Tuesday, December 24, 2013

Phật Học Vấn Đạo - khi chúng ta đề cập đến những điều tâm niệm và cuộc sống tu tập. Thi tâm niệm có phải là một giới luật hay không?

Hỏi: khi chúng ta đề cập đến những điều tâm niệm và cuộc sống tu tập. Thi tâm niệm có phải là một giới luật hay không?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng Có thể nói rằng những gì mình cần phải tâm niệm và quán tưởng để nhắc nhở, trừ khi liên quan những điều tứ vật dụng mà Đức Phật Ngài dạy những điều đó là thanh tịnh giới, ở trong tứ thanh tịnh giới gọi là quán tưởng thanh tịnh giới, nhưng những điều tâm niệm khác, phải nói rằng tùy vào căn cơ, tùy vào căn duyên của mỗi người, và mỗi người có thể đem vào trong tâm tư của mình những tâm niệm, và những tâm niệm này nó phải thích hợp với căn tánh của mình ví dụ ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng, hay ân đức của Chư Thiên.

Một người niệm ân đức của Chư Thiên không có nghĩa ân đức của Chư Thiên hơn của Phật, không có nghĩa ân đức của Chư Thiên hơn ân đức Pháp, ân đức Chư Thiên hơn ân đức Tăng, mà tại vì người đó  hạp với tâm niệm đó, như vậy khi nói đến những điều tâm niệm đó, chúng ta cứ tưởng nghĩ rằng đó là những khuôn mẫu tâm nhất định phải đi theo, ở trên thực tế những điều tâm niệm này là những gợi ý, nhưng khi áp dụng vào đời sống chúng ta thì được áp dụng như là giới luật, giới luật là điều phải thọ trì giới luật, là điều không có thể thay đổi được, nhưng những tâm niệm thì nó khiến cho chúng ta có một không gian rộng lớn khác, ở trong không gian rộng lớn đó chúng ta có thể lựa chọn.

Thật ra trong lịch sử đạo Phật thời gian gần đây có một trường hợp rất thú vị, đó là trường hợp của Hoà Thượng Nhất Hạnh có lập ra một dòng tu gọi là dòng tiếp hiện và có một giới luật gọi là giới luật tiếp hiện, đúng ra trong những năm tháng gần đây Hoà Thượng Nhất Hạnh đã đổi hướng đi từ những quan niệm hết sức khác biệt với truyền thống, bây giờ Hoà Thượng lại trở về với quan niệm truyền thống, kể cả tu chính và kể cả nhấn mạnh đến những giới bổn người xuất gia, nhưng trước đây Hoà Thượng nói rất nhiều đến giới luật tiếp hiện, khi đọc vào giới luật tiếp hiện thật ra với quan niệm của một vị tu sĩ Phật Giáo truyền thống, nhất là tu sĩ Nam Tông những điều trong giới luật tiếp hiện mang tánh cách tâm niệm nhiều hơn giới luật.

Chúng tôi nói tâm niệm nhiều hơn giới luật là ví dụ như vầy, ví dụ như chúng ta quan niệm trong giới luật là không sát sanh, thế nào là người phạm giới sát sanh thì có quy định rất rõ, con vật có thức tánh là biết con vật có thức tánh và có ý giết rồi ráng sức giết, rồi con vật đã chết vì sự ráng sức đó, thì sau khi tính như vậy mới đủ gọi là giới sát sanh, và nếu chúng ta vẫn quan niệm một điều như vậy là mình sống mình phải thương yêu muôn loài, phải thương yêu sự sống, phải bảo vệ môi sinh, phải bảo vệ hành tinh sanh này v.v... những khái niệm như vậy mang tánh cách tâm niệm hơn là giới luật, tại vì nó phải áp dụng được trên phương diện giới, nếu đem điều đó  áp dụng vào đời sống hàng ngày của chúng ta thì không biết ai là người phạm giới hay là người không phạm giới.

Chúng tôi lấy một ví dụ, những tờ báo chúng ta đang đọc hiện nay, những tờ báo in màu và giấy láng bóng, những tờ giấy đó nó vốn là những tờ giấy được sản xuất một cách rất tai hại cho việc bảo vệ môi sinh, quí vị cầm tờ báo, trang bià in màu bóng láng, thì các hoá chất để họ dùng vào thứ đó là hoá chất làm ô nhiễm rất lớn môi trường, do vậy người ta kêu gọi con người hãy bỏ bớt những thứ đó lại. Khi người ta in bản in màu, mà bản đó không có sáng, màu nó không bóng láng tự nhiên thấy màu nó không hấp dẫn, tuy nhiên cách in đó khiến cho chúng ta ít có làm ô nhiễm môi sinh.

