Friday, September 20, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Tất cả những nghiệp chúng ta làm dù thiện hay bất thiện có khả năng sanh quả như thế nào?

Hỏi: Tất cả những nghiệp chúng ta làm dù thiện hay bất thiện  có khả năng sanh quả như thế nào?

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiác Đẳng: Theo trong A Tỳ Đàm thì tất cả những nghiệp mà chúng ta làm dù thiện hay bất thiện đều có ba khả năng sanh quả trong ba thời kỳ:

- Một là hiện báo nghiệp, 
- kế tiếp là sanh báo nghiệp, 
- có khả năng tạo quả dị thục trong những đời sống sau nữa gọi là hậu báo nghiệp. 

Nhưng trong việc phước phát sanh dầu là hiện báo nghiệp, sanh báo nghiệp, hậu báo nghiệp nó còn có một cái yếu tố khác là có những phước báu sanh ra thù thắng, và về sự thù thắng này thì những nghiệp báo soi sáng cho chúng ta một cách rất cụ thể. Tương tựa như mình trồng hoa mầu, hạt giống tốt là một yếu tố mà đất đai có phì nhiêu hay không lại là một yếu tố khác, rồi cái cách mà chúng ta gieo trồng nó lại là yếu tố khác. Nói tóm lại, đức tin như là một hạt giống, thiện tâm như là một hạt giống và đối tượng mà chúng ta làm phước nó là cái đối tượng càng thanh tịnh càng trong sạch thì sự phước báu rất thù thắng. Chúng tôi lấy ví dụ như mình trồng cây, có hạt giống tốt mình biết trồng nhưng còn tùy phong thổ đất đai nơi mình ở, đất đai mầu mỡ thì những hạt giống sẽ sanh sôi nảy nở rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Ai đã sống qua ngành nông rồi thì hiểu rằng đất đai quan trọng như thế nào ở trong nông nghiệp. Lấy ví dụ như chúng ta nói về trường hợp vị nào sống ở miền nam thì hiểu nước sông của sông Tiền sông Hậu vốn có nhiều phù sa, chúng ta nghe nói phù sa sông Cửu hàng năm vẫn dâng lên một lần vào mùa nước nổi, khi nước rút xuống để lại phù sa làm cho đất ở miền nam trở lên màu mỡ, và do vậy người miền nam có một lợi điểm là trồng trọt thu hoặch rất dễ dàng vì đất đai màu mỡ.

Thì tương tựa như vậy, khi mình làm phước hay mình làm việc gì nó luôn luôn dựa lên trên một điều như trong A Tỳ Đàm nói năng duyên và sở duyên. Năng duyên là cái gì có tánh cách tác động và sở duyên là cái gì bị tác động. Ở trong kinh cũng giải thích rằng như trường hợp mình bố thí, tâm mà mình bố thí mạnh hay yếu sẽ cho quả, nhưng mà rồi nó còn ảnh hưởng bởi một số khác như là vật thí và đối tượng mình bố thí. Trường hợp thù thắng nhất là người bố thí cúng dường là người bố thí bằng tâm tín thành, và người nhận bố thí cúng dường lại là một người tâm trong sạch. Tâm trong sạch ở đây thì chúng ta nói rằng có nhiều trường hợp mà mình phải chú ý, như qúi Phật tử đi chùa thì Chư Tăng phải phát tâm để lo, hay là qúi vị làm việc gì mà quên mình, không nghĩ mình sẽ được cái này cái kia mà chỉ làm thôi thì lúc đó tâm qúi vị là trong sạch. Và đặc biệt người nào giữ giới như ngũ giới thì người đó được xem như có chất để thanh tịnh tâm trí và nhờ như vậy tâm mình được trong sạch. 

