Thursday, September 19, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Thế nào là sự kham nhẫn?

Hỏi: Thế nào là sự kham nhẫn? 

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiác Đẳng: Một ở trong những biểu tướng của sự kham nhẫn đó là lời nói. Nếu chúng ta thật sự là người có nội hàm, có tu dưỡng, có sự trưởng thành trong Phật Pháp thì ngôn ngữ của chúng ta phải khác với ngôn ngữ bình thường.

Ngôn ngữ đó mang năm đặc tính là:
1) Nói đúng thời không nói phi thời.
2) Nói chân thực chứ không phải là không chân thực.
3) Nói nhu nhuyến chứ không thô bạo.
4) Lời nói có lợi ích chứ không có không lợi ích.
5) Nói bằng từ tâm chứ không nói với sân tâm.

Năm điều này là năm biểu hiện của một người có nội tâm kham nhẫn. Người có đầy đủ kham nhẫn thì họ không quá nóng nảy để phải nói lúc không nên nói. Chúng tôi nhớ rằng người Nhật Bản họ nói rằng một ở trong bí quyết quản trị về kinh doanh mà một người giám đốc giỏi và một người giám đốc không giỏi, là người giám đốc giỏi có thể tự chế mình khi thấy nhân viên làm việc sai không nóng nảy phản ứng liền mà lựa thời điểm thích hợp để nói. Sống trong gia đình cũng vậy, có nhiều trường hợp mình đúng mà người ta hoàn toàn sai nhưng tại vì mình quá nóng lòng muốn nói, và sự nói đó không đúng thời chẳng những không xây dựng được gì mà nó đổ dầu vào lửa làm cho tình trạng tệ hơn. Đa số chúng ta không đủ kiên nhẫn chờ đợi đến thời gian thích hợp. Có rất nhiều người lạ lắm, họ làm sai mà họ có thể nghe lời nhắc nhở nhưng cũng phải nghe đúng lúc, nếu không đúng lúc mà nói với họ thì họ không nghe, 100% là họ phản ứng lại. Nhưng hầu hết chúng ta quá nóng nảy và quá muốn nói lên cảm nghĩ của mình và thường là chúng ta nói vào những thời điểm không thích hợp. Người ta làm sai thật nhưng ngay lúc đó nên cho người ta có thời gian để phản tỉnh, chúng ta thì không, hễ thấy lúc nào mình tấn công được thì tấn công, mình đốp chát được thì đốp chát, lúc nào mình phủ đầu người ta được thì phủ đầu, thì không trách chi là sự việc càng lúc càng tệ hơn. Do vậy khả năng có thể chờ đợi cho đến đúng lúc để nói nó là một đặc tính của sự kham nhẫn, đặc tính của sự điềm đạm, đặc tính của sự trưởng thành trong giáo pháp.

2) Nói chân thật chứ không chân thật. Đúng ra là nói đúng với sự thật chứ không nói sai sự thật. Con người mỗi khi giận cái gì thì thường nói phóng đại quá đáng. Ví dụ như trong cơn giận mình nói về người nào đó thì mình nói theo cách nôm na ông bà chúng ta nói là "nói sao cho chó chê mèo mửa" tức là người ta xấu một thì mình nói xấu mười, chuyện không nghiêm trọng chúng ta từ chuyện bé xé ra to làm cho nó thật sự nghiêm trọng, tại vì chúng ta đang giận dữ. Khi mình giận dữ thì một trong những biểu tướng của sự không kham nhẫn là chúng ta nói quá đáng, nói quá về một người nào đó, cái nói quá về một người nào đó tức là nó vượt ngoài sự thật, lẽ ra nó không đến nỗi xấu như vậy, lẽ ra không đến nỗi tệ như vậy, lẽ ra không đến nỗi quá đáng như vậy, nhưng khi mình giận người ta thì mình nói sao cho chuyện đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Thì việc nói quá sự thật, nói sai sự thật, hay ráng dàn dựng, hay là gán tội cho người khác một cách phi lý một cách không thật, nó là dấu hiệu của sự không kham nhẫn. Và dấu hiệu thứ hai cũng lời nói có kham nhẫn là dầu mình giận nhưng mình nói đúng sự thật. Chúng tôi được biết có một vài vị rất thiện xảo tức là họ rất giỏi về vấn đề này, trong lúc đang giận mà có người khác đổ dầu vào lửa, nói thêm vào, thì vị này cũng dừng lại, biết dừng lại ở một mức độ, chuyện nào ra chuyện đó chứ không phải là mình giận người đó nghe người khác nói thêm gì đó mà mình nghĩ rằng người kia hoàn toàn xấu. Thì một trong những biểu tướng của sự kham nhẫn là giận đến đâu đi nữa thì nói cũng việc nào ra việc đó không thêm thắc, không vẽ rắn thêm đuôi, không nói quá xa, không phóng đại để sự việc đó nó sai đi sự thực.

