Friday, April 19, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Chánh Tư Duy


Hỏi: Chánh tư duy.

(Thảo luận ngày 10-9-2012, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Trong Bát Chánh Đạo Đức Phật Ngài đưa ra thì đời sống tu tập không đơn giản chỉ có một khía cạnh, mà chỉ riêng hai phần thôi là Chánh Kiến và Chánh Tư Duy: Chúng ta tạm gọi là một bên là lý trí một bên là tình cảm. Chúng ta nói theo ngoài đời là như vậy.

Lý trí tức là cái lý luận cái nhìn của chúng ta, chúng ta tạm hiểu như Chánh Kiến.
Và đời sống tình cảm chúng ta hiểu như là những cảm xúc, cảm xúc đó lành mạnh thì đời sống chúng ta mới có điều kiện để đi xa hơn và làm mọi việc tốt hơn.

Người Phật tử khi nói đến đời sống tu tập nội tâm chúng ta nói rất nhiều thứ, nhưng chúng ta cố gắng để ý ba thứ phiền não.

- Nếu trong cuộc sống chúng ta quá dính mắc vào, quá thích một thứ gì đó, chúng ta tạm gọi là mình nghiện hay là mình ghiền một thứ gì đó thì mình nên coi chừng. Cái nghiện cái ghiền đó khiến cho sự ham muốn của chúng ta trở nên không cưỡng lại được và nó là một trở ngại. Chúng tôi không nói rằng đời sống của chúng ta phải diệt dục hoàn toàn, nhưng, điều gì mà nó trở lên là một điều không thể không có trong đời sống thì thật sự nó là vấn đề.

Do đó thỉnh thoảng chúng ta nên đi xa, nên đi chỗ này đi chỗ kia để thay đổi đời sống. Đừng bao giờ nghĩ mình phải sống một bối cảnh hay là ngủ trên một cái giường hay ngủ trên một cái gối của mình thì mình mới ngủ được, hay là mình phải ăn kiểu này hay phải sống với người này người kia mới sống được.

Mình phải có thể có khả năng tồn tại ở trong mọi hoàn cảnh một cách thoải mái, cái đó chúng ta tạm gọi là ít có dính mắc. Hoặc mình nên tránh những nơi mà thường làm tâm mình giao động, làm tâm mình phiền não, thì nên tránh

- Một điểm khác chúng ta cũng lưu ý về phương diện cảm xúc lành mạnh của chúng ta là, đời sống con người thì chúng ta có quyền giận. Chúng tôi nói có quyền ở đây không phải là chúng tôi nói cái sân cái giận là tốt, nhưng mà, ai cũng vậy, có những chuyện trái ý nghịch lòng thì  chúng ta phiền, nhưng mình không nên để chuyện phiền trở thành một phần thường xuyên cố hữu ở trong đời sống của mình. Có những người lúc nào cũng phiền lúc nào cũng sân, chúng ta nên sống cho an lạc, nên sống hoan hỉ.

 Sự hoan hỉ đó là gì, là khi thấy người ta làm một chuyện gì đó thì chúng ta nên tùy hỉ, khi chúng ta thấy có một cái gì đẹp thì chúng ta nên thưởng thức một cách nhẹ nhàng và trong nhiều hoàn cảnh cố gắng nhìn từ khía cạnh tốt đẹp nhất đừng nhìn tư khía cạnh bi quan nhất. Không phải chúng ta làm như vậy là chúng ta giả tạo, nhưng mà như vầy, có nhiều người bi quan quá, lúc nào cũng nghĩ đến phương diện xấu nhất tệ nhất đáng ghét nhất và lúc nào chúng ta cũng hận đời, lúc nào cũng sân lúc nào cũng phiền não.

Cái giá mà chúng ta trả cho những sự sân những sự phiền não đó là sân tư duy, sân tưởng, sân tầm, nó không lợi ích cho ai hết, nó hoàn toàn không lợi ích cho ai hết, vì vậy chúng ta cố gắng xóa đi .