Câu "Phát tâm trong sạch" chúng ta thường được nghe tại các quốc gia Phật giáo. Phát tâm trong sạch nghĩa là mình cúng dường một cách thanh tịnh. Cúng dường thanh tịnh là cúng dường bằng trọn niềm tin của mình không vì danh không vì lợi, không vì sợ, không vì si mê chẳng hạn. Nhưng mà xem ra tâm trong sạch của người bố thí, dể tìm, dễ làm, dễ thực hiện, dễ có hơn là cái đối tượng, cái đối tượng nhận của bố thí mà cái đối tượng đó càng trong sạch thì phước của người thí chủ thật nhiều. Chúng tôi lấy ví dụ là qúi vị mà bố thí cúng dường chẳng hạn, cúng dường đến một vị tu hành mà vị tu hành nào khi qúi vị bố thí cúng dường mà vị đó tham đắm trong cái vật cúng dường này thì phước đó không nhiều bằng những vị mà nhận vật cúng dường đó không có tham cầu. Vì vậy ở trong Phật Giáo khi Chư Tăng thọ trai hay thọ bốn món vật dụng thì Chư Tăng thường quán tưởng, việc quán tưởng sẽ làm cho phước báu của thí chủ tăng trưởng, và chẳng những vậy mà còn không nợ với tín thí. Chúng tôi ví dụ là Phật tử mang thức ăn đến chùa cúng cho Chư Tăng, Chư Tăng thọ thực và có quán tưởng là mình thọ dụng đây không phải là vì làm cho thân thể giống như lực sĩ hay ăn uống để thân thể đẹp mà ăn là để duy trì cơ thể này để cho sự tu tập được tinh tấn. Tức là hiểu rõ cái mục đích mà mình thọ thực và thọ dụng một cách chánh đáng. Thì nếu vị tu sĩ khi thọ nhận của tín thí mà quán tưởng như vậy, không dính mắc vào của thí, thì lúc đó vị đó đang làm việc mà người ta cúng dường mà mình nhận bằng tâm không tham đắm thì người đó có phước, nhưng nếu mình nhận bằng tâm tham đắm thì vị kia cũng có phước nhưng phước đó không thù thắng bằng. Đó là ý nghĩa chúng ta nói tại sao phải quán tưởng. Ờ trong chữ Phạn có một chữ rất đẹp, về sau này trong Phật giáo Đại Thừa hiểu khác đi, ở trong Phật Giáo Đại Thừa thì bậc Alahán là bậc hạ căn, nhưng trong kinh của tiếng Phạn thì chữ Alahán, đúng ra chữ Arahan mà chúng ta gọi là Alahán thì dịch là Ứng Cúng, Ứng Cúng là bậc xứng đáng để cúng dường. Thí dụ mình nói là cúi đầu đảnh lễ bậc Chánh Biến Tri đáng cúng dường. Bậc Ứng Cúng là chữ rất đẹp chứ không phải bậc Alahán là bậc độn căn hay hạ căn mà kinh điển chữ Hán thường đề cập. Thì chứ Ứng Cúng ở đây tức là bậc trong sạch nếu mà mình cúng dường đến vị trong sạch thì giống như là mình gieo hạt giống ở trên một miếng ruộng màu mỡ thì hạt giống đó sẽ đâm chồi nảy lộc rất tốt. Bởi đó là đối tượng thù thắng nhất.

Chúng ta được biết có nhiều trường hợp bố thí mang lại phước báu vô lượng, điển hình là trong ba trường hợp được đề cập đến: 

1. Trường hợp thứ nhất là của một vị vừa nhập nhập diệt thọ tưởng định và sau đó đi khất thực, vì lý do là đã 7 ngày nhập diệt thọ tưởng định do đó cơ thể đang cần thực phẩm, nhưng bởi vì trong bảy ngày đó vị nhập diệt thọ tưởng định nên tâm có thể nói là hoàn toàn đạt đến cao điểm cái sự cao vợi nhất của cái gọi là tâm giải thoát, thành ra hầu như là cái phước nào mà tạo ra trong phút đó đều kết quả nhãn tiền, phước báu lớn chứ không nhỏ. Đó là một trường hợp.

2 Trường hợp thứ hai là trường hợp cúng dường đến đại chúng Tăng Già không phân biệt. Thí dụ như qúi vị mang thực phẩm đến chùa trai tăng hay mang tứ vật sự đến cúng dường Chư Tăng, mà cúng dường nghĩ rằng Thầy A Thầy B, thì có thể Thầy A Thầy B thích những vật dụng đó, các vị đó hoan hỉ với những vật dụng đó thì do các vị thích thú tham đắm như vậy thì cái phước của qúi vị không bằng chuyện cúng dường chung cho Đại Chúng Tăng Già. Phật tử Việt Nam thì không biết và không quen điều này. Thật ra nó là một cái bí quyết. Ví dụ như ở trong cuộc đời này mà mình làm phước mình lựa vị này, lựa vị kia, vị này tốt, vị kia xấu. Thật ra khó lắm. Người ta nói là "họa hổ họa bì nan họa cốt; tri nhân tri diện bất tri tâm" vẽ cọp thì chúng ta vẽ da bên ngoài chứ mình không thể vẽ cái xương bên trong được, con người thì mình biết trước mặt chứ không biết lòng. Bây giờ qúi vị đi lựa vị này, vị kia là vị trong sạch, tốt hoàn toàn thì không lựa được, có nhiều khi mình thích vị này vị kia. Cách hiểu của chúng ta thường là hiểu đặt cá nhân. Nhưng mà đối với Tăng thì thường là thấu lý đại chúng hay là Tăng thể có nghĩa là Đại Chúng Tăng Già không phân biệt thì cái đó là cái thù thắng nhất. Tại vì khi nói đến tinh thần của Đại Chúng Tăng già thì cái đối tượng đó là cái đối tượng của một đoàn thể để duy trì giáo pháp của Đức Phật. Và chúng ta nghĩ như vậy cái tâm rất rộng, cái đối tượng rất rộng, và đặc biệt cái đối tượng gọi là Đại Chúng Tăng Già dựa trên cái suy nghĩ, sự lãnh hội, sự nhận thức của chúng ta, và do vậy trường hợp cúng dường Đại Chúng Tăng Già thì phước báu vô lượng.

