Thursday, July 13, 2017

Chùa Khléang - Sóc Trăng

Chùa Khléang​ – Sóc Trăng

chính điện

Chùa Khléang là một ngôi chùa cổ trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ. Đây là một di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 84/QĐ-BVHTT ký ngày 27 tháng 4 năm 1990 của Bộ Văn hóa và Thông tin.Chùa tọa lạc ở số 53 đường Tôn Đức Thắng, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam.

Chùa Khléang (hay Kh’leang, Khleng) là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 4.000m2. Chùa xây dựng từ năm 1533 lúc đầu còn làm bằng gỗ, sau mới được xây cất lại bằng gạch ngói.
Chùa tọa lạc trên một khoảnh đất rộng, không gian thông thoáng, chung quanh có nhiều cây xanh, tỏa bóng mát xuống khắp mặt sân, dưới mỗi gốc cây có đặt những băng ghế đá dùng để nghỉ chân. Ðặc biệt, trong khuôn viên chùa còn có nhiều cây thốt nốt, loại cây đặc trưng của người Khmer thích dùng ở khu vực mà họ sinh sống.

Cổng chùa được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết, mầu sắc rực rỡ mang đậm phong cách Khmer. Chùa Khléang được xây cất rất cao so với mặt đất, với bậc tam cấp và ba vòng rào, tất cả đều bằng xi-măng và rực rỡ mầu sắc. Vòng rào ngoài lớn rồi nhỏ dần vào trong, khoảng cách giữa các vòng rào rất rộng, nền chùa chiếm diện tích rất lớn. Trước chùa có xây hai tháp hình bầu dục nằm ở hai bên, dùng để đựng xương cốt của các vị trụ trì.

Bên trong chính điện có 16 cột bằng gỗ, rất to, đen mượt, được thếp bằng vàng các hình ảnh nói về cuộc đời đức Phật, về sinh hoạt Phật pháp. Trên trần và chung quanh đều được trang trí bằng rất nhiều nét vẽ về hình ảnh của đức Phật, thể hiện được sự hòa hợp giữa kiến trúc và hội họa.

Nơi chính điện là tượng Phật cao 6,8 m, phần thân tượng cao 2,7 m được đúc vào năm 1916. Tượng được đặt ngồi trên tòa sen lộng lẫy với vầng hào quang bằng điện lúc ẩn, lúc hiện, tạo nên sự uy nghiêm thanh thoát và huyền ảo. Chung quanh tượng Phật lớn và tượng Phật nhỏ có nhiều tủ kính trưng bày các hiện vật gia dụng của cộng đồng người Khmer xưa như là một cách bảo tồn và phát huy nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa của dân tộc mình.
Bộ mái chùa cũng được xây dựng theo thể thức tam cấp và mỗi cấp lại có 3 nếp. Nếp giữa lớn hơn nếp phụ ở hai bên và không có tháp nóc chùa. Chung quanh mái chùa được đắp phù điêu hình chim, thú cũng như những hình ảnh tượng trưng cho triết lý nhà Phật. Toàn bộ mái chùa là cả một công trình kiến trúc vĩ đại thể hiện quan niệm, triết lý về Phật, Trời của người Khmer.

Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer khác, nơi đây cũng chỉ thờ duy nhất là Phật Thích Ca, trên tường là bức bích họa mô tả cuộc đời vị Phật ấy từ lúc sinh ra cho đến khi đắc đạo.

Hàng năm, Chùa Kh’leang còn là nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng nhất trong những ngày lễ truyền thống của dân tộc Khmer như: lễ vào năm mới (Chol Chnam Thmay) còn gọi là lễ chịu tuổi; lễ cúng ông bà (lễ Dôn Ta); lễ cúng trăng vào ngày 15/10 âm lịch và tổ chức đua ghe Ngo. Ngoài các lễ hội truyền thống trên, chùa còn tổ chúc các lễ hội Phật giáo.

Chùa Kh’leang vừa mang giá trị lịch sử, nghệ thuật vừa một công trình kiến trúc thẩm mỹ hài hoà, cân xứng nhất. Đây là ngôi chính điện gắn liền với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng mà hầu hết thể hiện nét đặc trưng trong nghệ thuật truyền thống của người Khmer. Đồng thời cũng có những nét thể hiện tính giao thoa của người Việt, Hoa.

No comments:

Post a Comment