Bây giờ nếu như một tờ báo được in bìa bóng như vậy chúng ta mua, chúng ta cầm đọc thì bảo rằng người đó đã phạm giới luật tiếp hiện, tức là người đó không bảo vệ môi sinh, thì điểm đó rất khó bởi vì chung quanh chúng ta có rất nhiều thứ mà chúng ta hoặc ý thức được hoặc là không ý thức được, do vậy tinh thần bảo vệ môi sinh không thể gọi là giới luật được, tinh thần bảo vệ môi sinh là một điều rất đẹp, nhưng cái đẹp đó lại khác với quan niệm về giữ giới. Khi nói về giữ giới không nói về đẹp hay xấu, giới là điều, điều đó là điều qui định rất rõ ràng chứ không phải chỉ là một khái niệm như tâm niệm. Do vậy chúng tôi phải nói rằng những giới luật về tiếp hiện của Hoà Thượng Nhất Hạnh đề ra, nếu đọc kỹ lại thì đó là những điều mà mang tánh cách tâm niệm hơn là giới luật, bởi vì có những thứ không có.

Chữ Bồ Tát giới ở trong Đại Thừa có rất nhiều điểm mang tới tâm niệm hơn là về giới, giới khác xa với điều đó. Có thể nói rằng khi đề cập đến giới luật, nó là một câu chuyện khác hơn những gì chúng ta quan niệm mang tánh cách tư tưởng hay khái niệm, hay là tâm niệm đem áp dụng vào trong đời sống. Và chúng tôi cũng phải nói ở tại đây những điều tâm niệm là những điều rất có lợi cho sự tu tập của mình, tuy nhiên khi đã nói đến tâm niệm thì không thể đem một kiểu mẫu nào đó áp dụng cho tất cả mọi người, có những người họ lại hạp với những thứ này, có những người hạp thứ khác.

Chúng tôi lấy một ví dụ, một người tu tập thiền chỉ hay thiền quán, những người này có thể niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm Chư Thiên, chúng ta không thể nói một ân đức nào lớn hơn ân đức nào. Thật ra đối với một người tu tập thì dù ân đức Pháp, ân đức Tăng, hay ân đức của Chư Thiên, hay ân đức của thí, của giới tất cả đều giống nhau ở một điểm, cái nào thích hợp với căn tính của mình thì cái đó nên tu tập, nên thường xuyên niệm tưởng. Chính vì vậy đối với những điều chúng ta gọi là tâm niệm, tuy là nó mang tánh cách tiền chế, tức là cái gì được quy định sẵn, nó là những khái niệm mà đã được tìm đâu đó ở trong kinh điển, tìm đâu đó ở trong lời dạy và chúng ta chỉ dựa trên điều đó để nhắc đi nhắc lại trên đời sống. Tuy vậy phải nói rằng những điều tâm niệm là một lợi khí rất lớn cho chúng ta để đương đầu với phiền não.

Phải nói rằng cuộc sống tu tập hay đời sống của người xuất gia, khi chúng ta phấn đấu với phiền não chúng ta phải có một vài chỗ đứng, và chỗ đứng này nhất định phải của mình chứ không thể của phiền não được. Như một người lính họ ra trận, tuy rằng xông pha ngoài trận mạc sống giữa làn tên mũi đạn, nhưng họ phải trở về hậu cứ, hậu cứ tức là nơi an toàn của họ, hậu cứ là nơi họ canh gác cẩn mật để họ có thể an toàn sống ở trong lãnh vực nào đó, thì hậu cứ đó sẽ giúp cho quân đội được dưỡng quân, phải giúp cho những người lính tìm thấy những giây phút mà không phải mặt đối mặt với kẻ thù và lúc nào cũng lo sợ. Thì như vậy một người tu tập phải có cứ điểm nội tâm, và những cứ điểm nội tâm đó khiến cho chúng ta qua đó không có tranh luận hơn thua, không phải đôi co, không có bàn thảo mà nó là như vậy để chúng ta có sự ổn định.

Chúng tôi muốn nói ở đây một điểm đó là sự nghi hoặc, nghi hoặc tức là một người tu tập mà không sống bằng những tâm niệm, thì thường xuyên phải đối diện với tâm hoài nghi, hoài nghi ở đây là hoài nghi Phật, hoài nghi Pháp, hoài nghi Tăng, hoài nghi về quá khứ hiện tại vị lai, hoài nghi về nhân quả v.v.... và những hoài nghi này có thể đưa chúng ta trôi dạt về nhiều phương hướng. Vì vậy tâm niệm là cái gì cho chúng ta hậu cứ, nó cho chúng ta một cứ điểm, cứ điểm đó khi chúng ta trở về, chúng ta không cần phải đôi co, không phải vật vã, không phải hoài nghi, không phải nghi hoặc, để làm gì, để tạo ra sự ổn định của mình, cái sự ổn định này cần thiết.

Không hẳn là khi chúng ta tu tập, chúng ta phải sống với một số quan niệm bất di bất dịch  không thay đổi, nhưng, khi đương đầu với phiền não, từ cái tham, cái sân, cái si, cái thay đổi trong đi đứng nằm ngồi, cái thay đổi ở trong bất cứ sự thay đổi nào khi đối diện với phiền não thì nó làm cho chúng ta trở lên lúng túng, nó làm cho chúng ta trở lên khó chịu và lâu ngày mình cảm thấy mình bị thua trận nhiều hơn là đạt được lòng tự tin.

