Thursday, March 21, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Quán tưởng thế giới không khả ái


Hỏi: Thế nào là quán tưởng về sự không thích thú sự không khả ái đối với thế giới?

Giảng trong lớp Phật Pháp Bud dadhamma ngày 3-1-2012 Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng trả lời: Về điểm này thì chúng ta sẽ thấy một điều là những gì mà chúng ta thấy thích, hay hoan hỉ trên đời đều là một sự kết hợp giữa chủ quan và khách quan.

Ví dụ, bình thường chúng ta thích nghe một bản nhạc vì nó hay, mình nghĩ bản nhạc đó hay là mình chỉ nghĩ một chiều thôi, như cô ca sĩ đó hát hay quá, cô ca sĩ đó ngoại hình đẹp quá, cô ca sĩ nổi danh quá, và chúng ta chỉ nghĩ đơn thuần là cảnh nhưng khi chúng ta bịnh rồi thì mới thấy rằng lúc mình bịnh thì cảnh có đẹp đến đâu, thức ăn có ngon đến đâu, âm thanh khả ái đến đâu, đều là vô nghĩa. Tại sao vô nghĩa? Là tại vì cuộc đời này chỉ có ý nghĩa khi chúng ta khỏe, khi chúng ta vui, khi chúng ta thành công, khi mà chúng ta không khỏe, không vui, không thành công, những thứ đó không có ý nghĩa gì hết.

Chúng tôi có một số những cơ hội rất qúi báu là được ngồi bên giường bệnh của một người, họ từng là một vị tướng lãnh hét ra lửa một thời, hay một người có danh vọng có địa vị, rồi có những người con cái rất đông, thậm chí có những cơ sở thương mại lớn, nhưng một khi nằm trên giường bệnh, thân của mình đã bị bệnh, thân của mình cận kề cái chết, cái thân của mình nó đang vô-thường, thì tất cả những thứ kia đều là vô nghĩa hết.
Cứ tưởng tượng chúng ta có một căn nhà đẹp có một chiếc xe thật đẹp nhưng mà rồi những cái đẹp đó không hẳn là đẹp ở căn nhà đẹp ở chiếc xe mà chúng ta phải khỏe mạnh phải hưng phấn thì chúng ta sài chiếc xe đó chúng ta mới thích bây giờ cái chính thân của nó mỏng mảnh phù du bịnh hoạn đau lên đau xuống thì những thứ kia nó hoàn toàn vô nghĩa.  Tại vì sao? Tại vì cái gọi là đẹp, là ngon, cái mà mình thích thú nó phải là sự kết hợp của nhiều thứ mà bây giờ nó thiếu thứ này thiếu thứ kia, đặc biệt về phương diện chủ quan thì chúng ta thấy nó vô nghĩa. Thì lúc chúng ta bịnh đó là một cơ duyên để chúng thấy được điều đó.

Bây giờ chúng ta có một cái máy rất là thích, hay là có một bức tranh rất là thích, món ăn rất là thích, thích thì cứ thích, không sao hết, nhưng, trong lúc chúng ta bịnh chúng ta nhìn những thứ đó chúng ta không còn thích được  nữa, cái thân của chúng ta đau yếu mệt mỏi chưa kể là khi chúng ta bị những chứng bịnh như ung thư, đau gan v.v... thì những thứ thích đó thấy nó rất là vô nghĩa.

Chúng tôi ở gần Ngài HT. Hộ Giác, bởi vì Ngài cũng đi đó đi đây và Ngài cũng là một vị trưởng lão nên chi có những người Phật tử họ cúng dường Hòa Thượng những thứ tương đối qúi giá thí dụ như những sâu chuỗi quí giá hay những tượng Phật qúi giá và có những thứ rất đặc biệt, thỉnh thoảng có những người Phật tử biết Hoà Thượng ngày xưa có sưu tập tem họ đem cúng Hòa Thượng những bộ tem đặc biệt. Nhưng mà, khi Hòa Thượng bịnh nằm trên giường bịnh chúng tôi cứ nhìn Hòa Thượng rồi nhìn những thứ Hòa Thượng trưng trong tủ trông đẹp nhưng khi mình bịnh rồi những thứ đó nó vô nghĩa. Lúc bấy giờ mình thấy rằng những gì mà mình có thật ra không biết mình hưởng cái  gì.

 Khi cơ thể bị bịnh là những lúc rất là qúi báu để chúng ta nhìn thấy được sự thật của cuộc đời là như vậy.

