Sunday, March 31, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Một người đang bịnh mà nói về sự khổ và bất định của thân


Hỏi: Với một người đang bệnh mà nói thêm về sự khổ hay bất định của thân có làm cho tâm người ấy tiêu cực hơn không?

(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 03 tháng 3 năm 2008 - Chánh Hạnh chuyển biên)
 
TT Giác Đẳng trả lời: Quả thật trong cuộc đời này, tâm lý con người rất phức tạp. Đôi khi có những điều nghe rất hay nhưng thật sự lại không hay, có những điều nghe dường như bị dị ứng nhưng lại rất tốt cho chính bản thân của mình. Chúng tôi có kinh nghiệm vì từ nhỏ ở gần các vị trưởng lão. 
Có vị khi nói lúc nào cũng chọn những điều tốt nhất để nói, ví dụ gặp một người bị tai nạn, vị này nói rằng, “ Thường mình tán tài thì tiêu tai, thay vì chuyện đó xảy ra trên xe cộ hay nhà cửa mình hoan hỷ đi, nếu nó xảy ra trên thân mình thì còn phiền nữa”. Vị này luôn tìm cách làm cho người nghe được hoan hỷ.
Có vị không nói như vậy mà các Ngài nói thẳng. Ví dụ gặp chuyện xui gì đó các Ngài nói rằng, “ Cái này do nghiệp của mình” hay “ Mình cũng nên quán nếu cái nào cũng như ý hết thì cuộc đời không còn gì để nói. Do đó mình nên tập quán sự khổ não, sự vô thường, tính bất định của đời sống”.
Ở gần các vị trưởng lão, chúng tôi thấy rằng tất cả đều có ảnh hưởng tốt và những ảnh hưởng không tốt đối với những người Phật tử. Vị trưởng lão đầu tiên , thường nói với tính cách ngọt ngào, vuốt ve, phủ dụ, mang tính cách làm thế nào cho người nghe cảm thấy thoải mái vì họ nghĩ rằng ít nhất họ được may mắn hay được cái này cái kia. Cũng có lợi cho một số người, nhưng một số người bị phản cảm về điều đó. Cũng có những người khác khi được trình bày về điều gì rất thật tình, nói rất trực tiếp, rất thẳng, người này cảm thấy lãnh hội nhiều hơn.
Giống như quý vị dạy dỗ con cái trong nhà, nhiều khi lời ngọt ngào không nhất thiết có lợi cho con cái mà chúng ta phải nói mạnh, nói thẳng mới thay đổi được chúng. Một điều rất thú vị khi học về kinh điển của Phật giáo, con người ai cũng nghĩ đến cái khổ, nhưng cái khổ chúng ta thường nói, thật ra nó mang tính cách cá nhân, mang tính cách biên kiến. Ví dụ như mình muốn cái này nó sanh nảy cái kia, mình mong cái này mà được cái khác. Chúng ta gọi cái khổ mang tính chủ quan của chúng ta.
Khi chúng ta nói cái khổ như một thực tại tự nhiên, ví dụ có thân phải khổ hay trong năm điều quán tưởng Đức Phật dạy, người hiểu đạo phải thường suy xét rằng,
Mình không thể nào không bệnh, vì một lúc nào đó mình phải bệnh.
Mình không trẻ hoài mà mình phải già
Mình không sống hoài vì mình sẽ chết
Mình không lúc nào cũng gần người thân, vì mình phải chia ly với những người thân thiết
Mỗi chúng sanh đều có nghiệp riêng.
Đó là những điều Đức Phật dạy chúng ta quán tưởng. Và khi những điều đó được nói lên và khéo nói, nói đúng chỗ, chúng ta chấp nhận điều đó như một sự thật hiển nhiên của đời sống. Mang tính hiển nhiên nghĩa là mình không cảm thấy, “À, không phải chỉ có tôi bị, chỉ có ta bị mà đó là chuyện chung cho cả thế gian này”. Bởi vì cả thế gian này đều bị nên chúng ta không có phản ứng nhiều.
Chúng tôi thấy khi đi đâu tự nhiên có ai tạt nước vào người trong khi mọi người khác bình thường thì mình cảm thấy khó chịu. Tại sao? Vì người khác không bị mà mình bị. Nhưng nếu một đám đông đi giữa đường, một cơn mưa bất ngờ trút xuống làm cho chúng ta bị ướt hết, ai cũng bị ướt trong cơn mưa bất ngờ như vậy thì chúng tôi nghĩ rằng chúng ta không giận nhiều. Người xưa hay nói rằng, một chiếc thuyền này đụng một chiếc thuyền kia. Người trên chiếc thuyền tính nổi giận nhưng khi biết chiếc thuyền đụng mình là chiếc thuyền bị trôi giạt không có người điều khiển thì sự phản ứng của họ lại khác đi.
