Sunday, March 24, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Phật tử nên dựa vào đâu để làm căn bản tín tâm


Hỏi: Phật tử nên dựa vào đâu để làm căn bản tín tâm
Lòng tin phải xây dựng trong chánh kiến mà Đạo Phật thì phức tạp về mặt kinh điển cộng thêm sự truyền bá của hai truờng phái. Vậy Phật tử nên dựa vào đâu để làm căn bản tín tâm.

. (Kinh Pháp Cú kệ ngôn 97 giảng ngày 13 tháng 6 năm 2003 Như Trúc chuyển biên )

TT Giác Đẳng trả lời: Chúng ta nên có 3 quan niệm rõ ràng rằng con đuờng đến với đạo cho dù chúng ta sanh ra ở trong một quốc gia Phật Giáo, cho dù một nguời sanh trong xứ Miến Điện đi chăng nữa thì không có nghĩa rằng khi chúng ta sanh ra là chúng ta có thành tựu niềm tin. Niềm tin của chúng ta đuợc thành tựu ở trong cả một quá trình và quá trình đó không có gì là hoàn tất khi chúng ta đã quy y Tam Bảo, hay là chúng ta đã chọn lựa một pháp môn tu tập, không có nghĩa là niềm tin đó đã thật sự thành tựu. Tối thiểu là phải đạt đến quả vị Nhập Lưu thì niềm tin đó mới thành tựu, có nghĩa là chúng ta luôn luôn, cho dù chúng ta mang với tất cả danh hiệu, danh nghĩa hay nghĩ rằng mình thuộc về tông nào, phái nào đi nữa, thì việc xây dựng niềm tin trong chánh kiến phải là một công việc liên tục truờng kỳ, nghĩa là không có lúc nào chấm dứt cho đến khi chúng ta thành tựu quả vị sơ quả, Nhập lưu, đoạn trừ đuợc thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ.
Ý nghĩa thứ hai liên quan đến câu hỏi của đạo hữu là thật ra tông phái là một điều rất là thú vị, tông phái không có gì bảo đảm cho chúng ta về chánh kiến hết, không có nghĩa là một nguời quy y ở trong chùa Nam Tông rồi, mình là Phật Tử Nam Tông rồi thì mình có chánh kiến, quy y Tam bảo rồi, cũng có đôi khi chúng ta hiểu sai về thuờng kiến, đoạn kiến rất là nhiều.
Và có một Phật Tử hỏi chúng tôi thế nào là Phật Giáo Đại Thừa, chúng tôi có giải thích rằng Phật Giáo Đại Thừa là Phật Giáo phát triển, và trong sự phát triển của đạo Phật thì không có cơ sở nào, tông phái nào điển hình gọi là Đại Thứa hết. Phật Giáo Zen tức là thiền học Nhật Bản cũng nhận là Đại Thừa, Tịnh Độ Tông cũng là Đại Thừa, Thiên Khai Tông chuyên trì Pháp Hoa cũng nhận là Đại Thừa và ngay cả những vị Mật Tông cũng nhận là Đại Thừa. Chữ Đại Thừa theo cá nhân của chúng tôi thì không phải đề cập đến một tông phái tiêu biểu, mà đề cập đến cả một hệ phát triển, làm sao mà thích nghi với từng thời từng xứ. Do vậy chỉ riêng về tông phái thôi thì không có gì là điển hình, không có gì là tiêu biểu chứ đừng nói chi dùng nó để làm ra một chuẩn mực, nói rằng cái nầy đúng cái kia sai.
Giữa những pháp môn mà đuợc nhận là cùng một tông phái cũng đã có những bất đồng to lớn. Chúng tôi không nghĩ rằng một nguời tu Phật có thể chấp nhận điều đó. Hồi chúng tôi mới sang Mỹ thì nguời ta có tranh luận với nhau rất nhiều là xe Nhật tốt hay là xe Mỹ tốt. Thưa quý vị một số nguời cho là xe Nhật tốt bởi vì nguời ta thấy xe Nhật ít hao xăng, xe Nhật bền, xe Mỹ không tốt vì xe Mỹ hao xăng, nguời Mỹ chế xe hơi không bằng nguời Nhật .v.v ….Cái nhìn đó thì cũng tàm tạm nhưng kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy thì không hẳn là xe Nhật (giả định là xe Nhật tốt) thì xe Nhật cũng có những hiệu tốt và có những hiệu lại không tốt, ví dụ như Isuzu thì lại không chế tạo đuợc những xe tốt, bền như là Toyota, mặc dù Isuzu cũng là xe Nhật. Nhưng bây giờ chúng ta giả sử là Toyota là xe tốt đi thì Toyota cũng có những hiệu tốt như là Corolla, hay là Camry, và ngay cả trong hiệu tốt đi nữa như Camry thì nguời ta cũng nói là Camry có những đời tốt và có những đời không tốt. Như vậy quan niệm chung chung của chúng ta là xe Nhật tốt hay xe Mỹ tốt, Nam Tông đúng hay Bắc Tông đúng, quan niệm đó rất là chung chung.
Đức Phật thậm chí đã từng nói rằng nếu chúng ta là nguời không có trí tuệ thì cho dù chúng ta có là cái muỗng, cái vá ở trong nồi canh đi chăng nữa thì chúng ta cũng không nếm đuợc cái vị của canh. Nếu chúng ta là nguời không có thái độ nghiêm túc, không có thái độ sáng suốt có hiểu biết cho dù chúng ta ngồi kế bên vị thầy, một vị danh sư, cho dù chúng ta sống ở trong đạo mà gọi là chân lý, và cho dù chúng ta lớn lên ở trong bất cứ điều gì thì thưa quý vị chúng ta cũng chỉ là cái muỗng ở trong nồi canh, nghĩa là không thấy đuợc lẽ thật. Do vậy thế giới nầy là một thế giới nguy hiểm vì nguời ta rất coi trọng nhãn hiệu, những tiệm mà gọi là boutique, tức là những tiệm mà bán đồ hiệu, có đôi lúc chỉ là cái hiệu Adidas hay là một cái hiệu quần áo nào đó, xách tay nào đó, những cái hiệu đó chỉ có tựa cái hiệu thôi thì cũng đã bán chạy rồi. Có nhiều nguời mà chúng tôi đuợc biết rằng họ rất fascinated với hiệu Nike, cái gì mà Nike là tốt dù đó là giầy, áo thun . v.v … Như vậy thì chúng ta đạt đến mức độ cuồng tín trầm trọng, là bởi vì không nhất thiết tất cả những gì sản xuất ở cùng một hiệu đều mang phẩm chất giống nhau hết. Và sự khôn ngoan của một số nguời cho chúng ta thấy rằng có những cái vô danh, có những cái không đuợc nhiều nguời biết tới thì cái đó đôi lúc rất rẻ, rất tốt, rất bền và chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra trong thế giới của chúng ta nên chi sống với nhãn hiệu là một điều rất nguy hiểm.
Chúng ta đừng quên một điều rằng cho dù chúng ta có quy y với một vị thầy, mình là một phật tử của một tông phái và cho dù chúng ta có là nguời như thế nào đi nữa thì chánh kiến và niềm tin của chúng ta phải luôn luôn tiếp tục đuợc xây dựng một cách nghiêm túc, xây dựng có phương pháp.


No comments:

Post a Comment