Có một thi sĩ viết:
Chúng ta từ đâu đến trái đất này,
Chợt lạc lõng như là trùng hoang không cánh,
Bưa móc kiếm ăn niềm vinh nỗi nhục .
Thủ đắc một đời bong bóng vỡ ngàn mây.

"Thủ đắc một đời bong bóng vỡ ngàn mây". Chúng ta ráng hơn thua với nhau, ráng chửi nhau, ráng lời qua tiếng lại, rồi nó là gì, rồi nó cũng đi vào sự vô nghĩa thôi, nói cho cùng nó chỉ là một cơn giận, nói cho cùng thì nó chỉ là những giây phút mà mình bực bội trong cuộc đời. Hay là, có những giây phút chúng ta đam mê, chúng ta tha thiết gì đó, nhưng mà rồi, cái đó có ý nghĩa không khi thân của chúng ta bịnh.

 Đức Phật dạy, cái bịnh là một nỗi bất hạnh, bịnh là một điều chúng ta không thích nhưng nếu chúng ta khéo thì bịnh là một cơ duyên, một cơ duyên rất lớn để chúng ta thấy để chúng ta không có bám víu vào cái mà chúng ta từng bám viú nữa.

 Bây giờ chúng ta có vật gì rất qúi mà ai lỡ làm vỡ chúng ta phiền não lắm, nhưng mà rồi, khi chúng ta bịnh thì chúng ta hỏi rằng lúc mình kề cận cái chết thì cái đó có còn ý nghĩa không? Nói xin lỗi, lúc đó là dầu họ đem họ chất bao nhiêu xe vàng xe bạc bao nhiêu vật qúi giá đi nữa thì đối với chúng ta cũng vô nghĩa "chín thông không có thì còn cái chi"  cái vật đó chỉ giá trị với chúng ta khi chúng ta khỏe mạnh, chúng ta sống chúng ta hưởng, mà cho dù chúng ta có một hòn đảo riêng biệt có cái biệt thự một cái villa nhiều tiền cả mấy chục triệu đồng đi nữa nhưng cứ tưởng tượng  là chúng ta bị bịnh chúng ta chết rồi thì những thứ đó có giá trị gì không? nó không có giá trị gì hết, bởi vì vậy chúng ta làm sao để tận dụng những giây phút bịnh  hoạn nuôi dưỡng chánh niệm thấy được sự thật nhận thức được sanh và diệt, những lúc đó chúng ta nhớ lời Đức Phật dạy rằng:

 - "Ai sống một trăm năm không thấy được pháp sanh diệt thì tốt hơn sống một ngày thấy được pháp sanh diệt".

 Sanh diệt là cái gì nó sanh lên rồi nó biến mất, sanh lên biến mất giống như đám bọt nổi ngay ở trong giờ phút này, ngay ở trên thân của chúng ta, ngay ở trong cuộc sống của chúng ta, hay ngay trong hơi thở của chúng ta, mà bây giờ đến nỗi chúng ta phải ngồi lý thuyết dông dài, hãy ráng cố gắng để nhìn cái thân của chúng ta và nhìn một cách kiêng định một cách bền bỉ về những cái đến và đi về cái sự vô-thường đó. Đó là cái ánh sáng tuệ giác, đó là cái nguồn minh triết của Đức Phật Ngài ban bố cho chúng ta.

Đức Phật còn là một bậc Thầy mà Ngài không có hứa hẹn hảo huyền, Ngài không ru ngủ chúng ta. Cứ tưởng tượng rằng ngày hôm nay chúng ta bịnh chúng ta gửi cái phiếu cầu an đến chùa xin Chư Tăng cầu an cúng sao giải hạn cho qua, chuyện đó qúi vị có giúp cho chùa thật, thí dụ qúi vị gửi cúng cầu an chẳng hạn qúi vị gửi một ít tiền để cúng cho chùa nhưng thật sự trên phương diện Phật pháp điều đó không có nghĩa gì về Phật Pháp. Đức Phật Ngài nhìn vị Tỳ-kheo bịnh, Ngài làm cái gì? Ngài đâu có ngồi đó ban phước hay là để cho vị đó cầu nguyện mà Ngài nói rằng nếu một người nào đó trong lúc bịnh mà có thể duy trì liên tục, duy trì không có xa rời 5 pháp là;
- quán tưởng về sự bất tịnh của thân,
-quán sự nhàm chán của vật thực,
-quán tưởng về sự không thích thú của thế giới này,
- quán tưởng sự vô-thường các hành
- và khéo an trú trong sự chết.