3. Trường hợp thứ ba là của một vị đã hoàn toàn giải thoát chúng ta gọi là bậc Arahato, hay là bậc Arahan, bậc Ứng Cúng. Thường thấy ở trong các câu kinh mà HT Minh Châu dịch "đảnh lễ Đức Thế Tôn bậc Arahán Chánh Đẳng Giác." Chữ Arahán gọi là Ứng Cúng tức là bậc đáng cúng dường.

Thì trong ba trường hợp mà chúng tôi vừa đề cập đến thì trường hợp nào cũng nhấn mạnh yếu tố thanh tịnh. Sự thanh tịnh hết sức quan trọng. Sự thanh tịnh của người bố thí và sự thanh tịnh của người thọ thí nó làm cho phước báu trở nên viên mãn trở nên mỹ mãn. Thường ngày chúng ta việc gì cũng viên mãn hết nhưng mà thật ra thì chỉ viên mãn khi nào mà vật cúng dường hợp đạo, tâm cúng dường trong sạch và tâm nhận sự cúng dường cũng trong sạch.

 Đức Phật là một vị tối tôn ở trong cuộc đời này, tự thân Ngài là một vị giác ngộ giải thoát và Ngài được xem như là vị tuyên thuyết pháp vô thượng, ban bố pháp vô thượng và do vậy Ngài vừa là vị Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài vừa là vị Pháp Vương ban bố chánh pháp, Ngài vừa là bậc Ứng Cúng hoàn toàn trong sạch, Ngài hội đủ tất cả những điều kiện để trở thành một phước điền vi diệu. Ở trong đời sống của chúng ta mà gặp được những bậc như vậy thì thật sự hết sức là hữu duyên, hữu hạnh, hữu phước. Nếu đọc kinh Bổn Sanh chúng ta đọc nhiều câu chuyện trong các kinh điển thì chúng ta thấy có những người có phước là sanh ra gặp được Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, gặp Ngài mà chỉ đảnh lễ Ngài, gặp Ngài mà chỉ nhìn thấy từ dung của Ngài từ xa mà hoan hỉ, gặp Ngài mà được cúng dường cho Ngài thì quả thật là quá có phước, như qúi vị làm ruộng mà gặp miếng ruộng màu mở có nhiều phù sa gieo hạt giống xuống, ông bà mình nói là làm chơi ăn thiệt, nhưng mà ở đây chúng ta không có chuyện làm chơi mà chúng ta nói là tạo công đức. Người đời họ thấy rất rõ nhưng họ không hiểu được là tâm trí rất trong sạch là đối tượng thọ thí rất trong sạch. Nên khi chúng ta nghiệm những điều này thì chúng ta thấy rằng tại sao Đức Thế Tôn ngày xưa từng đi hóa duyên, nếu  Đức Thế Tôn  Ngài không đi khất thực mà Ngài cho tổ chức một ban hộ trì Tam Bảo hay là sự hộ trì của các vua chúa để quanh năm suốt tháng Ngài và Chư Tăng không đến với quần chúng là Ngài làm mất đi sự tạo phước, do vậy, Ngài đi hóa duyên đi trì bình. Đi hóa duyên là để tạo duyên lành cho tất cả chúng sanh được gặp Ngài. Từ trong quá khứ xa xưa Chư Phật cũng vậy, Chư Phật toàn giác, Chư Phật Độc Giác, và các đệ tử Phật gọi là phước điền đều tạo thành cái điều kiện cho những người đàn tín phát tâm trong sạch được cơ hội tạo phước thù thắng.

No comments:

Post a Comment