, những niềm vui đó rất phù-du, nó đến và nó đi và khi không có nó nữa thì chúng ta sẽ cảm thấy trống rỗng, cảm thấy hụt hẫng. 

Cái sự bám víu không để cho sự vật đi, chúng ta muốn mọi việc đứng một chỗ. Nói một cách xa xôi thì, như qúi Phật tử có người con rất là thương mà đứa con đó lớn lên rồi có bạn trai bạn gái rồi nó ra ngoài lập ra đình qúi vị vẫn còn cảm thấy nắm níu muốn giữ lại đứa con, con mãi mãi là con của mẹ, con mãi mãi là con của cha, con mãi mãi là đứa con thân yêu trìu mến trong gia đình, thì chúng ta sẽ khổ là tại vì mình cố gắng giữ yên một cái gì đó mà cái đó phải thay đổi theo thời gian.

Như vậy, khi chúng ta quán về vô-thường chúng ta sẽ có một cơ duyên rất may mắn là chúng ta buông nó ra, chúng ta không có bám cứng chấp cứng vào, chúng ta hiểu rằng chấp cứng vào cái gì đó thì khổ, cái gì mình nắm được mà không buông được thì mình sẽ rất là khổ.

 Và do vậy, trong lúc mình bịnh là cơ hội để thấy được tướng sanh và diệt. Ví dụ như thân của chúng ta khi thì nóng, khi thì lạnh, khi thì thoải mái, khi thì đau nhức, cái cảm giác thoải mái trong giây lát cũng vô thường, mà đau nhức trong giây lát cũng vô thường, cảm giác vui cũng vô-thường, buồn cũng vô-thường. Cái sanh và cái diệt là những mấu chốt để chúng ta nhìn thấy vấn đề, cái chưa có bây giờ có rồi sanh lên và cái có đó biến mất gọi là diệt.

  Khi chúng ta nói đến các pháp hành, chữ hành ở đây là hữu vi là các pháp do điều kiện để tập khởi, saṅkhārā tức là pháp do nhiều thành tố nhiều yếu tố nhiều điều kiện để tập khởi. Chúng ta lấy ví dụ, sức khỏe của chúng ta, sức khỏe đó do phước của chúng ta, do thân của chúng ta, do thực phẩm, do điều kiện hoàn cảnh, nhưng nếu có một cái gì đó thiếu đi thì tự nhiên thân thể chúng ta không còn khoẻ nữa. Như một cái ghế đứng được là nhờ bốn chân ghế, thì bốn chân ghế là điều kiện để cái ghế đứng được bây giờ một chân ghế bị mất đi thì cái ghế bị khập khễnh. Thì một pháp  gì sanh khởi mà do nhiều điều kiện mà một ở trong những điều kiện đó mất đi nó làm cho chúng ta cảm thấy khổ sở, buồn bực, khó chịu. Nhưng mà, thay vì ở tại đây chúng ta buồn bực thì chúng ta cố gắng để ý điều mà chúng ta gọi là sanh và diệt.

Chúng tôi muốn chia sẻ với qúi Phật tử một phương pháp được chúng tôi nói một lần trong Kinh Niệm-Xứ, khi chúng ta bệnh đó là một điều rất lợi lạc, chúng ta để ý bốn tư thế đi, đứng, nằm, ngồi. Tại vì sao vậy? Tại vì lúc chúng ta bệnh thì tư thế, động tác của cơ thể nó đặc biệt là cần để lưu ý, lúc chúng ta nằm một chút chúng ta muốn ngồi dậy  muốn đi muốn đứng trước khi mà muốn thay đổi tư thế thì chúng ta nên có sự tỉnh táo để nhận là mình sắp thay đổi tư thế, bắt đầu thay đổi tư thế. 
Mình thay đổi tư thế có chánh niệm chứ không phải là mình rời chánh niệm.
Thì ban đầu chúng ta chỉ nhìn những tư thế của chúng ta gọi là đại oai nghi tức là đi đứng nằm ngồi, lúc đi lúc đứng lúc nằm lúc ngồi. 
Sau đó thì chúng ta bén nhạy hơn một chút chúng ta nhìn tiểu oai nghi tức là nghiêng qua, nghiêng lại, bước tới, bước lui, mặc áo, đại tiện, tiểu tiện v.v.... cái đó chúng ta gọi là tiểu oai nghi, 
Thì trong những tiểu oai nghi đó dĩ nhiên là có những cái xen lẫn mà chúng ta phải để ý bên cạnh những cái đại oai nghi đó, chúng ta có thể theo dõi cái cảm thọ của thân và cảm thọ của tâm, cảm thọ thuộc vật chất hay không thuộc vật chất.

