Hỏi: Tâm pháp và sắc pháp đều được xem “giả hợp”. Hiểu như thế nào gọi là chính xác theo Phật học?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 23-7-2013, Thiên Ân chuyển biên, Minh Hạnh hiệu đính.)
TT Pháp Tân: Trong Phật Pháp, đặc biệt là trong A Tỳ Đàm, danh pháp và sắc pháp đều là giả hợp bởi vì như trong kinh chúng ta được biết Đức Phật Ngài nói rằng các pháp đều là do duyên và do duyên giả hợp tạo thành.
Ví dụ mình nói rằng sắc pháp do nghiệp sanh, do thời tiết sanh, do tâm sanh, do vật thực sanh. Khi mình nói tâm pháp của mình đều do nhiều nguyên nhân sanh ra chứ không đơn thuần thì danh pháp đều là giả hợp vì có đủ duyên.
Ví dụ tâm nương vào mắt biết được cảnh sắc, do có cảnh sắc, do có tâm nương vào mắt thì ba pháp đó hợp lại, ngoài ra còn cần ánh sáng, rồi mới tạo được sự thấy của một người nhìn thấy được cảnh vật. Như vậy nó có ba nhân chính rồi có sự tác ý trong đó. Tâm của mình tác ý mình mới thấy được.
Tương tự như vậy, nghe cũng vậy, nghe không phải tự nhiên mà mình nghe, cũng phải có âm thanh phát ra, cũng phải có lỗ tai, nhĩ vật của chúng ta, rồi cũng phải có tâm nương vào lỗ tai, rồi có khoảng không gian từ âm thanh phát ra cho đến lỗ tai, hoặc có sự chú ý mình mới có thể nghe được. Như vậy các pháp đều do duyên. Trong Phật Pháp, đặc biệt là trong kinh, chúng ta được tìm hiểu những điều này từ trong Luận Tạng, từ trong A Tỳ Đàm thì chúng ta biết được rằng các pháp đều do giả hợp, bao gồm danh pháp và sắc pháp.
Đối với người tu Phật, thường chúng ta bị ngã chấp vào sắc uẩn là tôi, tôi là sắc uẩn, sắc uẩn có trong tôi, tôi có trong sắc uẩn, thọ uẩn có trong tôi, tưởng uẩn có trong tôi, tôi có trong thọ uẩn v…v. Do ngã chấp đó sanh lên trong tâm mình, cho nên từ đó mình mới có ngã chấp liên quan đến ngã chấp thủ, mà chúng ta biết rằng, ái cực mạnh tạo ra thủ, đó có thể là dục thủ, kiến thủ, ngã chấp thủ, hoặc giới cấm thủ. Như vậy ở đây, ngã chấp thủ sanh bắt nguồn từ ái mà ra.
Trong Thập Nhị Nhân Duyên, Đức Phật dạy rằng ái duyên cho thủ, ái phát triển mạnh, tăng trưởng mạnh thì thủ sẽ sanh và do vậy trong Phật Pháp để hiểu vấn đề nhìn về danh pháp và sắc pháp này cho chúng ta thấy rằng “giả hợp” vì chúng ta nhìn mọi vật cả danh pháp và sắc pháp đều do duyên, do duyên thì hình thành, do duyên thì tan rã, do duyên thì hợp lại, do duyên thì mất đi, tất cả đều do nhân duyên và các điều kiện để phụ trợ, để hợp thành chứ không bao giờ có gì trường tồn, bền vững hoặc độc lập duy nhất được mà đều do các duyên trợ thành, hợp thành mới thành được.
Ví dụ, thân của chúng ta là thân tứ đại thì trong đó có đất, nước, lửa, gió.
- Cái gì cứng hoặc mềm thì chúng ta hiểu là đất. Xương, thịt là đất.
- Cái gì di chuyển căng phồng, đó là gió, là hơi thở lên xuống ra vào của chúng ta hoặc các mao mạch của chúng ta lên xuống tạo hơi thở lên xuống, thì đó là gió.
- Hơi nóng, hơi ấm trong cơ thể chúng ta gọi là lửa.
- Cái gì mang tính chất đượm ướt? Trong cơ thể của chúng ta như máu, chất nước trong cơ thể chúng ta được xem là nước.
Nhưng không phải chỉ có đất, nước, lửa, gió không mà còn những sắc phụ thuộc khác, mà chúng ta biết người nam thì có sắc nam tính, người nữ thì có sắc nữ tính. Trong mỗi tế bào của chúng ta có sắc giao giới giữa tế bào này và tế bào khác, nó có khoảng trống, và khoảng trống đó được gọi là sắc giao giới. Tương tự như vậy còn có sắc thần kinh, thần kinh nhãn, thần kinh nhĩ, thần kinh tỷ, thần kinh thiệt, thần kinh thân v…v, như vậy nó không bao có gì độc lập duy nhất của nó mà chúng ta gọi là tôi, hay ta, hay tự ngã trong đó.
Do vậy, nhìn theo Phật Pháp thì sắc pháp của chúng ta đều là “giả hợp” để chúng ta bỏ bớt ngã chấp, bỏ bớt ái tham đối với thân của mình, đối với tự ngã của chính mình, rồi chúng ta nhìn vào danh pháp tức danh pháp của chúng ta sinh diệt một cách liên tục và tâm chỉ biết cảnh, còn các tâm sở phụ thuộc vào đó để sanh chung và đồng sanh vào trong đó để biết được cảnh đó thì nó không bao giờ độc lập một mình mà nó đều do nhân duyên, do điều kiện để tạo thành, cho nên hình thành nên sự thấy, hình thành nên sự nghe, hình thành nên sự ngửi, sự nếm, sự đụng hoặc sự suy tư đều do các pháp lập thành, đủ duyên thì các pháp hợp thành, tạo thành sự thấy, sự nghe, sự ngửi, sự nếm, sự đụng, và khi không có duyên thì các pháp tan rã và nó không có sự hợp thành đầy đủ thì nó cũng không hình thành nên sự thấy, sự nghe, sự ngửi, sự nếm, sự đụng.
Chúng ta học Phật Pháp là để hiểu các pháp, danh pháp và sắc pháp đều là “giả hợp”. Pháp đó gọi là pháp hữu vi, mà pháp hữu vi có điều kiện để tạo thành, có nhân duyên để tạo thành và cũng do nhân duyên mà đi đến sự tan rã, nên chúng ta hiểu như vậy để chúng ta bỏ bớt ngã chấp, bớt ái tham tự thân hay liên quan đến ngã chấp thủ, liên quan đến dục thủ, ái tham trong các cảnh trần, trần cảnh như sắc, thinh, khí, vị, xúc v…v.
No comments:
Post a Comment