Friday, May 5, 2017

Điển Hay Tích Lạ - Khuynh nước khuynh thành

Khuynh quốc khuynh thành

Đời nhà Hán, vua Võ Đế (140 – 86 TCN) vốn là người háo sắc. Vua không than thở vì mình chưa làm được gì cho dân áo ấm cơm no, mà ngược lại chỉ thường than trong đời mình chưa được người đẹp nào vừa lòng để âu yếu. Vua thường trách:
– Trẫm xây đền Minh Quang kén hai ngàn gái đẹp vùng Yên, Triệu(1). Quá 30 tuổi liền sa thải, cho về quê. Thế mà trong dịch đình có trên mười ngàn gái đẹp nhưng chưa có một ai đẹp cho vừa lòng trẫm. Thật là thiên hạ thiếu giai nhân tuyệt sắc!
Bấy giờ, có người phường chèo tên Lý Diên Niên hầu trong nội điện có người em gái đẹp tuyệt trần đương làm nàng hầu cho công chúa Bình Dương. Nghe vua than thế, nhân một hôm hát chầu cho vua, Lý bèn hát một bài:
“Bắc phương hữu giai nhân,
Tuyệt thế nhi độc lập.
Nhất cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc(2).
Khởi bất tri
Khuynh thành dữ khuynh quốc,
Giai nhân nan tái đắc.”
Dịch 
“Phương Bắc có người đẹp,
Tuyệt thế nhưng vẫn đứng một mình.
Một lần nhìn trông, thành người nghiêng ngả,
Một lần ngoảnh lại, nước người ngả nghiêng.
Thà rằng chẳng biết
Sắc đẹp nghiêng thành nghiêng nước ấy,
Vì người đẹp khó gặp lại lần hai.”
Nghe hát vậy, nhà vua thở dài:
– Thế gian quả có người đẹp nhường vậy chăng?
Công chúa Bình Dương nhân đứng hầu bên cạnh, tâu:
– Diên Niên có người em gái đẹp tuyệt trần, còn hơn cả người trong bài hát nữa.
Nhà vua truyền đòi vào xem mặt. Quả là một giai nhân tuyệt sắc. Nàng lại còn giỏi nghề múa hát. Nhà vua đắm đuối say mê, liền phong làm phu nhân, từ ấy quyến luyến không rời.
Sau khi sinh một đứa con trai, một hôm, nàng lâm bệnh nặng, nhà vua đến tận giường bệnh thăm hỏi. Nàng kéo mền che kín mặt, tâu:
– Thiếp bệnh từ lâu, hình dáng tiều tụy, không dám đem nhan sắc đã ủ dột tàn phai ra mắt đấng quân vương. Thiếp xin gởi lại nhà vua một đứa con bé nhỏ và mấy người anh em của thiếp.
Hán Võ Đế ngậm ngùi, bảo:
– Phu nhân bệnh nặng khó qua, hãy dở mền cho ta nhìn mặt há chẳng làm cho ta được thỏa lòng sao?
Nàng vẫn che kín mặt, từ chối:
– Theo lễ vua tôi, chồng vợ, đàn bà mặt không sạch tất không được ra mắt vua hay chồng. Vậy thiếp mong bệ hạ tha thứ.
Vua cố nài nỉ. Nàng vẫn thở dài úp mặt vào trong, không nói gì, tay giữ chặt lấy mền. Võ Đế tức quá, đứng phắt dậy ra về. Nhiều người sợ nhà vua giận nên có ý trách nàng. Nàng trả lời:
– Đàn bà thường lấy nhan sắc thờ chồng. Nhan sắc kém, tình yêu dễ sinh phai lạt. Nhà vua quyến luyến ta chỉ vì nhan sắc xinh đẹp lúc ta mạnh. Nay ta đau, nhan sắc suy kém, so với thiên hạ, ta là kẻ xấu. Bấy giờ nhìn mặt ta, vua sẽ chán thì khi nào người còn tưởng nhớ đến ta mà ban ân huệ cho anh em ta nữa?
Thật đúng như lời than của Khổng Tử: “Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã” (Ta chưa thấy ai yêu cái đức tốt như yêu cái sắc đẹp vậy) (3)
Sau đó, nàng chết. Hán Võ Đế chôn cất rất long trọng, lại truyền thợ họa vẽ nàng – tất nhiên tưởng nhớ lại hình dáng nàng khi chưa bệnh – để treo ở cung Cam Tuyền, và phong cho anh em nàng quan tước cao. Ngày tháng trôi qua, nhưng hình bóng người đẹp vẫn còn mãi.
Lại có, đời nhà Đường (618 – 907), vua Đường Minh Hoàng dắt Dương Ngọc Hoàn (tức Dương quý phi) thưởng hoa ở đình Cẩm Hương. Trong lúc cảm hứng, vua cho mời Lý Bạch đến bảo làm ngay 3 bài thơ “Thanh bình điệu”. Thi hào họ Lý còn đương say rượu, nhưng cầm bút viết luôn một mạch 3 bài thơ. Mỗi bài 4 câu. Bài thứ ba có câu như sau:
“Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoa,
Thường đắc quân vương đái tiếu khan”.
Ngô Tất Tố dịch:
“Danh hoa nghiêng sánh đòi vai,
Đế xứng quân vương một nụ cười”.
Thế là, “khuynh quốc khuynh thành” xuất xứ từ điển tích trên, để chỉ người chưa chắc đã là con gái có sắc đẹp tuyệt thế.
Chú thích.
(1) Vùng Yên, Triệu: chỉ hai nước đời Chiến quốc. Yên ở vào địa phận tỉnh Phụng Thiên, tỉnh Trực Lệ và một phần Bắc Triều Tiên. Triệu ở vào địa phận một tỉnh phía nam tỉnh Trực Lệ và phía bắc tỉnh Sơn Tây ngày nay. Như vậy, hẳn ở những nơi này có tiếng trổ sinh nhiều gái đẹp, mà những cô nào đẹp hơn cả đều bị vua tóm thu hết vào cung!
(2) Sau, có người đổi chữ “cố” (nhìn) thành ra chữ “tiếu” (cười):
“Nhất tiếu khuynh nhân thành,
Tái tiếu khuynh nhân quốc.”
Ngoài ra thì bài này cũng có khá nhiều dị bản khác nhau :”>
(3) Khổng Tử sang nước Vệ, yết kiến vua Vệ. Vợ vua là nàng Nam Tử nhan sắc lộng lẫy nhưng tính lẳng lơ. Nàng nghe danh tiếng Khổng Tử nên muốn tiếp kiến nhưng Khổng Tử từ chối. Nhưng sau vì theo tục nước Vệ hễ ai nhận chức gì thì phải vào ra mắt vợ vua nên bất đắc dĩ Khổng Tử phải vào cung yết kiến. Vua nước Vệ quá sủng ái nàng Nam Tử, một hôm cả hai ngồi xe du ngoạn ngoài thành, lại mời Khổng Tử đi xe theo sau. Khổng Tử không thể từ chối. Thấy thế có người cười rằng: “Kìa, đạo đức chạy theo sắc đẹp”. Khổng Tử mới có lời than như trên.

No comments:

Post a Comment