Lấy ví dụ, bắt đầu nằm hành giả để ý rõ tư thế bắt đầu nằm xuống, và hành giả ý thức một cách trọn vẹn là đầu của mình, thân của mình, chân của mình xúc chạm vào giường như thế nào, hành giả thấy rõ cảm giác mình đang nằm và sau đó thì hành giả có thể quét chánh niệm của mình từ trên đầu xuống tới bàn chân, chỗ này nóng, chỗ kia lạnh, chỗ này đau, chỗ kia nhức, chúng ta để ý và ghi nhận rõ. Chỉ ghi nhận thôi đừng có lo sợ, đừng có bực mình, đừng có làm gì hết, chỉ ghi nhận nó. Và sau đó nếu hành giả quen thuộc với hơi thở thì trở về với hơi thở, còn nếu ở trong người có những cảm giác như khò khè hay nhức đau nhức khó chịu thì qúi vị ghi nhận những cảm giác đó. 

Tập nhìn những cảm giác đó nó sanh như thế nào diệt như thế nào. Mấu chốt của vấn đề của thiền quán ở đây là chúng ta nhìn được sự bắt đầu và sự chấm dứt, trong thuật ngữ của Phật học gọi là sanh và diệt. Sự sanh và diệt ghi nhận rất là rõ. Thí dụ như sự bắt đầu của một tư thế và sự chấm dứt của một tư thế, như mình đang đi bây giờ mình đứng lại mình biết rõ trạng thái đi nó đã chấm dứt và nó nhường chỗ cho đứng, rồi đứng bắt đầu thấy, rồi ngồi, rồi nằm xuống chẳng hạn chúng ta ghi rõ.

Thì lúc sơ khởi hành giả cảm thấy hơi lúng túng một chút, tại vì, thứ nhất là chúng ta hay quên không để ý chính mình không để ý thân tâm, và thứ hai nữa là có thể là nhiều sự việc đến cùng một lúc mà chúng ta không biết là ghi nhận cái nào. 

Nhưng, hành giả ban đầu nên tập ba thứ: 
- Thứ nhất, hành giả chú ý về đại oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi,
- Thứ hai, trong cái đại oai nghi đó hành giả để ý tiểu oai nghi tức là những trạng thái những cử chỉ. Ở trong sự yên lặng thì hành giả tập để ý cảm thọ của mình, cảm thọ như là thọ khổ, thọ lạc, thọ ưu, hỉ, xả. 
- Thứ ba, khi để ý cảm thọ xong, cảm thọ đó sanh diệt, hành giả cảm thấy rằng mình đã ghi nhận nó rồi thì đừng tiếp tục theo nó nữa mà hành giả trở về với hơi thở, hơi thở ra và hơi thở vào. Đặc biệt của hơi thở ra hơi thở vào có hai nhịp điệu và nhịp điệu ra nhịp điệu vào làm cho chúng ta có thể theo dõi được. 

Thì những trạng thái này, những điều chúng tôi vừa nói đều là trạng thái của sự cột tâm của chúng ta vào, hướng chánh niệm của chúng ta vào trên thân của mình. 