Đức Phật là vị Thầy dạy rõ cho chúng ta, Ngài không mê hoặc chúng ta, Ngài không lừa mị chúng ta. Chúng ta thì thích sự lừa mị, thích sự ru ngủ, Đức Phật Ngài là bậc đạo sư là bậc Giác Ngộ Ngài không bao giờ dạy chúng ta cái gì mà không thật. Nhưng không may cho chúng ta là chúng ta không thích nghe chuyện đó nhưng mà những điều này sẽ có lợi, chưa có một ai mà sống trong cuộc đời này mà do sự cầu nguyện mà khỏe hoài không bịnh, sống hoài mà không chết.

Có một lần, một vị mục sư lên đài radio chỉ trích rằng:

- "Tôi có nghe TT Giác Đẳng nói rằng thời Đức Phật có một người đến xin Đức Phật cứu con của mình và Đức Phật đã không cứu được con của người đó Ngài phải dùng một cách là Ngài dạy bà tìm hột cải ở một gia đình không có người chết rồi cuối cùng trở lại thì bà tỉnh thức, cái đó không phải là cách tốt, nếu gặp Chúa thì Chúa đã có thể làm cho đứa con đó sống lại."

Thật ra, lập luận như vậy thì nghe cũng bùi tai với một số người, nhưng chúng tôi chưa thấy ở cổ kim người ta nói như vậy, chưa thấy ai mà cầu nguyện Thượng Đế mà sống hoài không chết, chúng ta đều chết. Rất tiếc rằng Đức Phật dạy cho chúng ta nghe một sự thật và Đức Phật là người muốn cho chúng ta nhìn sự thật nhưng chúng ta không nhìn.

Một điểm ở đây chúng ta phải lưu ý là mình không thể nào ngồi đó để suy diễn, ngay cả 5 pháp này không phải là pháp để suy diễn để tán rộng để nói dông nói dài, 5 pháp đó phải được thấy, phải đưọc nhìn, phải được nhận rõ một cách liên tục một cách bền bỉ trong lúc mà chúng ta bịnh thì điều đó có lợi cho chúng ta lớn lắm.

 Có thể là bây giờ mình thấy không có nghĩa gì hết, ngay cả đề tài này đôi khi chúng ta không cảm thấy thích thú, ngay cả đề tài này chúng ta không cảm thấy hoan hỉ nhưng nếu chúng ta đọc thuộc những điều này:
 - Lúc mình bịnh mình nhớ lại lời Đức Phật dạy đây là dịp tốt  để chúng ta nhìn thấy sự bất tịnh của thân,
 - Lúc chúng ta ói mửa chúng ta khặc nhổ nước mắt nước mũi tuông ra thì lúc đó chúng ta nhớ sự bất tịnh của thân.
 - Rồi chúng ta có thể  quán tưởng sự nhàm chán của vật thực, cái vật thực thường ngày chúng ta say mê chúng ta ăn ngon bây giờ ăn vô rồi mửa ra chúng ta thấy nó ra sao
 - Chúng ta có thể quán tưởng về sự không thích thú của đời sống để chúng ta không bám chặc nó chúng ta không dính mắc vào nó
 - Rồi chúng ta quán tưởng về sự sanh diệt của các hành, chúng ta sẽ nhìn thấy rằng khổ, lạc, ưu, hỉ, xả, cái mạnh cái đau, tất cả đều giống như một đám bọt nổi. Cái bọt nổi đó là gì? Bọt nổi là cái gì nó mà mở ra rồi nó tụ nó tán, cái này sanh cái kia diệt liên tục với nhau như vậy.

 Và ngay cả cái chết đi nữa nó cũng là lúc để chúng ta nhìn vào cái chết, nhưng ở trên thực tế đó là một dịp tốt để chúng ta quán tưởng một điều mà tất cả chúng ta đều phải đi qua.

 Do vậy, những pháp này chúng ta có thể nhìn thấy một cách bình thường đó là những ý nghĩa liên quan đến kinh điển để cho chúng ta suy diễn, nhưng một mặt khác, thì chúng ta cố gắng nhìn những điều này trên phương diện pháp hành tức là đem những điều đó trải nghiệm trên thân của mình, chẳng những trải nghiệm trên thân mình mà ở trong giai đoạn chúng ta đang bịnh hoạn đang ương yếu, chẳng những vậy, chúng ta còn nuôi dưỡng nó, dùng cái thân này để chúng ta thấy, để chúng ta nếm , chúng ta tiếp xúc với thực tại một thứ thực tại mà nó vốn dĩ luôn luôn có mà  tại vì chúng ta không chịu nhìn nó chúng ta không chịu để ý đến nó,

 Đó là điều mà chúng ta gọi là sự quán tưởng đối với thế giới không khả ái./.

No comments:

Post a Comment