3) Nói nhu nhuyến chứ không nói lời thô bạo. Ở đây là một sự tự nhiên của chúng ta, lời nói phát xuất từ tâm không sân bao giờ cũng là lời nói khôn ngoan. Chúng tôi đi dự rất nhiều phiên họp thấy có một điểm như vầy là 100 lần đủ 100 lần không một ai ở trong những phiên họp mà nói những lời đầy nọc độc, đầy chất độc ác, đầy chất đả phá, mà trong đó mọi người nói bằng sự khôn ngoan, vì lời nói khôn ngoan không thể nào đến từ sân tâm được hay đến từ sự thù hận được. Do vậy Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên nói lời nói nhu nhuyến. Chữ nhu nhuyến ở đây là lời nói nhẹ nhàng nói phải chăng nếu không muốn nói rằng nói bằng sự tế nhị, còn lời nói ác ngữ là nói nặng nề thì ai cũng nói được. Nhiều lúc trong sự bực dọc mình nói nặng người khác mình nghĩ lời nói đó hay, nhưng chúng ta quên rằng để phỉ báng nhau để chửi bới nhau thì một kẻ tầm thường thiếu giáo dục nào cũng nói được, nhưng ở trong sự bất đồng bất hoà ở trong sự giận dữ mà còn có thể xử dụng ngôn ngữ một cách hòa nhã thì người đó thật sự là người có bản lãnh, người đó thật sự là người có giáo dục, và người đó mới thật sự là người có khả năng giải quyết công việc. Còn nếu ở trong những trường hợp rối ren lộn xộn, sự việc đã rối ren rồi mà lời nói cũng vậy nó càng khó khăn nó càng nặng nề thì những lời nói đó nó chỉ dẫn sự việc từ chỗ tệ đến chỗ tệ thôi. Chúng tôi chưa bao giờ thấy ở trong bất cứ một phiên họp nào người ta chửi bới nhau mà dẫn đến chỗ giải quyết được chuyện gì hết, nhưng không may là đất nước chúng ta là một đất nước chiến tranh và chẳng những vậy chúng ta còn sống qua thời kỳ bị phân hóa chia rẽ rất nhiều, nên chi mỗi lần có một sự việc lủng củng trong gia đình hay trong cộng đồng nào đó chúng ta nghe những lời chửi bới nhau nặng nề, và những người chửi bới nhau bằng những lời nặng nề như vậy họ nghĩ rằng lời chửi bới như vậy là nói lên sức mạnh của mình, những lời chửi bới nặng nề đó sẽ có tác dụng. Nhưng thật ra những lời đó không có tác dụng gì hết, nó chỉ làm cho tình trạng xấu hơn tệ hơn. Chúng tôi chưa bao giờ thấy được có một lời nói nào đầy nọc độc đầy nặng nề mà giải quyết được chuyện gì, không may cho chúng ta là chúng ta thường tin rằng sức mạnh của chúng ta nằm ở tại đó, cái giải thoát nó nằm ở tại đó, cái khả năng áp chế người khác nằm ở tại đó, nhưng thật ra những lời nói nặng nề đó hoàn toàn không có lợi ích gì hết. Đức Phật Ngài nhắc nhở một điều là chúng ta cần phải cân nhắc lời nói của chúng ta có nhu nhuyến hơn là thô bạo và lời nói nhu nhuyến là một biểu tướng của sự kham nhẫn.