Thật ra, khi hành giả hành thiền quán thì điều quan trọng không phải là chúng ta xử lý vấn đề, ở đây chúng ta không xử lý tức là tâm tham khởi lên phải làm thế nào, tâm sân khởi lên phải làm thế nào, cái cảm thọ nóng trong người thế nào. Mà hành giả chánh niệm là ghi nhận và mấu chốt sự ghi nhận là nó bắt đầu hay chấm dứt. Đừng sợ nó, nó là trạng thái xấu hay trạng thái tốt trạng thái dễ chịu hay không dễ chịu, đừng cảm thấy khó khăn khi nghĩ rằng cái này là cái mình muốn thấy cái kia mình muốn ghi nhận, không phải chuyện gì muốn hay không muốn chúng ta chỉ ghi nhận mà thôi, nhất là đặc biệt là vấn đề cảm thọ.

 Và hành giả cũng để ý đôi khi có một vài việc như thỉnh thoảng khi chúng ta bệnh chúng ta cần đến những người đến săn sóc cho mình nhưng nếu hành giả hành thiền quen thì sẽ có ý muốn ở một mình trừ trường hợp bất đắc dĩ mình mời nhờ người ta thôi, mình sống một mình để mình dễ tu tập để mình theo dõi những trạng thái sanh và diệt đó. Cái gì mà chưa có mà bây giờ có gọi là sanh, cái gì có rồi biến mất chúng ta gọi là diệt. Giai đoạn đầu tiên thì có thể hành giả không thấy sự bắt đầu mà chỉ thấy sự chấm dứt, tức là thấy diệt mà không thấy sanh, nhưng, dần dà hành giả có thể ghi nhận được, nó vừa phát sanh mới sanh ra thì hành giả ghi nhận được liền. 

 Cơn bịnh ở trong trạng thái bịnh hoạn nó là một sự chuyển biến và trong cái chuyển biến đó có nhiều hình thái về sự sanh diệt và do có nhiều hình thái về sự sanh diệt chúng ta dễ dàng để quán tưởng. Ví dụ, hành giả đang nằm và cảm thấy tủi thân là mình bệnh mà không ai đến thăm mình thì thay vì mình tiếp tục để khai triển cái ý nghĩ nào là cuộc đời bạc bẽo quá mình bịnh hoạn mà không có bạn bè hỏi thăm, thì bây giờ mình cứ nhìn vào cảm giác tủi thân đó nó đến từ lúc nào, lẳng lặng nhìn nó và chờ cho đến khi nó biến mất thì mình biết rằng nó chấm dứt. Hay hoặc giả là chúng ta bị đau nhức thì ghi nhận sự đau nhức bắt đầu và rồi nó cũng có lúc kết thúc, chúng ta ghi nhận. 

 Nhưng, trên phương diện quán về sự vô-thường để tuệ quán của mình, khả năng quán chiếu của mình được liên tục thì hành giả phải có những cứ điểm những tiêu điểm để chúng ta bám vào, thí dụ như đi, đứng, nằm, ngồi, thí dụ như thọ khổ, thọ lạc, thọ ưu, thọ hỉ, thọ xả, và ví dụ như hơi thở, Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta nhiều thứ nhiều đề mục. Nhưng khi bịnh là đề mục dễ để chúng ta nhìn thấy sự sanh khởi và sự diệt, sự sanh diệt đó chúng ta gọi là sự vô-thường.

Khi chúng ta quen nhìn tánh sanh diệt, trạng thái sanh diệt ở trên thân và tâm của mình thì lúc đó chúng ta thấy rõ thế nào là pháp hữu vi, thế nào gọi là pháp hành, nó có nhiều điều kiện, một cái cảm thọ vui của chúng  ta bình thường cũng có nhiều điều kiện và điều kiện đó là cái vui của chúng ta khi khỏe lúc có người khác đến ân cần chăm sóc chúng ta. Hay là lúc chúng ta có được cái gì đó chúng ta vui thì đó là niềm vui có điều kiện và khi những điều kiện đó không có được thì chúng ta buồn. Nên chúng ta thấy được sự phù du của những cái gọi là khổ, lạc, ưu, hỉ, xả, chúng ta cảm thấy phù du của cái gọi là thân này, mỗi thứ nó đều là hình thái sanh rồi diệt./. 

No comments:

Post a Comment