- Và cái hại tư duy thật ra chữ hại tư duy là theo cách nói của kinh điển nhưng chúng tôi muốn dùng cái hình tượng bên ngoài cho rõ hơn đó là cái hiềm hận hay là oán thù. Khi chúng ta nói đến oán thù thì chúng ta nghĩ đến chuyện trả đũa, ghét cay ghét đắng, ghét da diết một người nào đó, do sự ghét cay ghét đắng mà mình làm được cái gì cho nó thỏa mãn hay là người đó bị cái này cái kia mình mới vui thì thật ra lúc đó mình trở thành thù hận. Mình có thể bực bội về một người nào đó, cái bực bội đó là sân. Nhưng, một khi mình nghĩ rằng mình phải làm cho người đó khổ hay là người đó phải chết đi mình mới thích,  hay là mình mới hài lòng v.v... thì đó gọi là hận là thù. Có đôi khi chúng ta không cần phải nghĩ người đó chết mà chúng ta nghĩ người đó khổ, ví dụ mong người đó sẽ bị tán gia bại sản hay người đó bị đau khổ cái này đau khổ cái kia, lúc đó biến thành hận thù, tâm chúng ta dễ hận thù. Đời sống chúng ta đa số là có tiếp xúc và trong sự tiếp xúc thì phải nói rằng vui ít khổ nhiều, cuộc đời dành cho chúng ta tình thương thì không bao nhiêu nhưng dành cho chúng ta điều trái ý nghịch lòng thì nhiều.

Nói chung, trở về đời sống nội tâm chúng ta có ba yếu tính cần để ý là:

1. Làm sao tâm của chúng ta không quá dính mắc, cái gì mà gọi là ghiền cái gì mà gọi là nghiện ngập, cái gì mà không thể thiếu trong đời sống, cái gì mà chúng ta dính mắc quá nhiều thì đó là dục chúng ta cần để ý.

2. Thứ đến là coi chừng cái sân, cái sân thường xuyên, cái sân trong sự bực bội với người chung quanh mình. Chúng ta nói như vầy là, năm khi mười họa mà có chuyện gì quá đáng thì nên giận, nhưng trong đời sống hàng ngày không nên mỗi chuyện mỗi giận nó làm cho đời sống chúng ta bị pha một màu đen như mực, chuyện đó không nên.

3. Và điểm thứ ba là, thường xuyên nhắc mình không nên oan kết oán thù, cái oan kết oán thù thật ra không có lợi cho ai hết, nó chỉ làm cho bản thân của chúng ta bị oan trái đời này và đời sau.

Do vậy chúng ta nên suy ngẫm và tìm hiểu nhiều về chánh tư duy.

Nói về pháp tưởng bất thiện tưởng và thiện tưởng thì những chi pháp tuy giống nhau nhưng một lần nữa nó cho chúng ta những gợi ý trong đời sống, chúng ta luôn luôn nên nhắc chính mình rằng tâm của chúng ta giống như một khu vườn, khu vườn càng sạch sẽ càng quang rạng thì chúng ta dễ dàng gieo những hạt giống từ bi trí tuệ những hạt giống thiện pháp, khu rừng càng nhiều những cây hoang cỏ dại những thứ cây gai những thứ không tốt thì thật sự trong khu vườn đó khó làm gì, nên chúng ta lâu lâu biết lắng nghe chính mình, mình ở trong trạng thái nghe pháp có an lạc không, như Đức Phật Ngài thường dạy chúng ta :

" Hạnh phúc thay ta sống không hận thù giữa những người thù hận, giữa những người thù hận ta sống không hận thù".

Chúng ta hỏi rằng tâm tư của chúng ta có ở trong tâm thái tương đối là thanh thản nhẹ nhàng ổn định hay không.

Và do vậy cái chất của thiện pháp nên được chúng ta đem vào trong đời sống, cái chất của thiện pháp ngày này sang ngày khác không phải lúc nào cũng hấp dẫn nhưng chúng tôi tin một điểm như vầy là chúng ta bỏ thì giờ vào nghe pháp ôn lại lời Đức Phật dạy cho dù chúng ta không học hành đỗ đạt không có học vị gì hết nhưng mà hai giờ để nghĩ về pháp của Đức Phật nó cũng tốt hơn là hai giờ để nghĩ những chuyện vớ vẩn, nghĩ những chuyện phiền não, nghĩ những chuyện sân hận, và nếu chúng ta có hai giờ đồng hồ không có dục tư duy, không sân tư duy, không hại tư duy thì điều đó cũng là hoan hỉ điều đó cũng là tốt.

Do vậy nếu lúc nào đó, chúng ta tự hỏi rằng trạng thái tâm của chúng ta trong giai đoạn như thế nào có nhiều dục tư duy không, có nhiều sân tư duy không, có nhiều hại tư duy không, và những lúc chúng ta tu tập mà không tiến thì tâm của chúng ta thuộc trạng thái nào, hiểu như vậy biết như vậy thì chúng ta cảm thấy đời sống có căn bản hơn và có lý do để chúng ta tin rằng tại sao chúng ta tiến và tại sao chúng ta không tiến trong sự tu tập

No comments:

Post a Comment