Chúng tôi xin được nhắc ở đây lại giai thoại liên quan đến một vị thiền sư, liên quan đến một vị Tăng sĩ, vị Tăng sĩ đó là Ajahn Sumedho là người đã thành lập ra Tăng đoàn Phật Giáo Tây Phương ở Anh Quốc và nhiều quốc gia khác, Ngài là một trong những khuôn mặt Phật Giáo lớn của thế kỷ này, khi quí vị nghe Ngài kể câu chuyện, quí vị rất ngạc nhiên về đời sống tu tập của Ngài, Ngài là một người sanh ra ở tại Mỹ, và là người da trắng, lớn lên ở tại Mỹ, khi đi sang Á Châu xuất gia tu tập dưới sự hướng dẫn của Ngài Ajahn Chah, thì phải nói rằng: Một con người đến từ nền văn hoá khác, một con người sống từ một xã hội như Hoa kỳ mà chọn con đường tu tập xuất gia lại trọn con đường trở thành người Phật tử, một đứa con của Phật thì phải nói rằng đó là sự lựa chọn lớn.

khi chúng ta nghe về quan niệm tu tập của Ngài có một vài đoạn chúng ta rất ngạc nhiên ví dụ như Ngài Sumedho nói, đời sống của ngài thường an trú trong ba câu:

- Buddham saranam gacchami, Dhammam saranam gacchami, Sangham saranam gacchami - con về nương tựa với Phật, con xin quay về nương tựa với Pháp, con xin quay về nương tựa với Tăng.

Đối với một người Phật tử Việt Nam quan niệm rằng: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng là những quan niệm rất sơ đẳng, vào chùa thì tam quy trước, rồi ngũ giới, rồi sau đó thiền định v.v..., mà tại sao với một vị xuất gia, một vị thiền sư có thể nói rằng một người có nhiều năm tu tập mà lại trở về với những quan niệm đó. Thật ra, quan niệm của một người mà đã một lần người đó quì xuống và phát nguyện từ đây trở về sau cho đến trọn đời con sẽ sống nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng đó là quyết định lớn và trong quyết định đó, tâm niệm này hoàn toàn có thể nói rằng trong sạch tịnh tính, và trong cái tâm tịnh tính đó không còn nghi hoặc nữa và vị đó lựa chọn là từ đó trở về sau sự quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng nó trở thành cứ điểm an toàn của mình, hễ khi mình nghĩ đến điều đó thì tâm mình được thuần, tâm mình được trong sạch, tâm mình được ỗn cố, nó không hoài nghi, nó không có những uế nhiễm phức tạp.

Do vậy đối với Ngài Sumedho thì ba câu:
 "Buddham saranam gacchami, Dhammam saranam gacchami, Sangham saranam gacchami" 
mang lại cả một ý tưởng rất lớn lao, nó mang lại cả một vùng trời an toàn, một không gian mà ở trong đó vị đó không bị chi phối bởi những nghi hoặc, những hoài nghi. 

Như vậy là tâm niệm của mỗi người xuất gia, và quan niệm sự tu tập nó khả dĩ cho phép chúng ta có một hậu cứ an ổn và không phải thường xuyên vật lộn đối với những phiền não nghi hoặc mà chúng ta sống trong tâm trạng hồi hộp, năm ăn năm thua, mà trái lại tìm được một không khí hết sức là ổn định về tinh thần, một cảm giác gọi là an toàn.

Vì vậy khi chúng tôi nói về những tâm niệm ở tại đây thì phải nói rằng với một người tu tập chúng ta không có bác bỏ những giá trị tiền chế, giá trị tiền chế ở đây tức là những giá trị mà chúng ta hấp thụ từ trong kinh điển, những giá trị mà chúng ta vốn tìm thấy ở từ vị Thầy, từ sự nhắc nhở răn bảo của vị Thầy mà những thứ đó khi đem vào trong đời sống tu tập nhất là người tu thiền thì bao giờ nó cũng cần thiết và hết sức là cần thiết để chúng ta tìm được một sự ổn định trước khi bắc đầu vào sự tu tập.

Như vậy chúng ta phải tìm sự tu tập ở thế quân bình giữa giá trị tiền chế và giá trị tự nhiên của một người tu tập. Cái giá trị tiền chế ở đây là chúng ta phải sống bằng một số khái niệm đã được quy định sẵn, và giá trị về tự nhiên, là ở trong trách nhiệm ghi nhận cái gì xảy ra mới nghe nói như vậy, chúng ta tưởng tượng như hai giá trị giữa cái tự nhiên và tiền chế có tính cách mâu thuẫn, trái chống với nhau, nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Một người bỏ vào trong rừng thiền sống 5 ngày ba ngày thì người đó cần rất nhiều sự trang bị, những trang bị này khả dĩ giúp cho vị đó đương đầu với nhiều phiền não, cả hai thứ đó đều cần thiết. Và hỏi rằng những quan niệm này cần được khai triển tới đâu, thì đó là cái khéo của mỗi người hành giả, là cái khéo của mỗi người tu tập./.

No comments:

Post a Comment