Hỏi: Tự biết bản thân của mình có khó không. Và nếu không khó thì tại sao không khó và nếu tự biết bản thân mình là khó thì tại sao khó?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 7-6-2013. Thiên Ân chuyển biên, Minh Hạnh hiệu đính
ĐĐ Pháp Tín: Đối với một người biết được tâm mình thì điều này rất là khó. Tại sao nó khó? Dường như là chúng ta thường thường đưa ý bên ngoài, có nghĩa đối với sự tu tập mình ít khi nào mình để ý ở trong nội tâm. Những người cố gắng tu tập để gìn giữ chánh niệm thì do sự tu tập, huân tập lâu ngày của mình, mình có chánh niệm biết được phiền não của mình. Thường thường chúng ta thường ưa nhìn ra bên ngoài. Ví dụ như mình gặp một hoàn cảnh nào đó mình cứ đổ thừa, tại người đó như vậy, tại môi trường như vậy, tại cha tại mẹ, tại anh em, bạn bè v.v. thì thật sự đó chính là mình không nhìn được tâm của mình, mình không ý thức được những phiền não trong tâm của mình, là do mình hướng ngoại nhiều quá.
Trong kinh có đoạn Đức Phật Ngài dạy cho Ngài Rāhula là phải quán xét tâm mình như một người dùng gương soi rọi khuôn mặt mình. Thì cũng vậy, một vị tu sĩ, đời sống tu tập thường thường chúng ta phải nhìn nội tâm của mình, xem nội tâm mình có cấu uế hay không có cấu uế. Hoặc quý vị thấy rằng những vị tu tập, tâm mình có tham biết tâm có tham, tâm có sân biết tâm có sân.
Một vị hành giả tu tập về thiền, ví dụ như tâm vị ấy có tham vị ấy biết có tham, tâm vị ấy Đại Thiện biết tâm Đại Thiện, tâm vị ấy có Đại Hành biết tâm Đại Hành, thì trong những trường hợp này có những lúc mình phải vừa tu thiền Định vừa phải tu thiền Quán. Có nghĩa là nhiều khi quý vị thấy rằng có những người nhiều khi người ta tu, tâm Đại Hành biết tâm Đại Hành, có nghĩa là sao thưa quý vị. Có nghĩa là vị này trong tâm có Định, Định của Sơ Thiền Sắc Giới hoặc Định của Nhị Thiền, v…v. Thì gọi đó là Đại Hành. Vị đó tu biết được tâm mình có Đại Hành hay không có Đại Hành tức là có Định hay không có Định, thì mình có tu tập, có chứng đắc được rồi thì mình biết rằng tâm mình có Định.
Những điều này mình nghe nói thì cảm thấy dễ, nhưng thật ra rất khó. Ngay cả một sự việc bình thường thôi, tâm của mình bình thường mà mình còn chưa biết nữa. Ví dụ như có những lúc mình trải qua một thời gian mình sân rất nhiều nhưng mình không biết.
Điển hình, có một lần chúng tôi gặp một người, người mới vừa tập tễnh bước vào giáo Pháp, bước vào lời dạy Phật Giáo Nguyên Thủy, người này nói với chúng tôi rằng: tại sao người ta Bát Quan Trai Giới. Trong đó có giới là không ăn chiều, mỗi lần phát nguyện như vậy thì mới chiều chưa đến tối, mới chiều chiều thôi người này thèm món này, người ta thèm món kia, rồi đến tối người ta bị xót ruột, bị khó chịu, v…v. Cuối cùng không nhịn ăn được, rồi sau đó phải ăn mới chịu được, thì người đó khi họ gặp chúng tôi nói rất là lạ. Có những lúc người ta giận chồng, giận cha, giận mẹ, giận anh, giận em, giận người nào đó, người ta nhịn ăn hai ngày cũng được, không ăn hai ngày cũng được mà không thấy đói. Nhưng một lần nào đó mà họ thọ trì Bát Quan Trai Giới chỉ bỏ một bữa ăn chiều thì đói nhịn không được.