4) Lời nói có lợi ích hay không có lợi ích. Là khi nói thì chúng ta nên nói lời có lợi íc, nhưng đa số chúng ta nói chỉ là muốn nói thôi, ưng nói thôi, nói cho đã nư, nói cho đã giận, nhưng cái chuyện mà mình nói để thoải mãn nó là một chuyện nói có mang lại lợi ích hay không lợi ích lại là một chuyện khác. Chữ lợi ích ở đây Đức Phật Ngài đặc biệt Ngài thường nhắc nhở. Chúng ta thường dành rất nhiều thì giờ làm những việc mà cuối cùng không dẫn đi về đâu. Lâu lâu chúng ta đọc chuyện hay xem phim một vài câu chuyện tuy rằng có tánh cách hư cấu nhưng ở ngoài đời thì nó cũng giống như vậy. Người ta bỏ ra rất nhiều thì giờ để theo đuổi mục tiêu gì đó làm việc gì đó cuối cùng rồi khi đạt được mục tiêu đó tất cả đều là vô nghĩa. Tại vì sao vậy? Tại vì ngay từ ban đầu chúng ta đã không thấy chuyện đó có điểm gì lợi ích. Bây giờ trong xã hội ngày nay đa số chúng ta tin vào cái chuyện mà nhất thời thôi, hễ lúc nào mình hơn được người khác thì mình ráng hơn, lúc nào mình lấn át được người khác thì mình lấn át, nhưng chúng ta thử hỏi khi tàn cuộc đi về rồi, chuyện đó qua rồi, thì cái gì lợi ích, cái gì không lợi ích. Chúng tôi đã gặp rất nhiều người suốt cuộc đời của họ chuyên môn viết báo gửi thư chửi người này chửi người kia, rốt cuộc chúng tôi không thấy họ được cái gì trong cuộc đời của họ, kể cả niềm vui chân thành trong cuộc đời họ cũng không có, nhưng họ vẫn nghĩ rằng việc đó nên làm, thật sự không có lợi gì hết. Có đôi khi những vị Phật tử vào trong rơom nghe pháp mà sự yên lặng lắng tâm nghe pháp còn mang lại lợi ích trăm ngàn lần hơn những người vô rơom mà chỉ muốn nói, mà những điều họ nói nếu nói nặng thì là khủng bố, mà nói nhẹ thì là những lời nói tào lao, nói rất nhiều mà không có lợi ích gì hết. Nhưng con người chúng ta thường phí thì giờ tâm trí cho những chuyện đó. Đôi khi có một vài Phật tử hỏi chúng tôi không biết những người đó làm vậy được cái gì, thật sự chúng tôi không thấy họ được cái gì chỉ biết một điều rằng họ có vấn đề về tâm thần họ cố gắng nói cho thật nhiều nhưng mà nói cái đó không có lợi ích. Và Đức Phật Ngài dạy rằng nếu chúng ta có đủ sự điềm đạm sẽ thấy rằng điều này nên nói vì có lợi ích, điều kia không nên nói vì nó vô nghĩa nó không có lợi ích gì hết, thì điều đó chứng tỏ sự điềm đạm chứng tỏ sự kham nhẫn của chúng ta. Phải nói những lời có lợi ích là chứng tỏ chúng ta có khả năng kham nhẫn và nói những lời không lợi ích là chứng tỏ rằng chúng ta không có sự tế nhị, cái gì trong lòng nó tuôn ra bên ngoài. Có một số trong chúng ta rất là hãnh diện rất là tự hào rằng tôi thì rất thẳng như ruột ngựa, ruột để ngoài da, nói rất là trực ngôn, hễ cái gì không thích thì nói và mình hãnh diện mà nói như vậy. Nhưng mà trực ngôn không phải là tốt, người đời nhiều khi có những quan niệm rất hời hợt về việc này, một người mà đụng đâu nói đó thích cái gì nói cái đó không phải là tốt đâu. Ở đây Đức Phật Ngài nói rất rõ là: nói nhiều mà không có lợi ích thì tốt hơn là im lặng. thì ở đây lời nói có lợi ích hay không có lợi ích nó cũng là một chứng minh của nội tâm có kham nhẫn hay không kham nhẫn.

5) Nói với từ tâm chứ không nói với sân tâm. Khi nào qúi vị nghe lời nói với từ tâm thì qúi vị nghe có thể hiểu được, ở trong lời nói có chất xây dựng hay không, có thiện ý để mang lại sự an lạc cho người khác, có lợi ích chung hay không. Còn lời nói không có tâm từ là lời nói ở trong đó đầy nọc độc đầy cách đả phá, và chúng ta nhận thấy những điều đó rất rõ.

Thì năm tiêu chuẩn này tuy rằng chúng ta nghe như là những gì có tánh cách đạo đức, có tánh cách luân lý, nhưng thật ra nó là những gì liên quan đến khoa học tự nhiên. Trong tâm tư của người nào có đủ sự điềm đạm, có đủ sự kham nhẫn thì họ sẽ nói bằng năm thứ ngôn ngữ này: Nói đúng thời chớ không nói phi thời, nói chân thật chớ không hư nguyện, nói nhu hoà chớ không nói thô bạo, có lợi ích chớ không có nhảm nhí, nói có từ tâm chứ không nói với sân tâm. Và Đức Phật Ngài cũng nói rằng chuyện đó cần phải học và tập, ở đây chúng ta nói là học và tập nghĩa là mình nghe rồi mình cố gắng tập, có thể là lần đầu thì hơi khó nhưng sau đó từ từ quen với điều đó, khi chúng ta quen rồi cái gì mình thấy cần thiết thì nói nói một cách nhẹ nhàng còn ngoài ra thì không.


No comments:

Post a Comment