Như vậy một trong những điểm rất khác biệt giữa đạo Phật và các đạo giáo khác là chúng ta không đặt các vấn đề hên xui may rủi là cá nhân hay hiện tượng vô thường khổ não, hay sanh lão bệnh tử là cá nhân. Mà nó là Biến tướng hay Phổ thông tướng tức là một sự kiện biến mãn cả thế gian này, ở đâu cũng có.
Trong bài kinh cầu siêu Chư Tăng thường tụng,
“Pháp nào có tên là vô thường, khổ, vô ngã, những pháp đó không phải chỉ để riêng cho những người trong một xóm làng, một gia tộc, một quốc độ, mà để chung cho tất cả chúng sanh trong thế gian này. Chư Thiên, Ma Vuơng, Phạm Thiên”
Khi chúng ta nghiệm đến điều đó, chúng ta thấy rằng những sự việc như vậy không của riêng ai, mà ai cũng phải như vậy. Nhiều lần chúng tôi quan sát một điểm này trên phương diện tâm lý. Ở Mỹ người ta làm việc rất cực, nhưng nếu chỉ một mình mình làm cực mà những người khác hạnh phúc hơn, làm khoẻ hơn mình có lẽ mình sẽ than phiền rất nhiều. Nhưng vì ai làm việc cũng cực hết, do đó mình vui vẻ chấp nhận. Tại sao mình chấp nhận? Vì nó là Phổ thông tướng.
Nên chi một trong những cái lợi nhất của Đạo Phật khi học kinh điển là nhìn đời sống có nhiều khía cạnh không mang tính cách cá nhân. Cá nhân lá với anh A bà B, với người , với mình v.v…Những pháp Đức Phật dạy trong khổ đế ví dụ như sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương phải xa là khổ, ghét phải gần là khổ, muốn không được là khổ, chấp thủ năm uẩn là khổ, sầu bi khổ ưu não là khổ, tất cả những điều đó đều là Phổ thông tướng. Nghĩa là anh A cũng bị bà B cũng bị, mình cũng bị mà người khác cũng bị. Cho dù đó là ông hoàng bà chúa hay một người ăn xin, những điều đó vẫn hiện diện giống nhau và rất thực, rất rõ ràng và không mang tính cách cá nhân.
Chúng ta thường rất khổ khi đối diện với cái khổ một cách cá nhân và nghĩ rằng chuyện đó chỉ xảy ra với mình chứ không xảy ra cho người khác. Nhưng nếu chuyện đó ai cũng phải trải qua thì mình không phiền hà. Vì sao? Vì nó là phổ thông tướng. Nên chi việc về khổ hay về bất định có tiêu cực hay tích cực là do chúng ta có đủ phước duyên có khéo tu và có hiểu Phật Pháp hay không. Dĩ nhiên một người đang gặp chuyện buồn khổ, họ muốn một lời hứa hẹn, “À cầu nguyện đi sẽ được cái này, cầu nguyện đi sẽ được cái kia.” Những người đang khổ họ muốn được an ủi để cho họ thấy rằng họ cũng quan trọng, họ đặc biệt và may mắn là họ khổ ít hoặc khổ nhiều. Nhưng những điều đó mang tính cách hảo huyền.Thực sự Đức Phật Ngài dạy chúng ta trong cuộc đời này nên cố gắng chấp nhận sự thật. Chấp nhận sự thật là một điều rất khó. Người ta khó nhận ra sự thật, nhất là khi đối diện với cái chết, đối diện với nghịch cảnh.
Ví dụ có một ai đó nói xấu, chê trách, mình cảm thấy buồn. Sống trong cuộc đời khi được khen mình vui, khi bị chê thì buồn. Nhưng một ngày nào đó có một người nói với mình rằng, ai cũng bị chê hết, như Đức Phật Ngài nói, “ Nói nhiều cũng bị chê, nói ít cũng bị chê, trong đời này không ai không bị chê”. Lúc bấy giờ chuyện chê khen không còn là chuyện hay hoặc dở của cá nhân nữa mà nó là chuyện sống trong cuộc đời là phải như vậy, là như vậy, không khác hơn. Khi chúng ta nghiệm lấy điều đó, chúng ta không dao động trước những lời khen chê nhiều. Ví vậy Pháp của Đức Phật được lãnh hội, được áp dụng vào trong đời sống có lợi lạc cho chúng ta hay không ở chỗ chúng ta biết áp dụng hay không.
Riêng về điểm này khi nói về vô thừơng, khi nói về bất định, nói về khổ v.v… chúng ta đừng nghĩ rằng những đề tài đó sẽ làm chúng ta khổ hơn. Thật ra không nói chúng ta cũng khổ rồi, quý vị đồng ý không? Nhưng nếu chúng ta nói và nói một cách rất khách quan, rất đại thể nghĩa là chuyện đó không phải chỉ xảy ra cho anh A , anh B mà xảy ra cho tất cả mọi người, tất cả chúng sanh trong đời chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

No comments:

Post a Comment