Thì, trải qua một thời gian dài người đó nhìn lại mới thấy được do lúc đó mình sân hận quá, tâm mình sân hận quá đến nỗi mình không màng đến sự ăn uống, mình không màng đến điều gì hết.
Thành ra, thường đối với sự phiền não hay tu tập của bản thân mình, thì mình ít nhận ra được, nhưng đối với người nào đó ở xung quanh mình thì thường thường mình nhìn lỗi của người đó rất dễ. Ví dụ như, bình thường chúng tôi thuyết mà nó trôi chảy, mình nói đúng thì không ai nói gì hết, giờ mình thấy room hình như yên lặng lắm, giống không ai nghe mình thuyết hết. Nhưng thử mình mà nói cái gì đó trật thì quý vị thấy rằng rất nhiều người phản đối, có những người người ta phản kháng rất lẹ. Thành ra quý vị thấy rằng những gì ở bên ngoài mình nhận định nó rất lẹ, mình nhận định rất nhanh, nhưng những gì ở trong tâm của mình thì mình nhìn rất chậm. Đây là thói quen, nhưng thói quen này là do chúng ta không chịu kiểm soát tâm của mình, như người ta hay nói rằng nhà mình mình không coi chừng nhưng mình lại đi coi chừng nhà của hàng xóm. Đây là bệnh nói chung của tất cả.
Người mà Giác Ngộ từ từ thì họ sẽ bỏ bớt đi những đối tượng đó, Giác Ngộ ở đây không phải nói về bốn sự thật, nhưng mình nhận định ra được mình đó là trước giờ mình để ý xem người này có tu hay không tu, nhưng bây giờ vấn đề của mình là mình xem mình có tu hay mình tu vấn đề đó được chưa, hay mình chưa thực hiện được cách tu tập đó.
Một người mà thật sự có sự tu tập thì quý vị thấy rằng họ sẽ nhận định ra thiện pháp này mình đã làm được chưa và mình đã làm viên mãn chưa, người đó thường có sự quán tâm của mình, gọi là người có sự tu tập.
Còn người mà chỉ nhìn ở bên ngoài, ví dụ như nhìn đối tượng bên ngoài như thế này, như thế kia, thì có lẽ chuyện đó mình bị sai rất nhiều.
Đối với sự nhìn lại trong tâm của mình, mình biết được thói quen của mình hay phiền não của mình, v…v, thì điều này rất khó mà nhìn được. Vì sao vậy? Vì thói quen chúng ta thường bắt cảnh bên ngoài, nhìn đối tượng bên ngoài, là do sự huân tập. Nhưng ngày hôm nay khi mình gặp được Giáo Pháp này thì từ từ mình phải chỉnh sửa lại.
Câu Phật Ngôn Đức Phật nói rằng: “Dầu lợi người bao nhiêu chớ quên phần tự lợi”
Có nghĩa là phải chuyên tâm về sự lợi ích của mình, không có nghĩa là mình bỏ mặc tha nhân, nhưng những điều đó trước nhất là chúng ta phải tu tập cho bản thân mình trước. Cũng như quý vị thấy rằng, trong Phật Giáo, tự giác và giác tha, có nghĩa là khi chúng ta tu tập, chúng ta có sự hiểu biết rồi, thì tha nhân, “giác tha” là những người xung quanh của chúng ta, khi người ta cần thì mình có sự nhiệt tình, mình chia sẻ những sự hiểu biết đó lại, thì người đó gọi là có sự tự giác, giác tha ở trong cấp độ bình thường, ở trong đời sống bình thường.
Vậy thì ở trong câu thảo luận này, theo ý của chúng tôi là đối với sự nhìn nhận trong tâm của mình là khó, còn nhìn vào tâm người khác, nhìn vào hành động, sai hay đúng của người khác thì thường dễ bắt gặp, dễ đánh giá những điều đó, nhưng ở trong tâm của mình là khó đánh giá. Vì sao vậy? Vì tâm của chúng ta luôn bị phóng túng ở bên ngoài, luôn luôn bắt cảnh ở bên ngoài. Do đó không có sự Chánh Niệm ở trong tâm. Do vậy rất khó nhìn thấy những phiền não hay thói quen ở trong tâm của mình.
No comments:
Post a Comment