Wednesday, September 25, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Tại sao trầm luân sinh tử là bức tranh bi thống của hiện hữu?

Hỏi: Tại sao trầm luân sinh tử là bức tranh bi thống của hiện hữu?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TTTuệ Siêu: Nếu đã là sự khổ luân hồi thì sự tái diễn tái đi tái lại, sự tái diễn đó dù có màu sắc khác nhưng sự phác họa của thống khổ không khác. Ví dụ như trong đời quá khứ sự hiện hữu của kiếp sống vẫn là ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Và vì ngũ uẩn đó được tạo nên bởi phiền não và nghiệp. Phiền não và nghiệp tạo nên thân ngũ uẩn chịu sự vô thường, khổ sanh già, bệnh, chết. Thế rồi phiền não và nghiệp trong quá khứ tạo nên thân ngũ uẩn hiện tại. Và thân ngũ uẩn hiện tại này cũng nằm trong tình trạng khổ đau già, bệnh, và chết luôn luôn có sự thống khổ, luôn luôn có sự bức xúc, luôn luôn có sự lo sợ. Vì vậy nếu xét ngay trong đời sống hiện tai, sự hiện hữu này, cái sự khổ là như vậy. Một người có trí sẽ nhìn thấy sự sinh tử luân hồi, sự trầm luân ở tương lai nó cũng chỉ là bức tranh bi thống mà thôi chớ không phải hơn kém gì. Cho dù ở kiếp tương lai, ta có thể do phước báo mà sanh về cõi trời hay do thiền định trong hiện tại mà có thể sanh về cõi phạm thiên. Nhưng cho dù cõi nhân lọai, cõi chư thiên hay cõi phạm thiên, một sự hiện hữu ở tương lai cũng không phải là bền vững, cũng không phải là an vui tuyệt đối, không phải là hạnh phúc tuyệt đối. Ngôi nhà ngũ uẩn được tái tạo ở tương lai cũng chính do ái trong hiện tại này, nghiệp trong hiện tại này tạo ra. Tức là anh thợ cất nhà ngay trong kiếp sống này, anh thợ cất nhà ở trong quá khứ ảnh đã tạo ra thân ngũ uẩn hiện hữu hiện tại này với sự thống khổ như thế nào, với sự bi thảm như thế nào thì chính anh chàng thợ cất nhà ngay trong kiếp sống hiện tại này ảnh cũng tạo ra ngôi nhà ngũ uẩn tương lai có sự bi thống như thế đó. 

Bởi vậy khi một người Phật tử, một vị tu tập nhìn trong hiện tại thấy sự thống khổ thì họ nghĩ đến trong tương lai họ thấy rõ sự thống khổ đó và họ nhàm chán, hướng tâm viễn ly và họ quyết định làm sao dẹp bỏ ngũ uẩn. Hay nói cách khác, có bao giờ chúng ta bị chứng bịnh sốt hay không? Hay những chứng bịnh nào khác hay không? Bởi vì có thân này thì chúng ta cố gắng điều trị vượt qua cơn sốt, tuy nhiên một người có trí nghĩ rằng trong suốt cuộc đời này ta sẽ không còn chứng bịnh sốt như vậy nữa. Không bao giờ. Người có trí sẽ nghĩ rằng bây giờ là tạm thời, nhưng những lúc khác cảm nắng, cảm gió chúng ta cũng sẽ lên cơn sốt. Và với viễn cảnh bệnh sẽ phát sanh trong tương lai, người này biết rõ nỗi thống khổ của bệnh như thế nào bởi vì kinh nghiệm bản thân những chứng bệnh này đang hiện hữu. Nhưng kẻ phàm phu của chúng ta thì ít khi nào thấy được như vậy. Chúng ta có đôi lúc khổ đau trong hiện tại thì chúng ta biết rõ và chúng ta tìm cách xoa dịu nỗi khổ đau đó một cách tạm thời. Nhưng rồi chúng ta lại quên lãng sự khổ đau này sẽ tái diễn ở tương lai. Chúng ta không nhìn thấy chỗ đó. Cho nên chính vì vậy mà chúng sanh bị mãi mãi khổ đau trầm luân, sanh tử. Chỉ có người trí mới nhận ra được sự khổ ải triền miên khi còn phải luân hồi sanh tử. 

Như là Thái tử Sĩ Đạt Ta ngài đã suy nghĩ rất nhiều. Và sự suy tư này nó được lập lại thuần thục trong quá khứ nhiều đời, nhiều kiếp, từ khi ngài bị chìm thuyền giữa biển và lội được vào bờ. Ngài cảm thấy hãi hùng sống biển. với sự khổ đau đó ngài mới nhận thức được cái khổ trầm luân trong bể khổ sanh tử và phát nguyện thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Từ ngày đó ngài đã luôn luôn suy tư, luôn luôn kiểm nghiệm về luân hồi sinh tử là một bức tranh bi thống. Và do vậy cho nên ngay trong kiếp hiện tại này, mặc dầu xuất thân dòng hòang tộc, là một vị thái tử và đã được định kế thừa ngai vàng của vua cha nhưng ngài không bao giờ quên được sự thống khổ sẽ đến với ngài và tất cả chúng sanh trong bể khổ trầm luân. Chính vì chỗ đó mà ngài đã bỏ ra đi, một sự ra đi vĩ đại để cuối cùng ngài thành tựu quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, phá vỡ được ngôi nhà ngũ uẩn trong tương lai, đã tiêu diệt anh chàng thợ cất nhà. Đó là ý nghĩa chúng tôi xin trình bày cho câu  “Tại sao trầm luân sinh tử là bức tranh bi thống của hiện hữu.”


No comments:

Post a Comment